Menu Close

Peru ký sự (kỳ 7)

­Cusco

Cố Ðô Inca – 1

Cusco là thủ đô của triều đại Inca, trải rộng khắp 4 vùng lãnh thổ, và là vùng đất nhiều lịch sử, giàu văn hóa với dấu vết của người tiền sử cổ xưa nhất của châu Mỹ. Theo huyền thoại, triều đại Inca khởi nghiệp trong thế kỷ XII, nhà vua Manco Capac là truyền nhân của thần Mặt Trời, Inti, theo dấu vết nơi cây gậy thần gõ xuống đất mà chọn làm thủ đô, vùng đất ấy là cái rốn của vũ trụ, qosq’o. Thủa ban đầu cũng chỉ là một bộ tộc nhỏ cho đến đời vua Inca thứ IX, Pachacutec, triều đại Inca mở mang bờ cõi và chiếm giữ một lãnh thổ rộng lớn nhất châu Mỹ vào thời điểm ấy, sau khi đánh đuổi, tru diệt các bộ tộc lân cận, bắt tù binh, chiếm đất đai của cải.

co-do-inca9
Bản đồ Cusco

Truyền nhân của Manco Capac, vua Pachacutec cũng là một thiên tài đã xây dựng và phát triển đất nước, xây cất thủ đô theo hình dạng con báo vươn mình và đã tạo dựng hệ thống dẫn nước vào thành phố từ những con sông lân cận. Dấu vết kiến thiết của vua Pachacutec là Plaza de Armas và tường thành Sacsaywaman (cứ bị dân Huê Kỳ đùa giỡn, đọc trại là ‘sexy woman’).

Hậu duệ của nhà vua tiếp tục mở rộng bờ cõi, lãnh thổ trải dài từ Quito (Ecuador ngày nay) đến Chile cho đến khi bị người Tây Ban Nha tận diệt, xóa sổ. Thời hoàng kim giàu có của triều đại Inca kéo dài trên một trăm năm.

co-do-inca8
Công trường Cusco

Trung tâm thành phố ngày nay vẫn là Plaza de Armas dù đã bị người Tây Ban Nha thay đổi hình dạng, nhưng nền móng tường thành hình vòng cung cao cả chục thước vẫn là công trình xây cất của Inca. Tu viện, thánh đường, tòa thị chính… được quân xâm lăng xây dựng trên nền móng Inca. Mấy trận động đất trong thế kỷ thứ XVIII đã khiến nhà cửa Tây Ban Nha rung rinh đổ sụp nhưng nền móng Inca vẫn còn nguyên. Ðây là niềm tự hào của người địa phương, tổ tiên họ là những kiến trúc sư, kỹ sư công chánh đại tài, vượt xa kẻ cướp Tây Ban Nha!

Cusco là một bức tranh lạ, có phần tương phản nhưng cũng có phần hòa hợp nhiều nền văn hóa khác nhau. Trên gốc gác Inca là cái ngọn Âu Mỹ, bắt đầu từ Tây Ban Nha và về sau là đường nét Á Ðông. Nhà thờ, tu viện bài trí trang điểm rực rỡ, tỉ mỉ trên nền móng bền bỉ, to lớn nhưng giản dị của văn minh Inca. Trên các con đường lát đá lồi lõm của Âu Châu và giữa những cửa tiệm bán len sợi đắt giá (alpaca và vicuña) là những thổ dân trong trang phục truyền thống dắt llama đi buôn bán.

co-do-inca7
Một bức tranh tường

Từ khách sạn vào trung tâm thành phố, Plaza de Armas, công trường chính khoảng nửa tiếng cuốc bộ. Chao ôi, xe cộ như mắc cửi vì Cusco là trạm dừng chân của du khách, những chuyến xe bus du lịch và cả những chuyến xe bus đổ người và đón người địa phương chạy vùn vụt. Dế Mèn lại đến đây vào ngày lễ nên thành phố tưng bừng lắm, toàn những người là người, người trình diễn kẻ đi xem. Cờ quạt cắm khắp nơi; lá cờ Cusco có 7 màu, trông thoáng giống hệt là cờ ‘Gay Pride’ sáu màu từ Huê Kỳ. Cư dân tổ chức xe hoa, diễn hành, nhảy múa trong trang phục cổ truyền; sinh viên từ các phân khoa trường đại học và các thôn dân họp nhau trình diễn trang phục với các điệu múa cổ truyền tại công trường chính suốt nhiều tuần lễ. Mách nhỏ với bạn, tháng Sáu là tháng lễ lạt của Peru, lễ độc lập ngày 24 tháng Sáu (giành lại độc lập từ tay người Tây Ban Nha), lễ Thánh Thể, ngày Hè Dài Nhất (Summer Soltice)… nên bá tánh dường như ăn mừng cả tháng, từa tựa như tháng Giêng ăn Tết của người Việt ta. Ngó đâu cũng thấy người ta mặc y phục cổ truyền, nam cũng như nữ. Người thành phố có khuynh hướng ‘về nguồn’ nên cố gắng phục hồi văn hóa địa phương qua tranh ảnh, hình tượng liên quan đến sinh hoạt của tổ tiên. Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, giữa công trường, họ dựng tượng kỷ niệm nơi vua Inca bị xử tử.

