Tôi thích những hiệu sách ở Việt Nam, và gần đây nhất thì sau những ồn ào của những tác phẩm nhục cảm hay thị phi, có một sự ồn ào về tác phẩm Mối Chúa của Tạ Duy Anh. Tôi không cố tìm kiếm nó, nhưng sau khi tác phẩm Mối Chúa của Tạ Duy Anh bị cấm hay bị vét hết sạch thì một loạt đầu sách của ông được đặt ở chỗ “dễ nhìn hơn” trong nhà sách Nhã Nam.

Về sách, hiệu sách gia đình, hiệu sách cũ thì tiệm “sách mụ Hoa” là người tự hào đầu tiên chuyển sách từ Nam ra Bắc bán ở Ðinh Lễ. Mụ Hoa hay ngồi gọt hoa quả và xếp chân lên ghế ở trước quầy sách bé tí như cái tổ tò vò của mình. Mùa sấu, mụ còn bán cả nước sấu.
Ở Việt Nam bắt đầu bội thực hội chợ sách, tôi thấy cũng gần như vậy. Tôi đi cả hội chợ sách với sự góp mặt của mấy chục nhà xuất bản và nhà sách, và cũng có ghé thăm chợ phiên sách cũ ở Hồ Văn đối diện Văn Miếu Quốc Tử Giám. Sách ở Việt Nam phần nhiều là sách kỹ năng sống, phong thủy, tử vi. Có lẽ nó cũng chiếm phần lớn nhất. Những tác phẩm ngôn tình của phương Tây lẫn phương Ðông dần chiếm ít vị trí hơn và thay vào đó là những tác phẩm được giải Nobel, Goncourt Pháp hay thuộc dòng New York Times best seller. Sách dịch chiếm một vị trí quan trọng hơn và nghe nói nhà sách Ðại Nam cũng cung cấp sách cho các tiệm sách người Việt khắp các tiểu bang Hoa Kỳ.

Ở Hà Nội hiện giờ có hai con phố sách là ở Ðinh Lễ và phố sách 19/12 vốn là chợ Âm phủ cũ ngày xưa. Ở Ðinh Lễ là khu phố sách truyền thống. Ngoài ra còn có Tân Việt, Ngân Nga, Lâm và nhiều hiệu sách khác. Ðôi khi thì một số sách được “in nối bản” nên bán giảm so với giá bìa. In nối bản tức là do nhà in tự in ngoài phần đã hợp đồng và không chia chác gì cho nhà xuất bản và tác giả. Hẳn nhiên đó phải là tác phẩm bán chạy. Những sách nối bản sẽ được tuồn ra ngoài những con phố sách mà như một số người xì xào thì nhà sách Lâm ở Ðinh Lễ hay bán sách nối bản. Ðó chỉ là dự đoán vì sách nối bản không chịu sự kiểm soát của bên xuất bản, phẩm chất đôi khi xấu hơn. Những nhà sách như Ðinh Tỵ hay một số nhà sách khác thì họ thường ít chi tiền bản quyền mà “chơi sách” đã quá thời hạn trả chi phí như những tác phẩm kinh điển, miễn sao làm bìa trình bày sao cho thật bắt mắt. Thường thì các nhà xuất bản giảm giá 40% cho nơi khác bán, còn khách hàng thân quen thì 25%. Do thiếu các tụ điểm sinh hoạt văn hóa mà ở Hà Nội giờ cũng có nhiều nhà sách gia đình mọc lên và phần nhiều là những tác phẩm dễ bán như kỹ năng sống, sách thiếu nhi…, hấp thụ một lượng lớn khách hàng là gia đình. Các nhà sách gia đình như Tiến Thọ, Cá Chép thì kinh doanh cả đồ chơi, hàng tạp phẩm và bán cà phê như một điểm “vui chơi trọn gói” cho gia đình.

