Sau nhiều tháng chờ đợi, cuối cùng bộ phim tài liệu đồ sộ mang tên “The Vietnam War” đã được trình chiếu trên đài PBS (Public Broadcasting System) vào hai tuần lễ cuối tháng 9, 2017. Bộ phim 10 tập dài 18 tiếng đồng hồ đã tạo sự chú ý của nhiều người – Mỹ cũng như Việt, và gây không ít bàn tán trên truyền thông và mạng xã hội.
Đề Ngạn
Ngoài phiên bản tiếng Anh chiếu trên TV, một số phiên bản khác cũng được phổ biến trên trang web của PBS, kể cả bản tiếng Spanish và bản có phụ đề Việt-ngữ. Trong nước thì lúc đầu người dân có thể xem phim này trên trang pbs.org, nhưng gần đây nghe nói đường link đã bị chặn từ Tập 7 (1968-1969) trở đi. Tuy nhiên, nhờ toàn bộ bản tiếng Việt đã được tải lên Youtube nên người quốc nội cũng như ở những nước không link được vào trang PBS (như ở Úc) vẫn có thể xem được phim tương đối dễ dàng.
Nói tóm tắt, đây là một cuốn phim do người Mỹ làm, cho người Mỹ xem, về đất nước và người dân Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam. Các nhân vật chính là người Mỹ, nhưng cũng có sự xuất hiện của một số nhân vật phụ người Việt, đa phần đến từ miền Bắc.
Ken Burns và đồng-đạo-diễn Lynn Novick đã bỏ nhiều công sức và thời gian (gần 10 năm) để hoàn tất bộ phim tốn kém này ($30 triệu đô la). Ngoài những tài liệu lịch sử được gom góp từ các kho lưu trữ quốc gia, họ còn phỏng vấn một số nhân chứng sống. Những người này thuộc nhiều thành phần – từ người cầm súng đến người phản chiến, từ phóng viên chiến trường đến nhân viên CIA, từ bộ đội Bắc Việt đến cựu quân nhân VNCH, v.v… Cả thảy có đến gần 80 người, tạo nên một bức tranh khá sống động với nhiều góc nhìn khác nhau về cuộc chiến.
Ðối với khán giả Mỹ, có thể đây là lần đầu tiên họ được nghe trực tiếp từ những người từng là “kẻ thù” của họ hay của cha ông họ. Còn đối với khán giả Việt, có thể đây cũng là lần đầu họ được xem những thước phim về nước Mỹ trong thời chiến-như các cuộc tranh luận trong Quốc Hội Hoa Kỳ, các gia đình Mỹ có con tham chiến và tử trận, những người phản chiến (trong đó có cựu chiến binh sau khi trở về), thậm chí cả những người trốn lính chạy sang Canada. Nói tóm lại, phim này có nhiều điều đáng cho ta suy gẫm, khám phá và học hỏi.
Tuy nhiên, nhìn từ khía cạnh lịch sử khách quan thì bộ phim đã mắc phải một số lỗi lầm nghiêm trọng về bối cảnh lịch sử của Việt Nam trước khi người Mỹ nhảy vào – Tập 1 (1878-1945). Về đề tài này đã có vô số phê bình gia phản hồi trên các đài, báo Việt-ngữ như BBC Tiếng Việt, VOA v.v… Ai cũng nhận thấy sự ngây ngô trơ trẽn của Burns/Novick khi mô tả Hồ Chí Minh là một nhà ái quốc tên… Nguyễn Ái Quốc – thật ra là tên chung của một nhóm trí thức yêu nước ở Pháp trong đó có cụ Phan Chu Trinh, LS Phan Văn Trường… mà về sau bị Nguyễn Tất Thành “mượn làm tên riêng”. Ken Burns không hề nhắc một chữ đến hai nhân vật vô cùng quan trọng khác là vua Bảo Ðại và Trần Trọng Kim – vị Thủ tướng đầu tiên của chính phủ Việt Nam sau khi được Nhật trao trả độc lập. Ken Burns chỉ chiếu cảnh dân chúng tụ tập ở quảng trường Ba Ðình để nghe Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập trong cuộc chính biến mùa Thu, tạo ấn tượng đây là một cuộc “cách mạng nhân dân” nhưng thực chất là một vụ “cướp chính quyền” như CS đã tự nhận mấy chục năm nay.

