Quốc khánh 14 tháng 7-1981, tôi làm thuyền nhân chen trong đám đông nhìn quân nhân Pháp duyệt binh trên đại lộ Champs-Elysées tiến về quảng trường Đồng Tâm Concorde. Trên quân kỳ của quân chủng Lê dương là những địa danh quê hương: Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Điện Biên Phủ… Với tôi là một lạ lẫm. Lần đầu tiên tôi trông thấy tiếng Mẹ viết trên lá cờ Tam Tài. Buổi sáng ấy, sau này nhớ lại, tôi hiểu chính là buổi sáng đã đưa mình vào quân sử. Tôi bắt đầu mua sách về các đơn vị tham chiến trên xứ mình. Rồi khám phá, ký ức của dân tộc về lính Lê dương là một ký ức nhầm lẫn, vì dân chúng không thông thạo binh phục và huy hiệu, nhưng còn là hình ảnh chung đến bây giờ.

Trong Đường Đi Không Đến, nhà văn hồi chánh Xuân Vũ kể: “Đánh trận nào ở Mỹ Tho mà không có tôi, cả cái trận đánh với tụi Lê dương mặt gạch ở Gò Công cũng có tôi.” Trong Đất Sét Chưa Thành Bùn, Dương Đình Lôi thuật: “Sau tụi lính Lê Dương mặt gạch tới đóng nhiều hơn. Còn lính đạo qua đóng đồn gần nhà thờ Rạch Kiến.” Trong Quê Tôi Cai Lậy quốc, Trần Láng Biển ghi: “Thời cuộc thay đổi, Tây ngoài chợ quận xua lính săng đá lê dương mặt gạch vào lập bót, đóng đồn.” Trong tiểu thuyết Tấm Ván Phóng Dao, Mặc Can hư cấu: “dọc trên nền trời đen phát hiện máy bay, lũ lính Lê dương mặt gạch chận hai vợ chồng một người đi đường, chúng hiếp người vợ và bắn chết người chồng.”
Thực tế không giống như vậy. Lính Lê dương sang Việt Nam không mặt gạch, vì thuần da trắng Âu châu, đông nhất là các cựu binh Đức sau thế chiến rồi đến Thụy Sĩ, Bỉ, Tây Ban Nha, Nga và Ba Lan. Mặt gạch, thường là lính da đen Sénégalais, Mauritanie hay Congo với tập tục cắt má. Lê dương là một đơn vị tinh nhuệ kỷ luật với các sĩ quan chỉ huy xuất thân thủ khoa, á khoa hay xuất sắc của võ bị St Cyr hoặc võ khoa Coetquidan. Gan dạ, quả cảm và gan lì như Nhảy dù nhưng Lê dương nổi tiếng với truyền thống Camerone “tử thủ đến chết”. Trên phương diện hành quân, nếu Nhảy dù làm thành phần trừ bị chiến thuật, Lê dương phòng thủ phân khu hay tiểu khu.
Dân Việt vẫn tin: Lê dương sang Việt Nam là một tập thể ngoại quốc, tự nguyện đánh thuê cho Pháp, vì tiền. Không thật sự chính xác. Vì từ tháng 6-1950 đã có 6,468 lính Lê dương Việt Nam trong Quân đoàn Viễn chinh Đông Dương, chưa tính nhân viên y tế, hành chánh, hậu cần. Phân ra các đơn vị tác chiến:
– Trung đoàn 2 Lê dương (2ème REI), 216 lính Việt.
– Trung đoàn 3 Lê dương (3ème REI) , 2,264 lính Việt.
– Trung đoàn 5 Lê dương (5ème REI) , 1,374 lính Việt.
– Bán Lữ đoàn 13 Lê dương (13ème DBLE), 642 lính Việt.
– Nhảy dù Lê dương (1e BEP và 2ème BEP), 810 lính Việt.
– Trung đoàn 1 Thiết Kỵ Lê dương (1er REC), 1,162 lính Việt.
