
Hoa Kỳ chỉ chiếm 5% dân số thế giới nhưng chiếm tới 25% số tù nhân.
Ðang ở tù, đang bị tù treo, đang bị quản chế… con số lên tới 10 triệu người.
Và gần 3 phần 4 tù mãn hạn lại trở vô tù trong vòng 5 năm sau đó.
Con số quả là không nhỏ!
Coi bộ ăn cơm có người nấu, ngủ có người gác coi bộ nhiều tay bán trời không mời thiên lôi lại khoái… nên cứ đi gặp ông Tòa hoài để xin đi nghỉ ‘vacation’ dài hạn.
Ở Hoa Kỳ, chuyện gì cũng có thể xảy ra! Người khác vào tù ra khám như cơm bữa; nhưng Shon Hopwood, từng cướp ngân hàng tới 5 lần lại mày mò, lò dò từ xà lim bước lên bục giảng của trường Luật.
Thân phụ Shon Hopwood trông coi một trang trại nuôi bò gần một thị trấn nhỏ chỉ có khoảng 2,500 dân ở Nebraska.
Shon Hopwood trải qua thời thơ ấu hạnh phúc trong một gia đình ngoan đạo.
Shon rất thân thiện được nhiều người ưa, nhưng lại không thích học.
Nhờ tài chơi bóng rổ nên Shon được trường đại học cấp cho cái học bổng. Nhưng vì làm biếng, trốn học hoài nên cuối cùng Shon bị đuổi.
Nghỉ học gia nhập Hải quân Mỹ được hai năm, xuất ngũ, Shon trôi dạt trở về quê cũ.
Sống dưới tầng hầm của gia đình. Làm việc một ca suốt 12 tiếng đồng hồ tại trang trại của cha mình quản lý để hốt phân bò.
Cuộc đời khó khăn, chìm nổi nên Shon bị trầm cảm! Tìm quên bằng rượu chè say sưa, đôi khi lại dính vô cái vụ xì ke ma túy.
Một đêm, lúc đi nhậu, người bạn thân nhứt rủ Shon đi cướp ngân hàng.
Tháng Tám, năm 1997, bước vào một nhà băng, tim đập thình thịch, mồ hôi tươm ra đầy cả tay chân.
Dộng một cái hộp đựng đồ nghề bằng sắt xuống sàn nghe một cái rầm rồi Shon Hopwood rút một cây súng trường ra khỏi áo khoác.
Shon Hopwood hiện hình thành một tên cướp nhà băng chánh hiệu con bò (ngu)! Gom được 50 ngàn đô của người ta, Shon ngựa phi đường xa!
“Thôi đem tiền gởi trả lại nhà băng, nhớ kèm theo cái thơ xin lỗi!” Thằng bạn thân từng xúi dại giờ lại xúi khôn!
Xúi dại thì nghe, xúi khôn thì lờ; vì thấy dễ ăn, có tiền xài rủng rỉnh Shon bèn đi cướp thêm 4 nhà băng nữa.
Thiệt là hành động bồng bột nông nổi của một thanh niên không chịu lớn khôn với thiên hạ.
Bị bắt, đưa ra Tòa chờ tuyên án, gia đình Hopwood có tới 30 thân nhân đến dự, ngồi khóc hu hu.
Ông Tòa Richard Kopf cho rằng Shon Hopwood là một thằng rác rưởi.
Khi được nói lời cuối cùng, Shon Hopwood hứa sẽ ăn năn hối cải, sửa chữa mọi lỗi lầm.
Ðáp lại bằng giọng khinh khỉnh, ông Tòa phán: “Bổn chức cho rằng chúng ta sẽ gặp lại nhau sau 13 năm nữa!”
Năm ấy Hopwood mới vừa 23 tuổi.
Ngày đầu tiên trong nhà tù Liên Bang, Shon chứng kiến hai tù nhân: Thằng mang giày, có đế cao su lót thép, đạp vô mặt thằng kia làm rụng mấy cái răng, mồm đầy những máu.
Chu choa! Bạo động như vầy thôi chui vào thư viện nhà tù làm có lẽ yên thân hơn.
o O o
Mùa hè năm 2000, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ làm tù nhân xôn xao với quyết định là: bất cứ luận điểm nào bên công tố đưa đến nguy cơ làm bị cáo chịu án nặng hơn phải thuyết phục được bồi thẩm đoàn.
Ðể được khoan hồng, bị cáo nên thành khẩn nhận tội ngay.
Như Hopwood thành khẩn nhận tội cướp nhưng lại bị xử theo khung tội cướp có võ trang nên bị án rất nặng nề?! Thiệt là bất công nhe!
Vậy là Hopwood bỏ tới hai tháng trời lao vào sách luật tìm tòi nghiên cứu và tự mình thảo ra lời biện hộ để xin xét lại bản án đã tuyên.
Nhưng quan Tòa Richard G. Kopf bác bỏ, phán rằng: “Vụ án của Shon Hopwood không có tánh cách hồi tố!”
Thua keo nầy Shon bày keo khác cho bạn tù. Shon Hopwood liên lạc với các luật sư của những tù nhân khác đề nghị sách lược, tự tay soạn thảo đơn chống án dùm cho họ.
Như vụ một tù nhân chỉ sở hữu một nhúm nhỏ cocaine mà bị 16 năm rưỡi tù vì quan Tòa tuyên án theo khung hình phạt dành cho những tội phạm chuyên nghiệp!
Với sự giúp đỡ của Hopwood, tù nhân nầy được giảm án cả 10 năm.
