Sáng Thứ Bảy, sau khi ăn điểm tâm và chờ văn phòng hãng máy bay mở cửa để đổi lại chuyến bay, ở lại thêm ít nhất hơn một tháng nữa. Xong xuôi, hai vợ chồng đeo ba lô lên đường, trực chỉ hướng Vũng Tầu, nhưng không đến đó mà tạt ngang vào tỉnh Bà Rịa, đi hướng ngã Cát Lái – băng qua sông Sàigòn bằng chuyến phà ngang – để rút ngắn đoạn đường khoảng 30 – 35 phút, thay vì lấy quốc lộ 1 (Xa Lộ) rồi vòng rẽ sang QL-51.
Ðây không phải là lần đầu chúng tôi đến Bà Rịa, mà là lần thứ tư, thứ năm gì đó; nào là chuyến ghé thăm Hồ Tràm, suối nước nóng Bình Châu, tắm biển Long Hải, ghé thăm người quen và ngủ lại ở Long Ðiền v.v… Chuyến đi lần này, là do lời mời của một cô giáo dạy cấp 3 (từ đệ Tam lên đệ Nhất, là lớp 10 – 12) rủ về quê của cô ở xã Ngãi Giao, huyện Châu Ðức thuộc tỉnh Bà Rịa. Ai chứ, được rủ về thăm chơi cảnh nhà quê, sống những ngày mộc mạc bình dị, ít khi nào mà tôi lại “nỡ lòng” từ chối.
Ngược lại, cô giáo vừa mới được gia đình bảo lãnh, sắp sửa được đi Mỹ cho nên lòng cô rất vui, hồi hộp từng ngày để được sang cái xứ “thiên đàng ở trần gian”; để được biết mùi vị tự do, không khí trong lành và nhiều cơ hội để tiến thân, làm giàu. Bởi vậy, khi nghe nói mai sau tôi thích về đây hưởng già, cô giáo rất ngạc nhiên và thắc mắc, rằng tại sao lại có kẻ tính chuyện ngược đời như thế!
Một điều căn bản mà cô giáo không nhận ra là, khi cô đã từng sống trong một xã hội hơn 40 năm, cho nên cô mới biết rõ bộ mặt thật của nó, và cũng chính vì thế mà cô một, hai nhất quyết rời bỏ, ra đi. Tôi cũng thế thôi, nào có khác gì. Khác chăng là ở đất nước này, người dân đều hiểu thế nào thật sự là Chủ Nghĩa Cộng Sản, chỉ có một số ít người không biết – mà đa số trong nhóm đó nhiều khi họ hiểu, nhưng đang ở trong cái thế “lỡ phóng lao phải theo lao”.

Trở lại Bà Rịa, vợ chồng tôi đến nơi thì trời vừa mới quá trưa, nhưng vì thời tiết đang ở trong tình trạng áp suất thấp, do một cơn bão lớn ghé ngang Việt Nam trước khi tập trung và tàn phá bên Phi Luật Tân, cho nên trời đã chạng vạng, sẩm tối. Gia đình của cô giáo có một mảnh vườn rộng chừng vài sào (một sào là 1 ngàn mét vuông), trồng tiêu và cà phê là chính, ngoài ra còn nào là dứa (thơm), bưởi, chuối, đu đủ, cây nha đam và những loại vừa là rau vừa là thuốc mọc quanh nhà; quanh quẩn là đàn gà thả rông, đi khắp vườn bưới đất tìm thức ăn cả ngày. Không biết đàn gà có chính xác là bao nhiêu con.
Quanh đây, dân chúng đa số sống nhờ vào giống cây tiêu, và để phụ vào cuộc sống hàng ngày, họ còn nuôi heo, nuôi dê bán dần, bù đắp vào khoảng chi tiêu, đợi cho tới mùa thu hoạch tiêu và cà phê vào khoảng mỗi cuối năm. Thập niên về trước, đa số người dân nuôi bò, thường thả đi rông để tự nó kiếm cỏ gặm; dần dần dân cư phát triển, nhà cửa mọc lên như nấm, cộng vào đó là thuốc diệt cỏ dại thường hay xịt bừa bãi, vô phúc cho con bò nào ăn phải đám cỏ vừa mới xịt thuốc, mấy hôm sau con bò bỗng lăn đùng ra chết, thế là toi đi một phần nào tài sản, vốn liếng khá lớn của một gia đình.

