
Hà Nội đã chớm trở lạnh. Tôi lúi húi dọn tủ cho đồ mùa lạnh. Cái nóng của những đêm Hà Nội cũng di tản muộn. Đã qua cái ngày Phụ nữ Việt Nam 20 tháng 10. Nó khá xa lạ với tôi. Gã bạn thân ở đây nhếch mép cười, “Nếu bà đến đây sớm chục năm thì cái ngày này cũng chẳng xôm tụ như thế!”
Tôi đã cùng gã bạn vờ vĩnh như một cặp bồ bịch vào quán Moo Beef Steak trên đường Nguyễn Khánh Toàn. Hắn biết tỏng, tôi chỉ cần mấy tư liệu để gõ phím chứ chẳng thiết tha gì hội hè. Chẳng có màu mè hoa lá gì hết! Tôi chỉ đang thèm thử xem bít tết ở đây, sau vài lần nghiệm ra rằng bít tết “made in Vietnam”, phần lớn là thịt mông bò được cắt thớ mỏng và tenderized bằng búa. Size lớn ở đây chừng hơn 25 usd, cũng không cao hơn cái giá trong Steak House ở Mỹ. Hẳn nhiên, tôi bỏ qua những món thịt trừu bản địa và cá hồi đông lạnh và cũng không lựa phần thịt cổ chuck steak phần sườn beef rack. Gã bạn đầu đinh quái gở lại hay thích hoang tưởng quý tộc kiểu “Ðông Ki-sốt” xứ Mancha. Cách hắn dò cái menu, cứ hệt như tay chủ khách sạn Abel Rosnovski trong tiểu thuyết ăn khách của ông nhà văn xứ Ăng-lê Jeffrey Archer, là chỉ dành sự tập trung vào món tiêu điểm của bất kỳ nhà hàng bít tết nào, món Rib-eye steak. Ở Mỹ, các món bít tết luôn bao gồm những đồ ăn kèm side dish và cả nước sốt, nhưng ở đây các món ăn kèm với bít tết và nước sốt được tính riêng. Cứ như là cách người ta phân nhỏ các dịch vụ trong vận tải hành khách của hãng hàng không giá rẻ! Tôi chọn món side dish rau củ kiểu Ðịa Trung Hải gồm nấm, măng tây, lá nguyệt quế kèm với nước sốt phô mai xanh. Về đây, tự dưng tôi lại quay quắt thèm miếng bánh Cheesecake ở Cheesecake Factory. Side dish của gã Ðông-ki-sốt là khoai tây, kem chua và rau roquette “nhập” từ Ðà Lạt cùng nước sốt tiêu đen. Mỗi phần kèm side dish và nước sốt như vậy thêm chừng hơn 5 USD nữa. Tôi gấp cái menu, chốt với bít tết rib eye bò Úc. Gã bạn thì lầm bầm, ở Úc lâu lâu hắn mới “phá ví” ăn bữa steak 40 usd mà đây có hơn ba chục đô thì chỉ là bò đông lạnh tím ngắt.

Ở đâu ra mà có thịt nhập cảng tươi ở Việt Nam? Một tay là con ông chủ khách sạn tư nhân từng phục vụ phái đoàn Tổng thống Pháp Mitterrand ở Hà Nội nói với gã bạn tôi rằng, tất cả phần thăn chuột tenderloin của bò ở Việt Nam đều được thầu lại bởi các nhà hàng, khách sạn cao cấp chứ không hề bán ở ngoài. Kệ thây, cho dù cái kiểu cách nửa vời sang trọng như “ly vang và nhà kính” thì vẫn khá thư giãn hơn sự ồn ào, khói bụi ngoài kia, lại còn văng vẳng tiếng hát của những ca sĩ mù khuyết tật trên các sân khấu đường phố.
Tôi không giữ cho mình thói quen cầm phone bấm bấm khi ngồi nói chuyện. Nhưng điều này dường như đã quá quen thuộc ở đây, không cứ là những tụ họp vài ba người cà phê, hay những vụ “săn tin” bên laptop, smart phone đã quá quen với cánh viết xổi của giới báo chí. Một cậu bạn thường trực một trang tin trên nửa triệu like, sau một thời gian đã quá sức “nơ ron thần kinh” chịu đựng mà nghỉ việc. Cái giá phải trả cho sự ký sinh công nghệ chẳng phải nhỏ. Những con nghiện facebook vẫn bị cuốn theo dòng sóng smart phone. Cô gái ngồi bàn kế trong nhà hàng vẫn đang bận rộn chúi đầu vào cái smart phone, chàng trai vẻ như lóng ngóng nhưng tay chân thì cũng không cảm giác thừa thãi với cái điện thoại thông minh kia. Một bữa tối lãng mạn của đôi tình nhân diễn ra trong gắng gượng kiểu “Ga lăng-Ta” mạnh ai nấy xực. Ga lăng là thứ xa xỉ ở cánh đàn ông xứ Việt này. Về sống ở Việt Nam, lúc đầu, tôi còn suýt bị mấy cái cánh cửa đập vào mặt vài lần; cũng vì sự ỷ y ban đầu về sự đóng/mở cửa cho phái đẹp của những đàn ông xứ Mỹ. Ðàn ông ở đây không có thói quen mở cửa, hay xách giùm đồ cho phụ nữ, hay cho bất cứ ai. Cái đàn ông Việt cần có thì không và cái không thì rất đỗi cơ man ở đất nước này.

