Cuối tháng 11 có 3 ngày đáng chú ý: Thanksgiving, Black Friday và Cyber Monday.
Thanksgiving còn gọi là Turkey Day, dĩ nhiên là có gà tây rồi. Còn Black Friday (BF) và Cyber Monday (CM) thì sao?
Black Friday (BF) có từ bao giờ?
BF khởi đầu từ thập niên 1950, khi các nhà buôn mở đầu mùa mua sắm cuối năm bằng màn tung ra những món hàng đại hạ giá. Bán buôn sầm uất nên lợi nhuận cũng nhiều, sổ sách kế toán thay vì những dòng thua lỗ màu “đỏ” biến thành màu “đen” tiền lời.
Người người tấp nập đến mua sắm tại các cửa tiệm sau lễ Tạ Ơn vì là ngày được nghỉ thêm. Thế rồi internet xuất hiện.
Năm nay, BF nhằm ngày 24 tháng 11, nhưng hàng hạ giá đã thấy lai rai trước đó.
Điều nên biết về cả hai ngày BF và CM
Đừng bị mê hoặc vì quảng cáo. Các tiệm dùng mọi cách để bạn rơi vào tình trạng FOMO (fear of missing out) = sợ mất cơ hội, bằng những lời đường mật: “Giá hạ nhất năm!”; “Giá rẻ không có lần thứ hai!” Xin thưa với bạn là ngày nào cũng là BF và CM cả. Tháng Mười Một này có nhiều hàng hạ giá, đó là chuyện đương nhiên, nhưng cả năm thì tháng nào cũng thế. Có khi còn rẻ hơn nữa là khác. |
Cyber Monday (CM) bắt đầu khi nào?
CM mới chỉ có từ năm 2005. Lúc đó, người ta đã mua sắm đủ thứ trên mạng internet, nhưng không khí mua sắm chưa mấy tấp nập. Các tiệm trên mạng ảo bắt đầu hạ giá để tranh đua với ngày BF của các tiệm thật. Nhưng tại sao gọi là “CM”? Ðó là vì vào những thời trước, internet thường được đề cập tới là “cyberspace” (không gian ảo).
Mà tại sao là ngày Thứ Hai chứ không phải Thứ Bảy? Hóa ra là người ta thích mua sắm tại văn phòng sở làm, dùng những máy điện toán chạy nhanh và những đường truyền tốc độ cao. (Xin nhớ rằng lúc đó đa số người dùng ở nhà còn xài thứ modems chạy chậm rì). Ngày Thứ Hai chứng tỏ là rất thuận lợi cho các tiệm trên mạng, nên được giữ nguyên từ đó.
Cả hai đều giống nhau?
Ðúng và không đúng. BF phát sinh từ các tiệm bán lẻ. Còn CM là đáp ứng cho thế giới trên mạng. Vì thế, bạn đến các tiệm vào ngày Thứ Sáu, sau đó lên mạng vào ngày Thứ Hai.
Bây giờ thì BF cũng là một “online event” tương tự như một event tại tiệm. Tuy có nhiều tiệm còn quảng cáo “doorbuster sales” cho người đến sớm, đòi hỏi người mua phải có mặt tại tiệm, nhưng thế giới online cũng có khi mở hàng luôn vào ngày này.
Ngày nào mua hời hơn?
Cái đó còn tùy vào món hàng bạn muốn mua. Món hàng doorbuster sale thường có giá rẻ nhất, rẻ hơn hàng mua online, vì tiệm muốn bán một món hàng huề giá hoặc có khi lỗ vốn, chỉ để mời mọc bạn đến tiệm của họ.
Nhưng người thời nay có khuynh hướng mua sắm trên mạng, dù món hàng mua ngày CM không hời bằng BF. Do đó, mua trên mạng đã đem lại nhiều lợi nhuận hơn cho người bán (năm 2016, CM bán tới $3.45 tỷ, một kỷ lục mới, vượt qua cả $3.34 tỷ của BF).
Còn nữa: doorbuster đòi hỏi phải sắp hàng, chen chúc với đám đông, hàng bán ra có giới hạn, mà thường không hạ giá bao nhiêu. Một món hàng giá thường $50 có thể bán sale tại tiệm $30, thấy là đã hạ giá nhiều, nhưng nếu bán trên mạng $35, bạn có nên tốn thời giờ và công sức chờ đợi để chỉ có lợi được $5?
Vậy cái gọi là “better deal” có thể chỉ cần một vài cú nhấn chuột, thay vì chờ đợi nhiều giờ, dù có phải trả thêm chút ít.
PN