Menu Close

Cháy rừng ở Cali

Tuần lễ vừa qua được ghi nhận là tuần lễ với những đám cháy rừng lớn khủng khiếp và gây thiệt hại nhân mạng cao nhất trong lịch sử của tiểu bang California. Chính quyền tiểu bang đã phải huy động khoảng 9,000 nhân viên cứu hoả luân phiên làm việc 24 giờ mỗi ngày để cố dập tắt khoảng hơn 20 đám cháy tại những khu vực phía bắc của tiểu bang, trong đó những đám cháy lớn nhất được tập trung tại hai quận Napa và Sonoma, nơi nổi tiếng thế giới với kỹ nghệ làm rượu vang và cũng là nơi có phong cảnh tuyệt đẹp với những triền đồi thoai thoải và những vườn nho bạt ngàn thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.

chay-rung-o-cali3
Cháy rừng ở Bắc California – nguồn bbc.com

Theo ông Daniel Berlant, phụ tá giám đốc thuộc Bộ Bảo vệ Rừng và Hoả hoạn California (California Forestry and Fire Protection), cho biết tiểu bang đã từng phải đối phó với vụ cháy rừng lớn vào những năm 2003, 2007 và 2008, nhưng nếu tính về sự thiệt hại thì không thể so sánh với vụ cháy rừng trong năm nay.

Cho đến sáng Thứ Bảy 14/10, con số người thiệt mạng đã lên đến ít nhất 36 người, hơn 400 người mất tích, khoảng 5,700 căn nhà và cơ sở thương mại bị đốt thành tro, và hơn 221,000 mẫu rừng (khoảng 345 dặm vuông) bị thiêu rụi. Theo các giới chức của tiểu bang, cho đến khi vụ cháy rừng này được dập tắt, con số thiệt hại về nhân mạng chắc chắn là sẽ cao hơn.

Một trong những căn nhà bị ngọn lửa đốt cháy thành bình địa là căn nhà của ông Charles Schulz, tác giả loạt truyện tranh nổi tiếng “Peanuts”, tại thành phố Santa Rosa thuộc quận Sonoma. Căn nhà được xây từ thập niên 1970 và Schulz đã sống tại đây cho đến khi qua đời vào năm 2000. Cho đến trước khi có vụ hoả hoạn, bà vợ Jean Schulz vẫn tiếp tục sống trong căn nhà này và đã được di tản trước khi đám cháy kéo tới.

chay-rung-o-cali2
Cháy rừng Cali nhìn từ trên cao – nguồn ESA

Nạn cháy rừng ở California không phải là chuyện lạ. Nó xảy ra hầu như mỗi năm, và nhất là trong Tháng 10, với hầu hết những vụ cháy rừng lớn và gây thiệt hại cao nhất trong lịch sử của tiểu bang là xảy ra trong tháng này. Vụ cháy rừng ở vùng đồi Oakland năm 1991 phá huỷ 3,500 căn nhà và làm chết 25 người trong quận Alameda gần thành phố San Francisco. Một vụ cháy rừng ở San Diego vào Tháng 10 năm 2003 cũng làm chết ngần ấy số người và thiêu rụi 273,246 mẫu đất rừng – cao nhất so với bất kỳ vụ cháy rừng nào khác trong lịch sử của tiểu bang cho đến nay.

Mặc dù Tháng 10 là thời gian mát mẻ ở California nhưng lại là tháng nguy hiểm nhất đối với nạn cháy rừng của tiểu bang là vì lúc này cây cỏ rất khô cộng thêm với gió mùa làm cho những đám cháy dễ bùng phát và lan ra thật nhanh.

Với khí hậu tương tự như vùng Ðịa Trung Hải, mùa đông của California thường ẩm ướt và mùa hè khô ấm. Vào thời gian cuối mùa hè, những bụi rậm và cây cỏ khắp nơi trong tiểu bang được cho là khô nhất trong năm do nhiều tháng mùa hè thường không có mưa. Ðộ khô đó có thể còn tăng cao hơn nữa do hậu quả của thời kỳ hạn hán kéo dài trong suốt sáu năm qua. Mặc dù các giới chức của tiểu bang đã tuyên bố hạn hán chấm dứt nhờ mưa nhiều trong mùa đông vừa qua nhưng phần lớn cây cỏ trong tiểu bang đến nay vẫn chưa kịp hồi phục trở lại.

Với yếu tố cây cỏ khô và gió mùa trong Tháng 10, chuyện xảy ra một vụ cháy rừng lớn là khó có thể tránh khỏi. Chỉ cần một mồi lửa nhỏ châm ngòi và tiếp ngay sau đó sẽ là cơn bão lửa.

Cho đến nay người ta vẫn chưa biết nguyên do đích xác của vụ cháy rừng tại hai quận Napa và Sonoma, nhưng các giới chức tiểu bang cho biết có tới 95 phần trăm các vụ cháy là do con người gây ra, bằng cách này hay cách khác.

