Menu Close

Lithuania (Lieutuvos Respublika)

Lithuania lập quốc từ thế kỷ XIII, vị lãnh chúa đầu tiên khởi nghiệp thu góp các bộ tộc và thống nhất đất nước là Công Tước Mindaugas, the Grand Duchy of Lithuania, vào năm 1240. Chịu phong tước từ Hội Thánh La Mã và mang Thiên Chúa giáo vào Lithuania, một tôn giáo xa lạ sử dụng tiếng La Tinh trong việc tế lễ nên mất lòng dân; Công Tước Mindaugas bị ám sát ít năm sau đó. Dù được Hội Thánh La Mã phong tước nhưng không được phong “vương”, nhìn nhận là hoàng đế, như các quốc gia Âu Châu thủa ấy, cũng có nghĩa là Lithuania là một đất nước “nhỏ”, thuộc loại “chư hầu”.

lithuanta
nguồn curated by cammi

Con cháu tiếp tục kế nghiệp, lừng lẫy nhất là thời Grand Duchy Vytautas người đã mở rộng bờ cõi đến Hắc Hải (Black Sea) và vùng St Petersburg ngày nay. Huyền thoại kể lại rằng Công Tước Gediminas nằm mơ thấy chó sói tru từ đồi cao, và được giải mộng là con sói tượng trưng cho hoàng thành nơi vua xây cung điện tại Vilnius để cai trị thần dân. Từ đó, Vilnius trở thành thủ đô của Lithuania. Công Tước Gediminas cũng được xem như anh hùng dân tộc, đã thiết lập nền tảng giáo dục và văn hóa cho đất nước. Ông này mở cửa mời gọi người Ðức, kể cả người Ðức gốc Do Thái đến lập nghiệp tại Vilnius. Ngày nay, cư dân Lithuania dựng tượng Công Tước Gediminas có con chó sói hầu dưới chân trong công trường Nhà Thờ Chính Tòa, Cathedral square.

Sau một trăm năm lập quốc và phát triển mạnh mẽ, Lithuania trải qua các cuộc chiến tranh với đội quân Thập Tự cho đến khi liên kết với Ba Lan qua cuộc hôn nhân của Grand Duke Jogaila và thành lập liên minh Ba Lan – Lithuania, Polish-Lithuania Commonwealth. Ông Công Tước lấy vợ là công chúa Ba Lan nên nghiễm nhiên lên ngôi vua, hẳn vương triều Ba Lan thủa ấy không có con trai thừa kế?

lithuanta3
Bản đồ Lithuania và vùng lân cận

Ðất đai được mở rộng nhưng từ đó Lithuania lại chịu ảnh hưởng sâu đậm của Ba Lan. Thủ đô của Polish-Lithuania Commonwealth được đặt tại Warsaw, thành phố nằm giữa Vilnius và Krakow, các đời vua kế tiếp đều có hai tước hiệu, Grand Duke of Lithuania và Hoàng Ðế Ba Lan.

Sự liên kết kể trên giúp Lithuania chống lại vương triều Nga trong suốt 200 năm. Cuối thế kỷ XVI, năm 1795, liên minh Ba Lan – Lithuania mới rã đám, và Lithuania rơi vào tay người Nga, sau các thời đại Sa Hoàng rồi đến liên bang Sô Viết. Vào năm 1991, Lithuania mới giành lại độc lập và sau đó trở thành thành viên của Liên Âu.

Ngày nay, Lithuania có diện tích là 65,300 cây số vuông, dân số 2.8 triệu người nhưng đây chỉ là một con số phỏng định. Trên thực tế, với những người trẻ rần rần bỏ đất nước ra đi tìm công việc làm tốt đẹp hơn, sinh sống thoải mái hơn và nhất là tương lai xem ra được bảo đảm hơn tại các quốc gia Liên Âu khác.

Nguyên nhân chính là khi Sô Viết sụp đổ, những món tiền ký thác với ngân hàng nhà nước cộng sản cũng như quỹ hưu bổng (mọi người đều là công nhân viên nhà nước) đều sạch bách nên cư dân Lithuania trắng tay. Chính phủ mới thành lập, ngân khố kiệt quệ. Nhờ sự tài trợ của Liên Âu, chính phủ Lithuania mới có ngân quỹ trang trải nhưng những người trong tuổi hưu trí cũng chỉ nhận được những món tiền còm cõi, khoảng 300 Euro / tháng. Nhìn cha mẹ sống khó khăn chật vật như thế nên thế hệ kế tiếp nản lòng, rủ nhau đi tìm nơi sinh sống bảo đảm hơn. Họ không thể chờ đợi một ngày mai tươi sáng hơn, chờ đất nước thu góp tích trữ tiền bạc hầu bảo đảm đời sống vững chắc cho cư dân. Cái gương tày đình trước mắt là gần đây Nga Sô xua quân chiếm Crimea của Ukraine, có thể nào lịch sử tái diễn, Nga Sô lại chiếm đất nước họ như ngày xưa? Chắc ăn, ăn chắc hơn là cứ di tản qua Bắc Âu, qua Tây Âu khi có cơ hội như bây giờ, có sổ Thông Hành Liên Âu giúp người trẻ Lithuania xây dựng đời sống mới!?

