Thưa bác sĩ,
Tôi nghe nói có thuốc vờ. Xin bác sĩ giải thích thêm về thuốc này nhé. Cảm ơn bác sĩ.
Lê Minh Ðảo
Ðáp:
Thưa ông Ðảo,
Sau đây là một số ý kiến về thuốc vờ.
Những viên “thuốc” không có dược liệu chính xác (hoạt chất), “vô thưởng vô phạt” được gọi là “Thuốc Vờ”,“Giả Dược”, “Thuốc Trơ”, tiếng Anh, tiếng Pháp gọi là “PLACEBO”.
Trong ngôn ngữ La Tinh, PLACEBO có nghĩa là “Tôi sẽ hài lòng”.
Thánh Kinh có lời cầu xin “Placebo Domino: in regione vivorum- I will please our Lord in the country of the living” – Tôi sẽ làm hài lòng Chúa.
Placebo là một hiện tượng khá phức tạp, được nghiên cứu từ nhiều thế kỷ với nhiều tranh luận, bất đồng ý kiến về sự lợi hại và nguyên lý tác động.
Vào hạ bán thế kỷ 18, từ ngữ Placebo xâm nhập ngành y dược. Năm 1787, tự điển Quincy định nghĩa placebo như một phương thức có mục đích làm vui lòng người bệnh hơn là điều trị.
Từ điển y học định nghĩa placebo là bất cứ chất xoàng xĩnh, vô dụng nào đó có hình dạng dược phẩm được trao cho bệnh nhân với giới thiệu là có tác dụng chữa bệnh.
Theo nhiều tác giả, placebo lúc đầu là để chỉ một chất hoặc một phương thức “trơ” (inert), được dùng trong thử nghiệm hoặc trong y khoa học để kiểm chứng công hiệu của một loại dược phẩm hoặc để làm dịu một bệnh.
Khi thử nghiệm, một nhóm người được cho dùng dược phẩm thực, nhóm thứ hai nhận viên tương tự nhưng không có hoạt chất.
Nếu nhóm dùng thuốc có kết quả tốt hơn so với nhóm kia thì thuốc có tác dụng trị bệnh. Người tham gia chương trình đều không biết mình dùng chất gì. Ðôi khi chính người điều khiển thử nghiệm cũng không biết.
Thuốc “trơ”được dùng cho những người luôn luôn than phiền đau ốm (bệnh tưởng – hypochondria), luôn luôn đòi hỏi thuốc mà bác sĩ không tìm ra nguyên nhân, triệu chứng.
Hiện nay, hiệu quả placebo được hiểu rộng rãi hơn và bao gồm tất cả các phương thức được áp dụng để trị bệnh mặc dù từ bản chất chúng không có tác động nào. Ðây có thể là một viên đường, một cục kẹo, một dung dịch nước pha muối, đường, một bữa ăn đặc biệt hoặc một phẫu thuật “cuội”.
Thời tiết và sức khỏe
Thưa bác sĩ,
Tôi cứ nghe nói đến thời tiết và khí hậu. Xin bác sĩ cho biết hai hiện tượng này khác nhau như thế nào. Và ảnh hưởng của hai hiện tượng này lên sức khỏe ra sao.Cảm ơn bác sĩ.
Lê Trung Vịnh
Ðáp:
Thưa ông Vịnh,
Hai chữ thời tiết và khí hậu mà ông thắc mắc thì chính tôi cũng thắc mắc. Cho nên chúng tôi có tìm hiểu thêm. Thì sau đây là những ý kiến mà tôi thu thập được. Xin gửi tới ông và bà con người Việt mình.
Thời tiết (weather) là trạng thái của lớp không khí (khí quyển) bao quanh trái đất vào một thời điểm và một không gian nào đó. Trạng thái này bao gồm sự nóng, lạnh, khô, ẩm, mưa, gió… Chẳng hạn dự báo cho biết thời tiết tại Sài Gòn ngày Thứ Ba tốt, ấm áp không mây, không mưa; ngày thứ Sáu sẽ có mưa rào, độ ẩm 90%, gió thổi 10 cây số một giờ. Thời tiết có thể thay đổi từng giờ.
