Từ những ngày đầu tháng 10, chúng tôi đã nhận được thư mời của Hội Việt Nam Niềm Nhớ Không Tên đến tham dự sinh nhật lần thứ 242 của Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Hoa Kỳ và sự có mặt của vị khách mời đặc biệt đến từ thủ đô Hoa Thịnh Đốn, chuẩn tướng William H. Seely III, vị tướng gốc Việt đầu tiên trong binh chủng TQLC trên đất Mỹ. Để tiện cho việc sắp xếp của ban tổ chức, chúng tôi gọi cho anh HD để lấy chỗ cho hai phóng viên Trẻ tham dự buổi tiệc này.

Chiều thứ sáu, rời khỏi tòa soạn, tôi theo bảng chỉ đường của điện thoại để đến nhà thờ Vista Community Church trên đường Chickasaw. Tôi và phóng viên Vi Mã đến trước 15 phút nhưng đã có rất nhiều người tới và đứng xếp hàng ký tên tại bàn tiếp tân. Buổi lễ được tổ chức rất chu đáo từ phần tiếp tân đến sân khấu bên trong hội trường cho đến buổi dạ tiệc nhẹ sau đó. Được biết các bạn thiếu sinh quân của trường đại học UCF đã đến đây từ lúc 2, 3 giờ chiều để chuẩn bị. Hai bên hành lang bước vào hội trường, các bạn thiếu sinh quân mặc quân phục và các cô bên hội mặc áo dài truyền thống đứng chào đón khách mời. Chúng tôi được một anh chàng thiếu sinh quân dẫn vào hội trường. Tôi khá ấn tượng với khán đài được trang trí đẹp mắt và kỹ lưỡng đến từng chi tiết, có cả một bàn tiệc tưởng niệm dành cho những chiến sĩ đã hy sinh, không thể có mặt trong đêm nay để dự buổi tiệc này.

Buổi lễ bắt đầu với những nghi thức truyền thống trang trọng. Sau đó là lễ trao bảng tuyên dương của bộ quốc phòng Hoa Kỳ dành cho sự hy sinh to lớn vì tự do và hòa bình của người con trai trong gia đình ông William J. Clark. Tiếp theo, vị khách mời đặc biệt, Chuẩn tướng Seely được mời lên sân khấu. Đây cũng là một trong những điểm nhấn của buổi lễ, nhằm khích lệ các thế hệ trẻ thành người chỉ huy trong tương lai. Chuẩn tướng gửi lời chào đến quý đồng hương Việt Nam “Xin chào tất cả” bằng vốn tiếng Việt ít ỏi của ông – cùng các vị cựu chiến binh tại thành phố Orlando. Chuẩn tướng William H. Seely III sinh năm 1967 tại Sài Gòn. Bố ông là người Mỹ, một kỹ sư công cụ nhưng do chân ông bị thương nên không thể gia nhập quân đội như ý muốn. Bố ông đến Việt Nam năm 1963 và gặp mẹ ông tại đây. Năm 1971, quân đội Mỹ rời khỏi Việt Nam, ông theo bố mẹ về lại Mỹ và sống ở Palm Spring, California, Mỹ. Sinh ra và lớn lên trong thời điểm chiến tranh nên khi vào đại học, ông mong muốn phải làm một điều gì đó để trả ơn cho bố mẹ, giúp cho những người tỵ nạn Việt Nam. Ông nghe theo lời kêu gọi của Đức Chúa Trời (theo lời tâm tình của ông) nên ông tình nguyện nhập ngũ. Ông gia nhập thiếu sinh quân thủy quân lục chiến và là người thấp nhất trong lớp nhưng phải làm những nhiệm vụ khó khăn nhất. Ông đã tìm hiểu rất nhiều về lịch sử chiến tranh; mặc dù bố ông không được đi lính nhưng bố ông có rất nhiều bạn bè là cựu chiến binh và ông đã có dịp được nghe, được biết về chiến tranh, về những mất mát hy sinh của người lính qua những người cựu chiến binh này cũng như qua những thước phim tài liệu. Trong quân đội, ông học được để thành công cần có 3 điều. Điều đầu tiên là gia đình, tiếp theo là những người bạn, những người đồng đội và đức tin. Quân đội đã rèn luyện cho ông và muốn ông sẵn sàng hy sinh, bảo vệ sự tự do và hòa bình cho đất nước.




