Menu Close

Asia 80 làn gió mới

Diễm Liên với ca khúc Cuộc Sống Muôn Màu của nhạc sĩ Song Ngọc
Diễm Liên với ca khúc Cuộc Sống Muôn Màu của nhạc sĩ Song Ngọc

Sau một thời gian tạm ngưng hoạt động, Trung Tâm Asia đã trở lại với khán thính giả hải ngoại với một chương trình mới đầy sức sống, nhiều giọng ca trẻ trung và một phong cách nghệ thuật mới mẻ. Chúng tôi đã tìm gặp nhạc sĩ Nam Lộc, một trụ cột chính của Asia, để tìm hiểu thêm về cú bật ngoạn mục này. Mời quý bạn theo dõi.

Trẻ: Chào anh Nam Lộc. Nhân sự trở lại ngoạn mục của Trung Tâm Asia, dẫu đây là một trung tâm ca nhạc rất nổi tiếng và được nhiều người mến chuộng. Nhưng xin anh vui lòng nhắc lại cho độc giả Trẻ sơ nét về lịch sử thành hình của trung tâm Asia và lý do Asia vắng bóng trong thời gian qua.

Nam Lộc: Xin kính chào quý độc giả báo Trẻ. Vào khoảng giữa thập niên 1960, nhạc sĩ Anh Bằng đã thành lập hãng đĩa Asia tại Sài Gòn để sản xuất nhạc cho thị trường miền Nam Việt Nam. Sau khi sang Mỹ năm 1975 ông tiếp tục công việc đó, với mục đích bảo tồn văn hoá và phát huy nghệ thuật nơi xứ người, và đó là nguồn gốc của trung tâm Asia ngày nay. Thuở ban đầu Asia chỉ phát hành những cuốn băng cassette, rồi đến CD. Về sau nữa mới chuyển sang làm video.

asia-80-06

Thật ra Asia chỉ đình chỉ hoạt động khoảng chừng một năm, sau khi nhạc sĩ Việt Dzũng qua đời, rồi kế đến là nhạc sĩ Anh Bằng. Mặc dù NS Anh Bằng đã giao việc điều khiển và quản lý trung tâm cho các con cũng như các cháu của ông, đặc biệt là cô Thy-Vân với vai trò tổng giám đốc, nhưng khi ông qua đời thì gia đình ông đã phải mất một thời gian để lấy lại sự quân bình. Thậm chí cô Thy Vân đã ngã bệnh một thời gian dài nhưng nhờ ơn Chúa cũng mạnh khoẻ trở lại. Và để cảm tạ ơn trên giúp mình tai qua nạn khỏi, cô Thy Vân đã làm ra cuốn băng “Ðức Mẹ Maria” và dùng số tiền bán được để làm công việc từ thiện.

Mặc dù Asia chỉ vắng bóng trên thị trường khoảng một năm, nhưng đối với khán thính giả đã quen được xem một cuốn băng mới từ Asia mỗi vài ba tháng thì một năm có vẻ như rất là lâu.

Ninh Cát Loan Châu với ca khúc "Xe Đạp Ơi" cùng với các dancers của trung tâm Asia
Ninh Cát Loan Châu với ca khúc “Xe Đạp Ơi” cùng với các dancers của trung tâm Asia

Trẻ: Xin anh cho biết thêm về nội dung của cuốn băng mới nhất này của Asia.

Nam Lộc: Trong thời gian Asia bị gián đoạn thì một số ca sĩ và những người từng hợp tác với Asia phải xoay qua làm việc khác hoặc với các trung tâm khác. Vì vậy khi Asia được “hồi sinh”, ban giám đốc quyết định dùng cơ hội này để thổi một luồng khí mới vào các sản phẩm nghệ thuật của trung tâm Asia. Trong số các ca sĩ của chương trình số 80 này thì một nửa là người cũ, còn một nửa là người mới. Ngoài ra còn có thêm những sáng tác mới. Ðồng thời phần hoà âm và cách dàn dựng chương trình cũng có nhiều mới lạ.

Chương trình mang tên tiếng Anh là “The Beginning”, tức khởi điểm cho một cuộc hành trình. Tiếng Việt thì gọi là “Làn Gió Mới” cũng cùng một ý tưởng. Nhưng có một điều không hề thay đổi – đó là mục đích bảo tồn văn hoá Việt và lập trường quốc gia của trung tâm. Ðây là những giá trị cốt lõi của Asia mà chúng tôi sẽ bảo vệ tới cùng.

 

Trẻ: Anh hợp tác với Asia đã được bao lâu, và kỳ này ngoài Nam Lộc còn có những ai làm MC?

Nam Lộc: Tôi bắt đầu làm việc với Asia từ cuốn số 11, tựa đề “Thơ và Nhạc”, ra năm 1996. Lần thu hình mới nhất này ngoài tôi làm MC còn có Trịnh Hội, Thùy Dương, và đặc biệt là cô Leyna Nguyễn.

Sẵn đây cũng xin nói thêm, một trong những dự án cho tương lai của trung tâm Asia có thể là một cuộc thi tuyển chọn MC mới để Nam Lộc có thể về hưu (cười).

asia-80-07

Trẻ: Nhắc đến tương lai, theo anh thấy thì thành phần khán giả hải ngoại ngày nay khác xưa ra sao, và điều đó có ảnh hưởng gì đến phương hướng hoạt động của trung tâm?

