Menu Close

Cẩm nang thoát lạc

Tôi vừa làm được một việc tốt, đó là chỉ đường cho một người bị lạc. Và tôi cũng vừa làm một chuyện không tốt. Đó là sắp làm một người thất vọng vì… chỉ-lộn-đường.

cam-nang-thoat-lac9
Đặc sản hẻm hình từ báo Thanh Niên

Ngẫm lại, trong cuộc đời tôi rất hiếm lần được đánh giá cao về trí tuệ. Ban đầu, tôi nghĩ đó là hạn chế tầm nhìn của người ta. Nhưng khi ngày càng nhiều người có suy nghĩ…. giống nhau. Tôi chuyển sang khẳng định đó là thế mạnh của… mình! Tuy nhiên, chuyện gì cũng có ngoại lệ. Lâu lâu lại có vài người tin rằng tôi cái-gì-cũng-biết. Như hồi nãy, khi con người lầm lạc kia thắng xe cái éc trước mặt, hỏi đường. Bốn đứa bạn đều nói không biết. Anh ta nhìn sang tôi đầy chờ mong và tin tưởng, tôi không thể phá vỡ niềm hy vọng đó được. Tôi đã cố gắng hết sức, tuy tận 15 phút sau hỏi hai ba người mới chắc ăn mình… chỉ sai đường, nhưng tôi tin anh ta đọc được sự “nhiệt quyết” trong đôi mắt tôi mà tha thứ. Hy vọng tôi không bị mắng thầm như mấy lần tôi mắng thầm người ta chỉ đường lộn cho tôi. (Thiệt ra tôi cũng không chắc là người ta chỉ lộn đường hay người ta chỉ đúng mà tôi đi… lộn nữa). Dẫu sao, lộn đường thôi mà! Mạnh mẽ lên anh bạn (hy vọng) không bao giờ gặp lại kia ơi. Nhớ hôm rồi đi dự một hội thảo về du lịch, anh phóng viên hỏi tôi đi du lịch có hay lạc không. Tôi thật thà thẳng thắng trả lời: “Everyday. Em đi vòng vòng xóm còn lạc!” Anh ta đã nhìn tôi ngưỡng mộ biết nhường nào! Ðó là tôi còn chưa nói cho anh ta biết một bí mật. Ngay cả khi đi xe ôm, taxi tôi cũng lạc.

cam-nang-thoat-lac8
Một trong những nỗi sợ hãi của cánh tài xế – Từ facebook Le Huan

Chắc đọc tới đây ai cũng nghĩ tôi “hư cấu”. Lạc thì bình thường nhưng ai mà có thể lạc một cách… hoàn hảo như vậy được! Với tôi thì lạc nhưng tài xế xe ôm, taxi thì mần sao lạc? Hồi xưa tôi cũng nghĩ vậy, nghĩ vậy nên mới hồn nhiên chỉ đường bất kỳ ai hỏi đường tôi. Chỉ xong không ngờ mấy ổng nghe thiệt đi theo rồi mới lạc. Nhất là mấy bác mới vào nghề, không tin vào “đường lối chính sách” của Google Map. Hoặc họ cũng từng bị lạc vì tin vào công nghệ. (Một phần cũng tại đường Việt Nam đổi tên hoài nên Google chạy theo không kịp). Nói chung đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ thì đường Sài Gòn cũng có đường nhỏ đường to nhưng tên thì giống y chang nhau. Công nghệ thua hai chữ kinh nghiệm mặt này (còn kinh nghiệm thì thua hai chữ “ý trời”) “Tụi nó muốn đổi là đổi à con ơi, quyền tụi nó mà!” Lời một chú xe ôm nhiều năm kinh nghiệm mà vẫn bị lạc, (lần này không phải do tôi). Ðó là lý do cùng một lộ trình nhưng ông tài này ổng chở đi 5 phút, ông kia chở đi 15 phút, có ông kêu thôi cô chỉ đường tôi đi đi. Chỉ xong thế là… lạc! Happy-ending.

cam-nang-thoat-lac7
Tôi đã được Uber trả tiền khi phản hồi về dịch vụ

Nói chung tôi bị lạc kinh niên. Và để bớt lạc, tôi đã gom lại vài đặc sản trong “cẩm nang thoát lạc”, vị của chúng chưa hẳn là ngon nhưng đã giúp cho sự thoát… lạc của tôi rất nhiều!