Sau khi kết thúc bài phát biểu, một số câu hỏi được khách mời đặt ra cho chuẩn tướng Seely.
Khách mời: Ông đã tới Mỹ khi nào và gia nhập quân đội được bao lâu?
William H. Seely III: Tôi tới Mỹ năm 1971. Gia nhập thủy quân lục chiến và tốt nghiệp năm 1989, đã được hơn hai mươi mấy năm rồi.
Khách mời: Ông nói về đức tin, gia đình, và bạn bè rất quan trọng với ông. Xin ông giải thích rõ hơn tại sao đức tin lại quan trọng như vậy?
William H. Seely III: Tôi đã lớn lên trong khuôn khổ của nhà dòng nên tôi luôn tuân theo luật lệ nơi đây. Tôi lớn lên với sự kính mến về tâm linh của tôi. Khi bạn có một nền tảng vững chắc, đức tin sẽ giúp bạn có sức mạnh để vượt qua tất cả.


Khách mời: Ông là người Mỹ gốc Việt, ông biết rằng Việt Nam đang nằm dưới tay của nhà cầm quyền Cộng Sản. Trên lý thuyết Việt Nam là một nước tự do nhưng thực tế điều đó không đúng. Có rất nhiều quyền bị xâm phạm như quyền con người, quyền tự do tôn giáo, quyền tự do ngôn luận. Là một người có chức vụ cao trong quân đội Mỹ, không biết chuẩn tướng có suy nghĩ như thế nào về cách giải vấn đề này cho đất nước nơi mà ông được sinh ra?
William H. Seely III: Tôi không am tường về chính trị, nên tôi không thể trả lời câu hỏi này. Tôi nghĩ bộ ngoại giao của Hoa Kỳ sẽ trả lời tốt hơn. Và hiện tại vị nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ đang ở Việt Nam và có thể đó là dấu hiệu tốt.


Khách mời: Tôi là một thiếu sinh quân của trường đại học UCF. Xin chuẩn tướng cho biết làm thế nào để chúng tôi là những thiếu sinh quân bây giờ học hỏi và đào tạo để được thành công như chuẩn tướng?
William H. Seely III: Chào bạn, đội bóng bầu dục của trường bạn đã đánh bại đội banh của quân đội … J Tôi cho rằng các bạn không chỉ học hành hay tập sự quân sự ở trong trường học mà sau khi ra trường bạn vẫn phải học tập không ngừng nghỉ. Bạn phải thật sự yêu thích những gì bạn đang làm, cũng giống như tôi, tôi thật sự yêu thích thủy quân lục chiến và yêu thích được phục vụ cho đất nước này. Bạn có thể học những chuyên ngành khác nhau, khi bạn tốt nghiệp để đi làm, bạn cần phải biết rõ những gì bạn cần làm, biết những người xung quanh bạn.
Khách mời: Thưa ông, nếu ông không tham gia vào thủy quân lục chiến thì cuộc đời của ông sẽ như thế nào?
William H. Seely III: Trước khi quyết định gia nhập quân đội, tôi nghĩ rằng tôi sẽ học về quản lý khách sạn. Nhưng thực tế tôi cần tiền để trả tiền học nên tôi đã đến ghi danh để học ngành nào đó trong quân đội. Tôi nghĩ mình sẽ học lái máy bay nhưng mắt của tôi yếu nên tôi không thể học ngành đó. Bạn có tin không, tôi ghét phải ra khơi nhưng tôi đã có tới hai năm rưỡi ngoài biển với thủy quân lục chiến. Và sau đó là sự lựa chọn giữa lính bộ binh và lính thủy quân lục chiến, tôi đã hỏi người cố vấn và người đó bảo tôi tìm hiểu về chữ trung thành mãi mãi của thủy quân lục chiến. Tôi đã tìm hiểu về lịch sử của thủy quân lục chiến từ Đệ nhị thế chiến cho đến hiện tại nên tôi quyết định chọn đi theo thủy quân lục chiến. Và còn một điều nữa bộ quân phục của thủy quân lục chiến tôi đang bận rất đẹp, đẹp hơn quân phục của lính bộ binh 🙂


Sau phần hỏi đáp, chúng tôi được xem đoạn phim ngắn về lính thủy quân lục chiến do nhân viên của văn phòng chuẩn tướng chuẩn bị. Khách mời đêm nay đa số là các vị quân nhân từng tham gia chiến trận nên ai cũng bùi ngùi xúc động khi được xem lại thước phim này. Tiếp theo đó là chương trình cắt bánh sinh nhật lần thứ 242 của thủy quân lục chiến.
Kết thúc buổi lễ, tất cả khách mời tới phòng tiệc để ăn tối. Chúng tôi có một cuộc phỏng vấn nhỏ với đại úy An Quách và gia đình.
PV Trẻ: Anh có thể giới thiệu một chút về mình?
An Quách: Tôi tên An Quách. Tôi đến đây cùng vợ tôi, Vân Nguyễn và con trai Hải Đăng. Gia đình tôi về Florida được 4 năm rồi. Vợ và con tôi sống ở West Palm Beach còn tôi thì làm việc cho Navy ở Orlando.
PV Trẻ: Anh có thể chia sẻ cảm xúc của anh về buổi tiệc này?
An Quách: Tôi cảm thấy buổi tiệc này rất hay. Tôi rất ấn tượng về cách tổ chức cũng như cách D có thể gắn kết mọi người từ các cộng đồng khác nhau lại gần nhau hơn.