Nam Lộc: Ðây là một câu hỏi rất đáng quan tâm. Trước tiên, phải công nhận rằng đa số khán giả thích nghe nhạc Việt ngày nay đã lớn tuổi, do đó nhu cầu nghe nhạc hay xem nhạc của họ cũng không hăng hái như hồi họ còn trẻ. Thêm vào đó, hầu hết những sáng tác được yêu thích trước 1975 đã được sử dụng đi, sử dụng lại nhiều lần trong khi những bài hát mới không đủ lôi cuốn để tạo sự chú ý hay được đón nhận như ngày trước. Nhìn từ góc độ đó thì tương lai của các trung tâm nhạc Việt ở hải ngoại không sáng sủa cho lắm.

Nhưng ngược lại, ngày nay có một làn sóng người Việt di cư mới. Họ qua đây bằng nhiều hình thức khác nhau, không hẳn là người tị nạn. Ða số những người này đã sống mấy chục năm dưới chế độ cộng sản, nghĩa là họ không có cơ hội để đi xem hoặc nghe những bài nhạc bị nhà nước cấm. Ðối với họ, cái kho tàng “nhạc vàng” vẫn còn rất nhiều thứ để tìm tòi và khám phá. Thậm chí, những bài nhạc lính ngày xưa của miền Nam vẫn được họ nghe và hát một cách thích thú, vì tuy là sản phẩm của chiến tranh nhưng ca từ của nó rất nhân bản và gần gũi, không lên gân hay sắt máu như nhạc đỏ.

Nhìn lại khoảng thời gian chỉ chừng hai mươi năm, từ 1954 đến 1975, các nhạc sĩ tại miền Nam đã sáng tác có lẽ cả trăm ngàn bản nhạc đủ thể loại, mà phần lớn đều hay. Mặc dù ở hải ngoại chúng ta đã vét gần như sạch cái kho tàng “nhạc vàng” ấy – đã có biết bao nhiêu cuốn băng chuyên đề nhạc Phạm Duy, Lam Phương, Anh Bằng, NhậtTrường-Trần Thiện Thanh, Ngô Thuỵ Miên v.v… nhưng đối với lớp khán giả mới sau này thì vẫn còn biết bao bài nhạc hay họ muốn hoặc chưa được nghe. Vấn đề là làm sao thu hút được lớp khán giả này bằng những phong cách nghệ thuật hiện đại hơn, cập nhật hơn, mà vẫn không đánh mất giá trị văn hoá và lập trường của trung tâm như đã nói ở trên.

4 trong 5 MC của chương trình, (từ trái qua) Nam Lộc, Quốc Thái, Leyna Nguyễn, Thuỳ Dương
4 trong 5 MC của chương trình, (từ trái qua) Nam Lộc,
Quốc Thái, Leyna Nguyễn, Thuỳ Dương
MC Leyna Nguyễn phỏng vấn giám đốc của Caesar Palace Atlantic City
MC Leyna Nguyễn phỏng vấn giám đốc của Caesar Palace Atlantic City

Trẻ: Trong chiều hướng đó, Asia có dự tính gì cho thị trường trong nước hay không, thưa anh?

Nam Lộc: Asia không muốn đem các mẫu quảng cáo nội địa vào trong sản phẩm của mình mặc dù gặp bao khó khăn về tài chính. Thay vào đó, Asia sẽ phải nghĩ ra những phương thức thích hợp hơn, mới mẻ hơn để phổ biến sản phẩm của mình đến đại chúng – như dùng social media, live stream hoặc V-video chẳng hạn.

Ngoài ra, Asia có thể sẽ tổ chức những chương trình đặc biệt như tuyển lựa ca sĩ mới, hoặc là giải thưởng MTV – không những cho những tác phẩm mới, nhạc sĩ mới, mà còn cho các nhà làm kỹ thuật video như đạo diễn, âm thanh v.v.

Tuyết Vi & Linh Đan với liên khúc Abba
Tuyết Vi & Linh Đan với liên khúc Abba

Trẻ: Ngoài cuốn băng Asia 80 “Làn Gió Mới”, trung tâm Asia sẽ tổ chức một live show tại Dallas vào năm tới. Anh có thể cho độc giả biết thêm gì về chương trình này?

Nam Lộc: Theo tôi biết thì đây sẽ là một live show rất là lớn, được tổ chức tại một hội trường 7,000 chỗ ngồi, vào khoảng cuối tháng Tư năm 2018. Chủ đề của chương trình hiện vẫn chưa được quyết định, do đó các ca nhạc sĩ nào sẽ tham dự vẫn còn trong vòng bàn thảo. Tuy nhiên một điều chắc chắn là sẽ có rất nhiều ca sĩ, mới cũng như cũ, và sẽ được dàn dựng hết sức công phu.

Giống như cuốn băng “Làn Gió Mới” là khởi điểm cho cuộc hồi sinh của trung tâm Asia, chúng tôi hy vọng chương trình live show tại Dallas vào tháng Tư năm tới sẽ đánh dấu sự trở lại và lớn mạnh của Asia trong thế kỷ thứ 21. Hy vọng sẽ được đông đảo đồng hương hưởng ứng.

 

Trẻ: Thay mặt độc giả Trẻ, cảm ơn anh Nam Lộc và xin gởi lời chúc sức khoẻ và thành công đến tất cả các anh chị em trong trung tâm Asia.

asia-80-05

Ianbui thực hiện