Phần 4
Machu Picchu
Ðến Machu Picchu (hay Machupicchu), ta phải dùng xe lửa, chẳng có con đường nào khác để xe cộ di chuyển, chỉ có đường rầy cheo leo bao quanh núi và thung lũng. Từ toa xe, ta có thể ngó quanh, hai bên đường là núi đá, trên trời đỉnh núi tuyết phũ và sương mù lãng đãng, nhìn xuống là thung lũng Thánh Ðịa (Sacred Valley), nhà cửa rải rác; cư dân vẫn cày bừa như thũa xa xưa, con người kéo cày thay cho máy móc hay trâu bò. Chuyến xe lửa của PeruRail, vỏn vẹn một tiếng hai mươi phút từ Ollantaytambo đến Machupicchu. Di tích nằm trong thôn làng Aguas Calientes, còn có tên gọi “Machu Picchu Pueblo”.

Là một thắng cảnh nổi tiếng thế giới nên Machupicchu thu hút đông đảo các du khách, ngày nào cũng vài ngàn người rủ nhau đến đây leo trèo lên thăm núi đá. Con đường từ chân núi dẫn đến các di tích khoảng 8 cây số, những người trẻ tuổi hè nhau cuốc bộ, sử dụng đường mòn Inca (Inca Trail). Phe ta theo đoàn du khách đi xe bus cho đỡ nhọc nhằn, phì phò. Vậy mà từ nơi này đến nơi khác cũng sương sương 4 tiếng, vừa đi vừa ngừng để thở và để nhìn ngắm.
Không hiểu tại sao, ở đây người ta xét sổ thông hành, bạn ạ!? Ngay trước cổng vào là bản đồ của nhóm di tích và bia đá ghi công ông Hiram Bingham.

Câu chuyện “khám phá” của nhà sử học khá ly kỳ. Trước đó chẳng mấy ai biết đến di tích này ngoài cư dân địa phương, ngay cả sách vở của Tây Ban Nha cũng chẳng nhắc nhở gì đến phần thuộc địa ấy, hẳn vì nơi này chẳng có mấy vàng bạc để khuân vác đi? Năm 1911, ông Bingham, giáo sư sử địa tại đại học Yale, đi tìm di tích Vilcabamba, cứ địa cuối cùng của triều đại Inca trước khi bị Tây Ban Nha xóa sổ. Nhờ thổ dân dẫn đường, ông Bingham tìm đến Machupicchu nhưng cứ tưởng là Vilcabamba (thực ra, Espiritu Pamba nằm sâu trong rừng già mới là phần còn lại của Vilcabamba). Năm ấy rừng núi Machupicchu bị cây cỏ bao trùm nên nhà sử học chỉ có thể phác họa sơ sài phần di tích. Khi trở lại năm 1912 cùng đoàn thám hiểm, ông Bingham mới có thể dọn bớt cây cỏ và thu góp cổ ngoạn. Chuyến du khảo của ông Bingham được mô tả chi tiết trong cuốn “Inca Land: Explorations in the Highlands of Peru”. Từ chương trình khảo cứu, ông Bingham mang về Hoa Kỳ cả ngàn di vật của Inca mà ngày nay dân Peru đi theo đòi hoài nhưng chưa có bao nhiêu vật hoàn cố chũ. Theo sau chuyến du khảo ba năm của phái đoàn Bingham là những chuyến du khảo kế tiếp, năm 1934 do ông Luis Valcarcel người Peru dẫn đầu và năm 1940-1941, do ông Paul Fejos dẫn đầu. Mỗi đoàn thám hiểm Peru mang về ít nhiều cổ vật mà ngày nay được trưng bày tại viện bảo tàng Inca tại Cusco.

Machupicchu là một nhóm di tích gồm nhiều cấu trúc bằng đá rất lớn, có những tảng đá nặng cả ngàn tấn; không biết thũa ấy dân địa phương làm thế nào để khuân vác các tảng granite ấy lên núi? Dế Mèn đi tay không, toòng teng mỗi cái máy hình nhỏ nhỏ mà leo núi còn mướt mồ hôi, lâu lâu lại phải dừng chân để thở phì phò như trâu cày huống chi khuân vác nặng nề như thế?! Những tảng đá được chồng lên nhau, khít khao nhờ những cái “mộng” được đẽo gọt từa tựa như thợ mộc đục gỗ, chẳng cần vôi vữa hay xi măng để “nối” các tảng đá khổng lồ ấy dính với nhau.

Một vài di tích được ghi chép qua sách vở như mộ đá, đền Condor (đây là một loài chim rỉa xác và cũng là một trong những “biểu tượng” của Inca như con báo (puma) và bắp ngô. Ðền Condor, mỏ chim nằm trên mặt đất, hai vách đá là đôi cánh xoải.
Ðền thờ Mặt Trời có tường vách bằng đá xếp theo hình vòng cung. Ở đây vua nhìn ra cửa sổ thấy ánh sáng đầu ngày. Người Inca tin rằng vua chúa của họ là con cái thần Mặt Trời (như người Nhật Bản, chỉ khác chút đỉnh Thần Thái Dương của Nhật là phụ nữ).