Gu đọc sách của đàn bà Việt ngày nay thì chuộng về bí mật của sự thanh lịch, về sự cuồng nhiệt của thời trang hay những bí quyết của những “cái đẹp không gắng gượng” từ những quý cô Paris. Những cái tựa của phiên bản sách dịch “ Sống như người Paris”, “Thanh lịch kiểu Pháp”, “20 bí mật sành điệu từ Madame Chic”… Như kiểu “mách bảo” làm thế nào để trở nên gợi cảm, để khiến bạn trai (hay chồng) các nàng phải lên cơn ghen, phải thật bí ẩn với vẻ vừa duyên dáng lại vừa thảnh thơi chết người. Những cái tựa sách dường như khó thể đảm đương một sứ mệnh để biến những bộ trang phục mỹ ký “made in Vietnam” trở nên tuyệt vời hơn. Dẫu thời trang có trở thành một khái niệm toàn cầu thì cốt lõi vẫn ở sự thanh lịch bẩm sinh trong gene như những đàn bà Pháp, phụ nữ Mỹ. Và tôi vẫn thấy những cô nàng Việt ngồi văn phòng, ăn mặc, trang điểm trau chuốt nhưng dưới chân họ là đôi hiu cao gót cáu bẩn. Hay những làn mi nối rất mực thiếu tự nhiên mà vẫn thường được gọi là lối “ trang điểm mặt mộc” của rất nhiều phụ nữ Hà thành. Nó giống như một sự lai tạp hỗn độn, một thế hệ dường như đang bị áp đảo bởi hàng đống nhãn mác nhái, hình ảnh và cách ăn mặc ngày càng đơn điệu và rập khuôn. Trong khi đó đàn bà ở Mỹ, quả là bội thực với thiên đường shopping và đa dạng trong sự chính thống.

Ở Việt Nam, có những sự mâu thuẫn “ra phết” mà ít người có thể hiểu nổi – đó là những “phong tục” khó thể thay đổi. Nghe đâu một thời ở công viên Lê nin, và khi bắt đầu các bài tập thì các bác gái Hà thành luôn mở một bài hát tiếng Anh rất đặc biệt có cái tên “Boom, boom, boom!” của nhóm nhạc nổi tiếng Canada- The Vengaboys. Riêng cái từ “boom” đã là quá… bậy, và chẳng thể phù hợp với lứa tuổi “phúc hậu” này rồi. Những ngày đầu ở Hà Nội, tôi thường dậy sớm chạy bộ quanh Hồ Tây. Tôi thực đã gắng nhịn cười khi nhìn các bác gái ở vườn hoa Quảng Bá đang rất hồn nhiên, xập xình với những động tác aerobic bài nhạc của chàng ca sĩ Hồ Quang Hiếu hát cho lứa tuổi teen “con bướm xinh, con bướm đa tình”. Bình minh Hà Nội, cũng là nơi tôi nhìn thấy những người đàn ông “tà lỏn” muôn năm kéo nhau ra bơi ở Hồ Tây. Một lần, chạy bộ một đoạn con đường ven hồ gần ngõ của quán cà phê Lộc Vàng thì gặp một bác đạp xe đạp tập thể dục, phía sau bọt ba ga là cái cát xét oang oang, rền rĩ giọng ca Khánh Ly với “Ðàn boooò vào thành phố”. Người Hà Nội lớn tuổi yêu nhạc xưa, nhạc vàng hơn tôi tưởng. Còn thế hệ trẻ thì lại nghe nhiều hơn những bản remix nhạc đỏ disco thình thịch theo kiểu quán bar, nhạc sàn và hiphop. Cái dấu ngoặc trái chiều của hai thế hệ này, chỉ còn thiếu sự thanh lịch chấm nước mắm cà cuống mà Vũ Bằng vẫn miên man hoài tưởng khi xuôi Nam.