Từ 1951 vì cần tăng quân, tướng de Lattre quyết định “vàng” hóa Lê dương, mỗi tiểu đoàn phải tuyển mộ 640 lính bản xứ trên cấp số 840 binh sĩ. Là các số liệu trong nghiên cứu Le Jaunissement de la Légion en Indochine 1950-1954 của Dr Michel Bodin. Một quyển sách khác, Les Bérets Blancs de la Légion en Indochine, Nxb Albin Michel 2002, của Thiếu tướng Paul Simonin, trang 190, giúp chúng ta biết thêm: Tháng 1-1953 tại căn cứ Bến Cát diễn ra lễ bàn giao quân kỳ của Tiểu đoàn 4 Lê dương thuần Việt thuộc Bán Lữ đoàn 13. Thiếu tá d’Agier de Rufosse trao lại kỳ hiệu cho Đại tá Lữ đoàn trưởng Guigard. Kể từ phút này, sau hai năm hành quân, Tiểu đoàn 4 Lê dương trở thành Tiểu đoàn 68 Bộ binh Việt Nam (68ème BVN) sát nhập vào Quân đội Quốc gia, tuy các sĩ quan Pháp vẫn tiếp tục chỉ huy, như trường hợp Đại úy Simonin Đại đội trưởng Đại đội 3 của Tiểu đoàn 68. Đặc điểm quân phục của Lê dương Việt Nam là không đội képi mà đội béret trắng.

Về lương, giáo sư Maire-Danielle Demélas của đại học Sorbonne và Viện Nghiên cứu CNRS, lập bảng chiết tính:
– Nhân viên Pháp làm việc tại mỏ than Bắc bộ, không bằng cấp, lĩnh 2,800 đồng bạc Đông Dương.
– Giáo chức với bằng tiểu học, lĩnh 3,000 đồng Đông Dương.
– Binh nhì của các Tiểu đoàn Nhảy dù Thuộc địa hành quân Bắc bộ lĩnh 360 đồng Đông Dương.
– Binh nhì Nhảy dù tại Nam bộ lĩnh 216 đồng Đông Dương.
– Trung sĩ Nhảy dù, độc thân, không phụ cấp gia đình, lĩnh 1,754 đồng Đông Dương.
– Thượng sĩ Nhảy dù lĩnh 1,994 đồng Đông Dương.
– Đại úy Nhảy dù lĩnh 2,876 đồng Đông Dương.
– Giá một chai rượu mùi Martini Vermouth Blanco Extra Dry bán tại Cao Bằng là 150 đồng, tại Lạng Sơn 30 đồng.
[Parachutistes en Indo, Chương Au Jour le Jour, trang 79, Maire-Danielle Demélas, Nxb Vendémiaire, 2016]
Maire-Danielle Demélas kết luận: “Chắc chắn không phải sự hấp dẫn của tiền lương làm động lực thu hút những người lính, kể cả sĩ quan cấp úy chọn về binh chủng. ” (Ce n’est certes pas l’attrait de la solde qui a justifié l’engagement des soldats, ni celui des officiers subalternes.)
Đó là Nhảy dù Tây. Còn lương binh nhì Lê Dương là bao nhiêu? Ty Ngân khố Quân đội Pháp ghi: 450 đồng Đông Dương/tháng. Hơn Nhảy dù 90 đồng. Kém nhân viên mỏ than 2,350 đồng.
Chúng ta cũng tin những người “lính vô tổ quốc” không lý tưởng. Thật ra có một lý tưởng ngầm bên trong: “Chiến tranh là nghề. Đồng đội là gia đình. Vũ khí là tài sản. Phiêu lưu là đời sống. Tử thần cho vinh quang.” Chính tinh thần ấy giải thích vì sao tháng 10-1946 một đại đội Lê dương đã chu toàn mệnh lệnh khủng khiếp nhất trong lịch sử chiến tranh Việt-Pháp: Không máy dò mìn, mỗi binh sĩ phải cầm búa tạ nện xuống đường ray xe lửa nối Hà Nội với Hải Phòng, cho mìn phát nổ. Khinh binh đi đầu nện một búa mỗi 30 bước chân, bằng hết sức lực của đôi tay, rồi sau một giờ trao búa lại cho đồng đội kế tiếp, nếu còn sống… Cũng chính tinh thần ấy làm nên các chiến tích Bản Cao, Phủ Thông, Đông Khê, Xóm Pheo, Nghĩa Lộ, Đoan Hùng, Bồ Cường, Nà Sản… Sau Điện Biên Phủ, khi cán bộ trại giam bắt các tù binh Lê dương phải vỗ tay lúc Ban Tuyên giáo chiếu phim cảnh đồi Béatrice thất thủ, các quân nhân Đức đã đồng loạt cất tiếng hát: “Ich Hatt’einen Kameraden, Einen bess’ren findst du nicht..” (Tôi có những đồng đội, anh không thể tìm thấy bạn tốt hơn…). Chính vì cứ điểm Béatrice, tức đồi Him Lam trên phóng đồ Việt Minh, do Tiểu đoàn 3 của Bán Lữ đoàn 13 Lê dương trấn giữ. [Bernard Fall, Un Coin d’Enfer, trang 521, Nxb Le Cercle du Nouveau Livre d’Histoire, phần bị Nxb Công An Nhân dân cắt bỏ trong bản Việt ngữ Một Góc Địa Ngục của Vũ Trấn Thủ]
Đặt sang bên thiên kiến, những người lính đội képi và béret trắng chính là đối thủ lỳ lợm nhất của Việt Minh. Nhưng chúng ta có thật biết chi tiết về Lê dương? Trắc nghiệm của Pierre Grumberg, là một đánh đố.
