(tiếp theo)
Cũng cần hiểu rõ gia cảnh, tính nết của người bệnh và cả người thân để lựa chọn chút quà đến thăm “của ít lòng nhiều” có ý nghĩa và thiết thực, giúp dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Bệnh nhân đang phải truyền dịch nuôi dưỡng mà lại mang biếu cam biếu trứng thì khá vô duyên, phải chữa ngượng “thôi thì bồi bổ cho con cháu có sức khỏe còn trông nom các cụ”. Quà thăm người ốm cần hiểu theo nghĩa cả vật chất và tinh thần, một bó hoa, một tờ tạp chí, một quyển sách hay… cũng có tác dụng giúp bệnh nhân yêu đời, lạc quan chiến thắng bệnh tật.
Trong hoàn cảnh hiện nay, kiểu phong bì lại có giá trị thiết thực nhất vì tạo điều kiện cho gia đình chi tiêu, mua sắm những vật dụng phục vụ bệnh nhân tiện lợi nhất.
Xin lưu ý là một số phòng hồi sức đặc biệt không thể cho vào thăm, ta phải chờ khi bệnh nhân đã đỡ, được chuyển nằm phòng khác hãy vào, hoặc thăm hỏi qua người nhà đang được ở nội trú trông nom người bệnh. Ðối với những người mắc bệnh nan y, nên gặp trước người nhà hỏi bệnh tình diễn biến ra sao để khi gặp chỉ hỏi thăm, an ủi, tránh động đến những điều bệnh nhân không nên biết.

Người được cử trông nom cũng phải biết giữ cho bệnh nhân được tỉnh dưỡng thoải mái nhất, nên cần tự quy định số lượt người vào thăm từng buổi để khỏi làm mệt, làm ốm thêm bệnh nhân. Các cơ quan, hãng sở khi đi thăm cũng phải cử đại diện một vài người, tránh tình trạng nhiệt tình không đúng lúc, kéo đoàn kéo lũ vào đứng ngồi chật phòng bệnh.
Thời gian thăm tốt nhất chỉ mươi phút, lý do: để không làm mệt bệnh nhân, hạn chế sự tiếp xúc có thể gây nguy cơ nhiễm trùng, không chuyện trò lâu dễ lọt ra những thông tin bất lợi làm người bệnh suy nghĩ, xúc động. Tuyệt đối không được ngồi lên giường bệnh, cũng không phải lúc quàng vai bá cổ ôm hôn nhau. Luôn trông chừng sức khỏe, thấy có biểu hiện mệt mỏi phải xin phép ra về.
Cũng cần lưu ý về trang phục, không ăn mặc trang điểm quá lộng lẫy, giữ lời ăn tiếng nói, cử chỉ… Vào thăm bệnh nhân cũng giống như đi chùa, quan trọng ở sự thành tâm và kính cẩn.
MH – Tổng hợp