Menu Close

Na Uy nỗi khổ nhà giàu ít con (Kỳ 2)

VN – học cái gì cũng có người dạy, dạy cái gì cũng có người học

Nói tiếp chuyện dân đông có cái lợi, ở VN còn một cái sướng nữa, nhưng cái này phổ biến hơn ở những thành phố lớn, nhất là Sài Gòn, Hà Nội. Đó là học cái gì cũng có người dạy và dạy cái gì cũng có người học! Từ học ngoại ngữ, nhất là Anh Văn, thôi thì đủ thứ trường, đủ thứ cours khác nhau; học thêm các môn học từ cấp một đến cấp ba, học luyện thi cho tới học đủ thứ nghề như học cắt tóc, làm móng, trang điểm, học nấu ăn, làm bánh, bắt bông kem, học may thêu đan lát, học sửa xe, làm nghề mộc, sửa nhà, trang trí nội thất, làm thuốc Nam…; học đủ món “ăn chơi” như học đàn-đủ loại đàn, học hát, học khiêu vũ, học múa dân gian, múa ballet, nhiếp ảnh, quay phim video, học võ-đủ loại võ thuật, bơi lội, thể thao, cả những thứ hobby linh tinh nhất cũng có người dạy như cắm hoa, làm hoa giấy, vẽ guốc, làm kẹp tóc, làm thú nhồi bông, làm “hàng mã” v.v…

Một trung tâm giáo dục dành cho người lớn, người nhập cư ở Helsfyr, Oslo.  Nguồn: wikipedia.
Một trung tâm giáo dục dành cho người lớn, người nhập cư ở Helsfyr, Oslo.
Nguồn: wikipedia.

Có những người rảnh rỗi mà tiền thì cũng dư dả, không biết làm gì, suốt ngày đi học hết cái này đến cái khác. Hết học ngoại ngữ ở các trung tâm cho đến học đủ thứ nghề, đủ món ăn chơi ở các Nhà Văn hóa Lao Động, Nhà Văn hóa Thanh Niên, Nhà Văn hóa Phụ Nữ…(Sài Gòn), rồi các nơi dạy tư…Thôi thì không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc, còn hơn tiêu tốn thì giờ, tiền bạc vào rượu chè, cờ bạc, chơi gái, số đề…vừa tiền mất, tật mang, sức khỏe hao mòn, tổn thọ!

Na Uy – muốn học hay dạy cái gì cũng không đơn giản

Trong khi đó ở một nước dân số ít như Na Uy, muốn học cái gì cũng khó kiếm được trường, lớp, muốn dạy cái gì cũng khó kiếm đủ người. Và giá cả thì rất đắt! Về ngôn ngữ, trừ học tiếng…Na Uy là có tương đối nhiều trường, lớp, giờ khác nhau để người học chọn lựa. Nhưng giá thì cũng đắt kinh hoàng. Thường thường một khóa học tiếng Na Uy dài khoảng một tháng rưỡi, một tuần ba bữa, học phí tính ra tiền đô Mỹ khoảng hơn 700 USD. Nếu cần học gấp thì có khóa 3 tuần, tuần 4 bữa, cũng giá như vậy, đắt hơn nữa thì học riêng từng người, khoảng hơn 60 USD/giờ! Đó lá lớp B1, B2, còn lớp cao hơn giá sẽ đắt hơn. Dân nhập cư đến Na Uy nếu đi theo diện tỵ nạn chính trị, ty nạn nhân đạo… thì được học tiếng Na Uy miễn phí tới 3000 giờ hoặc trong 5 năm, tha hồ mà học.

