Trên trang giấy thứ ba trong cuốn sổ tay của Dế Mèn có chữ “Baltic” đi kèm với ba dấu chấm hỏi, “Baltic???”, ghi ngày 16 tháng Tư, năm 2007. Câu chuyện bắt đầu từ lần giao tiếp với người đồng sự làm việc tại chi nhánh Nga, công ty không có văn phòng trong vùng Baltic nên ông ấy bao giàn luôn, từ Nga đến Baltic. Người bạn giải thích rất lâu về cách sinh hoạt ở nơi ấy nhưng mãi đến nay, nỗi thắc mắc về “Baltic region” mới giảm được một nửa sau mấy tuần lễ đi loanh quanh ở vùng đất ấy.
Danh từ “Baltic region”, “Baltic Rim, và “Baltic Sea countries” được sử dụng theo nhiều nghĩa, từ tên gọi chung cho các quốc gia nằm bên bờ biển Baltic bao gồm Ðan Mạch (Denmark), Estonia, Latvia, Phần Lan (Finland), Ðức, Lithuania, Ba Lan (Poland), Nga (Russia), và cả Thụy Ðiển (Sweden). Báo chí ngày nay dùng danh xưng “Baltic states” để gọi chung ba quốc gia Estonia, Latvia, và Lithuania; ngoại trừ một phần lãnh thổ của Lithuania bị xén ra và đặt tên “Kaliningrad Oblast of Russia”. “Baltic states”, “Baltic countries”, “Baltic republics”, hay ngắn gọn: “the Baltic” là ba quốc gia nằm trên phía bắc Âu Châu, mỗi quốc gia gọi tên theo ngôn ngữ riêng: Estonian: Balti riigid, Baltimaad; Latvian: Baltijas valstis; Lithuanian: Baltijos valstybes.
Ðất đai bị thay tên đổi họ theo lịch sử và thời gian nên vùng đất xanh mướt mắt Baltic cũng đã thay khá nhiều áo. Trong bài du ký ngắn ngắn này, Dế Mèn chỉ đề cập đến vùng Baltic với ba quốc gia Estonia, Latvia, và Lithuania với ngôn ngữ khác biệt dù cách sinh sống khá tương đồng.
Sơ lược về lịch sử vùng Baltic: Di tích cho thấy con người đã có mặt tại vùng Baltic từ 10,000 năm trước Công Nguyên nhưng đến 3,000 năm trước Công Nguyên mới có dấu vết của tổ tiên những người Baltic ngày nay. Sinh sống bằng nghề săn bắn và chài lưới, tộc Finno-Ugrians (tổ tiên người Phần Lan và Estonia ngày nay) là những người đầu tiên từ Á Châu đến Âu Châu. Khoảng một ngàn năm sau (năm 2,000 trước Công Nguyên) thì bị tộc Indo-European (mang theo nghề canh tác) đuổi đánh, xâm chiếm đất đai. Các bộ tộc Finno-Ugrians và Indo-European pha trộn và trở thành cư dân trên miền đất ấy.

Những thế kỷ đầu Công Nguyên, các bộ tộc bắt đầu hình thành dựa trên hình thể địa lý thiên nhiên, người miền núi (Aukstaitjans), người đồng bằng (Salmogitians) sinh sống tại phía đông và tây lãnh thổ Lithuania; người Curonians sinh sống dọc theo bờ biển; người Prussia sống dọc theo bờ sông Nemunas; người Zemalians sống tại trung tâm Latvia và Selonians sống ở phía đông Latvia. Người Baltic thủa ấy thờ phượng các hiện tượng trong thiên nhiên, họ tin rằng Trời Ðất, Mặt Trăng, Mặt Trời, sấm sét… là thần thánh; cây cối cũng như thú vật đều có linh hồn… hay “Paganism”, tạm dịch là đạo thờ “Thiên Nhiên”.