Ðặc sản thứ nhất. Nhắc tới đường Sài Gòn người ta hay nghĩ đến khói bụi ngày nắng ngập lụt ngày mưa. Những luồng xe được tổ chức một cách vô tổ chức, người thì leo lề lấn tuyến vượt đèn đỏ, kẻ thì thiếu điều muốn nằm chồng lên nhau mà chạy bất chấp thời tiết, thời trang, thời đại. Hoặc những “đồng chí” Cảnh Sát Giao Thông tận tụy với nghề núp ở mọi nơi rình rập “con mồi”. Gần đây thì người ta còn một nỗi kinh hãi khi nhắc đến đường Sài Gòn nữa là “đồng chí” Ðoàn Ngọc Hải với cái áo trắng và gương mặt “phúc hậu” đặc trưng, cặp mắt hiền hòa đầy tròng trắng. Ðó là người ta, còn với người dễ lạc như tôi khi nhắc đến đường sá Sài Gòn, tôi chỉ lăn tăn chuyện hẻm. Hẻm ở Sài Gòn cũng đông loại như người ở Sài Gòn vậy. Có loại lâu năm cũng có loại “mới nhập cư”. Có loại tuy gọi hẻm nhưng là một con đường đàng hoàng, nó thông ra những con đường lớn và có tên đàng hoàng. Nhưng có loại hẻm lại rất nhỏ, không đủ cho hai người đi bộ. Hẻm lúc thì “đi dễ khó về”, ngoằn ngoèo phát sợ. Khi lại ngắn ngủn như đuôi heo, vô là thấy bít bùng. Khác với những con đường lớn nhộn nhịp, các con hẻm nhỏ lại mang nhiều bí mật rất riêng. Bí mật đến nỗi có khi đi cả buổi không biết đường ra, hỏi người trong hẻm mà không rõ ràng muốn đi đâu thì nhiều khi họ cũng… không biết chỉ thế nào. Những biển số nhà toàn những dấu gạch chéo (người ta gọi là xuyệt) nằm sát nhau nhìn thôi cũng cảm thấy choáng váng. Một lần nữa, công nghệ lại “bó toàn cục” khi so với kinh nghiệm của con người. Và, kết quả sẽ lại giống như trên. Cho dầu bạn sanh ra ở Sài Gòn thì chưa chắc bạn có thể không lạc khi vô tình hoặc cố ý đi vào hẻm Sài Gòn.

cam-nang-thoat-lac6
Đặc sản khó nuốt nhất – hình từ facebook Tuệ hoan

Ðặc sản thứ hai. Tôi muốn nói đến cách chỉ đường của người Sài Gòn. Vì “đường ở trong miệng”, khi công nghệ và kinh nghiệm không yêu thương bạn thì bạn phải sử dụng cái miệng mình thôi. Và cái miệng mỗi người mỗi khác, tư duy ngôn ngữ của mỗi nền văn hóa, xã hội mỗi khác thì cách chỉ đường cũng chẳng giống nhau. Sài Gòn rộng rãi, đa số là dân nhập cư, còn người bản xứ thì rất ít ai đang được ở trên chính căn nhà mình “hồi xưa”. Vì nhiều lý do, phải bán đi, bị cướp đi, phải dọn đi… Cho nên đa số cư dân bây giờ đều đang tồn tại trên cái nơi mà tên đường, tên địa danh đều lớn hơn số năm họ ở trên nó. Một phần nữa là “nhờ” sự tàn phá không thương tiếc của gu thẩm mỹ và kiến thức của kẻ có quyền đương thời. Các tên đường ở Sài Gòn ngày càng náo loạn, mà tên đường càng náo loạn thì tên hẻm cũng “hại não” vô cùng. Do đó, cách hỏi đường và chỉ đường ở Sài Gòn cũng khác những nơi khác. Thứ nhất, đừng hỏi “nhà ông Năm ở đâu” khi ổng không nổi tiếng, ổng không có gì đặc trưng khiến người ta phải nhớ tới. Cũng đừng hỏi một đứa “tóc hãy còn xanh” đường Tự Do ở đâu vì đó là nguồn kiến thức chúng không được tiếp cận. Còn nếu bạn lạc vô một con hẻm đơn giản, bạn chỉ cần nói số nhà, người ta sẽ chỉ nhanh chóng không suy nghĩ. Nhưng nếu bạn lạc vào một con hẻm phức tạp, ngoằn ngoèo và cái địa chỉ bạn cần tìm có rất nhiều “xuyệt” thì tôi nghĩ bạn nên kêu người ra đón cho nhanh nếu người bạn cần tìm không ở con hẻm đó trên 20 năm. Vì đôi khi chính những người ở trong đó còn khóc thét mỗi ngày vì những bất tiện thường nhật. Ví dụ như khi muốn kêu xe hay muốn giao nhận hàng, chỉ đường cho người quen đến thăm viếng. Bởi mới nói “đi dễ khó về” là vậy.

