
Thành Tôn là một nhà thơ và là người có lòng yêu sách hiếm thấy. Bạn bè ai cũng biết và mến anh. Báo Trẻ cũng đã hơn một lần giới thiệu thơ Thành Tôn.
Sau tháng Tư năm 1975, Thành Tôn cũng đã mất gần tám năm tuổi trẻ trong các trại cải tạo. Cùng với gia đình, ông định cư tại Mỹ từ năm 1996, nhưng không còn thấy thơ (văn) mang tên Thành Tôn xuất hiện trên các tạp chí văn học hải ngoại, dù là báo in hay báo mạng. Anh nói: “Làm thơ như vậy đủ rồi. Bây giờ mình thấy làm thơ không hay, thôi không làm thơ nữa”. Không làm thơ nữa nhưng Thành Tôn vẫn quan tâm đến sách. Anh hiện giữ nhiều sách báo xưa, thời VNCH, bạn bè nào cần là anh giúp. Ấn bản sách biếu do anh thực hiện bằng thủ công.
Sau đây mời các bạn tìm hiểu thêm về Thành Tôn qua bài viết của Trần Văn Nam.
NGUYỄN & BẠN HỮU
Nhà thơ Thành Tôn và những hình ảnh tận tụy với văn học
Ðọc được một bài viết trong sách biên khảo của nhà thơ Du Tử Lê nói về lối sống đẹp đối với các bạn văn nghệ của nhà thơ Thành Tôn: Ai cần tra cứu loại sách văn học gì hiếm quý mà anh đang lưu giữ thì vài ngày sau anh đem đến cho mượn. Ðiểm lại trong sinh hoạt văn học tại hải ngoại, anh đã có công đóng góp rất nhiều tài liệu sách xưa, tạp chí văn chương thời trước, vào các cuộc Hội Thảo Văn Học, vào sự thành hình các bộ sách Biên Khảo Văn Chương đồ sộ. Anh đang cư ngụ tại thành phố Anaheim cách Little Sài Gòn chỉ 5 hay 6 dặm. Ðôi lần có dịp đến nhà anh, tôi chợt có cảm nghĩ nên ghi lại sự tận tụy với văn học của nhà thơ Thành Tôn. Trong thời đại thông dụng với các phương tiện điện-tử nhanh chóng như Lap Top, iPad, Ðiện Thoại Cầm Tay Tinh Khôn (iPhone, Samsung, Mobile); chỉ cần bấm nút Print Out thì ta có ngay những văn bản hoặc tài liệu văn học với các loại chữ sắc nét, nếu cần thì kèm theo vài hình ảnh nhiều màu cực đẹp. Việc cắt dán thủ công như hình ảnh trên đây (có đến hơn 300 văn bản đựng trong 6 hộp giấy) đòi hỏi rất nhiều công phu. Nếu muốn in ra với số lượng lớn phải chụp lại từng văn bản để đưa vào máy in, thật khá tốn kém tiền của. So với sự hữu hiệu điện tử thì tấm lòng người làm thủ công càng biểu lộ, khiến ta phải ngẫm nghĩ lưu tâm.
Không phải nhà thơ không có sẵn những phương tiện điện tử hiện đại trong nhà, nhưng chỉ vì anh không màng tới. Con cái hoặc bạn thân đã có những dịp tặng những quà đó cho nhà thơ. Có lẽ anh không ưa “mày mò” làm quen một số thao tác phức tạp trước màn ảnh điện tử. Trong khi đó, chắc anh lại là khách hàng quen thuộc của vài “Copy Center” như “Office Depot” hoặc “Staples”; hoặc ở những nhà in thân mật của bè bạn quanh Little Sài Gòn, Anaheim, hay Garden Grove; đến để copy lại từng trang tạp chí, từng trang sách; sau đó công phu đóng xếp thành những văn liệu quả là mỹ thuật.
Có lần ở ngoài quán cà phê, tôi từng thấy tập tiểu thuyết thật dầy của nhà văn Dương Thu Hương được nhà thơ Thành Tôn copy nguyên cả cuốn, bây giờ lại chứng kiến tại nhà anh những tập sách văn học đồ sộ khác cũng đã được copy nguyên bộ. Trong số, thi phẩm “Rừng Phong” của thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã đuợc copy không khác gì với bản gốc, trong ngoài cùng khuôn khổ cùng màu sắc với chính bản, có phần đẹp hơn với giấy thật láng. Còn với cuốn “Ðường Thi” thật dầy, anh trịnh trọng giới thiệu công phu copy và đóng xếp của mình.
Nơi nhà anh Thành Tôn, phòng khách và phòng ăn liền thông với nhau, do đó anh có được một không gian rộng để dàn trải những kệ sách. Ba phía tường đều được tận dụng để sắp xếp những cuốn sách văn chương quý hiếm, cuốn nào cũng thấy bao bọc bằng những lớp nylon trong suốt để gìn giữ lâu dài. Tường bên trái khi từ cửa chính đi vào nhà là những kệ sách cùng bàn thờ cha mẹ; tường phía trong trưng bày vài lọ sành cổ cùng những kệ sách; tường kế tiếp vẫn là những kệ sách cùng bàn thờ ba người bạn văn nghệ cố cựu thân thiết của nhà thơ Thành Tôn: thi sĩ Bùi Giáng, nhà văn Võ Phiến, họa sĩ Ðinh Cường… Thiển nghĩ, chỉ với vài hình ảnh như trên đây thì không đầy đủ lắm, nhưng cũng đã nói lên được phần nào tấm lòng trân quý văn học của nhà thơ Thành Tôn.

Trần Văn Nam City of Walnut, California, 27/4/2017