PV Trẻ: Theo anh, những buổi tiệc như thế này có thể giúp gì cho những đứa trẻ như con của anh hiện giờ?
An Quách: Tôi cố gắng tham gia vào những buổi tiệc này để con tôi có thể cảm nhận và trở thành một phần của buổi tiệc.
PV Trẻ: Khi anh vẫn còn tham gia quân đội, là người vợ của lính chị có cảm nghĩ như thế nào?
Vân Nguyễn: Với tôi khoảng thời gian đó rất khó khăn. Đặc biệt là khi anh ấy tham gia chiến trận tại I-Rắc. Tôi luôn theo dõi những tin tức từ mặt trận. Tuy có chút lo lắng nhưng tôi rất tự hào về anh ấy.
PV Trẻ: Cảm ơn anh chị đã dành thời gian cho Trẻ. Cám ơn anh đã phục vụ cho đất nước!
Chúng tôi cũng có dịp phỏng vấn ông Trung Tá Richard Ortega, cựu chiến binh thế chiến thứ 2,
USAF.


PV Trẻ: Ông vui lòng giới thiệu về mình?
Ricahrd Ortega: Tôi rất tự hào là lính bộ binh Hoa Kỳ từ những năm 1941-1944. Tôi bị thương rất nặng vào tháng 7 năm 1944, do đó tôi đi lại hơi khó khăn. Nhưng sau khi ra khỏi bệnh viện, tôi đi học đại học và họ đã giữ tôi lại làm việc cho không quân và tôi trở thành người hướng dẫn cho các thiếu sinh quân không quân. Sau đó tôi chuyển công tác. Đây là vợ tôi, chúng tôi đã lấy nhau 66 năm. Bà ấy là cả vũ trụ của tôi.
Trong buổi tiệc, chúng tôi có dịp phỏng vấn riêng chuẩn tướng Seedly và phu nhân của ông.
PV Trẻ: Khi tham gia chiến trận, ông đã từng gặp trường hợp nào nguy hiểm đến tính mạng không, thưa ông?
Chuẩn tướng Seely: Khi tôi tham gia chiến trận ở Irac, tôi và đồng đội phải đối mặt với nguyên hiểm mỗi ngày. Nguy hiểm từ những tay súng bắn tỉa, từ những trái bom cài sẵn đâu đó… Một lần, chiếc xe của chúng tôi trúng phải quả bom cài sẵn nhưng thật may mắn không ai bị thương, chỉ có chiếc xe bị thiệt hại. Tôi nghĩ nhờ những kiến thức chúng tôi đã được huấn luyện và trang bị để đối đầu với trường hợp này mà chúng tôi đã thoát chết.

PV Trẻ: Câu hỏi này mang tính chất cá nhân một chút. Con trai tôi năm nay 12 tuổi, cậu bé hiện tại chưa xác định sau này sẽ làm gì nhưng cậu bé muốn làm lính cứu hỏa, hay cảnh sát… Ông có lời khuyên nào dành cho cậu bé?
Chuẩn tướng Seely: Theo những gì cô miêu tả thì cậu bé muốn làm những công việc phục vụ cho xã hội, cũng giống như tôi, công việc của tôi là phục vụ cho bạn, cho đất nước này. Tôi yêu công việc của tôi, công việc đó không phải chỉ để làm cho vui mà đó là niềm đam mê và gắn kết với đồng đội để làm tốt công việc của mình. Con trai của cô 12 tuổi, con trai tôi 11 tuổi, hiện tại cậu bé chưa thích công việc nào đặc biệt nhưng tôi biết cậu bé thích những sinh hoạt cộng đồng và tôi sẽ giúp cậu bé nuôi dưỡng những hạt mầm đó.
PV Trẻ: Chào chị, chị có thể cho độc giả biết cảm giác của chị khi anh đang ở chiến trận?
Vợ chuẩn tướng Seely: Đương nhiên khi là vợ của một người lính đang ở chiến trận tôi rất lo lắng cho chồng, không biết anh ấy có gặp chuyện gì không. Nhưng mặt khác, cùng những người vợ lính khác ở nhà, chúng tôi vẫn cầu nguyện và ủng hộ, động viên nhau.
PV Trẻ: Cám ơn chị đã chia sẻ!


Bài và ảnh: Ngọc Lê – Vi Mã