co-do-inca6
Tranh tường Pachacuti

Avenida del Sol là một con đường huyết mạch của Cusco, nhà băng, hàng quán và nhiều cơ quan công quyền nằm hai bên đường. Trên đường Sol có một bức tranh tường, muro, rất lớn, chiếm gần một block đường phố, bức tranh vẽ những hình tượng trong sinh hoạt Inca. Bức tranh tường (muro) rực rỡ rất đẹp.

Một phần bức tranh ghi chép cảnh vị vua Inca cuối cùng bị quân đội Tây Ban Nha xử tử, sau hai lần đòi tiền của chuộc mạng (hai phòng đầy vàng và bốn phòng đầy bạc), ông ấy vẫn bị kẻ cướp mang ra giữa làng cho bốn ngựa phân thây xé xác hầu răn đe kẻ khác.

co-do-inca10
Sơ đồ các dòng họ lạc đà

Từ đó, để phản kháng dù âm thầm, phụ nữ Inca mặc váy đen để tang và tục lệ mặc váy đen kéo dài đến ngày nay.

Nơi dừng chân đầu tiên trong buổi thăm viếng là tiệm bán sản phẩm chế biến từ len sợi. Loại len đắt giá nhất là len từ vicuña. Một chút về các loại len sợi địa phương: len từ lông cừu là loại len phổ thông nhất, giá cả rất phải chăng vì nhiều nơi trên thế giới nuôi cừu cạo lông làm vật liệu dệt quần áo, chăn mền hoặc thảm; tương tự như lông thỏ, lông lạc đà, lông dê… Lớp lông cạo lần đầu tiên được gọi là lông tơ hay “baby hair”, lông thường mềm và cao giá hơn những lượt lông cạo về sau trong suốt đời của con vật.

Ở Peru, thổ dân nuôi các loại thú địa phương như llama, alpaca và vicuña để lấy lông theo truyền thống (cừu, dê và ngựa được “nhập cảng” vào thời thuộc địa những thế kỷ về sau); các loài thú kể trên là bà con gần gũi với lạc đà với các đặc tính riêng:

co-do-inca5
Nhà thờ Santo Domingo (ngoài)

Llama được người Quechua nuôi và thuần hóa thành gia súc khoảng 6,000 năm nay, giống vật này được dùng để chuyên chở, chúng có thể mang một trọng lượng khoảng 1/4 trọng lượng cơ thể (trọng tải thấp so với lừa ngựa hoặc lạc đà). Ðường rừng núi lên xuống khúc khuỷu, con người cần thú vật giúp đỡ để khuân vác, khiêng mang đồ dùng. Con vật có đôi tai giống dạng trái chuối, to gấp đôi con alpaca, lông cứng và ngắn, trong vùng núi Andes lạnh lẽo con thú mọc lông dài hơn để chống lạnh. Lông llama không được ưa chuộng vì cứng và khó dệt.

Alpaca cũng được thổ dân thuần hóa trong cùng thời đại nhưng được nuôi dưỡng để lấy lông. Con thú mọc lông rất nhanh nên mình mẩy đầy lông. Quần áo, khăn quàng (poncho) vùng Nam Mỹ thường dệt bằng lông alpaca. Giống vật này cũng được nuôi để lấy thịt, làm “steak” như thịt bò. Dế Mèn có thử món alpaca steak hai lần; miếng thịt mỏng, khô và dai nhách. Alpaca khi chết trong bụng mẹ được đem phơi khô làm vật tế lễ.

co-do-inca
Nhà thờ chính tòa Cusco

Vicuña, như một loài thú đồng chủng guanaco, là thú hoang sống trong rừng núi, lông vicuña là loại lông đắt nhất thế giới nên bị săn đuổi đến mức gần tuyệt chủng.

Ngày nay loài thú này được bảo vệ kỹ lưỡng, chính phủ Peru cho phép cư dân bắt một số thú nhất định mỗi 3 năm để cạo lông, sau đó phải thả thú về rừng. Lông vicuña trị giá khoảng 3,000 Mỹ kim/thước! Không lạ là những tấm khăn quàng cỡ 15cm x 140cm mang bảng giá 10,000 – 15,000 Mỹ kim; món hàng có mã số đi cùng với giấy tờ chứng thực là lông cạo có giấy phép! Phe ta cũng nhìn ngắm và sờ mó cho biết, tấm khăn quàng mỏng, nhẹ và rất mềm mại được cất giữ trong hộp trầm hương đàng hoàng, nghe nói rất ấm!

