Tuần rồi cả hai đội banh chuyên nghiệp của Houston đều gây nhiều sự chú ý. Đội baseball Houston Astros do vào được World Series, giải bóng chày lớn nhất, thi đấu với đội Los Angeles Dodgers. Còn đội football Houston Texans thì đã có sóng gió vì một câu nói không được tế nhị cho lắm của ông chủ Robert McNair.
Số là mấy bữa trước, trong một cuộc họp với cấp lãnh đạo NFL và chủ nhân các đội banh khác để tìm một giải pháp ổn thỏa cho vụ các cầu thủ phản kháng không chịu đứng chào cờ, ông McNair đã lỡ miệng dùng câu thành ngữ: “Chúng ta không thể để tù nhân kiểm soát nhà giam” đã khiến một số cầu thủ bất mãn. Họ cho là ông McNair so sánh các cầu thủ (da đen) với thành phần đầu trộm đuôi cướp. Tại Houston, vào ngày thứ Sáu một số cầu thủ trong đội Texans như Deandre Hopkins và D’Onte Foreman đã phản đối bằng cách không đi tập.

Ngày hôm sau ông McNair đã công khai xin lỗi đội banh của mình và làm đủ mọi cách để xoa dịu dư luận. Ông đã có cuộc họp với đội banh để giải thích rằng câu nói của mình nói đến mối liên hệ giữa các chủ đội banh và NFL chứ không phải ám chỉ cầu thủ. Nhưng các cầu thủ này không tin sự giải thích của ông McNair bởi chính ông ta là người từng kêu gọi NFL phải phạt nặng những phần tử phản kháng.
Ngay sau khi gặp gỡ với ông McNair, các cầu thủ Texans đã họp riêng để bàn xem nên phản ứng ra sao. Chiều Chủ Nhật, trong buổi chào cờ trước khi ra trận đấu với Seattle hầu hết đội banh đã quỳ xuống để biểu lộ sự không bằng lòng. Vụ cầu thủ phản kháng tưởng đã hơi êm êm, nay bùng lên trở lại.
Tuy không ai nói ra nhưng mọi người đều hiểu ngầm rằng nhiều ông chủ đội banh cũng suy nghĩ giống như ông McNair mặc dù họ kín miệng hơn. Thành thử vấn đề kỳ thị trong thế giới thể thao là có thật và khá phổ biến. Nhưng vì lợi ích chung nên bao lâu nay nó ít khi ló đầu ra.

đội Houston Texans
Cũng tội cho ông McNair. Hai vợ chồng ông coi vậy cũng thuộc hạng người tốt. Họ hay cho tiền các tổ chức thiện nguyện. Mười năm trước họ đã tặng $100 triệu đô la cho đại học Y Khoa Baylor University để mướn thêm khoa học gia và bác sĩ để nghiên cứu cách trị các căn bệnh nan y. Về mặt chính trị, họ cũng ủng hộ các nhà chính trị gia của đảng Cộng Hoà. Trong kỳ bầu cử tổng thống 2016 ông McNair đã đóng góp $4 triệu cho ứng cử viên Donald Trump, cao nhất trong tất cả các chủ đội banh.
Trên bình diện làm ăn, nhiều khán giả Mỹ (trắng) rất bất bình khi thấy các cầu thủ (đen) tiếp tục phản kháng bằng cách quỳ gối. Họ cho đó là một sự xúc phạm đến lá cờ tổ quốc. Nhiều người đã tẩy chay không coi football, không mua vé đi xem v.v. làm cho các tay chóp bu của NFL, của các đài TV, của các đội banh bối rối thấy rõ.
Một mặt họ phải
“đối phó” với cầu thủ, với dư luận, mặt khác phải tìm cách đem khách hàng trở lại. Gần như tuần nào cũng có các cuộc họp cấp cao giữa NFL với đại diện cầu thủ và chủ nhân, mà tới nay chưa thấy có kết quả.
Nhưng phải cho điểm huấn luyện viên đội Houston đã biết cách dìu dắt cầu thủ của mình qua cơn bão. Dù bị biết bao nhiêu chuyện rối rắm đội Houston Texans vẫn chơi banh giỏi. Trận đấu với Seattle Seahawks tuy thua sát nút 38-41 nhưng được cho là trận banh hay nhất của NFL từ đầu mùa tới giờ.

