Menu Close

La Traviata đóa trà mi

“La Traviata” là vở nhạc kịch của Giuseppe Verdi, ra mắt công chúng lần đầu tiên năm 1853. Ngày nay nó là một trong những vở được diễn nhiều nhất, với một số bản nhạc quen thuộc đến nỗi nhiều người chưa bao giờ xem opera vẫn từng nghe qua. Tuần rồi Dallas Opera vừa cho trình diễn vở này tại rạp Winspear Opera House. 

la-traviata5
Violetta (Georgia Jarman) trao Alfredo (René Barbera) đoá trà mi trắng làm tin. nguồn: Dallas Opera

La Traviata” nếu phải dịch sát nghĩa là “người đàn bà hư đốn”. Nhưng muốn hiểu và diễn dịch cho đúng tinh thần của nó thì ta phải lội ngược dòng thời gian để tìm hiểu về nguồn gốc câu chuyện. Ðầu thập niên 1850, Giuseppe Verdi là một nhạc sĩ tiếng tăm ở Ý với nhiều hợp đồng viết nhạc kịch opera. Một trong những hợp đồng ông ký với nhà hát La Fenice vào tháng 5, 1852 là phải viết cho xong một vở mới để trình diễn vào tháng 3, 1853. La Fenice còn kiếm luôn cho Verdi một nhà soạn lời tên là Francesco Piave.

la-traviata
Chân dung Marie Duplessis do hoạ sĩ Edouard Viénot vẽ vào thế kỷ 19. nguồn: Wikipedia
la-traviata4
Dạ tiệc tại tư gia của Flora. nguồn: Dallas Opera

Năm 1852, trong lúc Verdi đang đi chơi ở Paris với người tình là Giuseppina Streppino —một ca sĩ soprano thượng thặng thời đó, hai người tình cờ được xem một vở kịch tên “La Dame aux Camélias” (Người Ðàn Bà Với Những Ðoá Trà Mi) của kịch tác gia Alexandre Dumas (con trai nhà văn Alexandre Dumas), thường được ghi là “Dumas, fils” (Dumas con). Vở kịch này được Dumas con biên soạn từ một quyển tiểu thuyết cùng tên do chính ông là tác giả. Nhân vật chính trong truyện là một Kiều nữ tên Marguerite Gautier, dựa theo một nàng Kiều có thật ngoài đời tên là Marie Duplessis và từng là tình nhân của Dumas con (và có thể cũng là của Dumas cha luôn!)

Ngoài sắc đẹp ra, Marie Duplessis còn nổi tiếng là một con người tài hoa, lịch lãm mặc dù khi còn bé cô từng bị người cha thất học đánh đập rồi đem bán cho một người đàn ông già nua bẩn thỉu. Theo các tài liệu đã được kiểm chứng, trong số những người yêu Marie có các nghệ sĩ lớn đương thời như danh cầm và nhạc sĩ Franz Liszt. Ðể báo hiệu cho tình nhân của mình biết đêm đó nàng có “mở hàng” hay không, Marie Duplessis dùng trà mi hai màu trắng và đỏ, (trắng là có, đỏ là không). Không may Marie Duplessis mất sớm khi mới 23 tuổi, gây bao tiếc thương cho vô số đàn ông ở Paris.

Thời ấy ở Âu Châu các nàng Kiều như Marie Duplessis là người chuyên phục vụ cho giai cấp quý tộc, trong tiếng Anh gọi là courtesan—từ chữ court có nghĩa là hoàng cung. Vào thời phong kiến vua chúa thường lấy vợ vì lý do chính trị, chẳng hạn như để kiếm đồng minh với các xứ lân bang. Vì thế xảy ra vô số trường hợp “đồng sàng dị mộng”, thậm chí chẳng “đồng sàng” luôn. Ðể giải quyết nhu cầu sinh lý, các ông vua thường có những cô gái hầu cạnh gọi là “courtesan”, và các bà hoàng hậu cũng có các chàng trai gọi là “courtier”. Ngoài công việc thoả mãn nhu cầu tình dục, những người thân cận này còn được dùng vào việc đưa tin vì họ được chủ tín cẩn. Sau này chữ “courier” được dùng để gọi người chuyển thư từ cũng đến từ nguồn gốc ấy.