Cũng vài ngày trước thôi, tôi bất đắc dĩ làm thính giả cho một cuộc “tương tác tự trào” với đủ tiêu chuẩn chọn đối tượng của nam nữ Hà thành. Một cặp dating lần đầu, chắc là qua internet. Chẳng rõ là qua cái app nào ở Việt Nam, Zalo hay Tinder hay qua hàng chục trang khởi nghiệp tìm bạn bốn phương. Cái chàng thanh niên cao lớn, có vẻ khá thừa kiên nhẫn ngồi nghe sự “tự trào” của cô gái nọ cởi mở về tiêu chuẩn chọn bạn trai của nàng. Ảnh hưởng của các mốt phim bộ Hàn càng thấy rõ sự đua tranh mang màu sắc vật chất thành hình rõ rệt ở giới trẻ Việt. Cái thời mà đua nhau có mái đầu phi dê đã xa, thời nay là huyễn ảnh của những clip quảng cáo, panô áp phích “đẹp không tỳ vết”, thời cực thịnh của trào lưu da sứ Ngọc Trinh và cằm V-line của các siêu sao Hàn. Cái giá của lòng tin và sự trung thực ở đây đã trở nên quá cao. Có lẽ, cả cô gái trẻ đang dating này cũng vậy, cứ ngỡ mình như một món phần thưởng để thử thách bản lĩnh chiếm hữu của những chàng trai xứ Hà thành.

Ngồi gặm chút bánh mì và khai vị trong khi chờ món bít tết medium rare. Gọi chai Cabernet Sauvignon từ Chile sau khi được em bồi bàn gợi ý. Cái giá của B.Y.O (bring your own) rượu ở nhà hàng này là 300,000 VND có thể là hơi mắc, tôi tiếc là quên mang chai vang đỏ Grenache Aroa từ Tây Ban Nha mà một cậu bạn làm ở tiệm Organica tặng. Nỗi sợ hãi bởi những nhãn hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nên nơi nơi đều nhan nhản slogan thực phẩm sạch, thức uống sạch… có vẻ vậy, nên cái tiệm Organica và chợ đồ nhập Nguyễn Văn Cừ bên kia cầu Long Biên luôn tấp nập. Nó ví như cái kiểu nhận được lời khuyên từ gã Ðông-ki-sốt bạn tôi là đừng nên mua kính hàng hiệu ở đây vì 99% là kính nhái mác. Một tay bạn của hắn đã mua một cặp kính Ray-ban ở tuốt London, ra tới phố kính Ðỗ Hành thì “bị phán” là kính tàu đến đỏ lừ mặt, vì đã sang tới Anh quốc mà còn ham mua đồ rẻ để mắc lỡm. Các tiệm kính ở Ðỗ Hành là đầu mối cung cấp hàng từ Nam ra Bắc. Hẳn nhiên, chỉ toàn là kính Quảng Châu hay Bằng Tường bên kia biên giới. Dù biết có nguyên cả làng Lịch Ðộng ở Thái Bình chuyên làm kính nhái từ Versace, Police hay Ray-ban, thì các vị nguyên lão làng ta vẫn khăng khăng bảo vệ vì đó đã trở thành “nghề truyền thống”của làng này rồi. “Cái thói bảo vệ sở hữu trí tuệ kém cỏi vậy thì đừng mong chờ cách mạng công nghiệp 4.0!” Gã Ðông-ki-sốt, đã rất thống thiết với câu này!

Ðang ở “Paris- Hà thành” mà tôi lại còn bày đặt thèm chi thêm món fast food Pizza. Ðúng là chuỗi nhãn tiệm Domino Pizza cũng nhanh nhẩu giống như cách marketing phóng chiếc pizza Domino lần đầu tiên ra ngoài vũ trụ. Ðã có hàng loạt các tiệm Domino Pizza ở Việt Nam và nhiều hơn hẳn Pizza Hut.

Hàng tuần, sau khi vãi mồ hôi với zumba và body work ở phòng gym thì tôi lại phóng xe tấp ngang cái địa chỉ Domino Pizza gần đấy. Cứ đến hẹn, mỗi ngày thứ Ba hàng tuần là có khuyến mãi “mua một tặng một”, bonus thêm chai nước Pepsi. Nhưng cỡ cái pizza ở đây thì cũng “nhỏ xinh” hơn khá nhiều so với pizza của Mỹ quốc, và dù lựa chọn “đế thường” (vỏ) chứ không phải “đế mỏng” thì cái đế bánh pizza của tôi cũng vẫn rất mỏng manh như làn sương khói. Món ưa thích của tôi là Vegie Mania và nếu lấy thêm một cái free thì tôi sẽ lựa Extravaganza có khẩu vị hằm bà lằng. Giá thì khoảng 150,000 VND. Một mức giá ở mức khá cạnh tranh với KFC ở đây. Cách tốt nhất ăn pizza ở Việt Nam là mang về nhà, bởi ngoài những “tiếng ồn thị giác” là cảnh gia đình dắt díu nhau đi ăn pizza, trẻ nhỏ thì la hét chạy đuổi lòng vòng; trong tiệm còn cộng hưởng với sự kích động kinh niên của nhạc nền disco hay hip hop thậm thịch.
Sau phần tráng miệng, rồi cụng ly lạch cạch chúc mừng ngày Phụ nữ Việt. Gã bạn Ðông-ki-sốt cầm lên cái bill tính tiền. Tôi nhìn cái sắc mặt gã bạn, hệt như màu của ly Cabernet Sauvignon! Haha!

ĐMH