Tôi có người hàng xóm, gặp lần đầu tôi đã dị ứng, gặp lần thứ hai tôi cũng bị dị ứng, gặp họ lần ba tôi ho sặc sụa. Tuy không mong nhưng hôm qua lại gặp, tôi lại bị dị ứng. Họ khuyên tôi nên đi khám, rồi đến gặp họ lấy… thuốc!

Tiệm tân dược của họ khá nhỏ nhưng rất “ăn nên làm ra”. Có buổi tối quởn, tôi ngồi trên ban công làm “ra đa” ngó xuống, đếm một đêm họ có khoảng hơn 50 khách hàng. Mỗi người đi vô rồi đi ra là cầm một bịch ni lông nhỏ hoặc vừa. Có khi là thuốc uống, có khi là thuốc nhỏ mắt, kẹo ngậm, nước muối… Hầu như ai trong xóm cũng đều đã vô thăm vị hàng xóm kia dầu không tình nguyện, tôi cũng vậy. Ðôi khi bị bệnh, vào tiệm thuốc nhờ người bán thuốc cho toa, rồi tôi mua cho… an tâm rồi về để đó chứ không dám uống. Vì không biết thuốc kia là thuốc thiệt hay không, nếu là thuốc thiệt thì có đúng là thuốc trị bệnh của mình hay không? Ðúng thuốc trị bệnh của mình nhưng có đúng liều lượng không?… Ngay cả 9,000 hộp thuốc chữa ung thư giả H-Capita còn được Bộ Y tế khẳng định cấp phép đúng quy trình. Trong khi nó là nguồn sống, là gia tài của hàng triệu người thì mấy bệnh xoàng của tôi nó có là gì mà không giả được!

Thật không may, tôi có sức khỏe thuộc diện “nắng không ưa mưa không chịu”. Nắng quá cũng bệnh mà mưa cũng dị ứng, cứ trái gió trở trời là bệnh mà đôi khi trời đẹp quá cũng… bệnh. Mấy người bạn thân của tôi thường nói:
“Mày làm giàu cho nhà thuốc.”
“Bán thuốc lời lắm vì không ai mua thuốc mà trả giá hết”
“Mày có biết bây chừ một loạt công ty ở những lĩnh vực hoàn toàn khác như công ty Thế giới di động, công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld), công ty FPT cũng đăng ký bán thuốc không?”
“Mày nên lấy ông chồng bác sĩ hoặc giám đốc bệnh viện”
“Mày bệnh hoài không ngán hả?”….

Mà ngộ cái là, bạn bè tôi đa số làm ngành y. Họ đều khuyên tôi nên hạn chế uống thuốc trừ khi nào thấy cần thiết. Khi tôi hỏi khi nào cần thiết, họ lại lắc đầu. Ðôi khi tôi nghĩ, sống ở Việt Nam chẳng có gì chắc chắn bằng việc không có gì chắc chắn cả, vì ngay cả những người sống bằng nghề thuốc họ còn không tin vào thuốc thì làm sao một “dân đen” như tôi có thể tự tin bỏ vô miệng. Nhưng sau tất cả, mọi lý do đều không thể ngăn tôi bớt… bệnh. Mà bệnh thì phải đi khám, nhưng đi khám thì lại phải uống thuốc, uống thuốc thì lại sợ… Ta nói một vòng tròn lẩn quẩn, nghĩ thôi cũng phát… bệnh!
Ngoài chuyện hàng ngàn viên thuốc ung thư “bỗng nhiên bị phát giác” kia thì danh tiếng Ngành Y xưa nay vốn đã chẳng đẹp đẽ gì (cũng như bao bộ, cục khác ở Việt Nam). Mỗi năm có hàng trăm, hàng ngàn vụ bệnh nhân chết oan, sản phụ tử vong, người bệnh bị hành hạ, bị coi thường, cán bộ y tế tắc trách, vòi vĩnh, vi phạm kỷ luật và y đức, ô nhiễm môi trường, bệnh tật khắp nơi. Dịch sởi năm 2014, cướp đi sinh mạng của hàng trăm em nhỏ. Một ngày trôi qua trung bình có khoảng 70 trẻ em tử vong nhưng không rõ nguyên nhân và vài trăm người lớn chết vì ung thư, mỗi năm đều có hàng loạt trẻ chết sau khi tiêm vắc xin. Từ đầu 2017 đến giờ có hơn 90 nghìn người mắc, 24 người tử vong do sốt xuất huyết và được Bộ trưởng Y Tế đổ thừa do… ông trời mưa nắng thất thường. Trong khi đó viện phí năm 2017 vẫn được “ưu ái” tăng 30%, nhưng bệnh viện vẫn quá tải, bệnh nhân vẫn phải nằm chung giường lẫn chung chiếu dưới đất, xét nghiệm thì một bản nhân ra vài ngàn bản để khai khống, thiết bị y tế mua về vứt xó vì chỉ quan trọng hóa đơn, bác sĩ nhận phong bì hoa hồng thì trở nên đàng hoàng hơn, cò bay gãy cánh trước… cửa các bệnh viện, bệnh nhân không tiền thì về nhà nằm chờ chết chứ đừng mong khám chữa. Chưa kể các vụ “đau chân trái, mổ chân phải” “bệnh nhân nam bị chỉ định khâu… âm đạo” “mổ ruột thừa cũng gây chết người” “bỏ quên dụng cụ mổ trong người nạn nhân” “trao lộn con cho sản phụ”… Nếu ở nước ngoài, chỉ một trong những việc này xảy ra cũng sẽ là chuyện động trời, nhưng ở Việt Nam, Bộ Y tế và những người liên can chỉ nói 1 câu “đúng quy trình” hoặc “sẽ rút kinh nghiệm” thì sẽ phủi tay sạch sẽ. An tâm làm thiên thần áo trắng. Còn nếu ai thấy áo họ không trắng thì hãy chấp nhận lên… phường! Bởi vì Bộ Y Tế không biết từ bao chừ mà kiêm luôn Bộ… Công An. Có một câu chuyện gần đây chứng minh điều đó sau bao hăm he sẽ phạt tù, phạt tiền ai nói xấu “lãnh đạo”.

