Menu Close

Quyền lợi của người thừa hưởng khi người viết di chúc còn sống

Tình cảm ruột thịt trong gia đình cũng tan thành mây khói khi quyền lợi vật chất bị ảnh hưởng. Ðiều đó xảy ra thường xuyên trong những vụ án mà tòa di chúc (probate court) phải giải quyết.  Ðiển hình là vụ án giữa bà Agnes Andreas và hai vợ chồng người cháu ngoại Una & George Henneke vào năm 1971.

Hai vợ chồng bà Agnes là chủ một nông trại rộng 158 hecta ở quận hạt Fayette. Họ sống và làm lụng ở nông trại đó với 3 người con, Frank, Emma và Viley. Khi con cái họ trưởng thành và lập gia đình thì chỉ có người con gái giữa là Emma và chồng Emma là chịu ở lại nông trại và làm việc phụ giúp bố mẹ. Rồi khi hai vợ chồng Emma có cô con gái là cô Una Mae lớn lên cũng tiếp tục truyền thống nghề nông của gia đình. Ngay cả chồng cô Una Mae là George cũng cần cù công việc đồng áng phụ giúp gia đình vợ.

Ngày 26 tháng 11, năm 1951, hai vợ chồng bà Agnes hoàn tất một hồ sơ di chúc với nội dung như sau: “Chúng tôi để lại tất cả tài sản cho người phối ngẫu còn sống. Khi một trong hai chúng tôi qua đời, người phối ngẫu có quyền bán, thế chấp, cho hoặc tặng những tài sản này bất cứ lúc nào. Và khi cả hai chúng tôi qua đời, tất cả tài sản còn lại sẽ được chia đồng đều cho 3 người con của chúng tôi, Frank, Emma, Viley (vợ của Louis).”

Una vẫn sống và làm việc ở nông trại mà ông bà Agnes làm chủ. Sức khỏe của ông bà Agnes càng ngày càng yếu, và cô Una cáng đáng tất cả công việc thay cho ông bà Agnes. Ngay cả sau khi cô lập gia đình với ông George vào năm 1959 và dọn về thành phố Fayetteville, hai vợ chồng cô vẫn tiếp tục thường xuyên đến thăm ông bà Agnes và làm tất cả những việc cần thiết để chăm sóc nông trại của ông bà ngoại Agnes.

Tháng 4, năm 1963, hai vợ chồng bà Agnes nhờ cô Una chở đến một văn phòng luật sư ở La Grange để làm một tu chính bản của hồ sơ di chúc. Trong đó hai vợ chồng bà Agnes thêm vào rằng ngoài hồ sơ di chúc họ đã hoàn tất vào ngày 26 tháng 11, năm 1951, họ muốn thêm vào phần cho hai vợ chồng cô Una được quyền mua lại nông trại khi cả hai ông bà Agnes đều qua đời. Và giá tiền họ mua là $25,000, một giá thấp hơn giá thị trường rất nhiều.

Chồng bà Agnes qua đời vào ngày 11 tháng 11, năm 1965. Ngay sau đó hồ sơ di chúc đã được nộp với tòa để được chính thức công nhận. Bà Agnes được chỉ định là thi hành viên của hồ sơ di chúc đó, và bà đã bán một vài tài sản thừa hưởng mà không bị tranh chấp ở đây. Sau khi chồng bà qua đời, bà Agnes về ở cùng với gia đình của cô Una, lúc đó đã dọn về thành phố Houston.  Bà Agnes ở đó một thời gian dài đến khi cô Una ngã bệnh không thể tiếp tục chăm sóc bà Agnes. Bà đành dọn về ở chung với người con trai cả và bà muốn bán nông trại ở quận hạt Fayette để có tiền trang trải chi phí. Từ đó việc tranh chấp chủ quyền đã xảy ra.

Tòa án của quận hạt trong vùng quyết định rằng hồ sơ di chúc ban đầu và tu chính bản thực hiện sau này cho phép bà Agnes bán nông trại trong khi bà còn sống mà không bị cản trở bởi bất cứ giới hạn nào. Và quyền hai vợ chồng cô Una có thể mua lại nông trại này với giá rẻ sau khi cả hai vợ chồng bà ngoại cô qua đời hoàn toàn bị vô hiệu hóa khi bà ngoại cô quyết định bán nông trại khi bà ngoại cô còn sống. Luật sư của cô Una đã kháng cáo lên tòa cao hơn và biện minh rằng tòa án quận hạt trong vùng đã xử sai vì từ cho (grant) trong tu chính bản chung giữa hai vợ chồng bà Anges là một hợp đồng và nó là một quyền lựa chọn mua nông trại vô điều kiện của hai vợ chồng cô Una được trao tặng mà ông bà ngoại cô không có quyền thay đổi, đặc biệt là khi một người đã qua đời vì hồ sơ di chúc làm chung của ông bà là một bản hợp đồng hữu hiệu mà nếu thay đổi phải có sự chấp thuận của cả hai người. Và điểm cuối cùng, là khi bà ngoại cô nộp cả tờ di chúc và tu chính bản cho tòa để được hưởng quyền lợi dựa vào hai giấy tờ đó thì có nghĩa là bà đã công nhận sự hữu hiệu của tất cả điều khoản trong cả hai giấy tờ.