cam-nang-thoat-lac5
“Đồng chí” Hải đi đám cưới vẫn không quên mặc áo… cũ Hình chụp từ báo mạng

Một cái đặc sản nữa là, người Sài Gòn rất… dở toán. Cho nên sẽ không ai nói với bạn: “Ði thẳng 500 mét, quẹo phải thêm 85 mét rồi quẹo trái 69 mét…” Nếu có chắc bạn cũng không đi được nếu bạn cũng không giỏi toán (như tôi). Nếu là người Sài Gòn, họ sẽ ước lượng số “đèn xanh đèn đỏ”, số ngã tư, số căn nhà (nếu gần) hoặc có khi bằng cảm giác, cảm tính, cảm xúc. Ví dụ: “Ði thẳng ba ngã tư quẹo trái 5 căn ngó bên tay trái!” hoặc “Cứ đi thẳng quài thẳng quài thấy cái cầu thì đừng qua cầu mà hỏi tiếp người ta đường vô!”. Cũng có khi: “Chung đường, đi theo tôi!” (Cái này tôi được may mắn gặp nhiều nhất). Tuy nhiên không phải ai cũng đều thánh thiện như tôi, nên bạn hãy cẩn trọng trước khi đi theo ai đó xa lạ giữa Sài Gòn, đặc biệt khi biển số xe của họ không phải từ 50-59.

cam-nang-thoat-lac4
Tài xế gỡ cái decal nền đỏ chữ vàng ngay buổi chiều sau khi dư luận dậy sóng – Từ Facebook Tài Xế Vinasun
cam-nang-thoat-lac3
Không chỉ Vinasun mà các hãng taxi truyền thống khác cũng…bức xúc – Từ Facebook Tran Nhat Binh