Một góc trường đại học Oslo (Universitetet i Oslo).  Ảnh: jon olav nesvold ntb scanpix
Một góc trường đại học Oslo (Universitetet i Oslo).
Ảnh: jon olav nesvold ntb scanpix

Ngoài tiếng Na Uy ra, ngay tiếng Anh cũng khó kiếm lớp, vì ở đây dân Na Uy bắt buộc phải học tiếng Anh từ năm lớp 2 và sau khi xong trung học phổ thông thì họ đã xài tiếng Anh khá là ngon lành, nên đâu cần phải học thêm tiếng Anh làm gì. Những lớp học tiếng Anh do vậy chỉ có những học viên cỡ trung niên hoặc đứng tuổi, vì lý do gì đó như không sử dụng tiếng Anh nhiều nên giờ cần phải học thêm, hoặc học viên là dân nhập cư đến Na Uy khi đã lớn và không có cơ hội đi học ở trường. Các lớp tiếng Anh thường chỉ có 1 tuần 1 buổi, và chừng trên dưới 10 học viên, dạy nhiều hơn không ai học! Phổ biến hơn là người ta tự tìm các cours học online, vừa tiện lợi về giờ giấc, vừa học ở nhà, khỏi phải đến lớp.

Các lớp dạy thêm thì tất nhiên là không có, học sinh từ bậc tiểu học, trung học ở Na Uy không có khái niệm đi học thêm. Học ở trường, tối về nhà tự làm bài ở nhà, mùa hè là để đi chơi, đi du lịch, hoặc đi làm thêm. Nếu biết học sinh VN phải đi học thêm đủ thứ môn học ở trường. học không có ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật, không có mùa hè, không có cả tuổi thơ… chắc dân Na Uy há hốc miệng vì ngạc nhiên, không sao hiểu nổi!

Các môn học nghề như nghề cắt tóc, nghề nấu ăn, nghề làm việc ở khách sạn, nghề điện tử, kỹ thuật…thì phải học ở trường nghề. Trong hệ thống giáo dục ở Na Uy, chương trình trung học được chia như sau: Barneskole, ungdomsskole   videregående. Barneskole tức bậc tiểu học là 7 năm, từ lớp 1 đến lớp 7, ungdomsskole tức bậc trung học cơ sở (theo cách gọi ở VN bây giờ) hay trung học đệ nhất cấp (theo cách gọi thời chế độ VNCH) là 3 năm. Mọi trẻ em bắt buộc phải theo học xong 10 năm này. Videregående tức trung học phổ thông (theo cách gọi ở VN bây giờ) hay trung học đệ nhị cấp (theo cách gọi thời chế độ VNCH), không bắt buộc phải theo học nếu không có điều kiện.

Ở bậc videregående học sinh có thể chọn lựa giữa chương trình học kiến thức tổng hợp hoặc chương trình học nghề. Những học sinh chọn học kiến thức tổng hợp sẽ học thêm 3 năm, tổng cộng 13 năm để hoàn tất chương trình trung học, sau đó tiếp tục theo học đại học hoặc cao đẳng.

Đường phố ở Oslo. Ảnh: sc.
Đường phố ở Oslo. Ảnh: sc.

Những học sinh chọn chương trình học nghề sẽ phải mất 4 năm: 2 năm lý thuyết ở trường và 2 năm thực tập. Chương trình dạy nghề có nhiều ngành khác nhau để các em lựa chọn theo thiên hướng, sở thích, ví dụ: kỹ thuật và công nghiệp, điện tử, xây dựng, nhà hàng và phục vụ, y tế và chăm sóc xã hội v.v…

Vì đã có trường nghề nên nếu muốn học món gì cũng phải vào trường mà học. Vừa được học miễn phí, vừa có thể mượn nợ nhà nước để chi tiêu trong thời gian đi học, sau ra đi làm trả, học đại học hay học trường nghề đều thế. Nhưng học trường nghề theo hệ thống chính thức thì phải mất 4 năm, hơi lâu. Đôi khi cũng có những ngành nghề có trường tư, dạy nhanh hơn nhưng đắt. Ví dụ muốn học cắt tóc, học trường tư chỉ mất 1 năm, nhưng học phí lên đến 7600, 7700 USD. Còn học lái xe thì đắt kinh hoàng. Dân ở Mỹ ai ngơ ngơ đến đâu cũng có thể học lấy cái bằng lái xe trong thời gian rất ngắn với giá chừng vài trăm đô, còn ở Na Uy, muốn học lái xe, phải mất chừng 5000-7500 USD, cho một khóa học lái xe 4 chỗ, chưa kể chi phí đi thi, lấy bằng! Bằng tiền bên Mỹ người ta mua cả cái xe chạy rồi.

