Tổng thống Donald Trump rời Washington hôm Thứ Sáu 3/11 để khởi hành chuyến công du Á châu kéo dài 12 ngày với những trạm dừng chân tại Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Quốc, Việt Nam và Phi Luật Tân. Đây là chuyến công du dài ngày nhất của một Tổng thống Mỹ đương nhiệm kể từ năm 1992 khi cựu Tổng thống George H. W. Bush (cha) cũng có chuyến công du Á châu kéo dài 12 ngày như vậy.

Chuyến công du này diễn ra nhằm đúng dịp có hai cuộc họp thượng đỉnh tại khu vực Ðông Nam Á: Thượng đỉnh APEC (Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương) lần thứ 25 được tổ chức tại Ðà Nẵng trong các ngày 8-10 Tháng 11 và Thượng đỉnh ASEAN (Tổ chức các Quốc gia Ðông Nam Á) lần thứ 31 được tổ chức tại Phi Luật Tân trong các ngày 10-14 Tháng 11, cũng nhân dịp kỷ niệm 50 năm kể từ khi tổ chức này được thành lập.
Qua chuyến công du này người ta hy vọng sẽ có được cái nhìn rõ hơn về chiến lược trong chính sách đối ngoại của Mỹ nói chung tại khu vực châu Á.
Trong 10 tháng đầu của chính phủ Trump, một số tuyên bố đầy mâu thuẫn được đưa ra từ chính tổng thống và các cố vấn của ông đã tạo ra không ít hoang mang trong số các nhà lãnh đạo ở châu Á. Việc Hoa Kỳ chính thức rút tên ra khỏi thỏa thuận thương mại của tổ chức Hợp tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP), từng được xem như nền tảng của chiến lược kinh tế của Mỹ tại châu Á cũng như kế hoạch chuyển trục về châu Á của cựu Tổng thống Barack Obama, cũng đã dấy lên những mối quan tâm từ nhiều nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp giữa hai bờ Thái Bình Dương về tương lai mậu dịch trong khu vực.

Riêng đối với Việt Nam, rất mong mỏi một thỏa thuận “khung” về TPP hoàn tất và được đưa ra thảo luận trong dịp thượng đỉnh APEC lần này vì một điều rõ ràng là Việt Nam đang rất cần đến TPP cho tương lai phát triển kinh tế trong khi tình hình kinh tế trong nước đang có dấu hiệu bị trì trệ và nguy cơ sụp đổ ngân sách do thiếu hụt. Sau khi Hoa Kỳ rút lui, các quốc gia thành viên còn lại của TPP bao gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Mã Lai Á, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Với chuyến công du 12 ngày trong đó bao gồm nhiều cuộc họp song phương và đa phương tại các trạm dừng chân ở Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Quốc, Việt Nam và Phi Luật Tân, tựu trung hai chủ đề chính về an ninh khu vực và thương mại song phương là nổi bật hơn cả trong các buổi họp giữa phái đoàn Hoa Kỳ và phái đoàn của năm quốc gia kể trên – trong đó, vấn đề vũ khí hạt nhân và hoả tiễn của Bắc Hàn được nói tới nhiều trong nửa đầu của chuyến công du với các trạm dừng chân tại Nam Hàn, Trung Quốc cũng như Nhật Bản.
Trạm dừng chân đầu tiên của ông Trump là Nhật Bản và vấn đề Bắc Hàn là chủ đề chính trong cuộc thảo luận giữa hai nguyên thủ. Thủ tướng Shinzo Abe được xem là gần với Tổng thống Trump nhất trong chính sách đối phó không khoan nhượng với Bắc Hàn trong cuộc leo thang thử nghiệm nguyên tử và hoả tiễn của quốc gia độc tài này, đặc biệt là sau hai vụ bắn hoả tiễn ngang qua bầu trời của hòn đảo Hokkaido nằm ở phía bắc Nhật Bản vào cuối Tháng 9 và đầu Tháng 10 vừa qua.
Cả hai lãnh tụ đều nói rằng vấn đề Bắc Hàn cần phải có sự hợp tác của Trung Quốc, là vì Trung Quốc gần như là quốc gia duy nhất còn duy trì quan hệ thương mại với Bắc Hàn và 90% các cuộc trao đổi thương mại diễn ra ngay tại biên giới giữa hai quốc gia này.
Ở trạm dừng chân tại Nam Hàn, TT. Trump có những cuộc họp với Tổng thống Moon Jae-in và đọc một bài diễn văn trước quốc hội Nam Hàn.