Cũng vậy, Burns đã tô vẽ Việt Minh như một tổ chức độc quyền kháng Pháp giành độc lập mà không nhắc gì tới những người không theo cộng sản đã bị Việt Minh lừa gạt, phản phé hoặc tiêu diệt như Lý Ðông A, Phan Bội Châu và vô số người yêu nước khác. Chẳng lẽ sau bao nhiêu năm nghiên cứu, Ken Burns và đội ngũ của ông vẫn không biết Việt Minh là ai? Chỉ cần giở cuốn “Một Cơn Gió Bụi” (1949) của Trần Trọng Kim ra đọc vài trang là biết ngay!
Nhưng Ken Burns đã không dừng ở đó. Sang Tập 2 ông ta tiếp tục tuyên truyền một chiều về nền Ðệ-Nhất Cộng-Hoà dưới trào Ngô Ðình Diệm. Mặc dù từng được Lyndon Johnson gọi là “Winston Churchill của Việt Nam”, ông Diệm qua sự uốn nắn của Ken Burns và tác giả Geoffrey Ward, đã được biến thành một nhà độc tài sắt máu. Ðàn áp đối lập dã man đã đành, ông ta còn nghe lời em mình là Ngô Ðình Nhu ép buộc nông dân bỏ nhà bỏ cửa để gom họ vào các ấp chiến lược, gây biết bao khổ sở cho người dân dù đó là một chiến thuật chống CS đã được người Anh áp dụng ở Mã Lai. Ấp Chiến Lược thời chính phủ Ngô Ðình Diệm thật sự là một thành công cả về xã hội lẫn chiến thuật: ấp làng sạch sẽ khang trang, Việt Cộng núp lén trong dân bị lộ mặt khiến Việt Cộng rất căm nên tuyên truyền là “đồng bào miền Nam bị kềm kẹp trong các ấp chiến lược”. Ken Burns cũng quên không chiếu cảnh Việt Cộng đến đâu dân ta chạy tới đó.
Không những phớt lờ các vụ CS khủng bố ở Sài Gòn, Burns cũng không nói gì hết về những thành tựu kinh tế, văn hoá, giáo dục trong những năm 56-60, thời kỳ nhiều người lớn tuổi vẫn hay gọi là “thời hoàng kim” của VNCH, khi Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chưa ra đời và sự hiện diện của người Mỹ tại Việt Nam còn rất ít ỏi.
Phong trào Phật Giáo xuống đường cũng được nhà làm phim khai thác triệt để, với đầy đủ những thước phim quen thuộc như vụ “tự thiêu” trá hình của Thích Quảng Ðức, những phát biểu không thuận tai của bà Ngô Ðình Nhu v.v., v.v. và v.v. Thế nhưng Ken Burns không hề đả động tới thành phần CS nằm vùng trong hàng ngũ sư sãi thời bấy giờ, cũng như không hề nhắc tới bàn tay lông lá của CIA đằng sau các vụ xuống đường, kích động quần chúng, chiêu dụ các tướng lãnh đảo chánh. Ngày nay, nhờ một số tài liệu đã được giải mã người ta mới biết rằng Mỹ đã muốn hạ bệ ông Diệm từ những năm 1955 chứ không phải đợi đến 1963. Nên nhớ trước đó cũng đã có một cuộc đảo chánh hụt vào năm 1960. Thử hỏi, ai là người đứng sau lưng những vụ này nếu không phải là Mỹ? Tại sao Ken Burns không biết chuyện đó, hoặc nếu biết sao không dám nói ra mà cứ nhai đi nhai lại bài bản cũ mèm, nào là họ Ngô độc tài, tham nhũng, gia đình trị v.v…?
