
Ðó là chiều cuối tuần, trời gió và khô. Tôi khoác áo và đạp xe về phía thung lũng. Tôi có một cuộc hẹn với người lạ.
Người lạ đến từ thị trấn phía bên kia đồi. Tôi chỉ mới gặp một lần vào cuối tuần trước. Vậy mà khi về kể lại câu chuyện đó với ngoại, bà đã giật mình, tỏ vẻ hoảng hốt. “Hả, sao con lại gan như vậy. Lần sau đừng gặp nữa nghe chưa. Nguy hiểm quá. Nó sẽ bắt mất linh hồn con đi. Bà chỉ có mình con thôi, con phải nghe lời bà, hiểu chưa?”. Khi bà nói “bà chỉ có mình con thôi” giọng như van vỉ, chùng và nghẹn. Tôi ậm ừ, rồi nghĩ, làm sao chỉ với vài chi tiết đơn giản mà bà ngoại đã vội phán xét và giáng cho người lạ một cái nhãn xấu như vậy.
Sự cản ngăn của bà ngoại càng khiến tôi thêm tò mò. Tôi đã nghĩ rằng, mình không thể bỏ cuộc hẹn tới. Dù những gì bà ngoại nói ít nhiều khiến tôi thận trọng hơn.
Trước khi đi, tôi có bỏ một cái bấm móng tay vào túi quần. Ðó là một chiếc bấm móng tay đặc biệt – có một con dao nhọn xếp ở bên trong. Khi cần, tôi có thể bấm vào cái chốt nhỏ, lưỡi dao sẽ bật ra. Lưỡi dao rất bén, và sáng, bởi nó chưa từng được dùng để cắt hay đâm thứ gì, chưa từng gây sát thương cho ai cả. Nó nằm ẩn sau một lá thép. Như mang vào mình một nỗi niềm ẩn mật. Tôi đã thử bật ra để đâm vào vỏ cây anh đào trước nhà. Vết đâm ngọt bấm sâu rồi rạch ba đoạn chéo khiến nhựa cây một lúc sau mới ứa ra. Ðỏ bầm.
Tôi nào biết nhện sa xuống trước mặt thì có điềm gì. Tôi đã không dám hỏi bà ngoại cho đến một lúc, chính câu chuyện ngoại kể về một lần nào đó xưa rồi trở về trong trí nhớ. Một lần nọ, ba tôi đã giết chết một lúc hai con rắn, đang khi chúng ái ân. Chỉ bởi vì chúng cuộn lấy nhau ngay giữa lối đi. Ðiềm xấu. Vì vậy, kẻ muốn bước qua cái tín hiệu không lành ấy, thì phải ra tay dọn sạch. Ba dùng một cây mác dài và chém xuống tới tấp. Máu của hai con rắn vung lên mặt, lên ngực áo ba. Những khúc thân thể đứt lìa quằn quại trây trét máu và nước trên mặt đất bazan. Hai cái đầu rắn vẫn cố bám vào nhau, run rẩy, đau đớn. Ba đã làm việc tiếp theo, gọi là ân huệ với chúng, đó là dùng lửa đốt cháy, rồi bước qua xác chúng mà đi. Hình như cái mục đích cuối cùng công việc cũng chẳng có gì quan trọng. Chiều đó, ba xuống chợ thị trấn mua mấy giò phong lan của người Thượng mang về dưỡng. Ba muốn khung cảnh trước nhà vào mùa thu đó bớt đi sự buồn tẻ. Ý nghĩ ấy chỉ mới bật lên trong đầu ba, như một trò tiêu khiển vô nghĩa kể từ khi mẹ mất.
Mùa thu đến, trước cổng nhà, hoa chuồn chuồn nở vàng một vạt, trên mấy cành anh đào, hàng chục giò phong lan lập lòe những chuỗi hoa tím, trắng, hồng nhạt điểm chấm đen li ti. Nhưng bấy giờ, trời mưa không dứt, chẳng ráo tạnh để thong thả ngồi ngắm.
Và chẳng biết có phải là ứng với điềm xấu nào không. Trong lần xuống chợ thị trấn hiếm hoi đó, ba quen người đàn bà nọ. Rồi bỏ đi biền biệt. Như kẻ mắc bùa mê thuốc lú.
– Vậy thì nhện sa có sao không bà?
– Cũng xui lắm. Mà nhện gì?
– Nhện cái, có nguyên một bọc trứng trắng trước bụng.
– Xui lắm. Không đùa được đâu.
– Vậy phải giết nó và trứng của nó phải không bà?
– Không. Hãy để nó tự đi.
