Mặc dầu hiện nay đã có những kỹ thuật xây dựng mới giúp cho các building có thể đứng vững khi động đất xảy ra, nhưng vấn đề là làm thế nào giúp cho những kiến trúc đã được xây từ lâu có thể chống động đất. Các nhà khoa học của University of British Columbia (UBC) ở Canada đã sáng chế một loại bê tông mới dùng để tráng lên các bức tường đã xây. Một lớp chất liệu này có chiều dầy 10 milimet sẽ giúp cho các bức tường chịu được động đất tới 9.0-9.1 độ Richter mà không bị sập xuống. Bê tông mới được gọi là EDCC (Eco friendly ductile cementitious composite), với thành phần chính là sợi polymer (có tính chất co dãn khi chịu áp lực cao thay vì bể ra) và một loại phó sản kỹ nghệ thay thế cho chất xi măng. Trong vài tháng tới, hợp chất này sẽ bắt đầu được áp dụng để xây tường cho một trường học tại Vancouver.
Tụy tạng nhân tạo
Năm ngoái, FDA đã chứng nhận loại tuyến tụy nhân tạo đầu tiên được dùng để điều trị bệnh tiểu đường. Đây là một kỹ thuật tự động theo dõi lượng insulin trong máu và bơm thuốc khi cần. Nay các khoa học gia ở Harvard University sáng chế một hệ thống còn tốt hơn, có thể kết nối với điện thoại cầm tay của bệnh nhân, và “học” được các thói quen của bệnh nhân và giúp cho việc giữ mức glucose trong máu được ổn định ở mức tốt nhất. Một bộ phận theo dõi glucose được đặt ở dưới da của bệnh nhân cùng với một máy bơm nhỏ sẽ giúp cho hệ thống này kiểm soát mức glucose một cách tự động, nhờ vậy bệnh nhân không còn cần phải liên tục theo dõi nữa. Đặc biệt là phần mềm của hệ thống này sẽ ghi nhận những thời điểm mà bệnh nhân cần bơm thuốc cùng những yếu tố liên quan như giấc ngủ, bữa ăn, hoạt động cơ thể… để đoán trước khi nào cần bơm thuốc. Các thử nghiệm cho thấy phương pháp này hiệu quả hơn bất cứ phương pháp nào được áp dụng trước đây. Người ta hy vọng rằng phương pháp này sẽ giúp cho đời sống của bệnh nhân tiểu đường dễ chịu hơn.