Một bạn tù đơn chống án bị bác, Hopwood bỏ ra nhiều tháng trời nghiên cứu, một đêm sau khi suy nghĩ, Hopwood chỉ ra tội nầy đúng ra khi xử phải dựa vào Ðạo luật số 6 chớ không phải Ðạo luật số 5.
Hopwood viết một đơn chống án đơn giản nhưng lý luận chặt chẽ và hợp lý rồi gởi đi!
Nhiều tháng sau, một sáng khi đi làm thì người bạn tù nầy chạy xô đến lại hét lên: “Hopwood mầy phải chết!” Hopwood sợ một trận đánh lộn sẽ xảy ra; vì chỉ cách đây mấy hôm thôi, nhém chút nữa là Shon đã bị một thành viên băng đảng trong tù đâm chết.
Nhưng may quá không phải! Người bạn tù nầy cầm tờ báo trong đó có tường thuật chuyện Tòa án tối cao chấp thuận đơn kháng án của một tù nhân Liên bang. Xác suất chuyện nầy chỉ xảy ra 1 trên 10 ngàn!
May mắn hơn là Cựu Thứ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ đồng ý biện hộ cho tù nhân đang thọ án nầy miễn phí vì ông đọc tờ đơn kháng án với sự thích thú!
Ông Luật sư lừng danh nầy muốn nói chuyện với một tên đã từng 5 lần cướp ngân hàng sao lại có thể viết ra được như thế nầy!
Từ đó tình bạn giữa đôi bên nảy nở đã làm thay đổi cả cuộc đời Shon Hopwood!
Lên tinh thần, Hopwood xới tung lên những án của bạn tù khác, nhận giúp đỡ hơn hàng chục vụ xin kháng án mỗi lần! “Tôi đang điều hành một công ty Luật ở trong tù!”
Rồi Tòa án Tối cao lại chấp thuận thêm một đơn kháng án!
Shon Hopwood tin rằng trừ những tội hình sự nguy hiểm ra, còn tội nhẹ, phạm lần đầu mà bị cáo bị phạt hơn 5 năm tù quả là điều vô lý.
Chánh án nghiêng hẳn về trừng phạt hơn là cải tạo và điều đó làm tù nhân tuyệt vọng, chai đá hơn, cắt hẳn con đường hoàn lương của tội phạm.
Shon Hopwood sung sướng khi thấy tù nhân được giảm rồi mãn án, ôm đồ bước ra khỏi cổng nhà lao.
o O o
Khi bước ra khỏi nhà tù vào tháng Mười, năm 2008, lòng Shon Hopwood tràn ngập nỗi lo âu: Làm sao để gầy dựng lại cuộc đời?
Ai chịu mướn một người tù hình sự vừa mãn án làm việc cho mình?
Shon muốn cưới vợ, muốn tiếp tục học Ðại học nhưng trong túi không tiền đành phải đi làm nghề rửa xe!
Rồi một khoảnh khắc may mắn diệu kỳ lại đến. Ông Cựu Thứ trưởng Tư pháp đồng ý bảo đảm tư cách và giới thiệu Hopwood làm việc cho một công ty Luật.
Rồi University of Washington chấp thuận cấp cho Shon Hopwood một học bổng toàn phần! Lúc đó Shon đã có vợ, một đứa con trai và một đứa con gái mới sinh ngay ngày đầu ông nhập trường.
Shon được làm nhân viên tập sự tại Tòa án. Ông không đến đó trình diện nhân viên Tòa án phụ trách việc quản chế, mà đến để làm việc cho Chánh án Tòa Tối cao Liên bang.
Tháng Tư, năm 2015, đậu vào Luật sư đoàn, Shon Hopwood tuyên thệ làm Luật sư dưới sự chứng kiến của Chánh án Tòa Tối cao Liên bang.
Shon Hopwood được mời đến để dạy cho các sinh viên Luật về những vụ chống án thành công điển hình.
Nhiều bạn đồng nghiệp cảm phục bài giảng của Shon Hopwood, nhấn mạnh đến tính khoan dung, được soạn ra nhằm bảo vệ công dân khỏi bị trừng phạt quá đáng bởi những điều luật rất mơ hồ.
Ðó không chỉ đơn thuần là lý thuyết mà là nền tảng của Luật pháp.
Hopwood cũng là diễn giả tại Hội đồng Luật khoa trong đó có Chánh án Richard G. Kopf người đã từng bỏ tù ông khi trước.
Cuộc gặp mặt lần nầy tràn đầy cảm xúc! Kopf tặng lại cho Hopwood một chiếc cặp da do một cựu tù nhân mà ông đã từng bào chữa tặng.
Món quà đó làm Hopwood rất cảm động! Vì đó như là sự công nhận sự đua tài giữa hai nhà luật học.
Một công ty Luật mời Shon Hopwood về làm việc với mức lương lên tới 400 ngàn đô la Mỹ một năm nhưng ông từ chối.
Tiền bạc ai cũng muốn. Nhưng Giáo sư Luật tại Georgetown University Shon Hopwood lại muốn sửa chữa hệ thống Luật pháp Hoa Kỳ, làm cho nó ngày một tốt hơn là mục tiêu ông nhắm tới.
“Khi nào Chánh phủ Liên bang đình chỉ vụ bắt buộc Chánh án phải xử tù cứng nhắc y như khung hình phạt. Cải tạo phải được đặt lên trên trừng phạt!” Ngày đó Shon Hopwood mới vui!
Ðúng là vươn lên từ chốn bùn nhơ! Một cuộc đổi đời ngoạn mục!
ĐXT Melbourne