Cầu thủ NFL tiếp tục biểu tình
Sang tuần thứ sáu của mùa football, số cầu thủ biểu tình trong lúc chào cờ không nhiều như trước, nhưng không có vẻ gì những lời kêu gọi của chủ tịch hiệp hội NFL Roger Goodell hoặc lời đe dọa của chủ các đội banh đã làm ngưng được phong trào.

Tuần trước ông Jerry Jones, chủ đội Dallas Cowboys cho hay cầu thủ nào không đứng chào cờ sẽ không được chơi. Thế nhưng khắp các sân banh Chủ Nhật vừa rồi vẫn còn thấy một số cầu thủ tiếp tục phản kháng bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong khi đó, nhiều khán giả dọa sẽ tẩy chay không coi football nữa để trừng phạt các đội banh có cầu thủ biểu tình.
Mặt khác, ông Goodell thông báo NFL sẽ có một cuộc họp nữa giữa các chủ đội banh, đại diện liên đoàn cầu thủ và ban lãnh đạo NFL để tìm một giải pháp ổn thoả cho vấn đề ngày càng căng thẳng này.
Nhưng nhiều cầu thủ không tỏ vẻ gì sợ sệt. Sáu cầu thủ của đội San Francisco 49ers đã quỳ khi chào cờ trước trận đấu với Washington Redskins gần thủ đô nước Mỹ. Russell Okung của đội Los Angeles Chargers đã công khai đốc thúc đồng đội của mình tham gia biểu tình.
Trong khi đó, các hãng truyền hình tìm mọi cách để không chiếu những hình ảnh phản kháng. Chẳng hạn như trước trận Minnesota vs Green Bay, các cầu thủ của đội Greenbay Packers đã quyết định ủng hộ biểu tình bằng cách xích tay lại với nhau trong lúc chào cờ, nhưng TV đã nhanh tay đổi qua quảng cáo trước khi khán giả kịp nhìn thấy. Ở New Orleans, khán giả trong sân Super Dome đã la ó khi một số cầu thủ quỳ xuống (trước khi lễ chào cờ bắt đầu) để dành một phút tưởng niệm đến một viên cảnh sát da đen mới vừa tử nạn trong khi thi hành công vụ. Không ai rõ tại sao việc này cũng bị cho là “không yêu tổ quốc và bôi nhọ quốc kỳ”.
Ở sân Meadowlands tại New Jersey, cầu thủ của đội New York Jets đã còng tay lại với nhau khi chào cờ. Tại Boston, cầu thủ đội Patriots (Người Yêu Nước) của New England choàng tay trái lên vai đồng đội và để tay phải lên ngực khi chào cờ. Ngôi sao Marshall Lynch của đội Oakland Raiders vẫn tiếp tục phản kháng theo kiểu cũ, là ngồi im chứ không đứng lên trong lễ chào quốc kỳ. Russell Okung của đội Oakland thì đứng chào cờ như mọi người, nhưng lại giơ cao nắm đấm, v.v.
Nói chung, vụ việc vẫn chưa ngã ngũ, và coi mòi các hình thức phản kháng sẽ càng lúc càng sáng tạo hơn. Năm ngoái, lúc thủ quân Colin Kaepernick (da đen) của đội San Francisco 49ers bắt đầu phản đối các vụ cảnh sát kỳ thị người da màu bằng cách không chịu đứng lên để chào cờ, anh đã bị thiên hạ mắng nhiếc dữ tợn. Nhưng may nhờ có một cựu chiến binh Green Beret tên Nate Boyer (da trắng) quan tâm đến sự việc, gửi thư riêng mời Kaepernick đến gặp để nói chuyện. Cuối cùng hai bên đã đi đến một giải pháp rất hay, rất đẹp – thay vì ngồi trong lúc chào cờ thì hãy quỳ một gối để tôn trọng những chiến sĩ đã hy sinh cho đất nước.

Thế nhưng hành động này vẫn bị một số người cho là bôi nhọ quốc kỳ, và kết quả là Colin Kaepernick bị mất việc. Không những 49ers không ký hợp đồng với Colin mà không một đội banh NFL nào chịu mướn anh. Tuần vừa rồi, luật sư của Kaepernick cho hay họ đã đâm đơn kiện NFL vì các chủ đội banh có hành vi “cấu kết, thông đồng” (collusion) để thân chủ của họ không được ai mướn.
Vụ này sẽ còn kéo dài trong những ngày tháng tới và sẽ ảnh hưởng nhiều đến xã hội Mỹ vì dân Mỹ rất khoái xem thể thao, nhất là môn football. Nếu như phong trào này lan sang các bộ môn khác thì không biết hậu quả sẽ ra sao. Gần đây, một cầu thủ hockey cũng đã giơ nắm đấm trong lễ chào quốc kỳ, nhưng ít ai để ý vì môn chơi đó hầu như dành cho người da trắng. Nhưng nếu các đội bóng rổ cũng bắt chước theo thì có lẽ sẽ có sóng gió, vì 95% cầu thủ là da đen, và khán giả Mỹ đen rất là đông.
Một số đội thể thao ở Âu Châu cũng đang theo dõi vụ này. Tuần rồi một đội bóng đá ở Ðức đã quỳ gối trong lễ chào quốc kỳ, như một lời hiệp thông gởi đến nước Mỹ và dân Mỹ.