la-traviata3
Quang cảnh nhậu nhẹt tưng bừng. nguồn: Dallas Opera

Trở lại với Verdi, sau khi trở về Ý và đối mặt với thời gian cấp bách phải viết xong vở nhạc kịch cho La Fenice, Verdi quyết định mượn câu chuyện nàng Kiều của Dumas để soạn vở opera của mình và đặt tên cho nó là “La Traviata”, và đổi tên nhân vật chính thành Violetta Valéry. Verdi và Piave làm việc ngày đêm tại tư gia của Verdi để hoàn thành tác phẩm này. Vai chính được nhà hát La Fenice giao cho một nữ ca sĩ nổi tiếng thời đó đảm nhiệm, cô Fanny Salvini-Donatelli. Kẹt một nỗi, cô ca sĩ này lúc ấy đã 38 tuổi, tức khá già cho vai Violetta trẻ đẹp. Chưa hết, vì sợ bị chính quyền đương thời kiểm duyệt bởi nội dung “đồi truỵ”, ban quản trị nhà hát La Fenice buộc Verdi phải dựng vở opera trong bối cảnh thời điểm trước đó 200 năm mặc dù ông nhất định dựng nó trong thì hiện tại. Nhưng cuối cùng Verdi cũng phải nhượng bộ và “La Traviata” ra mắt ngày 6 tháng 3, 1853 với kịch đoàn ăn mặc như trong thế kỷ 17.

Vở nhạc kịch gồm có ba hồi. Hồi thứ nhất được khán giả hưởng ứng khá mặn mà, nhưng sang đến hồi thứ nhì thì thiên hạ chê bai ầm ĩ, nhiều người bỏ về. Sau buổi diễn, Verdi viết thư than với một người bạn: “Không hiểu người ta chê vì nhạc tôi dở hay vì ca sĩ tồi!” Hơn 150 năm sau thiết nghĩ không cần phải trả lời câu hỏi ấy nữa. Không những vở opera này đã trở thành kinh điển trong thế giới nhạc cổ điển, nó còn đẻ ra vô số vở nhạc kịch hiện đại trên Broadway, và dĩ nhiên có luôn cả phim ảnh. Vai Violetta đã trở thành thước đo sự thành công của các nữ ca sĩ opera, còn được gọi bằng mỹ từ “diva” (đừng lộn với cách dùng “diva” rất tào lao ở Việt Nam hiện nay).

Xem “La Traviata” và đọc về nhân vật Duplessis, ta không khỏi liên tưởng đến hai câu thơ của cụ Nguyễn Du trong Ðoạn Trường Tân Thanh:

Tiếc thay một đoá trà mi

Con ong đã tỏ đường đi lối về

Sau đây là tóm lược nội dung vở nhạc kịch:

Hồi 1

Căn biệt phủ của Violetta. Nàng cất tiếng chào mời khách khứa đến dự buổi tiệc ăn mừng nàng vừa qua khỏi cơn bệnh. Gastone, một vị khách quen, giới thiệu với Violetta một anh bạn tên Alfredo Germont và cho biết đây là người đã ngưỡng mộ nàng từ bao lâu nay. Ðể chúc mừng vị nữ chủ nhân, Alfredo nâng ly và hát một bản nhạc nói đến cái vui của sự nhậu nhẹt.

la-traviata2
Sảnh đường Winspear Opera House, nhìn từ sân khấu. nguồn: Dallas Opera

Nơi phòng bên, ban nhạc bắt đầu chơi một bản nhạc khiêu vũ. Mọi người dời gót sang đó, riêng Violetta ở lại vì nàng bỗng cảm thấy cơn bệnh tái phát. Thấy vậy, Alfredo quay lại để hỏi thăm Violetta và nhân dịp đó tỏ tình cùng nàng. Mới đầu Violetta có vẻ lạnh nhạt và nói thẳng với Alfredo rằng đối với người như nàng tình yêu không có nghĩa lý gì cả. Nhưng khi nhìn thấy sự chân thành của Alfredo, Violetta mềm lòng và trao cho Alfredo một đoá trà mi màu trắng, hẹn chàng hãy trở lại thăm nàng khi đoá hoa này tàn úa, tức là ngày mai.

Sau khi Alfredo ra về, Violetta băn khoăn tự vấn có phải Alfredo là người nàng đã trông đợi bao lâu nay hay không. Cuối cùng Violetta quyết định rằng không, nàng chuộng sự tự do và độc lập của mình hơn. Nhưng từ xa vọng lại tiếng hát của Alfredo, cho rằng tình yêu mới thật sự đáng quý.

Hồi 2

Màn 1

Căn nhà ngoại ô Paris, vài tháng sau. Alfredo và Violetta đang chung sống hạnh phúc bên nhau. Annina, người hầu của Violetta, trong lúc Violetta vắng mặt, báo cho Alfredo hay rằng bao lâu nay Violetta vẫn thường xuyên đi Paris để cầm đồ lấy tiền cho họ ăn xài. Nghe vậy Alfredo bèn tức tốc đi lên thành phố để kiếm cách xoay sở tiền bạc.