Tôi đã ngồi nhìn nó suốt một buổi chiều. Con nhện đen chân đầy lông ôm bọc trứng đòng đưa trong gió. Sợi tơ mỏng manh tán sắc lấp lánh. Nó quá bé nhỏ như thể dễ dàng đứt bựt bất cứ lúc nào. Vậy mà không đứt. Ðiều kỳ diệu là ở đây. Những sợi tơ, chúng được rút ra từ chiếc bụng căng tròn của con nhện cái. Hẳn khi bắt đầu buông chân khỏi cành cây, nó đã cảm giác được một cú rơi, nếu điều không may xảy ra. Nhưng bản năng mách bảo nó rằng, sợi tơ óng li ti kia sẽ bảo đảm cho nó và lũ con bên trong bọc trứng trắng đang có một cuộc du hành ở lưng chừng thinh không tuyệt đối an toàn. Một trò đùa giỡn thầm lặng trước hư vô thăm thẳm. Và có thể ở một chiều kích nào đó trong sự huyền nhiệm tự nhiên của vạn vật, nó đang báo trước với thằng bé mười buốn tuổi về điều dữ sắp đến.
Nó đòng đưa như thế suốt hai giờ đồng hồ rồi cái thân hình nặng nề ấy bỗng chốc hút lên trên. Nó lẩn trốn sau một quả thông khô vướng trên cành. Và đưa mắt nhìn xuống mặt đất.
Tôi ngồi nghĩ đến những điềm rủi có thể xảy ra khi bà tôi vẫn say giấc. Giấc ngủ buổi chiều thường mê mệt nhưng điều đó không còn quan trọng với một người già, khi đồng hồ sinh học của họ đã rối loạn hết cả lên. Bà có thể thức đọc kinh lầm rầm vào đêm khuya, thậm chí, hát thánh ca trong bóng tối nhưng lại có thể ngồi tựa cửa ngủ một giấc vào lúc bốn giờ chiều, dưới bóng nắng hanh vàng xiên khoai lấp loáng.
Nỗi gì như nắng
Phai cùng chiều hôm!
Tôi khẽ dắt xe ra ngõ và đạp vội vàng men theo bờ hồ đi về phía thung lũng.
Tôi phập phồng dõi mắt chờ. Không lâu lắm.
Người lạ đi xuống từ gốc cây thông bị sét đánh cụt ngọn mùa trước. Dáng đi chậm chạp và thận trọng như thể xem chừng tôi có hẹn thêm một ai khác theo dõi cuộc gặp gỡ này hay không. Nhưng tôi đã hứa rồi, tôi sẽ không bao giờ làm thế. Có một điều gì đó mơ hồ khiến tôi tin người lạ không phải là kẻ thủ ác, có thể làm hại tôi ở lần gặp này.
Tôi ngồi chỗ gốc cây thông cũ và nhìn dáng đi thong dong của người lạ tiến về phía mình. Trên đỉnh đồi có một quầng sương trắng xóa. Có lẽ của một đám mây vừa bị dạt ra bởi một khối khí lạnh ly khai trên đầu ngọn núi Lớn.
Người lạ đến ngồi bên tôi và nhìn ra mặt hồ. Tôi cảm giác ấm áp và hơi hồi hộp. Nhưng tôi sẽ không bắt chuyện trước. Tôi để người lạ chọn câu chuyện sẽ kể vào hôm nay. Chắc người lạ cũng sẽ như tôi. Cũng nhường cho tôi phần bắt đầu.
Mười lăm phút trôi qua, chúng tôi ngồi như thế nhìn ra mặt hồ lăn tăn sóng. Thi thoảng bên kia bờ cỏ có tiếng một con cá trắm cỏ quẫy nước làm những vân sóng tròn lan ra rồi đâu đấy trở về bình lặng nhanh chóng.
– Này mình, mình sẽ nói chuyện gì? Tôi chọn cách xưng hô ấy để tỏ ra gần gũi thân thiết với người lạ, dù biết rằng đây mới chỉ là lần gặp thứ hai. Và xưng hô “mình” là cách mà những người bạn thiết, hay vợ chồng dùng để trò chuyện với nhau.
Người lạ đưa khuỷu tay sát vào khuỷu tay tôi, mắt nhìn ra đồi thông trước mặt, nói:
– Mình nói trước đi. Giọng nói trong veo như một làn gió mát lướt qua khoảng hồ lặng.
– Vậy là sẽ không biết nói gì cả, đúng không? Tôi lại hỏi.
– Nói rồi, mình muốn nói gì thì nói trước. Mặt trời sắp xuống rồi kìa! Giọng người lạ buồn buồn. Và tôi cảm nhận quầng sương trên núi xâm chiếm dần một khoảng đồi, đang tỏa xuống chỗ chúng tôi ngồi mặc dù ráng chiều yếu ớt vẫn đang vương vấn trên xa thẳm tầng không.