Đó là nói đến học nghề, và không phải nghề nào cũng có trường dạy, còn tất tần tật các thứ học ăn chơi, hoppy như ở Sài Gòn tìm đâu cũng có thì càng không tìm ra. Muốn tìm hiểu cái gì chỉ có nước tự mua sách tham khảo hoặc lên mạng, tìm các video người ta dạy làm cái này cái kia. Như đã nói, dân Na Uy quen sống theo tinh thần độc lập, cái gì cũng phải tự tìm hiểu lấy.

Những ai muốn học một cái nghề gì đó nhanh chừng vài ba tháng, một năm để có cái nghề ra kiếm việc thì chịu chết.

Dân nhập cư đến Na Uy khi đã ngoài 30, 40, 50 thì rất khó. Quay trở lại đi học không dễ mà lại thời gian thì dài. Cơ quan phụ trách an sinh xã hội ở Na Uy gọi tắt là NAV cũng có mở đủ thứ cours, tiếng Na Uy gọi là kurs, hoặc các chương trình nọ kia cho người thất nghiệp, nhất là dân nhập cư. Nhưng những khóa học này chỉ là những khóa học tìm hiểu những lý thuyết chung chung về thị trường lao động ở Na Uy, các công ty, luật lao động, quyền của người lao động; hoặc những kỹ năng như tìm việc trên net, làm đơn, phỏng vấn, chuẩn bị xin việc…Bên cạnh đó là những lớp dạy tiếng Na Uy hoặc dạy sử dụng máy vi tính trình độ căn bản cho những người lớn tuổi chưa bao giờ biết sử dụng internet, máy vi tính, gửi mail… Hoàn toàn không có những khóa học những nghề mà người ta có thể có một cái nghề đi kiếm việc được. Không có đủ người dạy. Muốn học thì quay trở lại đi học theo con đường chính thức, hoặc trường nghề, hoặc cao đẳng, đại học, như đã nói ở trên!

Một lớp học dành cho dân nhập cư. Nguồn: felles forum for innvandrere i ostfold. 
Một lớp học dành cho dân nhập cư. Nguồn: felles forum for innvandrere i ostfold. 

Quốc gia nào cũng có những vấn đề của nó. Vấn đề của các nước Bắc Âu nói chung và Na Uy nói riêng, như đã đề câp, là ít dân, thị trường lao động nhỏ, hệ thống trường lớp không đa đạng. Cho nên đối với những người Việt đang nghĩ đến chuyện sẽ đi sang một nước nào đó sinh sống, phải chuẩn bị đầu tư cho mình ngay từ khi còn ở trong nước. Nếu còn trẻ thì chỉ cần chuẩn bị ngoại ngữ cho thật tốt để sang nước ngoài đi học cao đẳng, đại học. Nếu tuổi đã lớn, khoảng từ 40, 50 trở lên mà lại không có thời giờ đi học lại từ đầu, bên cạnh ngoại ngữ phải ở mức độ tối thiểu B1, B2, hãy chuẩn bị cho mình một vài cái nghề gì đó để mưu sinh. Cắt tóc, nấu ăn, làm bánh, làm nail, sửa chữa máy vi tính, nghề mộc, nghề điện… Ở VN cái gì cũng rẻ, dại gì không học. Sang nước ngoài là có cái nghề để kiếm ăn.

Ở Na Uy này có những người cắt tóc không giỏi, không thể đi làm cho tiệm của dân Na Uy nhưng cắt ở nhà, lấy giá rẻ, thế là vẫn có khách rất đông, hoặc biết làm bánh, mở tiệm nho nhỏ làm bánh sinh nhật, cũng sống lai rai được. Có người chỉ học làm sushi trong 2 tuần, học trên mạng, mà cũng dám mở tiệm sushi, hoặc chẳng đi học nấu ăn bao giờ nhưng vẫn mở tiệm bánh mì, nhà hàng, thậm chí đứng bếp!

Cái gì chứ trong một số dịch vụ thì nói thiệt thợ ở VN giỏi hơn vì dân đông, cạnh tranh nhiều và khách hàng đông, có việc làm hoài nên tay nghề cũng lên!

Đường phố ở Oslo. Ảnh: sc.
Đường phố ở Oslo. Ảnh: sc.

SC