Sau khi lắng nghe lý luận của cả hai bên, tòa kháng cáo quyết định rằng quyền lợi của người được thừa hưởng trong một tờ di chúc chỉ thực sự được công nhận sau khi người viết di chúc qua đời. Trong thời gian người viết di chúc còn sống, người viết di chúc có thể đổi ý nguyện và viết lại di chúc bất cứ lúc nào. Do đó quyền được mua lại nông trại với giá rẻ chỉ có thể xảy ra nếu cả hai ông bà ngoại cô Una qua đời và trước khi qua đời họ không thay đổi điều khoản đó trong hồ sơ di chúc của họ.

Luật sư của vợ chồng cô Una cũng yêu cầu tòa làm rõ ý nghĩa của hồ sơ di chúc và tu chính bản của cả hai ông bà ngoại cô khi ông ngoại cô Una còn sống. Tòa từ chối với lý do là tòa chỉ can thiệp và cố gắng hiểu ý nguyện của người mất khi hồ sơ di chúc có những từ ngữ không rõ ràng và người viết di chúc đã qua đời. Trong trường hợp này, tòa cho rằng ngôn ngữ của di chúc không cần tòa phải tìm hiểu thêm để giảng giải hay làm sáng tỏ điều gì, và bà ngoại cô cũng còn sống để nói lên ý nguyện của hai ông bà. Tu chính bản của ông bà ngoại cô Una được dùng để bổ sung ý nguyện của ông bà ngoại cô chứ không hề làm vô hiệu hóa hồ sơ di chúc trước đó. Ðồng thời từ ngữ trong tu chính bản cũng không hề giới hạn quyền thay đổi của bà ngoại cô hay tước đi quyền thừa kế của bà sau khi chồng bà qua đời. Cả hai giấy tờ liên quan đến di chúc mà ông bà ngoại cô hoàn tất đều khẳng định rằng người phối ngẫu của họ là người đầu tiên được ưu tiên thừa hưởng khi một trong hai người qua đời. Trong trường hợp cả hai đều qua đời mà người còn lại vẫn còn chủ quyền của nông trại thì hai vợ chồng cô Una mới có quyền mua nông trại đó với giá tiền $25,000, dù đó là giá thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Trong di chúc cũng như tu chính bản không hề có bất cứ từ ngữ nào đề cập đến quyền thay đổi của người phối ngẫu khi một trong hai người qua đời. Mà không đề cập đến có nghĩa là không hề có sự giới hạn. Lý do đó dựa trên ngôn ngữ của hồ sơ di chúc và tu chính bản tòa đã có thể giải quyết vấn đề mà không cần phải đi vào vấn đề có một sự thỏa thuận hợp đồng nào của hai ông bà ngoại cô Una hay không khi họ cùng làm một tờ di chúc chung. Lý do đó tòa kháng cáo đã công nhận cách xử của tòa dưới quyền.

Rất nhiều khách hàng đến với văn phòng luật muốn làm một tờ di chúc chung cho cả hai vợ chồng để tiết kiệm tiền. Tuy nhiên vì những vụ án tranh chấp xảy ra thường xuyên khi hai vợ chồng làm chung một di chúc nên quan tòa khuyến khích tránh làm di chúc chung vì khi một người qua đời thì người phối ngẫu có thể sống nhiều năm sau đó, và cuộc sống có thể thay đổi mà con người ta không lường trước được. Chẳng hạn có thể người phối ngẫu còn sống muốn bán đi căn nhà và dọn vào sống chung với một trong các người con, hoặc bán đi để giúp một đứa con trang trải chi phí học, hoặc có thể là ban đầu hai vợ chồng dự tính chia đều cho các con, nhưng sau đó một đứa đối xử với người còn sống lại tệ bạc hay vợ người con đó không tốt. Cuối cùng từ việc tiết kiệm mà dẫn đến những tranh chấp của những người còn sống gây tốn kém gấp bội và sứt mẻ tình cảm trong gia đình. Ngoài ra, việc làm di chúc chung cũng dẫn đến việc khai thuế thêm phần phức tạp. Do đó khi đã nghĩ đến chuyện hậu sự thì chúng ta nên lo cho trót để tránh gây phiền toái cho người còn sống sau này.

Ls. Anh Thư