
Sau cơn bão Harvey, cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên toàn quốc đã tổ chức gây quỹ cứu trợ, cùng nhiều toán tình nguyện đến Houston trợ giúp đồng bào lâm nạn. Bởi Houston là thành phố lớn, nhiều dân gốc Việt cư ngụ, vì thế được cộng đồng Việt khắp nơi biết đến, nên cứu trợ nhanh chóng; còn những thành phố nhỏ hơn ở khu vực lân cận Houston cũng có cộng đồng người Việt sinh sống, thì hầu như kém may mắn hơn Houston, vì nhận được sự cứu trợ ít hơn, hoặc chưa thấm gì so với nhu cầu của người dân sau cơn bão, cho dù là đã gần hai tháng trôi qua.
Ngay từ những ngày đầu bị thiên tai, nhiều ngôi chùa, hội thánh, nhà thờ,… đã thành lập trung tâm cứu trợ; nhiều hội đoàn đã mau chóng quyên góp thực phẩm, quần áo, chăn mền, nước uống…, phân phát cho đồng bào ở các vùng thiên tai tại Houston.

Ðã gần hai tháng trôi qua, tuy mọi người vẫn phải đang giải quyết với những hậu quả khó khăn do bão lụt để lại, cuộc sống người dân ở những vùng lụt tại Houston cũng đang dần trở lại ổn định. Nhưng trong lúc này, chúng tôi lại đột nhiên nhận được những lá thư “khẩn cầu cứu trợ” của những thiện nguyện viên, các thành phố nhỏ Beaumont, Port Arthur, Orange, ở phía Ðông Houston. Beaumont, Port Arthur là thành phố thuộc quận Jefferson, TX., hai thành phố này nằm giáp ranh thành phố Orange, tạo thành “tam giác vàng”, một khu vực công nghiệp chính bên cạnh Gulf Coast. Thành phố Beaumont có dân số hơn 100,000 người, Port Arthur có dân số hơn 50,000, còn Orange với dân số gần 20,000 người. Là khu vực bị bão Harvey “đánh phá”, Port Arthur, thành phố tương đối đông người Việt ở, bị tan hoang. Trong cơn bão, ngay cả khu tạm trú cũng đã bị ngập lụt và người dân phải tản cư sang một khu tạm trú khác. Nhiều căn nhà của cư dân gốc Việt bị mưa và gió tàn phá hoàn toàn. Nhiều thuyền đánh cá của ngư dân bị hư hỏng hay bị sóng đánh trôi mất. Tại Beaumont, khi bão “tấn công”, máy bơm nước sinh hoạt chính và phụ của thành phố bị hư hại, vì nước sông Neches dâng quá cao, làm hư hệ thống bơm nước, và nhiều ngày sau mới sửa chữa xong, khiến cư dân thành phố Beaumont, sau bão, phải chịu cảnh thiếu nước sạch để sử dụng, mọi người dân trong thành phố Beaumont phải xếp hàng dài tại các siêu thị, các chợ, các cửa hàng để mua được vài két nước.

Ảnh Jay Janner
Một ngày giữa tháng 10/2017, chúng tôi đã đi qua Anahuac, Beaumont, Port Arthur, Orange rồi quay ở lại Port Arthur lâu hơn, là nơi có đông người gốc Việt cư trú và làm việc. Ða số người Việt mình ở đây làm công việc liên quan đến biển, như đàn ông khoẻ mạnh thì theo tàu đánh bắt cá tôm cua; ông nào không có sức khoẻ đi biển thì ở trên bờ làm thợ hàn, làm công việc sửa chữa nhà cửa hư hỏng vặt vãnh, kiếm tí tiền còm đi chợ.
Còn phụ nữ ở nhà, hàng ngày đi làm tại các xí nghiệp chuyên chế biến hải sản; họ làm những công việc đơn giản như là vặt đầu tôm, lột mai cua…, chỉ có một số ít các bà, các chị làm nghề nail, hớt tóc hoặc bán hàng ở chợ… Ði biển và chế biến hải sản giống như là công việc mùa vụ, vì vào mùa đánh bắt cá tôm thì mới có việc làm, hết mùa cá tôm là coi như thất nghiệp, phải kiếm việc vặt làm qua ngày đoạn tháng. Có thể nói trong một năm họ có sáu tháng bận rộn làm “đại gia”, còn lại sáu tháng thì hầu như “rong chơi cho hết nợ trần”. Chẳng vì thế mà khi bão Harvey đánh phá vùng ‘tam giác vàng’ từ trên bờ ra đến biển, khiến cho con cá, con tôm… “chạy trối chết”, không còn con nào cho người ta bắt. Vậy là vì một con bão hung hiểm, không chỉ cư dân gốc Việt ở đây bỗng dưng đeo thêm mấy “tròng vào cổ”, nào là không có công ăn việc làm nên không có tiền, nhà cửa tan nát do bão lụt, xe bị hư vì ngâm nước lụt, không có tiền sửa chữa, không được bồi thường, vì nghèo không mua bảo hiểm bão lụt nhà ở, chỉ mua bảo hiểm một chiều cho xe…, muốn chạy rông kiếm tiền còm, mua hạt cơm bỏ miệng cũng đành ‘bó chân’, cái vòng lẩn quẩn cứ siết chặt lấy đầu óc như ‘vòng kim cô’, khiến họ có lúc phải tức tưởi than trời!


