Menu Close

Nancy Nguyễn khả năng tự quyết của giới trẻ

Lá thư Nancy Nguyễn gởi cho cha mẹ  được “viết từ mặt đường dậy sóng”, cùng các bài viết, trả lời phỏng vấn của Nancy sau khi bị an ninh Việt Nam bắt giữ trong chuyến sang Việt Nam đồng hành cùng giới trẻ quốc nội trong phong trào dân chủ và nhân quyền hồi tháng 5 năm 2016, đã thu hút sự chú ý của cộng đồng người Việt khắp mọi nơi. Từng hoạt động trong một số phong trào trước đó, cũng như xem chuyến đi Việt Nam như một sự khởi đầu trong “hành trình cho những ngày sau” như đã viết, Nancy đã và vẫn đang tiếp tục con đường và sự chọn lựa của mình từ sau sự việc. Trong sự quý mến và trân trọng của nhiều người. Cùng dăm thử thách bên lề từ chính trở lực trong cộng đồng Việt Nam. Xin được chia sẻ lá thư Nancy Nguyễn vừa viết, nhân dịp cô sang Dallas tham dự trại Việt 2000 vừa qua. 

nancy-nguyen2
Nancy Nguyễn trả lời phỏng vấn Đài SBTN

Có người đến từ California, Georgia, Virginia, Massachusetts… hay cả từ nước Ðức xa xôi. Có người là sinh viên, là chuyên gia, giáo sư, luật sư, bác sĩ hay chỉ là người quan tâm đến vấn đề cộng đồng.  Có người đang nắm giữ chức vụ dân cử trong chính quyền, có người xông xáo trong các hoạt động cộng đồng. Có những anh bền bỉ tranh đấu cho một Việt Nam dân chủ, phú cường từ vài thập niên qua và có những em đang tiếp bước đàn anh bằng lý tưởng và nhiệt huyết tuổi trẻ của mình. Là ai hay đến từ đâu thì họ những người đang tích cực dự phần và mang một ý nguyện chung trong việc xây dựng một cộng đồng gốc Việt hải ngoại hùng mạnh và hỗ trợ hữu hiệu cho phong trào dân chủ và nhân quyền quốc nội, khi về tham dự Trại Việt 2000 lần thứ nhì được tổ chức vào trung tuần tháng 10 năm nay tại Dallas, Texas.

Cũng nói thêm về tổ chức dân sự Camp V2K này – là một diễn đàn quy tụ những cá nhân từng tham gia các hoạt động trong cộng đồng, đến với nhau nhằm trao đổi những tư tưởng, kinh nghiệm và hoạt động, chia sẻ các kiến thức và kỹ năng tổ chức, vận động và lãnh đạo trong các vấn đề chính trị xã hội, dân quyền và nhân quyền…, để từ đó có thể liên kết thực hiện các đề án mang những mục tiêu và ý nguyện chung, theo như tôn chỉ đã được Camp V2K phổ biến.

nancy-nguyen
Nancy trình bày chương trình trại

Trần Anh, Chủ Tịch Camp V2K kiêm trại trưởng năm nay, dẫn tôi đến giới thiệu cùng Nancy Nguyễn. Nancy đã từng về Dallas tham dự trại Việt 2000 đầu tiên vào năm trước, đương lúc tôi đi xa nên lần đầu tiên tôi gặp Nancy. Nhỏ nhắn, trông em giống một học sinh trung học nhiều hơn một người đã can đảm sang Việt Nam với ý định xuống đường cùng giới trẻ trong nước, và rồi điềm tĩnh đối diện trò chơi cân não với an ninh Việt Nam khi bị bắt. Sau câu chào, điều đầu tiên không hề mang tính xã giao là lời tôi khích lệ về bài viết của em, do ai đó đã chia sẻ trên facebook đôi tuần trước đó. Bài viết cho tôi một ý niệm tốt về tác giả, từ ngôn từ đến cách nghĩ và sự diễn đạt. Tôi chẳng theo dõi chuyện gì đã xảy ra với Nancy. Nhưng qua lá thư, tôi hiểu và chẳng ngạc nhiên với những “chiếc mũ” nọ kia của dăm ai đó muốn đội  lên cho em, quy chụp cho những người trẻ muốn dự phần và tiếp nối vào trong công cuộc chung như em. Chúng  hiện diện nơi này, nơi kia. Cách này hay cách khác. Nhân danh và giả hình. Ảo tưởng và ích kỷ. Ngờ vực và trịch thượng. Xem nhẹ khả năng của một thế hệ tiếp nối. Nó chẳng làm chùn bước những người trẻ mạnh mẽ, xác quyết trên đường đi của riêng mình. Nhưng nó tạo trở lực cho sự phát triển chung của cộng đồng. Ðáng tiếc là, những xuẩn động ít oi đó đôi khi lại ồn ào như đám cháy rừng, trong khi số đông lại chọn sự im lặng bởi sự tự trọng không cho phép họ bị kéo xuống ngang hàng với những điều như vậy. Nên nó cứ ngang nhiên tồn tại, thay vì bị nhận diện và lên tiếng. Chừng nào những lề thói này còn hiện diện, chừng ấy cộng đồng chúng ta vẫn còn mờ nhạt bởi những rẽ chia.