Dân số Lithuania khoảng 2 triệu người, phần lớn sinh sống tại các thành phố lớn như Vilnius, Kaunas và Klaipeda. Tỷ lệ sinh con tại Lithuania giảm trầm trọng, khoảng 10/1,000 người trong khi tỷ lệ tử vong là 14.6/1,000 và dân cư mỗi ngày một cao tuổi. Tương tự như các quốc gia Bắc Âu, xã hội Lithuania chia chung sự lo âu về việc tiết giảm dân số.

lithuanta2
Tượng Công Tước Gediminas và con chó sói dưới chân

Lithuania có ngôn ngữ riêng, lietuviu kalba, khá gần gũi với ngôn ngữ Latvia; là một sinh ngữ trong nhóm Indo-European và vẫn giữ được khá nhiều đặc tính của thời Proto-Indo-European. Khoảng 80% dân cư theo đạo Thiên Chúa La Mã, 4% theo đạo Thiên Chúa Chính Thống Nga (Russian Orthodox). Nhà thờ tại Lithuania chưng thánh giá với mặt trời bao quanh, Pagan Cross, biểu tượng của sự pha trộn giữa Thiên Chúa giáo và đạo thờ thiên nhiên.

Về mặt kinh tế, Tổng Sản Lượng Quốc Gia của Lithuania là 42.5 tỷ Mỹ kim trong khi lợi tức hàng năm cho mỗi đầu người là 30,000 Mỹ kim. Với một quốc gia non trẻ, Lithuania tương đối sung túc so với các quốc gia khác trên thế giới. Chỉ 17 năm sau khi độc lập, Lithuania chuyển mình từ hệ thống kinh tế “bài bản”, xếp đặt sẵn từ chính phủ, sang hệ thống buôn bán tự do. Nhờ chính sách kinh tế sáng suốt và hợp thời, từ chương trình “privatization” chuyển các công ty của chính phủ sang tay tư nhân đến việc trao trả chủ nhân các tư sản bị chiếm lãnh bởi quan chức cộng sản qua (“Của Cesar trả lại cho Cesar”, sở hữu chủ có giấy tờ chứng minh đều được trả lại đất đai, của cải trước đây bị nhà cầm quyền cộng sản Sô Viết trưng thu) và các biện pháp lưu trữ tiền tệ khác theo tiêu chuẩn Liên Âu, Lithuania trỗi dậy vì cư dân cũng như các nhà đầu tư quốc tế tin vào chính phủ nên bỏ tiền buôn bán làm ăn. Là một thành viên của “Euro zone”, Lithuania lưu hành đồng Euro.

Một vài chi tiết thống kê thú vị về truyền thông: điện thoại di động vô cùng phổ thông; tỷ lệ điện thoại để bàn/ cư dân là 19/100 so với điện thoại lưu động 147/100; nghĩa là mỗi người dân có… 1.5 cái điện thoại di động! Và 75% cư dân sử dụng mạng ảo. Hẳn đây là các dấu hiệu về sự “trẻ trung”, “theo thời” của cư dân Lithuania?

Lithuania là một quốc gia theo chính thể cộng hòa: Tổng Thống do dân bỏ phiếu với nhiệm kỳ 5 năm, nhưng quốc gia điều hành bởi Thủ Tướng và nội các. Thủ Tướng do Tổng Thống đề cử và được Quốc Hội biểu quyết. Nội các do Thủ Tướng đề cử và Quốc Hội biểu quyết. Quốc Hội cũng do dân bỏ phiếu bầu.

lithuanta1
Các “fan” từ Scotland

Cư dân 18 tuổi phải gia nhập và phục vụ trong quân đội 9 tháng, trừ những người chọn võ nghiệp (professional military). Với một dân số khiêm nhường, ít người nên quân đội Lithuania là những người “chuyên môn”, được huấn luyện để làm các công vụ đặc biệt.

Chuyến đi Baltic bắt đầu từ Vilnius, thủ đô của Lithuania, khoảng hai giờ bay từ Frankfurt, Ðức. Trên chuyến bay có mấy chục “cái quạt”(fan) của đội bóng Scotland sắp sửa chơi với đội bóng địa phương nên rủ nhau đi hò hét ủng hộ đội banh nhà. Họ mặc váy, đeo túi da trông rất vui mắt. Các “cái quạt” bàn tán rôm rả về trận banh sắp tới và uống sạch sẽ mọi chai bia, rượu trên chuyến bay của Lufthansa. Hành khách nào hỏi bia rượu đều nhận một cái lắc đầu, mỉm cười cáo lỗi từ tiếp viên!

(còn tiếp)