– Nếu gặp nhau mà không nói gì thế này thì…, tôi bỏ lửng câu nói.
– Mình nói bữa sau sẽ không gặp nữa chứ gì? Người lạ như hờn dỗi.
– Gần như vậy, tôi nói. Ðạp xe đi xa mệt lắm. Nhưng… – Tôi kể lể.
Người lạ đứng dậy bước đi ra phía trước, chỗ mô đất, nhặt mấy viên sỏi nhỏ ném tâng tâng trên mặt hồ. Tôi cũng làm theo. Những viên sỏi nảy trên nước rồi biến mất dưới màu sương chiều trắng đục.
– Ðường về thị trấn bao xa? Tôi hỏi.
– Nếu đi bộ thì lâu lắm, người lạ nói.
– Vậy hôm nào cho tui đèo mình đến thị trấn cùng được không? Tôi đánh bạo đề nghị.
– Không. Sẽ không thấy nẻo về đâu. Ðường đi khó vô cùng. Lại rất nhiều rắn.
– Sao mình đi được? Tôi hỏi vặn.
– Vì mình quen rồi.
– Lúc nãy mình có nói chuyện trên đường nhiều rắn. Chúng có bò ra chặn ngang đường không? Tôi hỏi vì nhớ đến chuyện của ba.
– Có. Chúng nằm la liệt trên đường. Có khi phải đợi chúng rời đi thì mình mới dám qua.
– Sao không giết chúng để bước qua?
– Chúng không thấy mình. Ðó là một lũ rắn mù. Chúng sống quờ quạng giữa thế giới này, có tội tình gì mà giết chúng. Ai lại dùng sức mạnh của kẻ thấy để sát hại kẻ không thấy?
Tôi lặng đi. Tôi định lấy kinh nghiệm của ba ra để kể. Nhưng tôi có cảm giác câu hỏi của người lạ có thể xuất phát từ chỗ đọc được suy nghĩ của tôi. Có thể người lạ đã đọc được câu chuyện đang diễn ra trong đầu tôi và có ý trách móc. Dù đó đâu phải là lỗi của tôi.
– Còn nhện thì sao? Nhện sa ấy? Tôi hỏi.
– Phải giết nó. Bởi nó báo trước sự nguy hiểm đến khi người ta trở về chứ không phải lúc rời đi. Giọng của người lạ lạnh lùng, như đe dọa.
– Nghĩa là sao?
– Nghĩa là tai nạn sẽ chờ lúc chúng ta trở về. Loài nhện thấy được điều đó. Và chúng muốn ta phải dẹp qua một bên những dấu hiệu ấy. Người lạ vẫn nói, giọng như thoát ra từ lòng huyệt mộ lâu năm.-
– Tôi ngồi nhìn ra bờ hồ ngập sương, thẫn thờ nghĩ về những lời nói đầy bất an ấy. Còn người lạ, vẫn đứng chỗ mô đất đó, quăng hòn sỏi cuối cùng ra hồ. Hòn sỏi không nẩy tâng mà chìm ngay. Có tiếng cá quẫy gần vạt cỏ. Có tiếng hú của loài vượn cô đơn lạc bầy trong lũng sương.
– Thôi, tới giờ về. Nhưng chúng ta sẽ còn gặp lại vào tuần tới đây chứ?
– Không.
– Vì sao?
– Mình đã thấy nhện sa vào lúc chiều. Không biết…
Người lạ nhìn tôi, đôi mắt buồn, làn môi đỏ, đôi bầu má phúng phính, nhân trung có một vạt lông tơ xanh.
– Mình tin thiệt chuyện vừa rồi hay sao?
Tôi gật đầu rồi khẽ nắm tay người lạ. Cảm giác như nắm một vốc sương khói. Tất cả trôi tuột. Cả tôi nữa, cũng như thể đang trôi tuột và loãng tan trong buổi chiều lạnh lẽo.
Người lạ bước đi về phía cây thông cụt ngọn.
Trời càng lúc càng lạnh.
Tôi nhìn theo dáng đi chậm chạp thong dong của người lạ, lòng chưa nguôi xao xuyến. Bộ váy trắng, đôi bím tóc thắt nơ đỏ đã chìm trong sương. Tôi đưa tay vào túi quần xem còn cái cắt móng tay đó không. – Hãy còn. Nó lạnh như một thẻ nước đá. Tôi đưa nó lên trước mặt, bấm lưỡi dao bung ra. Mũi nhọn của lưỡi dao vẫn còn dính mũ cây anh đào chiều hôm trước, như một vết máu loang. Tôi lau sạch lên tay áo, rồi lại cho vào túi, thủng thẳng dắt xe men theo bờ hồ.
Phía trước, con đường đã chìm trong sương mù.

NVN