Bạn vẫn thường nghe các ngôi sao điện ảnh dự lễ Oscar vận chiếc váy 100,000 USD hoặc mang đôi giày 1 triệu USD và có thể bạn tự hỏi vì sao chúng đắt như vậy. Đơn giản vì chúng làm bằng tay, bằng kỹ thuật thủ công tỉ mỉ và công phu. Và “hàng hiệu” bây giờ còn đồng nghĩa với hàng thủ công cao cấp.
Hàng thủ công cao cấp đang bùng nổ. Trong thế giới hàng may sẵn sản xuất hàng loạt, người ta tưởng chừng hình ảnh bác thợ già gò lưng trước bàn máy may đã biến mất hoặc ít nhất không có chỗ đứng trong làng thời trang cao cấp nhưng thực tế ngược lại. Giới ngôi sao hoặc thành phần rủng rỉnh tiền của vẫn thích mặc hàng may tay hoặc sản xuất bằng kỹ thuật thủ công nói chung. Ðó là lý do tiệm may tư nhân vẫn chưa đóng cửa và trong tủ kính các khu mua sắm thời trang, người ta vẫn thấy bộ đồ vest 40,000 USD, túi xách 50,000 USD, váy đầm 80,000 USD, đồng hồ 100,000 USD hoặc dây chuyền 1 triệu USD.
Một trong những lý do giúp kỹ thuật thủ công tiếp tục hiện diện trong xã hội hiện đại là tính lâu bền. Thời trang thủ công không chỉ thể hiện sự tinh xảo mà còn có độ bền cực tốt (đến nay, có thể có người còn dùng chiếc cặp da may tay có từ thời Pháp thuộc!). Thật ra các nhãn hiệu lừng danh như Brioni, Bulgari, Patek Philippe, Vacheron Constantin hoặc Hermes… đều nổi tiếng nhờ hàng thủ công cao cấp. Sự bùng nổ của kỹ thuật thủ công cao cấp hiện tại hình thành với sự góp mặt của những nhà thiết kế độc lập (tự sản xuất và cung cấp thị trường, không thuộc các hãng thời trang tên tuổi). Giới thiết kế thủ công độc lập đang có mặt khắp thế giới, đặc biệt Mỹ và châu Âu.
Một trong những tên tuổi được nhắc đến nhiều nhất trong làng kim hoàn hiện thời là Jacob Arabo với công ty Jacob & Company – đối thủ mà ngay cả đại gia Cartier cũng phải nể nang. Một mặt dây chuyền trái tim của Jacob & Company có giá đến 380,000 USD; con xúc xắc đính kim cương 10,000-20,000 USD; ổ khóa hình băng cassette 100,000 USD và đồng hồ nữ từ 200,000-400,000 USD… Trong làng sản xuất đồng hồ thủ công, ngoài một Patek Philippe lừng danh toàn cầu, tên tuổi anh thợ Roger Dubuis (Thụy Sĩ) đang trở thành một thương hiệu cực kỳ thành công.
Tất cả đồng hồ Dubuis đều làm bằng tay với mẫu thiết kế hoàn toàn riêng biệt. Không phải ai cũng đủ tiền “rớ” đến đồng hồ Dubuis (từ vài trăm ngàn đến cả triệu đôla). “Dòng” mang mã RD29 của anh thợ thủ công cao cấp Dubuis gồm 84 viên sapphire, và kiểu dành cho nữ có 309 hạt kim cương ở mặt đồng hồ, 36 hạt kim cương ở hai kim đồng hồ và 36 hạt kim cương ở dây đồng hồ. Thời trang cao cấp theo kỹ thuật thủ công như hiện thời còn thể hiện xu hướng “thời trang vĩnh cửu” – như cách nói của Sergio Loro Piana, tổng giám đốc điều hành hãng thời trang cashmere Loro Piana – thứ thời trang mà “người ta không bỏ đi sau mỗi mùa”. Và để có “thời trang vĩnh cửu”, sản phẩm phải làm bằng tay, tỉ mỉ, tinh xảo, kỳ công và thiết kế độc đáo. Trong trường hợp Loro Piana, áo khoác Horsey của hãng được tung ra từ năm 1992 cho đội vận động viên Ý dự Thế vận hội Barcelona hoặc áo khoác Icer sản xuất cho đội đua thuyền New Zealand… đến nay vẫn là mặt hàng thời thượng. Khuynh hướng “thời trang vĩnh cửu” chủ trương chấp nhận bán chậm nhưng bán được lâu.
Theo cùng cách, hãng Valextra (Ý) chuẩn bị tung ra loại túi xách cho nam giới và theo tổng giám đốc điều hành Massimo Suppancig, Valextra sẽ tập trung vào sự nhất quán phong cách cho sản phẩm. Ðiều này thật ra khó gấp vạn lần việc liên tục nghĩ ra các mốt mới, bởi thiết kế cho “thời trang vĩnh cửu” phải thể hiện tính thời đại nhưng không quá hoa mỹ khiến nó trở nên dễ lạc hậu. “Chúng tôi sẽ nhấn mạnh đến phong cách (style) chứ không phải thời trang (fashion)” – nhận định xu hướng của Umberto Angeloni, tổng giám đốc điều hành Brioni – một trong những thương hiệu số một thế giới hiện nay về thời trang thủ công cao cấp – “Chúng tôi sẽ nhấn mạnh đến sản phẩm phi thời gian”. Do vậy, loại hàng veston của Brioni hiện được may bằng vải nhẹ, ít nhăn, phù hợp với “tính cơ động” của nam giới thời nay. Khái niệm ăn chắc mặc bền trong khuynh hướng “thời trang vĩnh cửu” không chỉ cho thấy sự tôn trọng dành cho nghề kỹ thuật thủ công mà nói rộng hơn nó còn thể hiện quan niệm sống thích sự ổn định và bền chắc trong tư duy con người hiện đại, dù không phải ai cũng có khả năng sắm nổi chiếc điện thoại di động “nồi đồng cối đá” làm bằng thép không gỉ hiệu Vertu giá hơn 30,000 USD!
MK