Ðến thế kỷ XI, các bộ tộc kể trên bắt đầu phát triển, mở rộng đất đai sinh sống dọc theo bờ biển, từ Klaipedas đến St Petersburg ngày nay. Dù không được sách vở ghi chép nhưng các di tích cho thấy đã có sự giao thương, đổi chác giữa các bộ tộc này với Thụy Ðiển và Ðức qua đường biển và với Nga theo đường bộ. Sách vở Ðức và Thụy Ðiển ghi chép về người Baltic như các hải tặc giỏi nghề đóng thuyền và vô cùng hung ác!
Buôn bán với người Âu ở phía tây nên vùng Baltic nhanh chóng được (bị?) các nhà truyền đạo hăm hở đòi khai sáng, xuất cảng tôn giáo sang vùng đất mới. Sau bao nhiêu năm bị cự tuyệt, người Baltic giữ chặt niềm tin của mình, vẫn tiếp tục duy trì các tập tục theo đạo thờ thiên nhiên; năm 1198, Giáo Hoàng Innocent Ðệ Tam cử đội quân Thập Tự (Crusaders), vác thánh giá và đao kiếm sang Baltic, theo kiểu mẫu “dỗ” không xong thì “dạy” cho một bài học nên thân! Nhóm Teutonic Knights (gốc Ðức) vâng lời Hội Thánh La Mã đánh chiếm các vùng đất Baltic, dùng Riga làm bản doanh để tiến quân. Người Ðức bảo nhau “Drang nach Osten” (“Ðông Tiến”) và câu nói ấy được hãnh diện lặp lại để khích động quân đội Nazi trong Thế Chiến II. Chiếm được đất đai, đội quân Thập Tự thành lập vùng Livonia (bao gồm lãnh thổ Latvia và một phần của Estonia ngày nay), đặt thủ đô tại Riga. Từ đó, Livonia chịu sự cai quản của Hội Thánh La Mã.
Quân đội thắng trận đi đến đâu thì thương nhân theo chân đến đó buôn bán làm giàu. [Ấy là chuyện ngày xưa, người ta dùng quân đội để chiếm đất giành dân cướp tài nguyên; ngày nay thì nhờ các tay ngoại giao đi trước thương thảo, lập hiệp ước rồi thương nhân theo sau mua bán?] và từ đó, vùng Baltic chịu ảnh hưởng của người Ðức. Riga và Reval (Tallinn ngày nay) trở thành các hải cảng buôn bán rầm rộ. Ðất đai được bán / chia cho các thương nhân Ðức khai thác, với tước phong “Lãnh Chúa” mỗi vùng.

Sát bên cạnh Latvia nhưng vùng đất thuộc về Lithuania thì có phần khác biệt. Từ năm 125, Lithuania đã có sự xuất hiện của Thiên Chúa giáo La Mã vì lãnh chúa Mindalgas theo đạo Thiên Chúa để được Hội Thánh La Mã phong vương [vào thủa ấy, hình như lãnh chúa nào cũng theo kiểu mẫu cầu cạnh Hội Thánh La Mã để được nhìn nhận và phong vương thì mới được danh chính ngôn thuận?!] dù cư dân phần lớn tiếp tục giữ cổ tục thờ thiên nhiên. Ðến năm 1385 khi Công Tước Jogaila lấy công chúa Ba Lan rồi trở thành vua của cả Ba Lan lẫn Lithuania, cũng được Hội Thánh La Mã nhìn nhận và phong vương.
Ðất Lithuania đã theo đạo Thiên Chúa nên quân Thập Tự không thể dùng chiêu bài “Thánh Chiến” dù vẫn uýnh lộn tơi bời với quân đội địa phương để tranh giành lãnh thổ. Tuy không thua người Ðức nhưng Lithuania lại thua Ba Lan. Dù vua là người gốc Lithuania nhưng đất nước lại chịu ảnh hưởng sâu đậm của Ba Lan, một lãnh thổ giàu có hơn ở phía Ðông và đất đai Lithuania mất dần vào tay các lãnh chúa thuộc hoàng gia Ba Lan.