Ðặc sản cuối trong bài này tôi nói đến là… lòng người. Do mật độ dân số ngày càng cao mà dân trí không được đắp bồi. Sự hỗn loạn của giao thông phản ảnh sự hỗn loạn của cuộc sống. Dân đang giành giật nhau từng tý một trên từng milimet đường cũng như trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Bất cứ ai xuống đường cũng rất dễ trở thành người xấu một cách vô thức hoặc bị ép. Dần dần sẽ hình thành ý thức, loại ý thức phù hợp với môi trường thực tại. Dần, bạn sẽ không kiểm soát được mình đã làm đúng hay sai. Ðể tránh “sai”, thị dân ngày càng sợ phương tiện cá nhân nếu không cần thiết, họ tìm đến các dịch vụ vận chuyển. Từ sự “cầu” đó mà các nguồn “cung” đâm hoa kết trái. Ngoài những dịch vụ taxi, xe ôm truyền thống đơn thuần, chúng ta có thêm các đối tác nước ngoài tràn vào Việt Nam cung cấp dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ. Trong đó nổi bật nhất là Grab và Uber. Và sau nhiều năm phục vụ, nhận được sự “tính nhiệm” của dân Sài Gòn thì Grab và Uber trở thành cái gai trong mắt của các dịch vụ truyền thống. Vì trước đây họ độc quyền, bây chừ bị chia khẩu phần, có nguy cơ mất chén cơm. Thế là xe ôm truyền thống chặn đánh xe ôm công nghệ. Vì tài xế xe ôm công nghệ đều phải mặc đồng phục đúng quy định của công ty nên việc bị nhận ra rất dễ dàng, và xe ôm truyền thống đa phần là những người không nhiều kiến thức (vì có kiến thức một ít đều chọn chuyển sang làm xe ôm công nghệ), họ mưu sinh ngoài đường ngoài chợ nên đã quen với cách xử “cây nhà lá vườn”. Thế là gây ra các vụ hỗn chiến thật sự. Cuối cùng “tất cả lên phường” xong mạnh ai về nhà nấy! Còn tài xế taxi công nghệ thì được thoải mái hơn, không bị mặc đồng phục, khó bị nhận ra. Nên đâm ra họ bị taxi truyền thống “chơi” bằng những “chiêu thức” tinh vi hơn. Ví dụ như vừa rồi hàng loạt xe Vinasun dán khẩu hiệu nền vàng chữ đỏ phản đối đích danh Grab và Uber với nhiều nội dung như: “Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam”. “Ðề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”… (Ðược biết, trước đó báo chí cũng đã rầm rộ Vinasun cũng cho ra… app để cạnh tranh với Grab, Uber…) Chỉ trong buổi sáng, các “băng gôn” kia đã bị cư dân mạng phát hiện và chửi um sùm, có nhiều người cho rằng Vinasun đang PR cho đối thủ. Ngay buổi chiều, các tài xế Vinasun đã tự tháo các băng rôn ra. “Tất cả những chiếc taxi khi chạy về xưởng đều được dán băng rôn”, một số tài xế cho biết. Trong khi đó, nói chuyện với báo chí thì lãnh đạo Vinasun lại khẳng định việc dán decal là hành động tự phát của cánh taxi chứ không do công ty chỉ đạo. Các tài xế Vinasun đã rất tức giận, lên Facebook và truyền hình giãi bày bực tức.

cam-nang-thoat-lac2
Bất nhất trong lời nói giữa tài xế và cty – Chụp từ báo mạng

Vậy là sau chuyện này, người cần nhìn lại không phải là Grab, Uber hay người dùng dịch vụ mà chính là các tài xế của Vinasun. Họ có đáng ở lại làm việc cho một công ty bỏ mặc nhân viên hay không? Thật ra, cái sự cạnh tranh giữa xe ôm, taxi không phải chỉ là giá tiền. Giá giờ cao điểm thì các dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ đều tính thêm từ gấp rưỡi so với giá bình thường. Tại sao khách vẫn đồng ý trả tiền cao hơn để đi Grab, Uber giờ cao điểm mà không ra đầu ngõ bắt đại một phương tiện truyền thống? Ðó là sự cạnh tranh về dịch vụ chứ không phải một sự ép giá nào cả! và nếu là bạn, bạn sẽ chọn dịch vụ nào để thoát lạc với tôi?

cam-nang-thoat-lac
Phan Thế Ruệ (sinh năm 1946) là nhà quản lý kinh tế và chính khách Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn.

Cũng là đặc sản lòng người. Ngày 10/10 vừa qua cư dân mạng VN không ngừng xôn xao khi thấy ông Hiroaki Honjo, Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu IQ8 đứng đội mưa hàng tiếng đồng hồ, cúi chào từng khách hàng khi vào đổ xăng. Cây xăng này cam kết chính xác tới 0,01 lít, lau kính ô tô miễn phí, nhân viên cúi gập người chào khách và xuất hoá đơn đỏ nếu muốn! Trong khi đó ở các cây xăng truyền thống bắt đầu có hàng loạt bảng đỏ chữ vàng “Người Việt Nam Tiêu Dùng Hàng Việt Nam”. Người Sài Gòn ai nấy đều xôn xao sao chưa thấy ông Nhật kia mở cây xăng ở Sài Gòn? Tôi cũng háo hức, nếu có. Tôi tình nguyện ra đứng chào với ổng!

cam-nang-thoat-lac1
Ông Tổng người Nhật cúi chào khách hàng – Từ soha

DU