Moon đã từng có những xung đột với Trump và Abe về chính sách đối phó với Bắc Hàn. Trong khi cả ba lãnh tụ đều đồng ý là phải áp đặt cấm vận đối với chế độ hung đồ này, nhưng Moon cũng muốn mở cánh cửa đối thoại và sẵn sàng viện trợ kinh tế một khi Bắc Hàn chịu ngồi vào bàn thương thuyết. Hiện Nam Hàn là nơi đang đặt hệ thống chống hoả tiễn THAAD của Hoa Kỳ với kỹ thuật tân tiến có thể bắn rơi hoả tiễn của địch ở trên không rất chính xác mà Trung Quốc cho là có nguy hại đến an ninh của họ. Tuy nhiên, mới đây Bắc Kinh và Hán Thành đã có sự giải hoà, nối lại một số quan hệ ngoại giao bị gián đoạn và đã được nhiều nhà phân tích thời cuộc cho đây là dấu hiệu cho thấy hai bên muốn áp dụng chính sách mềm mỏng hơn đối với Bình Nhưỡng, đi ngược với quan điểm của Washington và Tokyo.
Tuy nhiên, đỉnh điểm của chuyến đi được nhiều nhà quan sát cho là trạm dừng chân tại Bắc Kinh bắt đầu từ ngày 8 Tháng 11, nơi mà hai nhà lãnh đạo của hai nước bàn tới rất nhiều vấn đề, trong đó việc đối phó với Bắc Hàn và thương mại giữa hai nước là những vẫn đề ưu tiên hàng đầu cần phải giải quyết. Một trong những vấn đề thương mại mà TT. Trump vẫn thường hay than phiền là thâm thủng mậu dịch giữa Mỹ và Trung Quốc đã lên tới hơn $300 tỷ trong năm 2016 nghiêng về phía Mỹ, cao nhất so với những quốc gia khác.
Trong khi vận động tranh cử tổng thống trong năm 2016, ông Trump đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc cố tình dìm giá đồng nhân dân tệ để gây khó khăn cho các công ty Mỹ trong việc cạnh tranh với những sản phẩm của Trung Quốc. Ông cũng đe doạ là sẽ tăng thuế lên tới 45 phần trăm trên những sản phẩm nhập cảng từ Trung Quốc.

Mặc dù vậy, kể từ khi lên cầm quyền, vì cần đến sự trợ giúp của Bắc Kinh trong việc ngăn chặn mối đe dọa vũ khí nguyên tử và hoả tiễn từ Bắc Hàn, Tổng thống Trump buộc phải dịu giọng hơn khi bàn đến chính sách ngoại giao với Trung Quốc. Trong khi chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục tạo áp lực với Bắc Kinh để cho phép các công ty Mỹ được vào làm ăn trong những lãnh vực kinh tế hiện vẫn đang đặt dưới sự kiểm soát của các công ty quốc doanh và mở ra những cuộc thương thuyết để giảm bớt sự thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc thì cá nhân Trump cũng không còn lên tiếng cáo buộc Trung Quốc dìm giá đồng tiền của họ nữa.
Mặc dù chuyến công du Á châu của Tổng thống Trump đã được dự trù từ lâu theo đúng lịch trình với hai cuộc họp thượng đỉnh APEC và ASEAN, nhưng cũng là một sự trùng hợp là chuyến đi diễn ra ngay sau cuộc bầu cử ở Nhật và đại hội bầu ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc. Chiến thắng quyết định của Thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc bầu cử hôm 22 Tháng 10 vừa qua có thể cho ông có tiếng nói mạnh hơn trong việc mở rộng thêm vai trò của Nhật Bản trong các chính sách an ninh khu vực. Abe hiện đang là đầu máy để kéo con tàu TPP tiến về phía trước cùng với 11 thành viên còn lại trong sự vắng mặt của Hoa Kỳ. Trên thực tế, một số quốc gia Á châu đã nghiễm nhiên coi Abe như một lãnh tụ khu vực trong việc đối đầu với Trung Quốc.
Ðại hội 19 tại Trung Quốc vào giữa Tháng 10 vừa qua đã đưa Tập Cận Bình vào vai trò lãnh đạo với nhiều quyền lực hơn bao giờ hết, và Tập đã không che giấu tham vọng là sẽ đưa Trung Quốc lên hàng lãnh đạo thế giới và tạo thêm ảnh hưởng quốc tế trong mấy thập niên tới. Tuyên bố này của Tập có thể được hiểu là Trung Quốc sẵn sàng chờ cơ hội trám vào những khoảng trống quyền lực trên thế giới nói chung và tại châu Á nói riêng một khi Mỹ rời bỏ.
Chuyến công du này là cơ hội tốt để TT. Trump thắt chặt thêm mối quan hệ với những đồng minh Á châu của Hoa Kỳ. Trong năm đầu cầm quyền, ông Trump đã có những cuộc đón tiếp nhiều nguyên thủ Á châu, gần đây nhất là cuộc tiếp đón Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore. Vào Tháng 6, Ông Trump cũng đã đón tiếp Tổng thống tân cử Moon Jae-in tại Tòa Bạch Ốc.
Ngoài ra Biển Ðông hiện vẫn còn là vấn đề thời sự nóng bỏng trong khu vực với những tranh chấp giữa nhiều quốc gia mà nguyên do chính là từ tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Tổng thống Trump cần phải cam kết mạnh hơn nữa cũng như tăng cường thêm những cuộc tuần tra và diễn tập của hải quân Hoa Kỳ tại đây. Biển Ðông là một trong những con đường hàng hải bận rộn nhất trên thế giới và vì vậy quyền lợi của Hoa Kỳ tại đây rất lớn do những hàng hoá của Mỹ xuất cảng sang châu Á đều phải đi qua con đường này.
Một nghị trình dày đặc với quá nhiều vấn đề cần được bàn thảo và giải quyết trong chuyến công du 12 ngày này.
VH