Trần Vũ
Mỗi câu hỏi 1 điểm
- Ai là hoàng đế Pháp đã lập ra binh chủng Lê dương?
- a) Nã Phá Luân năm 1814.
- b) Charles X năm 1829.
- c) Louis-Philippe năm 1831.
2. Hạn chế khởi thủy áp dụng cho Quân đoàn Lê dương?
- a) Không mộ binh quốc tịch Pháp.
- b) Không tác chiến trên đất Pháp.
- c) Không trương cờ Tam Tài.
3. Lê dương xung trận đầu tiên ở đâu?
- a) Algeria.
- b) Tây Ban Nha.
- c) Ý.

4. Truyền thống “tử thủ đến chết” từ sau Camerone, là trận đánh xảy ra ở đâu, khi nào?
- a) 30 tháng 4-1836 tại Tây Ban Nha.
- b) 4 tháng 6-1859 tại Ý.
- c) 30 tháng 4-1863 tại Mễ-Tây-Cơ.
5. Màu mũ ban đầu của Lê dương?
- a) Đỏ.
- b) Đen.
- c) Xanh lục.
6. Phương châm của binh chủng là gì?
- a) Legio Patria Nostra (Tổ quốc Lê dương).
- b) More Majorum (Giữ truyền thống).
- c) Fide Honoris (Danh dự và Trung thành).
- d) Die per Ordinem (Chết theo lệnh).
- e) Non Deditionem (Không đầu hàng).
7. Kỳ tích 12 ngàn lính Trung Hoa vây 600 lính Lê dương trong 98 ngày liền, xảy ra tại đâu?
- a) Tuyên Quang.
- b) Phúc Châu.
- c) Bắc Kinh.

8. Tỷ lệ lính Lê dương tham chiến Ðiện Biên Phủ trên tổng số 14 ngàn quân Liên Hiệp Pháp?
- a) 5%.
- b) 15%.
- c) 20%.
9. Bán Lữ đoàn 13 Lê dương là đơn vị lừng danh nhất của quân đội Pháp, đã thắng trận đầu tiên nào trong thế chiến?
- a) Phòng thủ vịnh Salonique 1918 (Hy Lạp).
- b) Đổ bộ chiếm hải cảng Narvik tại Na Uy 1940.
- c) Tử thủ Bir Hakeim, Lybia 1942 trước Xa đoàn Châu phi Afrika
- d) Korps của thống chế Rommel.
10. Cách ngôn nào là tiêu ngữ của Lê dương?
- a) Hàng sống, chống chết.
- b) Trách nhiệm là cố gắng.
- c) Lê dương một ngày, Lê dương vĩnh viễn.
- d) Danh dự là trung thành.
- e) Vũ khí là tài sản quý giá nhất.
11. Từ Hán-Việt Lê dương xuất phát từ ý niệm nào?
- a) Hiến Binh đội.
- b) Đội Dung Binh.
- c) Quân đoàn La Mã.
12. Nhà văn nào không phục vụ trong Lê dương?
- a) Jean Gene (Phép lạ của đóa hồng, Nhật ký của kẻ trộm).
- b) Ernst Junger (Bão thép, Cột mốc 125).