Tối hôm 14/7, trên trang Facebook cá nhân, bác sĩ Hoàng Công Truyện (Phó trưởng Khoa Hồi Sức cấp cứu thuộc Trung tâm Y tế huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên Huế) đăng một status ngắn được cho là “khuyên” bà Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Y Tế, nguyên văn như sau:
“Mụ ni về nghỉ là vừa, để các Giáo Sư có kinh nghiệm, chuyên môn Y lên thay và dẫn dắt ngành Y sang một bước tiến mới. Chỉ một việc an ninh bệnh viện mà không tham mưu nổi cho Chính Phủ can thiệp mà làm bộ trưởng. Bà có đi về cơ sở đâu mà hiểu nỗi khổ các y, bs tuyến cơ sở”. Kèm với đó là hình ảnh chụp bà Tiến cận cảnh.

Ngay hôm sau, không biết sao “đánh hơi” được. Bộ Y tế lập tức cảm thấy… phẫn nộ, khẳng định nội dung trên là “Bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người đứng đầu ngành Y; ảnh hưởng uy tín ngành nói chung và tạo dư luận xấu, gây hoang mang, giảm sút niềm tin của người dân với cá nhân bộ trưởng nói riêng”. Vì tội danh khá dài trên, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Thừa Thiên – Huế phối hợp với Công an tỉnh xác minh thông tin chủ tài khoản Facebook. Bắt buộc bác sĩ Truyện làm bản kiểm điểm, giải trình sự việc. Sau đó, ra ngay quyết định kỷ luật khiển trách bác sĩ Hoàng Công Truyện, phạt ông 5 triệu đồng vào ngày 15/8.
Nhìn thấy sự xông xáo của Bộ Y Tế mà tôi tự thấy đau lòng. Sao mà cái “danh dự người đứng đầu ngành Y” nó mong manh dễ vỡ như vậy? (Hay tại mặt tôi… dày quá?) Chỉ vài câu viết lủng củng như trên thôi mà có thể “gây mất uy tín”, “tạo dư luận xấu”, “gây hoang mang”, “làm sút giảm niềm tin”… của dư luận đối với bà bộ trưởng liền! Trong khi lãnh đạo ở các nước trên thế giới bị chửi hằng ngày mà thấy họ vẫn sống nhăn… răng không hề kêu gào bị “gây mất uy tín”, “tạo dư luận xấu”, “gây hoang mang”, “làm sút giảm niềm tin” gì cả? Hay họ không có gì để mất? Tôi không ví dụ ở đâu xa, ở Mỹ cho gần (vì từ dân đến lãnh đạo nước mình ai cũng thích đi Mỹ).

