Menu Close

Ẩn uất của những kẻ giết người

Stephen Paddock, kẻ thực hiện cuộc thảm sát man rợ tại Las Vegas ngày 1-10-2017, có những đặc điểm phù hợp với loại tội phạm cuồng trí cô độc (cảnh sát đã phát hiện 47 khẩu súng tại ba địa điểm liên quan Paddock; “sưu tập” súng từ năm 1982; Paddock đã mua 33 khẩu chỉ riêng năm ngoái) - ảnh: Getty Images
Stephen Paddock, kẻ thực hiện cuộc thảm sát man rợ tại Las Vegas ngày 1-10-2017, có những đặc điểm phù hợp với loại tội phạm cuồng trí cô độc (cảnh sát đã phát hiện 47 khẩu súng tại ba địa điểm liên quan Paddock; “sưu tập” súng từ năm 1982; Paddock đã mua 33 khẩu chỉ riêng năm ngoái) – ảnh: Getty Images

Những chi tiết về cuộc đời Stephen Paddock, kẻ gây nên cuộc thảm sát kinh hoàng tại Las Vegas, đã được báo chí đăng tải nhiều. Tất cả cho thấy đương sự có một cuộc sống không bình thường. Nó phù hợp với những đặc điểm của mẫu “tội phạm cuồng trí cô độc” mà giới nghiên cứu tội phạm học từng nêu…

“Sự thật là hiện tượng này xảy ra đối với tất cả nền văn hóa” – theo chuyên gia tâm lý tội phạm học Manuel L. Saint Martin, người từng nghiên cứu khoảng 50 vụ án tương tự (Washington Post) – “Nhưng nó thường xảy ra ở phương Tây và các nền văn hóa công nghiệp hơn là tại những hòn đảo Ðông Nam Á, nơi hiện tượng lần đầu tiên được ghi nhận”. “Cuồng trí là sản phẩm cuối cùng của rối loạn tâm thần khi người ta có hành vi giết người và tự sát” – Saint Martin nói thêm. Lịch sử tội phạm giết người hàng loạt thế giới từng có vô số điển hình tương tự Stephen Paddock.

Julio Arboleda-Flórez -chủ nhiệm khoa tâm lý Ðại học Queens (Canada) – nói rằng vụ Paddock cũng tương tự nhiều trường hợp mà ông từng khảo sát tại Bắc Mỹ, trong đó có vụ một sinh viên Ðại học Texas leo lên ngọn tháp ký túc xá và xả súng bắn chết 13 người bên dưới trước khi tự sát vào năm 1996. Gerald P. Koocher – cựu chủ tịch Hội tâm lý Hoa Kỳ – nói rằng Paddock có thể đã gánh chịu tình trạng rối loạn tâm lý với những tính chất tương tự bệnh tâm thần phân liệt, giống như Russell Weston – kẻ từng nã súng loạn tại trụ sở Quốc hội Mỹ năm 1998. Tổn thương não cũng có thể dẫn đến hành vi bạo động, đặc biệt khu vực thùy trước, nơi kiểm soát nhân tính. Tổng quát, theo các nhà tội phạm học thuộc FBI, hơn ½ kẻ thủ ác đều có tiền sử khủng hoảng tinh thần và 25% có vấn đề nghiêm trọng liên quan ma túy và rượu. Hầu hết đều có cảm giác bất lực và dùng hành vi bạo lực điên cuồng để bày tỏ thái độ cuồng loạn bị đè nén và điều này càng dễ xảy ra đối với những người trung niên mà trong gia đình từng có thành viên dính dáng tội phạm như trường hợp Paddock (bố ông từng bị tù và bị truy nã sau khi trốn tù) – theo nhà tâm lý William Pollack thuộc bệnh viện McLean ở Boston.

Russell Weston
Russell Weston

Tổng hợp hồ sơ lịch sử tội phạm giết người hàng loạt, có thể phác họa vài điểm: Họ có nhân cách đa dạng và việc giết người trở thành một trong những “khoái cảm” kỳ lạ. Việc giết người đối với họ được xem là phương cách bộc lộ uẩn khúc trong lòng, như cái van xả những u uất không thể bày tỏ hoặc những tham vọng không thể thực hiện. Ðầu tiên, họ có thể giết súc vật rồi sau đó giết người. Không như loại tội phạm giết người thông thường (để cướp của…), kẻ giết người hàng loạt xem hành động thủ ác của mình “thiêng liêng” hơn. Trong nhiều trường hợp, họ thường để lại “chữ ký” riêng biệt. Ðó là dấu ấn muốn khẳng định sự thành công.