Burns cũng không cho khán giả biết rằng sau khi hai anh em họ Ngô bị giết và chương trình Ấp Chiến Lược bị chính phủ lâm thời của Dương Văn Minh (Big Minh) hủy bỏ thì Việt Cộng đã tái chiếm nông thôn và tiếp tục khủng bố dân lành. Và dĩ nhiên Ken Burns cũng lờ luôn việc Big Minh có người em là CS nằm vùng từng bị chính quyền Ngô Ðình Diệm gài bắt bỏ tù. Thật tình mà nói, nếu phải kể hết những chi tiết lịch sử quan trọng đã bị Ken Burns bỏ sót hay bóp méo trong cuốn phim này, do vô tình hay cố ý, thì có lẽ sẽ mất ít nhất vài chục trang giấy. Trong khuôn khổ bài báo này chúng tôi chỉ có thể trưng ra một vài thí dụ để làm chứng.

Dù gì chăng nữa, đây vẫn là một cuốn phim đáng xem, cần xem, và phải xem.
Ðáng xem là vì Ken Burns là một đạo diễn dày dặn kinh nghiệm với kỹ thuật làm phim điêu luyện. Cách ông dàn dựng cốt truyện, sắp xếp nội dung, phỏng vấn các nhân vật, thậm chí chọn lựa âm nhạc đều rất tỉ mỉ, công phu. Từ Tập 3 trở đi cho đến Tập 10, Ken Burns chứng tỏ những lời ngợi khen của thiên hạ xưa nay về tài làm phim của mình đều có cơ sở. Ngay cảnh mở đầu với những đoạn phim ngược chiều thời gian cũng là một nét phác hoạ táo bạo độc đáo. Cách ông ghép những lời nói của nhân chứng vào giữa các đoạn phim về những cuộc giao tranh hay các cuộc biểu tình đã giúp người xem cảm nhận và thẩm thấu sự kiện một cách gần gũi hơn. Câu chuyện về một gia đình Mỹ có người con trai tình nguyện vào quân ngũ để rồi hy sinh trong chiến trường đã được lồng vào toàn bộ cuốn phim từ đầu tới cuối một cách nhẹ nhàng nhưng lôi cuốn, điềm tĩnh nhưng cũng rất thương tâm.
Là người Việt chúng ta cần xem phim này để hiểu thêm về người Mỹ và cách nhìn của họ về cuộc chiến. Chẳng hạn như sau một trận đánh nọ, người Mỹ chỉ bốc thương binh của họ đi và bỏ thương binh Việt lại. Hoặc là suy nghĩ của một số binh sĩ Mỹ khi họ tự nguyện sang Việt Nam tham chiến trước khi có lệnh động viên toàn quốc vì họ tin rằng đó là bổn phận bảo vệ đất nước (Mỹ) tránh hiểm họa CS. Hoặc tâm tư của thân nhân những người lính Mỹ bỏ mình tại một xứ sở lạ lẫm, xa xôi nào đó mà họ không rõ tại sao phải chết và chết cho ai. Hoặc mối liên hệ giữa cuộc chiến ở Việt Nam với phong trào đòi bình đẳng của người da đen mà người Việt ít ai để ý quan tâm. Bộ phim giúp ta có cái nhìn rõ nét về tình hình chính trị và xã hội Mỹ thời đó hơn là chỉ đọc tài liệu trong sách vở. Nhất là khi ta được nghe những mẩu đối thoại giữa các vị tổng thống Mỹ với Bộ trưởng McNamara hay Ngoại trưởng Kissinger, bàn mưu tính kế phản bội đồng minh với những từ ngữ sặc mùi kỳ thị chủng tộc, v.v…
Và trên hết, chúng ta phải xem bộ phim này vì nó đánh động đến tâm tư chúng ta. Nó cho ta thấy còn nhiều việc chúng ta cần phải làm, phải nói, phải điều nghiên thêm về cuộc chiến nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn đã cướp mất ba triệu sinh linh của người Việt khắp ba miền – chưa kể tới người láng giềng Lào cũng tội nghiệp không kém.