Năm 2015, khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama xuất hiện trên chương trình truyền hình nổi tiếng của MC Jimmy Kimmel, ông đã phải tự đọc những dòng tweet nói xấu về mình đăng tải trên mạng xã hội Twitter bằng một khuôn mặt tươi cười ví dụ như: “Làm thế nào để mắt ông ta (Obama) sáng lên? Ðó là soi đèn pin vào tai ông ấy! – Obama bật cười và nói: Hay đấy! “Ai đó cho ông Obama vài mẹo làm tổng thống giỏi đi? Haha, vô ích thôi, lol (viết tắt của laugh out loud – cười vỡ bụng)”. Ông Obama tỉnh queo, bình gọn: Ðã haha thì còn cần gì lol nữa!
Hay 2017 này, có một bản tin rằng, khi Trump cho phóng tên lửa phá nát sân bay của Syria, để trừng phạt việc nước này sử dụng vũ khí hóa học trong chiến tranh ! Lúc phỏng vấn một người qua đường tại Mỹ, phóng viên truyền hình hỏi : “Anh nghĩ sao về việc tổng thống phóng tên lửa qua Syria hôm vừa rồi?” Chàng thanh niên trả lời: “Tôi nghĩ chắc lão tổng thống bị phát điên rồi” Không có tin tức nào cho hay anh ta bị phạt tiền cả.

Sau tất cả, như thường lệ, câu chuyện của vị bác sĩ Truyện trên cũng đến tai cư dân mạng tuy quá trễ. (Như vụ thuốc ung thư giả, ông tổng giám đốc cty Pharma-đầu nậu nhập thuốc ung thư giả-bị tạm giam hai năm mấy, được tại ngoại. Thậm chí có thêm đứa con với vợ xong rồi ra khóc lóc trong phiên xử phúc thẩm đòi được tại ngoại nuôi con nhỏ thì cư dân mạng mới vỡ lẽ: Thì ra bấy lâu nay đổ nợ, mất nhà, bán vợ đợ con đổ tiền mua thuốc trị ung thư giả). Nhưng không sao, vẫn còn kịp để mạnh ai nấy… phẫn nộ. Thế là cũng như 2 năm trước (2015), khi Chủ tịch tỉnh An Giang đã dùng quyền uy của mình để chỉ đạo cho cấp dưới xử phạt một cô giáo 5 triệu đồng và kỷ luật cô vì dám nói “ông này có cái mặt kênh kiệu và xa dân nhất các đời Chủ tịch An Giang” trên Facebook. Sau khi nhận được gạch đá từ muôn hướng, tỉnh An Giang phải rút lại quyết định xử phạt và xin lỗi cô giáo bị phạt. Và hôm nay, Bộ Y Tế cũng vừa xin lỗi và trả lại tiền cho bác sĩ Truyện sau khi góp đủ gạch đá.
Từ ngày có Facebook, đường lối, tư tưởng, chính sách của Ðảng có vẻ lung lay ít nhiều. Cái gì liên can đến cư dân mạng đều được giải quyết sốt sắng để cho “biển yên sóng lặng” rồi số phận của cô giáo kia và bác sĩ Truyện về sau ai biết ra sao, cũng không biết có ai quan tâm không? Vì cả hai Facebook của hai người đều bị buộc phải đóng cửa.

Tôi đang sống trong cái thời thuốc đắng thì không dã tật, sự thật không chỉ mất lòng mà còn phải mất tiền, mất tất cả để đánh đổi. Nghĩ tới thôi là thấy… bệnh! Thôi xin kết bài bằng câu chuyện cũng có bệnh nhân, có bác sĩ nhưng không liên can đến “danh dự người đứng đầu ngành Y”:
– Bác sĩ ơi! Tôi bị làm sao vậy? Tôi cứ nằm trên giường là lại cảm giác có ai đó ở dưới giường. Tôi chui xuống giường nhìn thì không có ai nhưng lại có cảm giác ai đó ở trên giường. Tôi lại lên giường nằm thì chẳng thấy ai cả nhưng lại như có người dưới giường. Cứ thế đã mấy hôm tôi không thể ngủ được.

– Hừm. Có một hội chứng tâm lý như vậy. Tôi sẽ chữa cho cô. Mất chừng 2-3 tháng và giá khá đắt đấy.
– Vâng! Bác sĩ cho tôi xin phép về suy nghĩ.
Bẵng đi mấy hôm tình cờ bác sĩ gặp lại bệnh nhân trên đường:
– Bệnh tình của cô thế nào rồi?
– Tôi đã khỏi rồi.
– Chữa kiểu gì vậy?
– … cưa hết bốn chân giường!
DU