Violetta nhận được một bức thư từ cô bạn cũ là Flora mời đi dự một bữa tiệc. Nhưng Violetta chưa kịp chuẩn bị thì Bố của Alfredo, Giorgio Germont, xuất hiện. Ông ta yêu cầu Violetta phải chấm dứt quan hệ với Alfredo vì tai tiếng của cô đang làm ảnh hưởng đến cuộc hôn nhân của em gái Alfredo. Vị hôn phu của cô ta doạ sẽ không làm đám cưới nếu gia đình Alfredo có mối liên hệ với một Kiều nữ như Violetta. Thoạt tiên Violetta không chấp nhận lời yêu cầu vô lý này, nhưng Giorgio cuối cùng cũng thuyết phục được Violetta hy sinh tình yêu của mình cho em gái của Alfredo.

la-traviata1
“La Traviata” còn được trực tiếp truyền hình ngày 27/10 tại Klyde Warren Park ở downtown Dallas

Violetta thông báo nàng sẽ đi dự buổi tiệc của Flora, và thảo một bức thư vĩnh biệt cho Alfredo. Ngay lúc đó thì Alfredo trở lại. Trong cơn bối rối, Violetta nói với Alfredo là nàng vẫn yêu chàng rồi chạy ra khỏi nhà trong sự sửng sốt của Alfredo. Một người làm trao cho Alfredo lá thư của Violetta. Bố của Alfredo cũng quay lại để an ủi Alfredo và nhắc nhở con mình về đời sống vui vẻ an bình của dòng họ Germont tại Provence ngày nào. Nhưng sau khi nhìn thấy thư mời dự tiệc của Flora, Alfredo quyết định phải đến đó đối mặt với Violetta để hỏi cho ra chuyện.

Hồi 2

Màn 2

Tư gia của Flora, nơi buổi tiệc đang diễn ra. Flora được cho hay Violetta và Alfredo đã chia tay. Ban nhạc người Gypsie đang múa hát vui vẻ thì Alfredo bước vào. Anh ta tỏ vẻ nóng nảy, tiến tới chiếc bàn cờ bạc và bắt đầu đánh bài. Ðánh đâu thắng đó, Alfredo tuyên bố với mọi người: “Ðỏ bạc đen tình là vậy!”

Ngay lúc đó Violetta cùng tình nhân cũ của nàng là Baron Douphol đến. Douphol ngồi vào bàn và thách đấu với Alfredo, nhưng ông ta thua thê thảm. Thấy tình hình căng thẳng, nữ chủ nhân Flora kêu gọi mọi người hãy tạm ngưng vì giờ ăn đã điểm. Riêng Violetta ở lại với Alfredo để khuyên chàng đừng tiếp tục vì sợ Douphol sẽ nổi nóng và gây chuyện. Nhưng Alfredo hiểu lầm thiện ý của Violetta và đòi nàng phải tuyên bố rằng nàng thật sự yêu Baron Douphol.

Quá thất vọng, Violetta giả vờ nói rằng nàng yêu Douphol thật. Thế là Alfredo gọi mọi người ra để cho hay Violetta là một người đàn bà không thủy chung. Xong Alfredo sỉ nhục Violetta trước mặt mọi người bằng cách quăng đống tiền vừa thắng được từ tay Baron Douphol lên người Violetta trước sự kinh ngạc của quan khách. Mọi người đồng thanh lên án Alfredo kịch liệt. Douphol ném găng tay của mình xuống trước mặt Alfredo để thách thức chàng một cuộc đấu súng tay đôi.

Hồi 3

Phòng ngủ của Violetta, u ám tối tăm. Bác sĩ Grenvil nói với cô người hầu Annina rằng căn bệnh lao phổi của Violetta đã đến hồi cuối và nàng không còn bao lâu nữa để sống. Nằm trên giường, Violetta đọc đi đọc lại bức thư của Giorgio Germont, trong đó ông kể Baron Douphol chỉ bị thương sơ sơ trong cuộc đấu súng và đang hồi phục. Ông cũng cho hay Alfredo đã biết chuyện và đang trên đường đến để xin được tha thứ. Nhưng Violetta có cảm giác tất cả đã quá muộn, cái chết đang gần kề.

Ngoài đường, cư dân thành phố Paris đang ăn mừng lễ Mardi Gras. Annina chạy vào cho hay Alfredo vừa đến. Sau giây phút tương phùng hạnh phúc, Violetta và Alfredo quyết định họ sẽ rời Paris mãi mãi để làm lại cuộc đời mới. Bác sĩ Grenvil và Giorgio bước vào ngay lúc Violetta đang cảm thấy như vừa được hồi sinh. Nàng cất cao tiếng hát cho tình yêu vĩnh cửu, rồi ngã quỵ dưới chân Alfredo và tắt thở.

ib