Menu Close

Mối hại từ đường

Đường hay thức ăn có đường thu hút người ăn do có vị ngọt hấp dẫn khó lòng cưỡng lại. Nhưng bên cạnh đó, đường còn có nhiều tác dụng phụ nguy hại khó lường như béo phì, bệnh tiểu đường loại 2, sâu răng và các bệnh về tim, gan. Thậm chí người tiêu dùng đường thường xuyên có thể sẽ bị nghiện như người hút thuốc lá hay sử dụng ma túy. Do đó mà nhiều khoa học gia thường ví von đường như là vị ngọt “đắng cay”.

moi-hai-tu-duong1

Cách đây 25 năm, kỹ nghệ thuốc lá là mối đe dọa chính. Ngày nay, hiểm họa từ thực phẩm và thức uống thay thế mối nguy hại của thuốc lá. Kỹ nghệ thực phẩm và thức uống bán cho chúng ta thì đường họ thêm vào các sản phẩm này là phổ biến nhất.

Ở đây, đường tự nhiên từ trái cây, rau quả không phải là vấn đề. Nhưng đường nhân tạo mà kỹ nghệ này cho vào tất cả sản phẩm, và đặc biệt là trong nước uống có gaz, các thức uống giàu năng lượng và nước ép trái cây, mới thực sự là thủ phạm. Chỉ cần bước vào siêu thị, bạn đã có thể thấy đường kỹ nghệ trong bánh mì, yaourt, các loại súp, xúc xích, và trong hầu hết thực phẩm chế biến. Một muỗng canh nước xốt cà chua (ketchup) có thể chứa đến một muỗng cà phê đường. Loại đường vô hình này mang nhiều tên khác nhau. Ở Hoa Kỳ và Châu Âu, người tiêu dùng sớm muộn gì cũng sẽ rơi vào ma trận của 83 tên gọi đường khác nhau này: aspartame, dextrose, fructose, galactose, isoglucose, lactose, maltose, melasse…

Helen Bond, chuyên gia cố vấn thuộc Hiệp hội thực phẩm Anh quốc (Association britanique de diététique), giải thích: “Nhà sản xuất rất xảo trá. Từ ‘fructose’ làm cho chúng ta nghĩ rằng họ giảm lượng đường cho vào sản phẩm, nhưng trên thực tế họ đã rắc đường trắng lên thức ăn uống bán cho chúng ta”.

Robert Lustig, Bác sĩ khoa nhi và nội tiết học thuộc Trường Ðại học California ở San Francisco, cảnh báo rằng lượng đường tiêu thụ đã tăng gấp 3 lần trong 50 năm qua… Robert Lustig cho biết: “Thực phẩm chúng ta ăn vào chứa nhiều đường đến độ cơ thể không thể chuyển hóa số dư thừa. Vậy là lượng đường fructose ăn vào dư thừa đã biến thành mỡ tích lũy ngày này qua ngày khác trong cơ thể, chủ yếu tập trung nơi bụng”.

Tuy nhiên, béo phì không phải là mối bận tâm duy nhất của chúng ta. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh mối liên quan giữa đường và các bệnh về gan, bệnh tiểu đường loại 2, các bệnh về tim và bệnh sâu răng. Nghiên cứu còn cho thấy đường có liên quan đến các bệnh nhiễm mỡ (stéatose) không có nguyên nhân từ rượu bia: các bệnh về gan nhiễm mỡ này có nhiều điểm tương tự như bệnh gan nhiễm mỡ do rượu bia gây ra như xơ gan (cirrhose), ung thư gan (cancer du foie)… Nhưng các bệnh này lại xảy ra nơi những người không uống rượu bia! Lawrence Serfaty, Giáo sư Bác sĩ chuyên khoa gan thuộc bệnh viện Saint Antoine, Paris, cho biết đã chữa trị nhiều bệnh nhân xơ gan trong khi họ không uống một giọt rượu bia nào. Lawrence nói: “Yếu tố nguy cơ gây bệnh duy nhất nơi những người này là họ đã uống nhiều loại thức uống ngọt có gaz mỗi ngày”.