Một trong những hình ảnh mà tôi thích ghi nhận, chụp hình lưu niệm đó là cảnh vật và những hoạt động trong buổi sáng sớm tinh sương; trong đó có ấn tượng nhất là cảnh những phụ huynh chở hay dắt con em đi đến trường học; vì đó chứa đựng cả một bầu trời kỷ niệm của tuổi thơ, được bố hay mẹ dẫn đến trường; như hình ảnh người cha cầm chiếc ba lô sách vở, đi sau đứa con gái đang tung tăng đến ngôi trường làng gần đó. Cả một bầu trời êm đềm, hạnh phúc và không gian riêng tư của hai cha con mà tôi nghĩ, nếu không ghi lại thì những khoảnh khắc này, kỷ niệm đẹp rồi cũng sẽ trôi nhanh, tan vào dĩ vãng theo dòng thời gian.
Bữa cơm nước ở nhà quê, như bạn thấy ở tấm hình trên, cũng khá dồi dào, cứ để bụng đói thêm một chút thì cái quái gì cũng thấy ngon. Ðã vậy, rau sạch không bị phân bón, xịt thuốc; cá thì tươi nguyên mới bắt ngoài đồng, hay vừa đem từ biển Long Hải về. Chỉ có thế thôi mà ăn no căng diều, chả sợ đau bụng gì ráo như ra ngoài ăn cơm hàng cháo chợ. Ðã thế, lá chè xanh hái từ ngoài vườn, rửa sạch đun nước sôi đổ vào – gọi là hãm trà/chè – ăn cơm xong có một tách trà nóng, uống ngon đáo để mà còn tăng thêm phần trợ lực, chống viêm gan, lão hóa. Mỗi lần về Việt Nam, thú vui buổi sáng của tôi là pha một ấm trà xanh như thế, và trong lúc đợi trà ngâm nước sôi, tôi thường hay pha một ly cà phê sữa đá, ăn gói xôi, ngồi đọc báo xem tin tức chuyện chó cán xe, xe cắn chó…toàn chuyện ruồi bu cho qua ngày. Trời càng nóng mà uống một ly trà xanh vào, chặp sau sẽ thấy mát cùng với cái vị ngọt nhẹ vương nơi cuống họng. Tôi ghiền uống trà xanh tươi từ hồi còn niên thiếu, chả trách nào bị mang tiếng là “ông cụ non”; thì cũng đúng thôi.

Chiều hôm sau, cô giáo đưa vợ chồng tôi đi thăm Nghĩa Trang dành riêng cho thai nhi, những bào thai chưa kịp chào đời là đã bị ruồng bỏ, phá thai trước khi trở thành người của dương thế. Chiều cuối tháng Mười và dưới một bầu trời mây xám, ảm đạm; ánh sáng cuối cùng của buổi chiều cũng nhanh lịm dần. Chúng tôi vừa kịp đốt lên ba bó nhang thì trời vừa sập tối, khiến không gian khu nghĩa trang bỗng trở thành lạnh lẽo, cô tịch. Bởi thế cho nên chúng tôi phải nhanh tay, chia ra mỗi người một bó, kẻo trời vừa tối và sợ nhang lại chóng tàn. Ði dọc theo những dãy bia đá lớn hơn chiếc hộp đựng giầy chút xíu, tôi vừa cắm nhang vừa lẩm bẩm, nói chuyện với linh hồn mỗi đứa, bảo “các cháu cũng chớ buồn, luyến tiếc, hay hờn giận cha mẹ, cuộc đời này cũng chẳng có gì để các cháu bận tâm, hãy trở về và mãi mãi sống trong vòng tay yêu thương của thượng đế, của thiên chúa, đó mới là nơi yên vui vĩnh cửu”.