Quay sang baseball thì tình hình sáng sủa hơn rất nhiều. Cư dân thành phố đang hồi hộp theo dõi giải World Series giữa Houston Astros và Los Angeles Dodgers. Ðây chỉ mới là lần thứ nhì Houston vào được World Series. Lần đầu vào năm 2005 bị đội Chicago White Sox đánh bại bốn trận liên tiếp, tức là Houston chưa thắng được trận nào. Kỳ này đấu hai trận đầu tại Los Angeles, Houston đã thắng Game 2, gỡ huề 1-1, trước khi quay về Houston để chơi 3 trận ở sân nhà.
Game 3 ở Houston, Dodgers đưa pitcher người Nhật số một của họ ra nhưng chưa đầy 2 inning, Yu Darvish đã bị kéo ra vì để mất 4 điểm liền tù tì. Khán giả Nhật theo dõi trận này chắc phải thất vọng dữ lắm. Trong trận này đã xảy ra một vụ việc đáng tiếc. Cầu thủ Yuli Gurriel của Houston sau khi đánh được một trái home run từ một cú ném của Yu Darvish đã làm dấu hiệu mắt hí như để chọc Darvish. Nhiều người đã lên mạng mắng Gurriel dữ dội vì cho đó là một hành động kỳ thị chủng tộc. Báo hại Gurriel phải xin lỗi lia lịa và giải thích là anh làm dấu hiệu đó vì xưa nay anh hay bị mấy tay pitcher người Nhật đì quá, đánh không được!
Phần Yu Darvish cũng thượng võ, không những anh không làm lớn chuyện mà còn đứng ra đỡ đạn giùm cho Gurriel. Anh nói: “Nhân bất thập toàn. Việc Yuli làm là sai, nhưng chúng ta nên cố gắng rút bài học từ đó thay vì lên án anh ta… Chúng ta đang sống trong một thế giới rất đẹp, hãy chú trọng vào những điều tích cực và hướng tới tương lai thay vì nóng giận.”

Dù vậy Major League Baseball (MLB) ra quyết định sẽ treo giò Yuli Gurriel năm trận vào mùa 2018 sắp tới như một hình phạt, nhưng vẫn cho phép anh chơi hết giải World Series năm nay. MLB cho rằng phải làm như vậy để chặn đứng những hành xử mang tính cách kỳ thị. Ðiều này cũng dễ hiểu vì trong MLB có rất nhiều cầu thủ đến từ Á Châu hay Nam Mỹ. Riêng đội Los Angeles đã có hai tay pitcher người Nhật và vô số cầu thủ đến từ Cuba, Dominican Republic v.v.
Trong giải World Series năm 2017 còn có vài cầu thủ người Puerto Rico. Ðặc biệt nhất là Carlos Correa của đội Houston, đại diện cho hai thành phố bị bão Harvey và Maria đánh tơi bời. Trong giải này Correa đã đánh được mấy trái home run. Mỗi lần như vậy là hãng điện thoại T-Mobile lại tặng 20 ngàn đô la cho quỹ cứu trợ bão lụt. Ðã vậy mỗi khi có ai dùng Twitter để tag #HR4HR (Home Run for Hurricane Relief) T-Mobile sẽ bỏ thêm $2 vô quỹ. Nhờ giải World Series năm nay có quá nhiều home run nên quỹ này tới nay đã có hơn 2 triệu đô la.
Khi bài báo này lên khuôn, Houston đang gác Los Angeles 3-2, hai trận cuối sẽ chơi ở L.A., chưa biết ai sẽ đoạt cúp. Nhưng bất kỳ đội nào thắng thì trước mắt ta thấy cư dân của Houston và Puerto Rico cũng đã có được những giây phút hồi hộp và sung sướng, để tạm quên trong chốc lát những khó khăn thực tế sau cơn bão. Và dĩ nhiên số tiền cứu trợ đến từ giải World Series cũng sẽ giúp đỡ cho họ phần nào.

Bảy Bụi