nancy-nguyen1
Vòng tròn đồng đội

Ðọc bài viết, tôi nghĩ sẽ thu xếp phỏng vấn Nancy khi gặp. Về những thử thách bên lề của giới trẻ.  Về những tặng thưởng tinh thần trong việc dấn thân. Về con đường và mục tiêu em đeo đuổi.  Nhưng rồi thời gian không cho phép vì tôi chỉ đến được đêm trại đầu tiên. Nên ghi nhanh dăm hàng này vậy. Ðể em và những người trẻ khác biết rằng có những người đang ủng hộ việc các em làm.

Chẳng hiểu sao nhìn Nancy tôi lại liên tưởng đến Joshua Wong, một trong những  thủ lãnh của cuộc cách mạng dù tại Hồng Kông hồi cuối năm 2014. Có lẽ vì  cả hai đều cùng rất trẻ và mang một lý tưởng mạnh mẽ. Hoặc bởi vì tôi biết Nancy đã từng bay sang Hồng Kông để bày tỏ sự ủng hộ với phong trào dân chủ của giới sinh viên học sinh đảo quốc này. Liên tưởng hơn là so sánh. Bởi vì Joshua đã là một thủ lãnh và nhân vật của thế giới, còn Nancy có lẽ cũng chỉ vừa bắt đầu trong phạm vi cộng đồng. Nhưng nếu trao ngọn đuốc cho em, cho những người tài trí trẻ đồng trang lứa với Nancy bằng sự tin tưởng và ủng hộ, bằng  sự tôn trọng quyền tự quyết của giới trẻ, chúng ta sẽ có những thủ lãnh thật sự.

ÐYT

Thư Nancy Nguyễn

Con thiết tha mong các cô chú, xin hãy vì tôn trọng chính mình mà chấm dứt bán mũ cho nhau. Ðã quá đủ rồi!

Rất nhiều lần con nghe bạn bè nói lại: “chú ấy bảo anh tránh em ra, vì em là Việt Tân”, hay loại có tư tưởng thân cộng, hay thậm chí là cộng sản nằm vùng. Mỗi lần như thế, con chỉ mỉm cười rồi lại lặng lẽ đi. Chưa một lần nào, chưa có bất cứ ai, nghe bất cứ câu ta thán nào của Nancy Nguyen.

Con có lòng dạ nào trách các cô chú! Khi nỗi đau mọi người đã phải gánh chịu là quá sức tưởng tượng, quá sức chịu đựng của một đời người. Con có lòng dạ nào trách cô chú! Khi cứ bị quá khứ chực chờ ám ảnh, nhìn đâu cũng thấy thâm mưu, ngó ai cũng sợ là kẻ thù. Chính mắt con trông thấy, những con người bỏ rơi hiện tại của bản thân, gạt nước mắt lật đật đi rút tiền nhà bank, dăm chục đồng, dăm trăm đồng, thậm chí dăm ngàn đồng gởi về VN mỗi khi nghe tin dữ. Có những người không dám ăn, chẳng dám mặc, sống một đời chỉ để giúp VN thôi. Con có lòng dạ nào mà trách các cô chú cho được?

Nhưng khi cô chú quy chụp cho chúng con là người của đảng nọ phái kia, có tổ chức chính trị này khác chống lưng, lăng xê, bợ đỡ, cô chú có hiểu là cô chú đã hoặc vô tình, hoặc cố ý hất đổ công sức mồ hôi của người trẻ chúng con không? Có hiểu là đã giẫm đạp lên tấm lòng mồ côi của chúng con không? Khi hùng hục quy chụp tụi con, cô chú có hiểu là đã hai tay dâng thành quả dẫu còn khiêm tốn của tụi con cho một tổ chức, đảng phái nào đó không? Chưa kể không tránh khỏi có sự ngờ vực mà xa tránh, trước là buồn lòng nhau, sau là hại cho việc chung. Có bao giờ cô chú nghĩ chúng con cũng biết đau không? Kẻ thù chẳng bao giờ làm mình đau bằng chính người mình được đâu!

Vừa chống CS, vừa chống nhau, đã quá đủ rồi cái thảm trạng hai ba chiến tuyến, bốn năm loại kẻ thù. Các cô chú muốn chống nhau, muốn chính trị trong lòng chính trị, con không dám, và cũng không có tư cách, để ý kiến, chỉ xin tha cho người trẻ bọn con, đừng bắt tụi con phải yêu ghét theo chỉ thị, đừng cố lôi kéo tụi con vào cuộc đa đoan ấy nữa!