Khi cảm thấy bắt đầu không đủ nhang cho những ngôi mộ còn lại, tôi cắm nhang ở giữa hai bia đá, cũng thì thầm: “ thôi các cháu chịu khó chia nhau đóm hương thắp lên này với tấm lòng của bác nhá.” Xong đâu đấy, cả ba chúng tôi đứng làm dấu, đọc vài bài kinh để cầu xin ơn trên thương xót và che chở cho những linh hồn bé nhỏ đáng thương này, rồi chúng tôi lặng lẽ ra về khi bóng tối đã hoàn toàn phủ kín cảnh vật xung quanh. Trên đường đi ra, cô giáo chỉ tay cho chúng tôi biết, phía cuối nghĩa trang có một phòng gắn máy lạnh, ướp xác những thai nhi vừa mới bỏ, để khi nào nhà thờ gom được đủ tiền xây mộ cho các cháu, và phí tổn đâu như gần 2 triệu rưỡi cho mỗi ngôi mộ bé tí hon này. Chẳng biết ở bên Mỹ có những nghĩa trang dành riêng cho thai nhi như thế này không… Trên đường về, tôi miên man nghĩ đến sự suy đồi luân lý trong xã hội, của nhân loại – không những chỉ riêng ở Việt Nam mà hầu như khắp nơi trên thế giới, trong đó có cái nơi mà tôi vừa tạm rời xa hơn mấy tháng nay. Trong khi ở Việt Nam nhiều thiếu nữ, đàn bà vì hoàn cảnh này nọ nên đã phải chịu phá thai, rồi cả đời mang một vết thương đau sâu kín tận đáy lòng, thì chuyện phá thai trong xã hội Mỹ lại là một kỹ nghệ trị giá bạc tỷ đô la, mà mới đây nhờ người ta bí mật làm những thiên phóng sự, lột trần những biện pháp không những che giấu việc làm phi pháp, vô lương tâm, đã thế còn thả cửa tiêu tiền thuế của người dân đóng góp.

Tôi để lại đây vài cái trang mạng để bạn truy cứu và đi tìm sự thật. Tôi vẫn thường nghĩ, những lỗi lầm của người dại dột, ngu dốt thì vẫn còn đáng tha thứ, thương hại; chứ những người sống trong một xã hội gọi là cực kỳ văn minh, tân tiến – vẫn nhẫn tâm, thờ ơ để những chuyện tàn nhẫn, trái luân lý như thế còn tiếp tục xảy ra thì chẳng đáng còn gì gọi là chút tha thứ.
Abortion is big business: Nearly $1 billion a year generated from murdering human babies:
http://www.naturalnews.com/051094_abortion_Planned_Parenthood_criminal_nonprofits.html
http://www.centerformedicalprogress.org/
http://www.naturalnews.com/051665_Planned_Parenthood_abortion_organ_sales.html
Sáng hôm sau hai vợ chồng tôi chào tạm biệt gia đình cô giáo để trở về Sàigòn. Mặc dù đã lo xa từ trước là “Sàigòn sáng nắng chiều mưa”, hy vọng là khi về đến nơi, hay gần đến nơi thì có mưa một chút cũng chẳng sao. Ai dè, sau hơn 2 tiếng lái xe, đến cách phà Cát Lái độ chừng ba, bốn cây số, cơn mưa lũ đổ ập xuống khiến dù đã mang áo mưa, tôi vẫn phải tấp vào một quán bên đường, đợi cơn mưa giảm bớt xuống rồi đi tiếp cho an toàn. Hơn cả nửa tiếng đồng hồ sau, khi thấy hạt mưa nhỏ dần, hai vợ chồng lật đật leo lên xe chạy thẳng đến bến phà, ở đó vừa trú mưa vừa theo chuyến phà về bên kia sông Sàigòn, và may mắn thay, qua bên kia sông thì trời tạnh hẳn, mừng hơn nữa là về đến nơi bình an vô sự. Ai thấy vợ chồng tôi có máu phượt (đi bụi đời) như thế cũng le lưỡi, bảo đi mưa như thế về ít nhiều là cũng bị ốm, bị cảm; nhất là lái xe gắn máy chạy tứ tung đi khắp tỉnh – đã thế lại còn là Việt kiều nữa chứ! To gan thật – hay đúng là khùng, hoặc nhẹ nhàng hơn là điếc chẳng sợ súng. Tôi lại nghĩ khác, đơn giản hơn – đã đi thì cóc sợ, mà nếu sợ thì đừng đi. Chỉ có vậy thôi!

SVT