Có người cũng hỏi sao không cố gắng lên tí nữa, để cuộc sống khá hơn? Dạ, xin thưa, người mình ở khu ‘tam giác vàng’ có người còn không biết đọc tiếng Việt nữa là nói chi đến tiếng Mỹ. Ngày xưa từ Việt Nam qua Mỹ định cư, hành lý đem theo không có chữ nghĩa gì nhiều; ở Mỹ lâu năm cũng chỉ lõm bõm tiếng ‘Huê Kỳ’ chút đỉnh, thì làm sao có khả năng làm những công việc tốt hơn, nhiều tiền hơn; họ chỉ biết hy sinh đời mình cho con cháu đời sau, là lao vào làm những công việc chân tay nặng nhọc, đơn giản thế thôi, đừng trách họ, vì cái xã hội Việt Nam đã cho họ chỉ chừng đó trong cuộc sống. Nên khi bão đi qua, người ở lại nhìn đống hoang tàn đổ nát, họ không biết phải làm gì với căn nhà hư hại, nghe phong phanh có ‘phi-ma’ gì đó cho tiền sửa nhà, mà họ cũng không biết phải làm hồ sơ thế nào để xin trợ cấp. Có người nhờ làm được hồ sơ gửi FEMA rồi, nhưng khi FEMA điện thoại hẹn ngày đến để kiểm tra hư hỏng nhà cửa thì lại không biết người ta nói gì, không về nhà chờ FEMA đến, vì nhà một nơi, người ở một nẻo, thế là vuột mất cơ hội, phải cất công chờ đợi thêm. Cũng có người nhờ vả ai đó gặp cơ quan FEMA hỏi về hồ sơ của mình, thì nghe đâu FEMA trả lời rằng đang thiếu tiền chưa trợ cấp được, xin chờ nhé! Không biết có đúng vậy không? Vậy là công toi!


Nhưng khốn khổ, khốn nạn nhất là những người thuê nhà ở chung cư. Chúng tôi tấp vào một chung cư có đông người gốc Việt ở. Vừa thấy người ở Houston xuống, mọi người ùa ra như thể có đoàn cứu trợ nào đến cứu giúp. Nói với họ chúng tôi đến đây để tìm hiểu tình hình cuộc sống người Việt mình sau bão, không đem theo gì hết, chỉ có vài két nước có người tặng để trong xe, mọi người có cần thì cứ lấy! Nghe thấy thế, những nét thất vọng tỏ rõ trên từng khuôn mặt người, những đôi mắt rơm rớm lệ, họ nói: “Chúng tôi cần tiền chứ không cần thức ăn. Lấy thức ăn đem về rồi để vào đâu, nhà ở không có, tủ lạnh không có, ăn ngày nào mua ngày đó, chỗ nằm ngủ còn thiếu nữa là! Chúng tôi cần có ít tiền để thuê chỗ ở, thuê xe chạy công việc kiếm tí tiền. Các anh thấy đó, chung cư chúng tôi ở có hai tầng, tầng trệt hư hỏng hoàn toàn, tầng trên bị nhiễm mốc, bốc mùi hôi. Người chủ chung cư đuổi chúng tôi đi, để dọn dẹp sửa chữa; họ gia hạn sau ba tháng chúng tôi không thể ở lại đây được nữa. Ở đây rồi sinh bệnh tật, họ phải chịu trách nhiệm. Nhưng đi ra khỏi chốn này thì biết đi về đâu, nếu không có tiền thuê phòng? Nhà bạn bè, người thân cũng bị ngập lụt hết rồi, shelter thì đóng cửa vì quỹ đã cạn, không còn khả năng cho người tạm trú. Bây giờ đã là một tháng rưỡi cho hạn định, chúng tôi vẫn cứ liều lì ở tạm tầng trên, được ngày nào hay ngày ấy, hai ba gia đình chung một phòng, chịu cảnh khổ sở. Còn một tháng rưỡi nữa thôi, rồi không biết sẽ ra sao đây?”. Ðược biết, những gia đình thuê ở chung cư sẽ không được FEMA trợ giúp tiền sửa chữa nhà cửa hư hỏng vì bão, bởi vì chung cư họ ở không phải thuộc sở hữu của họ. Vậy là lại thêm một cái ngặt cho những gia đình khó khăn. Nghèo còn gặp eo! Thực đúng là:
Khốn thay những kẻ không nhà,
Phố đêm mưa gió xót xa đời mình,
Nay không tưởng đến nhục vinh,
Mong chờ bố thí chút tình thế nhân!

(còn 1 kỳ)