Trở lại với Cusco: Thủa xa xưa, công trường chính có tên Huacaypata hay Aucaypata, ngày nay là nơi tụ họp, lễ lạt của cư dân thành phố. Bao quanh là nhà thờ, nhà nguyện lớn nhỏ. Nhà thờ chính tòa, La Catedral, xây theo kiểu Colonial trên nền đá của Inca, bên trong trưng bày cơ man là tranh vẽ từ thế kỷ XVII và bàn thờ lớn nhỏ khắp bốn cạnh.

co-do-inca4
Thiên văn của người Inca

Bàn thờ chính khảm vàng bạc lóe mắt, in hệt những bàn thờ tại các Vương cung Thánh đường tại những thành phố lớn bên Tây Ban Nha. Bệ thờ thánh Antonio là nơi các thiếu nữ địa phương nhét thư ngỏ dưới chân tượng cầu xin Ngài cho se duyên với hoàng tử mơ ước! Mấy bức tranh thì đặc biệt hơn, có bức mô tả chi tiết cảnh động đất thủa xưa, tín đồ ra đường cầu xin Chúa cứu vớt; cột thánh giá gỗ dùng trong ngày lễ ấy vẫn còn cho đến ngày nay (El senor de los Tembiores), hàng năm được mang ra trong đám rước. Bức tranh Tiệc Ly, tác phẩm của họa sĩ địa phương Marcos Zapata, đã vẽ cả món cuy (thịt chuột nướng) và vô số các tranh ảnh, vật thờ, cổ ngoạn tuổi mấy trăm năm. Nhà thờ nên chẳng được phép chụp hình.

Giá vé vào cửa là 25 Sol, rất đáng tiền, bạn ạ! Mãn nhãn trước những công trình mỹ thuật nhưng lòng Dế Mèn vẫn dấy lên một niềm bất nhẫn, khó chịu về việc quân cướp vơ vét tài nguyên và đối xử tàn tệ với thổ dân. Thực dân đi chinh phục đất mới dưới chiêu bài mở mang dân trí, dùng tôn giáo để khuyến dụ quân lính mê tín, áp đặt việc thờ phượng thánh thần của họ để xóa sổ tín ngưỡng địa phương.

co-do-inca3
Nhà thờ Santo Domingo (trong)

Tu viện và nhà thờ Santo Domingo chiếm một mặt khác trong công trường chính. Ðây là thánh địa của người Inca thủa xưa. Sau mấy trăm năm là nhà thờ và tu viện, ngày nay thánh địa Inca mở cửa cho du khách xem các tường vách còn lại.

Nơi này, Vua Yupanqui xây đền thờ thần Mặt Trời, Qoricancha, vách dát vàng bạc và vật dụng thờ cúng để phụ nữ trong hoàng tộc, Mamacunas, tế lễ cầu an, cũng tường thành bằng đá xếp theo hình vòng cung. Tương truyền rằng đền thờ này đầy vàng bạc, nhiều món quý giá như tượng thần thánh, chén dĩa, nữ trang, vương miện… chế tạo từ quý kim. Ðể chuộc mạng vua Atahualpa trong tay quân Tây Ban Nha,  hai phòng vàng cùng bốn phòng bạc, hầu hết quý vật đã được thu góp từ đền thờ này. Một tấm bạc chế biến theo hình vẽ cổ phác họa cách xem thiên văn của người Inca.

co-do-inca2
Chợ San Pedro

Quân đội Tây Ban Nha dùng nền móng Inca và xây cất nhà thờ của họ theo kiểu Âu Châu cũng sân giữa, bốn mặt là phòng ốc. Bên trong tu viện và nhà thờ San Domingo.

Ngày nay vẫn còn một ít di tích và khách thăm viếng được phép chụp hình.  Xéo xéo bên đường trước thánh đường là ngôi chợ cùng tên San Pedro. Xứ sở này đi ngõ nào cũng thấy nhà thờ và các khu phố chung mặc nhiên mang cùng tên.

Chợ địa phương bán đầy đủ thức ăn, hoa quả thịt heo thịt gà và bày bán cả món ăn đắt tiền như dương vật bò, quý giá vì cường dương (dân Inca cũng tin ‘ăn gì bổ nấy’ như người Á Ðông?).

Ở đây mấy món cây cỏ có dược tính như peyote (chứa mescalin tác dụng kích thích như cocaine) bày bán tự do.

co-do-inca1
Đầu heo bán tại chợ

(còn tiếp)