Cuốn phim của Burns tuy rất là hay nhưng lại vô cùng nguy hiểm, bởi vì nó có thể gieo vào đầu óc bao nhiêu thế hệ người Mỹ từ nay về sau những hình ảnh vô cùng sai lạc về cuộc chiến, nhất là về VNCH. Rõ ràng một điều, sau bao nhiêu năm cái nhìn của người Mỹ về đồng minh Nam Việt Nam vẫn không mấy thay đổi. Ðối với nước Mỹ và nhiều người Mỹ, cuộc chiến Việt Nam chỉ xảy ra giữa họ với phe cộng sản. Còn quân lực VNCH và người dân miền Nam chỉ đóng vai phụ. Bằng chứng là tất cả những nhà văn người Việt được phỏng vấn trong phim đều là người của “bên thắng cuộc”. Trong khi đó ngay bên Mỹ có biết bao nhiêu nhà văn của miền Nam lẽ ra cũng nên mời tham gia nếu Ken Burns thật sự muốn có cái nhìn toàn diện hơn.
Ðể kết thúc bộ phim, Ken Burns đã khéo léo đưa ra thông điệp “hoà hợp hoà giải”. Ðây là một tính toán khôn ngoan và chắc chắn được nhiều người hoan nghênh bởi vì người Mỹ rất muốn bỏ sau lưng cái họ gọi là “hội chứng Việt Nam” để hàn gắn những vết thương do cuộc chiến gây ra. Rất tiếc cho người Việt chúng ta, đối với Ken Burns và phần đông khán giả của ông “hoà giải” chỉ có nghĩa là Hoa Kỳ bắt tay với kẻ cựu thù của họ, tức Việt Nam CS. Dù rằng người Mỹ đã từng có một cuộc nội chiến Nam-Bắc khủng khiếp mà chính Ken Burns đã làm một bộ phim rất nổi tiếng về nó tên “The Civil War”, nhưng lạ lùng thay trong “The Vietnam War” Ken Burns đã không đề cập gì đến nhu cầu hoà giải của người Việt ở hai đầu ngọn súng. Trong phim, nhà văn Nguyên Ngọc cũng công nhận hiện nay giữa người Việt với nhau đang có một sự chia rẽ sâu sắc. Chẳng lẽ một đạo diễn bén nhạy như Ken Burns nghe mà không hiểu, nhìn mà không thấy điều này?
Dù gì chăng nữa, nhờ bộ phim này mà người Việt coi ké có cơ hội xem người Mỹ nhìn cuộc chiến và nhìn chúng ta bằng cặp mắt ra sao. Về phần mình, hy vọng những tranh luận đúng sai về bộ phim này sẽ là động lực thúc đẩy các nhà viết văn, các nhà làm phim trong cũng như ngoài nước làm một cái gì đó tích cực và thiết thực hơn để con cháu đời sau biết được chuyện gì đã xảy ra trong cuộc nội chiến của cha ông mình.

Riêng tại nước Mỹ, hy vọng người Mỹ gốc Việt sẽ lên tiếng rộng rãi và mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông đại chúng để chỉnh sửa những nhận xét sai lầm của người Mỹ xưa nay về người đồng minh Nam Việt Nam của họ, để cho giới trẻ Mỹ cũng như Việt hiểu rằng tuy Ken Burns đã rất cố gắng nhưng “The Vietnam War” vẫn chưa phải là một bộ phim lịch sử về chiến tranh Việt Nam hoàn chỉnh. Nếu muốn hiểu rõ ngọn nguồn của cuộc chiến để tránh đi theo vết xe cũ, người dân Mỹ sẽ còn cần rất nhiều những thông tin không bị “sàng lọc” bởi các thế lực vô hình bên trong guồng máy chính quyền và sau lưng giới truyền thông. Nhưng riêng về mặt điện ảnh, bộ phim này vẫn là một câu chuyện khá cảm động về sự tham chiến của người Mỹ tại Việt Nam, tạm dịch là “America’s War in Vietnam”.
ĐN