Con xấu hổ! Khi phải chứng kiến những màn thanh trừng khốc liệt chỉ bởi vì cái ảnh chụp chung với một ai đó, một tổ chức nào đó. Thời buổi nào rồi mà chụp chung với nhau một tấm hình thì đã coi như… “kết nạp!” Các cô chú có biết bế quan toả cảng, tuyệt giao với “kẻ thù” chính là cái đại họa diệt vong của dân Việt từ ngàn đời xưa? Khi Minh Trị Thiên Hoàng mở cửa cho Tây Phương vào thông thương, thông sứ, đã một bước mà đưa Nhật Bổn từ lạc hậu thành văn minh, đi trước cả Châu Á, thì vua Minh Mạng vì cái đạo nghĩa, cái truyền thống, cái căn cước dân tộc tính mà bế môn, cấm đạo, giết nhà tu, đưa đến hơn một trăm năm Pháp thuộc, rồi cuộc Việt Minh, mới có cái đám lưu vong chúng ta ngày hôm nay? Sự tuyệt giao không những là giấu sâu trong lòng nó tâm lý sợ hãi, thua kém, còn là con đường ngắn nhất đến tuyệt vong. Cuộc chiến Quốc – Cộng chẳng phải đã chứng minh rõ ràng?

Con biết thế nào cũng sẽ có người bảo nói thế chứng tỏ là quá non xanh, không hiểu đời hiểm ác, cứ thế đi, rồi thế nào cũng bị dắt mũi, bị lợi dụng, nối giáo cho giặc. Con xin lỗi phải nói lời rất đau lòng này: cái hoạ mất nước có phải là do chúng con? Việc mất nước của thế hệ đi trước dẫu là chẳng đặng đừng, là chuyện thời thế, cũng xin dám hỏi ai có thể khẳng định hai thời cộng hoà đã không làm gì sai? Tại sao thế hệ đi trước có thể vừa đặt lên vai chúng con, cho chính bản thân con, cái di sản đớn đau ấy, rồi lại vẫn thản nhiên buộc chúng con phải yêu nước thế này mới đúng, thế nọ là sai?

Ðó là giả như chúng con sai. Nếu cứ bắt chúng con phải yêu nước theo đúng cách, chống Cộng theo đúng kiểu, chẳng khác nào cứ lặp đi lặp lại một phương thức mà hy vọng có một kết quả khác với 42 năm qua! Còn bảo không chống cộng thế này, thế khác, thì đích thị là VC, là nằm vùng, thì con nói thẳng, sự quy chụp này cho đến nay chỉ chứng tỏ được là vũ khí cực kỳ hữu hiệu để ta chống lẫn nhau, làm tổn thương đến nhau, làm nhụt chí của nhau, thậm chí giết hại đời nhau, chứ chưa có bằng chứng gì là nó có mảy may tác dụng với kẻ thù.

Từ nỗi ám ảnh kẻ thù trà trộn, gây nhiễu loạn, ta đã dành không biết bao nhiêu tâm sức để chĩa mũi gươm vào nhau, vô tình chính ta đã nối giáo cho giặc, làm chính xác cái điều họ muốn ta làm nhất. Cái tâm lý sợ trà trộn khởi đi từ một quá khứ đớn đau, và cái tiềm thức thua cuộc, như con chim đã một lần trúng tên chí tử, không thể bình thản mà nhìn cành cây nhọn. Con không dám phán xét đúng sai, lại càng không có tư cách xen vào, chỉ xin hãy buông tha cho người trẻ bọn con, đừng bắt tụi con phải học cái tâm lý nói thẳng là nhược tiểu ấy. Cho phép tụi con được lớn lên, được trưởng thành theo cái thời đại tụi con sống. Dẫu có sai đi chăng nữa, xin tôn trọng cái quyền được mắc sai lầm của chúng con.

Thay lời kết, con mong cô chú nhận rằng, “dân chủ” là một khái niệm chỉ vừa mới manh nha ở VN khi Bảo Ðại thoái quyền vào giữa thế kỷ thứ XX đây thôi chứ chưa bao lâu. Trùng trùng điệp điệp những ngàn năm trước đó, nước ta vốn là một nước quân chủ chứ không phải dân chủ như sau này. Nên đối với công cuộc dân chủ, thế hệ đi trước, dù muốn dù không, vẫn chỉ là thế hệ “di dân tư tưởng”, bắt đầu tiếp thu, cố gắng hiểu, cố gắng áp dụng, nhiều chỗ đúng, lắm chỗ sai, đôi ba chỗ mơ hồ, còn thế hệ chúng con là thế thệ “bẩm sinh tư tưởng”, nên xin hãy bớt tính tự dĩ vị thị, và tin tưởng vào người trẻ có khả năng tự quyết cho thế hệ và thời đại của mình.

Ðôi dòng nghịch nhĩ nhưng là lời trung ngôn, nghe được hay chối mắt thì lời cũng đã nói ra đến cạn rồi. Con viết để trải cái nỗi lòng của con, của chúng con, và của các em con.

Nếu cùng tâm nguyện, xin chia sẻ bức thư này để nó có thể đến được với những người cần đến.

NN