Vào thế kỷ XIV, chiến tranh bùng nổ khi quân đội Thụy Ðiển và Nga đánh chiếm vùng Baltic. Ðức thua và kết quả là vùng Livonia bị cắt từng mảnh, Estonia bị Thụy Ðiển chiếm lãnh, Latvia trở thành thuộc địa của Ba Lan và Lithuania hoàn toàn chịu sự cai trị của Ba Lan. Tạm hiểu là quân Nga thua, Ba Lan thắng và mở rộng bờ cõi tận Latvia.
Ba Lan và Thụy Ðiển tiếp tục tranh giành cho đến thế kỷ XV, Thụy Ðiển chiếm được Latvia từ Ba Lan rồi đặt nền móng hành chánh trong khi người Ðức dù thua trận nhưng vẫn giữ được ảnh hưởng văn hóa chính trị nên tiếp tục buôn bán làm ăn phát đạt. Các trường đại học vùng Livonia dùng tiếng Ðức thay vì La Tinh (theo hội thánh La Mã).
Ðến thế kỷ XVI khi hoàng gia Thụy Ðiển không còn trọng dụng các vương hầu Ðức nữa thì người Ðức liên kết với Nga để giành lại quyền lợi. Năm 1710, vùng Livonia (Estonia và Latvia ngày nay) trở thành thuộc địa của vương triều Nga, dưới sự cai trị của Sa Hoàng (“Tzar” phiên âm từ “Cesar” hay “Ðại Ðế”) Peter the Great. Lithuania tiếp tục chống chọi suốt 80 năm mới thua và đến năm 1795, Lithuania trở thành thuộc địa của Nga.

Tóm tắt là từ cuối thế kỷ XVIII, vùng Baltic chịu sự cai trị của người Nga, Imperial Russia. Sau vương triều Nga là giai đoạn tối tăm bị trị bởi Liên Bang Xô Viết, Soviet Union, cho đến khi giành được độc lập vào năm 1991, cả ba quốc gia Estnia, Latvia và Lithuania trở thành hội viên của Liên Âu và thành phần của NATO.
Liên Âu đổ tiền bạc trợ giúp, phát triển; từ các vùng đất khánh kiệt, nghèo đói, ba quốc gia Baltic thay da đổi thịt nhanh chóng và nghiễm nhiên trở thành “tiền đồn” hay vùng “trái độn”, buffer zone, phía bắc của Âu Châu.
*Sách vở ngày nay sử dụng chữ “Geo-politics” (tiếng Việt chuyển dịch thành “địa [lý] chính [trị]”) để mô tả ảnh hưởng của vị thế địa lý trên các tương quan chính trị thế giới.
Lịch sử cận kim cho thấy sau các cuộc chiến tranh lớn, vùng Baltic bị các cường quốc xâu xé, cai trị mang theo ảnh hưởng về văn hóa giáo dục cũng như tôn giáo. Những biến chuyển ấy giải thích phần nào khuynh hướng chính trị cũng như phong cách sinh sống của cư dân. Chịu ảnh hưởng lâu dài của Ðức và Thụy Ðiển, không sử dụng chữ La Tinh nên Estonia và Latvia theo đạo Tin Lành Lutheran trong khi Lithuania chịu ảnh hưởng của Ba Lan nên Thiên Chúa giáo La Mã trở thành quốc giáo. Ðiều này cho thấy sự quan trọng của ngôn ngữ, ngôn ngữ dẫn đến tư tưởng; cùng ngôn ngữ giúp con người gần gũi nhau hơn.
Với Dế Mèn, điểm nổi bật nhất là vùng đất nhỏ xíu kia đã chịu khá nhiều tai ương từ ngày lập quốc, độc lập rồi bị xâm chiếm nhiều lần nhưng vẫn tồn tại, chưa bị các cường quốc lân bang đồng hóa và xóa sổ. Những yếu tố nào khiến vùng đất hẹp dân thưa kia giữ được bản sắc, đất đai của tổ tiên mà trường tồn như thế?
TLL