Năm 2013, mối liên hệ giữa thức uống ngọt có gaz và tiểu đường đã được chứng minh bởi một nghiên cứu rộng lớn do tổ chức InterAct thực hiện trên 25,000 người ở Châu Âu. Tiêu thụ một lon thức uống này mỗi  ngày có thể làm tăng 20% nguy cơ bệnh tiểu đường loại 2!

Năm 2015

Tổ chức Y tế Thế giới (OMS) tái khẳng định đường không được vượt quá 10% trên tổng số calo cơ thể hấp thụ, ngoại trừ đường tự nhiên từ trái cây và rau quả. Trong chế độ ăn bình thường hàng ngày, 10% lượng calo tương đương với 12 muỗng đường kỹ nghệ. Thông thường, một chai nước ngọt có gaz 330 ml chứa 10 muỗng cà phê đường. Ở các nước phương Tây, một người trưởng thành tiêu thụ trung bình 20 muỗng cà phê đường mỗi ngày. Mức tiêu thụ đường trung bình nơi trẻ em cao hơn người lớn.

moi-hai-tu-duong
Thay thế những loại thức uống nhiều đường bằng cây trái ít chất ngọt. Những loại cây trái ngọt lịm như nho, táo, chuối sứ, thậm chí khoai lang ngọt.. chứa nhiều chất đường, nhưng vẫn phải sử dụng chừng mục

Francesco Franca, Bác sĩ, Giám đốc phòng dinh dưỡng, sức khỏe và phát triển thuộc Tổ chức Y tế Thế Giới, khẳng định: “Chúng tôi có bằng chứng thuyết phục rằng mức đường tiêu thụ mỗi ngày dưới 10% sẽ giảm nguy cơ béo phì và sâu răng”.

Một nhân vật có thế lực của ngành kỹ nghệ thực phẩm thuộc Hiệp hội Thức uống Quốc tế, đã phủ nhận kết quả trên của Tổ chức Y tế Thế giới như sau: “Liên quan đến bệnh béo phì, không có một chứng cứ khoa học nào cho phép phân biệt đường tự do và đường tự nhiên (không có trong thức uống có gaz)”. Bác sĩ Malhotra phản bác: “Sai!  Phẩm chất calo rất quan trọng. Thức uống chứa đường tự nhiên có nhiều tính năng hữu ích cho cơ thể”.

Nhiều bằng chứng không thể chối cãi cáo buộc và dẫn chứng những hậu quả tai hại từ đường.  Nghiên cứu trong thời gian 5 năm do Kimber Stanhope, Bác sĩ chuyên khoa sinh học dinh dưỡng thuộc Trường Ðại học California, thực hiện, kết luận rằng đường ‘fructose’ trong xi rô bắp, một chất làm dịu vị (édulcorant) rất thông dụng ở Hoa Kỳ, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim (infarctus) và tai biến mạch máu não (AVC: accident vasculaire cérébral).

Một nghiên cứu khác cho thấy, tương tự như thuốc lá, đường có thể gây nghiện. Eric Stice, chuyên khoa não thuộc Viện nghiên cứu Oregon, đã phân tích hình chụp cộng hưởng từ (IRM: Imagerie par Résonnance Magnétique) não bộ người trưởng thành, và nhận thấy “đường có tính năng kích thích não tương tự chất kích thích như cocain. Tiêu dùng đường thường xuyên sẽ bị nghiện như người hút thuốc lá hay sử dụng ma túy. Nói cách khác, để thưởng thức đường đúng đô, bạn phải tăng liều dùng, và thế là bạn phải tăng liều ngày càng nhiều hơn”. Nhiều nghiên cứu khác xác định đường kích thích các dây thần kinh gây hưng phấn.

Làm gì để giảm tiêu thụ đường?

Bác sĩ Lustig cho biết: “Có một cách rất đơn giản: ăn thực phẩm thật, những sản phẩm tự nhiên tự nấu ở nhà. Miếng phi-lê cá là một thức ăn thật. Cá ghim que không phải là cá thật. Cho nên phải biết ăn uống đúng cách”.

Và Bác sĩ Lustig ví von kết luận: “Ðường, quả thật là vị ngọt đắng cay”.

ÐDH Theo Sélection