Sự ô nhiễm trầm trọng của không gian sống khiến tôi cảm giác như một con cá thiếu nguồn nước sạch để thở. Cái trung tâm Fitness thì không lớn như các phòng gym bên Mỹ, ở đây lối vào tầng 1 và lên tầng 2, 3 là khu dành riêng cho Fitness. Ở Việt Nam thì có NFitness và California Fitness cũng tương đối rầm rộ, nên tôi đã lựa chọn chỗ Fitness khá gần nhà để bắt đầu những buổi workout trong phòng tập gym. Những tiếng tăm về sự ồn ào của các phòng tập California Fitness khiến tôi dễ dị ứng với những người làm sale rất manh động.
Các khái niệm về không gian riêng tư (personal space), ý thức cộng đồng thì ở Việt Nam dường như rất ngoại lệ. Cũng vì Việt Nam mới mở cửa và cái phong cách kinh doanh đã chuyển từ thái cực bao cấp sang thái cực tư bản hoang dã. Thái độ “trịch thượng”, thiếu tôn trọng của các chị em hội viên với những người cung cấp dịch vụ cho mình. Ðó có thể là huấn luyện viên, người hướng dẫn trong các buổi tập yoga, zumba, body work. Phần lớn người Việt chỉ làm điều này với những cô cậu huấn luyện viên trẻ tuổi người Việt, nhưng lại chẳng dám “hé răng cao giọng” khi gặp các huấn luyện viên người nước ngoài. Một tinh thần, thái độ tôn trọng phổ quát dường như đang rất thiếu, rất thiếu ở đây. Tôi hoàn toàn không quá ngạc nhiên vì điều này. Ðến tập ở gym, cảm giác như được chứng kiến một xã hội Việt Nam thu nhỏ trong căn phòng gym tập zumba. Phòng tập zumba, body work kín bưng như một cái hộp cá mòi và nhạc nền tra tấn màng nhĩ thì hệt như trong một quán bar, hay cái dancing club. Những sự điệu đà quá mức của các chị em hội viên trong bộ đồ thể thao bó chẽn và mục đích tập vì sức khỏe của hội viên cũng chẳng thể lấn lướt được cái tiêu chí “nhất dáng, nhì da”…

Hẳn nhiên là ở Texas, các phòng gym thì không gian rộng rãi hơn nhiều. Hội viên đến tập gym ngoài sự chú trọng hình thể thì luôn ưu tiên cho mục đích sức khỏe. Chỉ cần sau vài lần tập là tôi đã thấy những khung cảnh từ thời bao cấp hiện hữu ngay thực tại thế kỷ 21. Các chị em nhờ người đặt chai nước “xí chỗ” trong phòng tập zumba, hay xí luôn cả “chỗ thảm chiếu” (yoga mat) ở phòng yoga. Hiện tượng bè cánh, ma mới bắt nạt ma cũ… Trên bục gỗ, ngoài chàng huấn luyện viên lớp zumba, có cái tên mặt trời Sunny từ vương quốc Cà ri Ấn, còn rối mắt thêm hình ảnh hai nàng “nhảy mẫu” đi cùng. Ở đây, sự nhỏ nhặt ngay trong tính cách phô trương như được lên “nhảy mẫu” trên bục gỗ. Cái biên độ “GATO” (ghen ăn tức ở) của chị em phụ nữ đất kinh kỳ còn thể hiện ở tính săm soi từng đồ vật, đôi giày, bộ quần áo thể thao…của người khác. Gã bạn Nghiêm Chỉnh vẫn đùa với tôi rằng, chảy trong mạch máu của mỗi người đàn ông hay phụ nữ ở cái đất Hà thành này, vẫn còn những gene di truyền của những “con mụ mậu dịch”, “thằng Xuân tóc đỏ”. Những tưởng là đã vào những trái cầu văn hóa (cultural bubble) riêng biệt như các khu shopping mall, phòng gym, khu đô thị cao cấp, những quán cafe sang chảnh… là có thể tách khỏi cái hỗn độn của đám đông xô bồ. Những em hot girl bình hoa di động, áo tank top, quần xì bo mà băng vệ sinh thường xuyên được quẳng bừa bãi trong phòng thay đồ. Tôi lại ngờ ngợ hơn khi lời ăn tiếng nói của phái đẹp Hà thành, ngày càng chen chúc nhiều chữ đệm “đ..” “l..” dung tục. Dù Việt Nam có khác trước nhưng sự đi lên về mặt vật chất vẫn không khỏa lấp sự nghèo đói trong tâm hồn.

Ðứng chờ cơn mưa dứt hạt. Thấy nàng hot girl huấn luyện viên lớp body work chân trần lội mưa ra bãi đậu xe, tay thì cầm bịch “ly nông” đựng “đôi giầy cưng” thể thao Reebok để khỏi ướt. Tôi bất chợt liên tưởng đến câu nói trong chuyện cười dân gian Việt, “May là tôi không đi giày, không thì rách cái mũi giày rồi còn gì?”
ÐMH