Menu Close

Đổi giờ

Đổi giờ là lối nói giản dị để mô tả thuật ngữ Daylight Saving Time (DST-giờ tiết kiệm ánh nắng): đồng hồ được vặn nhanh hơn hoặc chậm hơn giờ tiêu chuẩn, để cho mặt trời mọc và lặn sớm hơn, hoặc trễ hơn, ngày hôm trước, trên đồng hồ. DST hiện được hơn 70 quốc gia trên thế giới áp dụng, ảnh hưởng trên hơn 1 tỷ người mỗi năm. Ngày bắt đầu và ngày chấm dứt thay đổi tùy theo mỗi nước.

Ai “phát kiến” ra DST?

– Năm 1895 George Vernon Hudson, một khoa học gia New Zealand đề nghị đổi 2 giờ sớm hơn vào tháng 10 và vặn lui lại 2 giờ vào tháng 3.

– Năm 1905 nhà xây cất người Anh tên William Willett đề nghị vặn đồng hồ sớm lên 20 phút vào mỗi 4 ngày Chúa Nhật trong tháng 4, và vặn lui số phút đó vào mỗi 4 ngày Chúa Nhật trong tháng 9, như vậy mỗi năm có 8 lần đổi giờ.

Benjamin Franklin, cha đẻ DST?

Nhiều người cho Benjamin Franklin là cha đẻ của DST. Nhưng thực ra ông không có đề cập đến việc đổi giờ mà chỉ nói rằng người Paris có thể tiết kiệm được nến (đèn cầy) nếu họ thức dậy sớm mỗi buổi sáng. Chính bản thân ông cũng coi đây chỉ là chuyện nói cho vui.

Nước áp dụng DST đầu tiên

Ðức và Áo (Austria) áp dụng năm 1916, 2 năm trước thế chiến I, mục đích là giảm việc đốt đèn để dành năng lượng cho các nỗ lực chiến tranh.

Thực ra thì một số người Canada ở Ontario đã ứng dụng DST trước đó 8 năm (ngày 1 tháng 7 năm 1908).

DST tại Mỹ

Thời kỳ DST mỗi năm bắt đầu ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng Ba, đồng hồ được vặn nhanh lên 1 giờ; rồi được vặn lại đúng giờ tiêu chuẩn vào ngày Chúa Nhật đầu tiên của tháng Mười Một.

Arizona, Hawaii, Puerto Rico, Guam, và US Virgin Islands không theo DST.

Người bênh kẻ chống DST

Bênh: Chiều được dài hơn

Ðổi giờ là cộng thêm 1 giờ ánh sáng thiên nhiên vào chương trình buổi chiều của mỗi người.

– Có lợi cho việc chơi các môn thể thao và các sinh hoạt khác

– Kỹ nghệ du lịch: có nhiều thời giờ hơn để du khách đi mua sắm, tham dự các trò vui chơi, giải trí.

Chống: Không tiết kiệm được năng lượng.

Khi DST được ứng dụng một thế kỷ trước thì có thêm ánh nắng ban ngày, đỡ phải dùng đèn nhân tạo, tiết kiệm được năng lượng. Nhưng ở thời đại tân tiến ngày nay, TV, máy điều hòa không khí… tiêu hao năng lượng nhiều hơn, bất kể ngày hay đêm.

Bênh: Ít ánh sáng nhân tạo.

Một trong những mục đích của DST là để cho giờ sinh hoạt của con người trùng hợp với giờ có ánh nắng, ít phải dùng ánh sáng nhân tạo (như đèn). Nhưng đối với vùng gần xích đạo thì lượng ánh nắng quanh năm ít thay đổi, hoặc ở gần hai cực địa cầu thì có sự khác biệt rất lớn giữa các giờ có ánh sáng trong mùa đông và mùa hè.

Chống: Có thể gây bệnh

Ðổi giờ, dù chỉ là 1 giờ, cũng làm cho đồng hồ sinh học trong cơ thể bị xáo trộn, nhỏ nhặt như gây ra mệt mỏi, hoặc trầm trọng hơn như: thiếu ngủ gây ra tai nạn khi lái xe, thương tật nơi làm việc, sẩy thai, u uất, bệnh tim tăng…

Bênh: Sáng hơn = An toàn hơn

Nghiên cứu cho thấy DST góp phần vào việc gia tăng an toàn trên đường phố, giảm tai nạn cho người đi bộ tới 13% vào những giờ ban sáng và chập choạng tối. Các vụ trộn giảm 7% sau khi đổi giờ mùa xuân.

Chống: Tốn tiền

Khó xác định được chi phí về kinh tế cho vấn đề mỏi mệt tập thể gây ra bởi DST, nhưng nghiên cứu cho thấy có sự giảm thiểu năng lực sản xuất sau khi đổi giờ vào mùa xuân. Ngoài ra còn những chi phí khác như thiết lập hệ thống điện toán để các đồng hồ tự động đổi giờ theo đúng lịch trình.

PN