- c) Jean Lartéguy (Vĩnh biệt Sàigòn, Bức tường thành Do Thái – bản dịch Nguyễn Hiến Lê).
13. Lê dương tử vong nhiều nhất trong cuộc chiến…?
- a) Marốc 1918-1934.
- b) Đệ Nhị thế chiến 1939-1945.
- c) Đông Dương 1946-1954.

14. Trận đánh công kiên đầu tiên của Việt Minh diễn ra từ 25 tháng 7 đến 27 tháng 7-1948 nhưng thất bại không hạ được đồn binh Lê dương, là trận nào?
- a) Phố Lu, Lào Cai.
- b) Nghĩa Đô, Lào Cai.
- c) Phủ Thông Hóa, Bắc Cạn.
15. Nhằm giữ an ninh cho tuyến đường từ Phan Thiết đi Nha Trang trong hai năm 1948-1949, Trung đoàn 2 Lê dương đã chế tạo vũ khí gì?
- a) Chiến xa Sherman M4 gắn súng phun lửa.
- b) Xe hỏa bọc thép võ trang.
- c) Súng phóng lựu 50 ly.
- d) Súng không giật 75 ly.
16. Ðại úy Antoine Mattei, “A legendary and emblematic figure of the French Foreign Legion”, được xem là sĩ quan cấp úy xuất sắc nhất vì hai lần đẩy lui tấn công biển người của Việt Minh tại…?
- a) Đồn Chùa Cao và đồn Yên Cư Hạ (Ninh Bình).
- b) Đông Triều và Mạo Khê (Quảng Ninh).
- c) Đồn Bản Cao (Bắc Cạn) và đồn Nà Sầm (Lạng Sơn).
17. Hai binh chủng nào hành quân đem theo nhà thổ di động vì là “thành phần cơ hữu” của tiểu đoàn?
- a) Sơn cước Ả Rập và Tán binh Châu phi.
- b) Nhảy dù và Lê dương.
- c) Công binh và Pháo binh.
18. Phát ngôn nổi tiếng của Trung tá Pierre Charton, chỉ huy pháo đài Cao Bằng?
- a) Võ Nguyên Giáp không chiến thắng Lê dương mà là núi rừng.
- b) Trong quân đội Pháp, chỉ có Lê dương, còn lại là phân.
- c) Mở cửa pháo đài đến chiều cho những ai muốn theo Việt Minh. Sau đó, trung thành hoặc pháp trường.
- d) Cả 3 câu trên là của Trung tá Lê dương
19. Lương binh nhì Lê dương Âu châu là 15 đồng Ðông Dương một ngày. Còn lương lính Lê dương Việt Nam là bao nhiêu?
- a) 7 đồng bạc Đông Dương/ ngày.
- b) 10 đồng bạc Đông Dương/ ngày.
- c) 12 đồng bạc Đông Dương/ ngày.
20. Thất bại đẫm máu nhất của Trung đoàn Thủ đô Việt Minh, là Trung đoàn 102 thuộc Ðại đoàn 308 Quân Tiên Phong, để lại 800 xác bộ đội mà không triệt được đồn binh Lê dương trong chiến dịch Hòa Bình 1952, là trận nào?
- a) Đồn Tu Vũ, huyện Thanh Thủy.
- b) Cụm cứ điểm Đan Khê-La Phù, thị xã Hòa Bình.
- c) Cứ điểm Hàm Voi trên tuyến sông Đà-Ba Vì.
- d) Đồng Bến, Ao Trạch, Xuân Mai trên đường số 6.
- e) Đồn Xóm Pheo, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Tổng số: ___/20 điểm
Trắc nghiệm do Pierre Grumberg thiết lập, với lời khuyên: “Dưới 10 điểm, nên đọc thêm Histoire de la Légion de 1831 à nos Jours của Pierre Montagnon hoặc The French Foreign Legion, 180 years of Service của Douglas Boyd.” (Pierre Grumberg)
Giải đáp:
1c; 2b; 3a; 4c; 5b; 6c; 7a; 8c; 9b; 10e; 11c; 12c; 13c; 14c; 15b; 16c; 17a; 18d; 19a; 20e.
Trần Vũ chuyển ngữ và adapt từ bản Pháp văn “Connaissez-vous La Légion Étrangère?” của quý san Guerres & Histoire số 20 phát hành tháng 8-2014.