Bóng chày và Puerto Rico
Mùa baseball playoff năm nay khá gay cấn. Phía bên American League là hai đội Houston Astros và New York Yankees. Bên National League là trận thư hùng hai năm liên tiếp giữa Los Angeles Dodgers và Chicago Cubs. Ai thắng sẽ được đấu trong giải World Series.
Năm ngoái Cubs đánh bại Dodgers và đoạt giải quán quân World Series (WS) sau khi hạ gục Cleveland Indians mặc dù bị gác trước 3-1 (WS có 7 trận tối đa, ai tới 4 trước thì thắng). Ðã hơn 108 năm Chicago chưa thắng WS cho nên giới thể thao theo dõi giải này rất kỹ. Sau khi gỡ huề 3-3 với Cleveland, Game 7 tại sân nhà của Cleveland đã phải kéo dài sang 10 inning vì sau 9 inning hai bên vẫn bất phân thắng bại, huề điểm 8-8. Nhưng cuối cùng Cubs đã làm nên lịch sử với số điểm 9-8, dân Chicago vui mừng như chưa từng thấy.
Năm nay Dodgers là đội đứng đầu bảng của National League nên sẽ khó mà Cubs có thể lọt vào World Series hai năm liên tục. Ðã vậy, lúc gần cuối mùa Los Angeles đã kéo được Yu Darvish, tay pitcher số một của đội Texas Rangers, về phe mình thành thử Dodgers đã mạnh lại càng mạnh thêm. Rất nhiều người muốn thấy Los Angeles, và nhất là Yu Darvish chơi trong World Series kỳ này.

Bên American League thì Houston Astros là đội mạnh nhất từ đầu mùa đến cuối mùa, nhưng đã 16 năm nay Houston chưa lọt vào được World Series (và cũng chưa thắng giải này bao giờ). Ngược lại, New York Yankees có một lịch sử lâu đời và đã thắng World Series cả thảy 27 lần, lần cuối vào năm 2009. Thêm nữa, mùa này Yankees còn có tay gậy số một tên là Aaron Judge làm mưa làm gió trên sân, khiến bao nhiêu pitcher phải kinh hồn khiếp vía. Giải American League Championship Series giữa hai đội này đích thực là bên tám lạng, bên nửa cân. Ðể xem Astros có thể nào làm nên lịch sử như Cubs năm ngoái. Nếu được vậy thì mừng cho cư dân Houston, có chuyện để vui sau khi bị bão lụt Harvey.
Nhưng dù đội nào thắng đi nữa thì dân Puerto Rico vẫn có thể tự hào vì trong bốn đội còn lại này có cả chục cầu thủ là người Puerto Rico. Riêng Chicago và Houston mỗi đội có tới bốn cầu thủ đến từ Puerto Rico.

Major League Baseball (MLB) có rất nhiều cầu thủ đến từ các nước La-Tinh. Ðông nhất là Dominican Republic, kế đến là Venezuela và Cuba. Puerto Rico đứng hàng thứ tư mặc dù là một xứ nhỏ, dân số chỉ có 3.5 triệu người. Tiếc là hiện nay đa số cư dân trên đảo đang bị mất điện, thiếu nước uống sau cơn bão Maria, nên có lẽ ít ai còn tâm trí nào để coi thể thao. Tuy nhiên, người ta vẫn hy vọng những cầu thủ đại diện cho Puerto Rico sẽ làm cho dân họ vui lên được chút đỉnh sau cơn hoạn nạn.
Người Á Châu cũng có mặt trong giải này không ít,chủ yếu là Nhật và Ðại Hàn. Về mặt này thì hai đội Dodgers và Yankees ăn đứt Astros và Cubs. Khoảng chục năm trở lại đây các đội bóng chày bắt đầu mang các cầu thủ từ Á Châu sang ngày càng nhiều, và một số đã trở thành All-Star, như Yu Darvish chẳng hạn. Trong tương lai chắc chắn sẽ còn nhiều dân Á Ðông trong MLB nữa. Có lẽ baseball và golf là hai môn chơi mà dân Á Châu có thể cạnh tranh được với thế giới, chứ còn basketball hay football thì hơi khó.
Basketball thì còn có người Tàu như Yao Ming (TQ) hay Jeremy Lin (Ðài Loan). Chứ football đó giờ chỉ thấy Ðạt Nguyễn từng chơi cho đội Dallas Cowboys. Ngoài ra chẳng có mấy ai, và không biết tới khi nào mới có thêm người thứ hai.
BB