Phe ta dừng chân ở một khoảng đất bằng, trước mặt là tảng đá khá lớn, Sacred Rock, có hình dạng in hệt rặng núi đứng sau lưng.
Machupicchu là một thắng cảnh bề thế giữa núi rừng hùng vĩ, một công trình xây cất đáng nể. Nhìn ngắm rồi Dế Mèn le lưỡi thán phục, ngưỡng mộ tài năng người xưa. Công trình kiến thiết ấy chắc cần cả chục ngàn dân phu, họ miệt mài suốt mấy chục hay cả trăm năm? Ngoài nhà ở, chỗ chôn cất, nơi thờ phượng tế lễ, nơi trồng cấy, tháp canh… và cả những con đường dẫn lên núi, xây cất quy mô như thế hẳn nơi này là một địa điểm quan trọng của triều đại xa xưa kia? Tính theo trị giá ngày nay, triều đại Inca hẳn đã tiêu xài vài mươi tỷ Mỹ kim trong việc xây cất, nghĩa là họ giàu quá xá là giàu!?

Buổi chiều nắng gắt rồi mặt trời cũng tàn dần; sau bốn, năm tiếng đồng hồ leo trèo, Dế Mèn theo xe bus xuống núi vào thôn làng. Ðây là một thôn xóm xây cất để cung cấp dịch vụ du lịch nên nơi nào cũng thấy quán trọ, nhà hàng ăn uống. Công trường chính nằm giữa thung lũng có bức tượng vua Inca.
Bốn mặt là hàng quán và nhà thờ, tòa thị chính:

Chung quanh là những ngôi nhà trên đồi, khách sạn lớn và nhà trọ nhỏ cũng như quán ăn. Ba cây cầu nối liền khu thị tứ nằm trên lưng đồi. Trạm xe lửa cũng nằm trên lưng đồi trong khi bến xe bus (đi quanh thôn làng) lại ở trong thung lũng. Thôn làng nhỏ, đi dăm phút đã về chốn cũ nhưng cũng có một quán bánh mì rất Tây và đầy đủ những món ăn Âu Mỹ quen thuộc khác.
Tạm hiểu là thôn làng Aguas Calientes được xây cất, phát triển để phục vụ du khách đến xem Machupicchu nên mất mát khá nhiều những hoang sơ của thiên nhiên. Ở một góc khác trong thôn làng cũng có tượng vua Inca.

Thôn làng phát triển theo nhu cầu du lịch nên đất đai trở nên đắt đỏ, Dế Mèn nghe nói cư dân địa phương… di tản lên núi cao, che lều bên suối ẩn trú vì khó lòng cáng đáng nổi mức sinh hoạt trong làng. Hầu hết người địa phương có gốc Quechua với ngôn ngữ riêng nhưng vẫn dùng tiếng Tây Ban Nha để sinh sống.
Phe ta nghe người dẫn đường nói rằng tỷ lệ số người biết đọc biết viết (literacy rate) khoảng 15%. Cái giá phải trả khá cao cho sự no đủ khi ta phải khai thác, tận dụng, rao bán thiên nhiên.

Trong bữa ăn tối, đoàn du khách bàn thảo việc lên núi xem mặt trời mọc vào hừng đông hôm sau. Người ưa leo trèo sẽ phải tụ họp tại phòng tiếp khách của khách sạn lúc 4:30 sáng, đi xe bus lên núi và leo trèo đến địa điểm đón mặt trời. Người ít mạo hiểm có thể trở lại nhìn ngắm kỹ lưỡng hơn các di tích không mấy nổi tiếng, có thể dậy trễ và lên đường lúc 6:30 sáng. Và ngại ngùng hơn nữa thì ta có thể ở lại khách sạn, đi quanh xem phố phường chờ những người leo núi về lại để cùng ăn trưa lúc 11:30 trước khi lên xe lửa về Ollantaytambo rồi theo xe bus du lịch về Cusco vào lúc chiều tối.

Nghĩ đến buổi sáng, lúc chiếc xe bus xoay trở trên triền núi cheo leo, giữa những bánh xe và dốc thẳm ngàn bộ Anh bên dưới là một khoảng cách ngắn cỡ hai bộ Anh (2 feet) và chẳng có hàng rào an toàn nào, phe ta rùng mình ngần ngại. Ðành rằng sống chết số Trời nhưng ta cũng chịu một phần trách nhiệm cho sự lựa chọn của mình. Tai nạn đã xảy ra [nhiều lần] ở đây, mức thương tật khá nặng nề khi vài chiếc bus sa sẩy rơi xuống vực sâu. Ðó là lý do mấy người chân cẳng khỏe mạnh dùng cả ngày đi bộ lên/xuống núi theo đường mòn Inca để ngắm cảnh, không phải vì họ tiếc 24 Mỹ kim tiền vé, và họ nói với phe ta như thế qua mấy câu trò chuyện ngắn ngủi.

Phe ta chọn việc ở lại khách sạn, thũng thẳng ăn sáng, uống cà phê và ngó mặt trời mọc từ lan can phòng trọ, rồi đi quanh thôn xóm và nhìn ngắm những hàng quán bán đồ mỹ nghệ.

Dế Mèn mua mấy thứ lặt vặt nhỏ và gọn, dễ khuân vác trong túi đeo vai. Trên đường ra điểm hẹn, phe ta bắt gặp một con chó nằm sưởi nắng. Vùng Cusco có một loài chó rất đặc biệt, thân thể không có lông chỉ vài sợi lơ thơ trên đầu, da mình trần trụi.

Người Peru nuôi chó nhưng thả rông ngoài đường, mặc con vật kiếm ăn từ các bãi rác. Dế Mèn gặp rất nhiều chú chó lớn nhỏ đi lang thang tìm thức ăn, rất tội nghiệp, may mà ở đây không ai ăn thịt cầy!
Về đến Cusco thì trời đã tối sẩm, lấy chìa khóa phòng trọ xong là đoàn du khách hối hả đi ăn tối.

TLL