Nạn cháy rừng thường được xếp vào loại thiên tai, nhưng khác với mưa, bão, động đất và núi lửa, các nhà khí tượng học đến nay vẫn chưa thể dự đoán được khi một vụ cháy rừng xảy ra. Tuy nhiên, có ba điều kiện cần phải hội đủ để gây ra một vụ cháy rừng mà các nhân viên cứu hoả thường gọi đó là “tam giác lửa”: nhiên liệu, dưỡng khí oxy và nguồn nhiệt. Mặc dù cứ năm vụ cháy rừng thì có hơn bốn vụ là do con người gây ra, nhưng thời tiết khô hạn và gió thổi mạnh cũng là những tố chất cho một cơn thảm hoạ, và những đám cháy có thể kéo dài trong nhiều tuần lễ, hoặc thậm chí nhiều tháng, làm ngốn hết hàng chục ngàn đến hàng trăm ngàn mẫu đất rừng.

chay-rung-o-cali1
Những chai rượu bị tan chảy trên kệ tại xưởng làm rượu Signorello Estate ở quận Napa -nguồn Getty

Còn một nguyên do nữa có thể gây ra cháy rừng là sấm sét. Các nhà khoa học đã chứng minh cho thấy là với hiện tượng ấm nóng toàn cầu hiện nay, cứ mỗi một độ Fahrenheit (°F) tăng lên thì hoạt động của sấm sét trên bầu trời cũng tăng thêm 12 phần trăm.

Nói theo khoa học, ở một số khu vực đất rừng thiên nhiên, cháy rừng thực ra lại mang lại lợi ích là vì nó dọn dẹp dùm những lùm cây, bụi rậm già nua, và sau khi cháy rừng thì những hạt mầm mới của nhiều loại cây như thông, tùng, mọc lên và chỉ một thập niên sau là biến thành những khu rừng nguyên sinh với những hệ sinh thái mới được thành hình.

Trước đây, khi môn khoa học về rừng còn manh nha ở Âu châu và sau đó được truyền thụ qua Mỹ thì Sở Kiểm lâm Hoa Kỳ cứ thấy đâu có đám cháy là lo dập tắt ngay, đến nỗi có người phải thốt lên gọi đó là căn bệnh “ám ảnh cháy rừng”. Sau này người ta hiểu biết hơn về sự khác biệt về cấu trúc của rừng, ví dụ rừng Âu châu thường là rừng thưa trong khi phần lớn rừng ở Mỹ là rừng rậm, thế nên việc điều hành và kiểm soát rừng, trong đó kể cả việc kiểm soát cháy rừng, cũng khác nhau.

Ở một số nơi lâu lâu người ta còn phải đốt rừng hoặc khi có những đám cháy rừng xảy ra nhưng được phân loại là “cháy rừng trong tầm kiểm soát” thì người ta cứ để cho cháy trong một giới hạn nào đó. Các nhóm cứu hoả chỉ lo dập tắt khi đám cháy bắt đầu lan sang những khu vực bị cho là nguy hiểm như gần với khu xóm của dân chúng, hay như khu vực chứa nước của thành phố, hoặc những khu rừng cây gỗ đỏ sequoia quý hiếm. Còn ngoài ra thì người ta để cho đám cháy đó cháy tự nhiên cho đến khi tắt thì thôi.

chay-rung-o-cali
Lửa đốt rụi nhiều khu xóm phía bắc San Francisco – nguồn Reuters

Riêng vụ cháy rừng ở Bắc California hiện nay thì cho đến cuối tuần vừa qua Sở Kiểm lâm chỉ mới kiểm soát được khoảng từ 10 đến 25 phần trăm. Trong trường hợp trước khi những đám cháy được dập tắt hoàn toàn, bỗng một trận gió mạnh thổi về nữa, mà không ai có thể đoán trước, thì ngọn lửa sẽ bùng lên trở lại, và lúc đó sự thiệt hại về nhân mạng (nay đã vượt quá con số người chết trong vụ Oakland năm 1991), tài sản và diện tích rừng bị thiêu huỷ sẽ là con số kỷ lục.

Người ta ước tính trên thế giới, khói của những vụ cháy rừng giết chết khoảng 339,000 người mỗi năm, hầu hết là ở Á châu và khu vực hạ-Sahara ở Phi châu.

Thông thường ở những nơi như khu vực miền tây nước Mỹ, những vụ cháy rừng lớn có thể tạo ra những lớp không khí ùn đọng không những không cho khói bay lên cao mà còn bị đẩy xuống gần mặt đất và con người hít vào. Bụi và những vật thể li ti trong không khí từ đó xâm nhập vào cơ thể con người qua mũi, tai, họng và đi sâu vào trong hệ hô hấp, có thể làm cho máu đông lại, tạo thành những chất nhờn đặc trong máu. Khói cũng còn chứa thán khí carbon monoxide gây ra những thiệt hại lâu dài cho tim.

Thế nên sau mỗi vụ cháy rừng, người ta lại nhận thấy ở những phòng cấp cứu của bệnh viện, con số bệnh nhân có những triệu chứng suy tim và khó thở đột nhiên tăng lên rất cao.

VH