Khí hậu (climate) là tình hình chung về thời tiết của một miền nào đó vào thời gian dài, thường ít nhất là một tháng, có khi cả chục năm. Thí dụ ta nói Việt Nam có khí hậu nhiệt đới. Khí hậu đại dương ít chênh lệch về nhiệt độ và độ ẩm của các mùa; khí hậu lục địa có sự chênh lệch rõ rệt giữa các mùa, giữa ngày và đêm.
Mối liên hệ giữa thời tiết và sức khỏe không phải là khám phá mới lạ mà ngay từ thuở xa xưa người đời trước đã nói tới. Có nhận xét cho rằng thời tiết theo ta từ lúc còn ở trong bụng mẹ tới khi xuống lỗ. Vì theo tin tưởng của cổ nhân, thời tiết ảnh hưởng tới sự thụ thai của mẹ, khi mang thai cũng như lúc sanh đẻ. Rồi suốt trong cuộc đời tới khi mãn phần.
Thời tiết gồm sáu thành phần gọi là “Lục Dâm” có ảnh hưởng tới sức khỏe. Ðó là phong gió, hàn lạnh, thử nắng, thấp ẩm ướt, táo khô hanh, hỏa nóng. Thấp hại da thịt, gân mạch; hàn nhiều thì nhức xương, rút gân. Ðôi khi tà khí xâm nhập cơ thể nhưng chưa phát bệnh ngay mà ẩn nấp đâu đó chờ lúc sức khỏe suy yếu mới gây bệnh. Tà phong coi như độc nhất: gió độc vào người qua da trước rồi vào bắp thịt, kinh mạch cuối cùng vào phủ tạng và lan tràn rất nhanh, nhanh hơn gió mưa. Con người đang khỏe mạnh rồi thời tiết thay đổi hoặc gặp cơn gió độc là bị đau ốm. Các cụ gọi là “trúng gió” hoặc “Trái gió giở giời”. Thế là mấy phương thức gia truyền được mang ra áp dụng. Chẳng hạn xông trùm mền kín mít với nước sôi có lá tre, lá ngải cứu, lá bưởi. Các cụ còn đánh gió với cám đen rang cháy hoặc hỏa thang rượu với gừng, xoa khắp người. Bệnh nhân toát mồ hôi, gió độc tan biến và thế là khỏi bệnh.
Y học dân gian ta cũng đã ghi nhận là “ông Cúm bà Co” xảy ra vào mùa Ðông; dịch tả vào mùa Hạ; cơn loét tá tràng vào mùa Thu; rối loạn tâm thần người điên loạn thường bộc phát vào lúc trăng tròn; thấp khớp trầm trọng khi khí hậu ẩm thấp, vào mùa mưa. Nhiều nguời nhất là quý cụ thấy mình mẩy đau nhức, vết thương ngoài da sưng tấy lên là biết sắp có thay đổi thời tiết, như là mưa to gió lớn.
Với trẻ em thì các cụ khuyên không nên cho nằm ngoài sương, nơi gió lùa; trời nóng không nên ở trần; khi ngủ đắp chăn nơi bụng, khi sấm sét thì nhét lỗ tai đề phòng điếc. Sau khi sanh thì sản phụ phải nằm trong phòng kín, với lò than hồng cháy rực ở chân giường hoặc ngưỡng cửa để ngăn ngừa gió độc. Vì thế mới có danh từ “nằm bếp”. Ngoài ra cũng phải kiêng gió máy cho bé sơ sinh nữa, nên bé được quấn khăn kín mít trừ mặt mũi.
Sách Nội Kinh Trung Hoa có ghi: Ba tháng mùa Xuân là mùa dương khí sanh sôi bày bố khắp nơi, mọi vật đều tốt, đêm ngủ dậy sớm, kẻo không thì thương tổn tạng Gan. Ba tháng mùa Hạ thì cỏ cây rậm tốt, muôn vật đơm bông kết trái, đêm ngủ dậy sớm, không chán ngày dài, khiến cho tình thương nới rộng, không đáp ứng thì tổn thương tạng Tâm. Mùa Thu khí trời khí đất quang minh, ngủ sớm dậy sớm, thức một lượt với gà, khiến cho phần khí an ninh; làm trái ngược thì thương tổn tạng Phổi. Mùa Ðông ngủ sớm thức trễ, phải chờ có ánh nắng mới thức, tránh lạnh gần ấm, đừng để da thịt trầy trụa khiến cho phần khí bị hao hớt; nếu không thì tạng Thận bị tổn thương.
NYD