Trường hợp của John Wayne Glover là ví dụ. Glover từng là nỗi kinh hoàng cho cư dân ở bãi biển phía Bắc Sydney (Úc) sau khi hắn giết chết 6 phụ nữ bằng búa. Sau khi thủ ác, Glover luôn sắp xếp lại quần áo các nạn nhân theo cách rất thô tục, dường như muốn nói rằng hắn đã cướp mất phẩm hạnh nạn nhân trước khi ra tay giết họ. Ðiều kỳ lạ là cuộc sống gia đình Glover rất bình thường, vợ con hắn không bao giờ hoài nghi nhân cách Glover. Thậm chí, khi những vụ án hắn gây ra được đăng tải trên báo, Glover còn nói với vợ rằng: “Anh hy vọng người ta sớm thộp cổ được tên này”… Trường hợp của Ivan Milat cũng kỳ lạ không kém. Ðối tượng của hắn luôn là khách du lịch (7 nạn nhân). Ðịa điểm gây án: luôn tại khu rừng Belanglo ở Nam Highlands thuộc New South Wales (Úc). Ðặc điểm nhân cách của hắn: không bao giờ uống rượu và hút thuốc cũng không!… Một cách tương tự, nạn nhân của Peter Sutcliffe thông thường là gái điếm và hắn luôn thực hiện hành động thủ ác bằng cách chẻ sọ nạn nhân bằng rìu. Ngoài ra, Sutcliffe còn giết sinh viên, một nhân viên văn phòng và một viên chức nhà nước.

John Wayne Glover
John Wayne Glover

Tội phạm giết người hàng loạt được chia thành ba loại chủ yếu:

  1. Loại bỏ trốn hẳn khỏi hiện trường;
  2. Loại quay lại nơi gây án để xem cảnh sát tiến hành điều tra như thế nào;
  3. Loại tự sát sau khi gây án.

Loại thứ nhất, thường có cuộc sống cô độc, ít giao tiếp, gặp nhiều khó khăn trong liên lạc xã hội, gây án tại những nơi gần nhà hoặc chỗ làm (giúp họ cảm thấy “an toàn” hơn). Thân nhân hay láng giềng thường đánh giá họ là kẻ dễ mến, trầm lặng. Sau khi gây án, họ không cần giấu xác nạn nhân và thường bỏ lại hung khí. Những kẻ giết người hàng loạt đều thú nhận rằng họ bị cảm giác sợ hãi và tâm trạng tự căm ghét mình sau khi gây vụ án đầu tiên. Nhưng sau đó, nỗi sợ hãi đó được thay thế bởi cảm giác thích thú ngày càng tăng trong những vụ kế tiếp.

Với loại hai, tâm lý họ phức tạp hơn, thường mang nhiều mặc cảm, căm ghét xã hội nhưng luôn khoác vẻ thân thiện bên ngoài. Ðiển hình là tên John Wayne Gacy (giết 23 bé trai), nhưng trước khi bị lột mặt nạ, lại là người được cộng đồng quý mến vì hay đóng vai hề tại những buổi tiệc sinh nhật trẻ em! Tội phạm loại này nhận thức rõ hành động mình gây ra và thật sự mãn nguyện sau khi thủ ác. Nơi gây án thường là địa điểm vắng vẻ nhưng rồi mang xác nạn nhân để ở chỗ dễ phát hiện. Hầu hết bọn họ có thói quen lấy vài đồ vật của nạn nhân với dụng ý bệnh hoạn là thỉnh thoảng xem lại để nhớ đến vụ án với cảm giác khoái trá. Chẳng hạn Jeffrey Dahmer. Sau khi giết 17 nạn nhân đồng tính nam, Dahmer luôn lấy mảnh sọ hay vài phần thân thể nạn nhân, cùng với những bức ảnh chụp nạn nhân sau khi bị giết. Cuối cùng, với loại ba (tự sát sau khi thủ ác, như trường hợp Stephen Paddock), hầu hết đều là những người có tâm tính kỳ quặc, có thể do yếu tố nào đó “đập” sâu vào tư duy từ khi còn bé, chẳng hạn chứng kiến cảnh giết súc vật.

Jeffrey Dahmer
Jeffrey Dahmer

Colin Wilson và Donald Seaman (tác giả quyển The serial killers) kết luận: “Hắn (tội phạm) bị dằn vặt bởi hình ảnh đường hầm, có nghĩa giống như bị mắc kẹt trong chính địa ngục riêng của mình. Chúng tôi hết sức cố gắng tìm hiểu làm thế nào mà hắn không nhận thức những gì mình làm là sai. Câu trả lời là hắn như người mộng du, có nghĩa dường như có ai đó đã chặt đứt mối liên kết giữa hắn với người khác trong thế giới xung quanh”…

MK