Y học ngày nay đã chứng minh đường là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh như béo phì, tiểu đường, sâu răng, tim mạch, gan… Ngoài ra, đường còn có thể gây nghiện như hút thuốc lá hay chích ma túy. Vậy chúng ta phải làm gì để phòng chống hiểm họa từ đường?

Có 2 cách để phòng chống hiểm họa do đường gây ra. Một là, tự bản thân chúng ta nên ý thức tác hại do đường gây ra và hạn chế tiêu dùng đường. Các bác sĩ khuyên chúng ta nên hạn chế dùng thức ăn và thức uống có đường, đặc biệt là các loại thực phẩm chế biến sẵn. Tốt nhất là nên ăn uống thức ăn và thức uống tự tay nấu nướng ở nhà.
Hai là, ngành y tế cần lên tiếng vạch trần các chiến dịch quảng cáo của ngành kỹ nghệ thực phẩm chế biến sẵn nhằm tận thu lợi nhuận mà không quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng. Ðây mới thật là cuộc chiến nhiều cam go.
Ngành kỹ nghệ thực phẩm đã và đang tung ra nhiều chương trình quảng cáo hấp dẫn. Họ còn chi những khoản tiền khổng lồ nhằm ngăn chặn những thông tin bất lợi phổ biến ra công chúng và tránh bị đánh thuế cao.
Tại Anh quốc, chỉ riêng năm 2014, ngành kỹ nghệ này đã chi 306 triệu euro để quảng cáo các sản phẩm ăn uống giàu đường và chất béo. Cũng trong năm này, tại Hoa Kỳ, gần 7 tỷ đôla đã được chi ra để quảng cáo sản phẩm ăn uống giàu đường, trong đó gần 2 tỷ tiếp thị nhắm vào đối tượng trẻ em.
Việc quảng cáo thức uống ngọt vẫn tiếp diễn. Các chuyên gia về sức khỏe yêu cầu phải giới hạn, nếu không cấm được, quảng cáo thực phẩm có đường trong chương trình phát hình trên tivi dành cho trẻ em.
Ði tiên phong, từ năm 1978, tỉnh Québec, Canada, đã ra quy chế chặt chẽ về quảng cáo đối với các sản phẩm có đường và chất béo nhắm vào trẻ em. Hiện nay, số trẻ em béo phì ở Québec thấp hơn so với bất kỳ tỉnh thành nào khác của Canada. Na Uy, Thụy Ðiển, Ðan Mạch, Mexico và Anh quốc cũng đã có quy chế quảng cáo các thức uống có đường, ngũ cốc cho bữa ăn sáng và các thực phẩm khác cùng loại vào giờ phát hình dành cho trẻ em.
Tháng 1 năm 2016, theo đề nghị của các nhà sinh thái học, Quốc hội Pháp cũng đã thông qua một đạo luật cấm mọi quảng cáo trong các chương trình phát hình dành cho trẻ em. Nhưng sự cấm đoán này chỉ có hiệu lực đối với các đài của chính phủ, và nếu luật này được áp dụng, tính hiệu lực của nó cũng bị hạn chế…
Một nghiên cứu thực hiện tại Anh quốc, ghi nhận kỹ nghệ thực phẩm đã mượn các kênh truyền hình khác để quảng cáo sản phẩm đến các em, bằng cách lồng vào các chương trình trực tuyến đại chúng và trong các trò chơi điện tử.
Một dấu hiệu đáng khích lệ khác: Châu Âu cam kết đưa ra chương trình hạn chế quảng cáo dành cho trẻ em mang tên EU Pledge. Năm 2009, ngành kỹ nghệ thực phẩm đã đưa ra cách giúp ngăn chặn bệnh béo phì tại các nước trong Cộng đồng Châu Âu. Nhiều công ty thực phẩm lớn đã chấp nhận giảm quảng cáo các sản phẩm có đường trong các chương trình phát hình cho trẻ em dưới 12 tuổi. Những chương trình này chấm dứt phát sóng trên truyền hình hay Internet nhắm vào trẻ em trong độ tuổi, và không bán các sản phẩm này trong trường tiểu học. Lúc bấy giờ, 22 công ty, xí nghiệp đã cam kết tôn trọng các chỉ thị trên. Theo cam kết này, ước tính có đến 80% thời lượng quảng cáo ăn uống giảm đi trên toàn Cộng đồng Châu Âu.
Marlene Schwartz đứng đầu một tổ chức phi lợi nhuận Hoa Kỳ: Trung tâm Rudd chuyên trách về chính sách ăn uống và bệnh béo phì. Bà Marlene than phiền về EU Pledge như sau: “Chương trình giảm quảng cáo EU Pledge là chưa thỏa đáng. Sẽ tốt hơn nếu nó được áp dụng cho tất cả trẻ em dưới 14 tuổi, thay vì dưới 12”.

Nhiều công ty của Pháp đưa ra “chương trình cam kết tự nguyện dinh dưỡng lành mạnh”. Theo đó, các công ty này cam kết hạn chế các thành phần có hại như muối, đường, chất béo bão hòa…, được sử dụng trong chế biến thực phẩm, và cải thiện tỷ lệ dinh dưỡng. Cam kết đầu tiên trong số này được ký kết vào năm 2008 giữa các cơ quan có thẩm quyền và công ty Lorraine Saint-Hubert. Từ đó đến nay, đã có thêm 37 cam kết khác ra đời.
Một chiến thuật quảng cáo khác bị Aseem Malhotra, 37 tuổi, Bác sĩ chuyên khoa tim ở Luân Ðôn, quyết liệt phản đối là kết hợp sản phẩm ẩm thực với các lực sĩ. Cách nay 50 năm, các công ty thuốc lá đã áp dụng chiến thuật này bằng cách tuyển chọn các nghệ nhân và lực sĩ nhằm nâng giá trị của điếu thuốc lá. Bác sĩ Malhotra cũng chống lại quy chế quảng cáo của Coca Cola, nhà tài trợ cho các cuộc thi đấu thế vận hội. Sự tài trợ này đã bắt đầu từ năm 1928 và sẽ tiếp tục đến năm 2020. Tập san Y khoa Thể thao của Anh quốc (British Journal of Sports Medicine) ghi lại phát biểu của Bác sĩ Malhotra như sau: “Coca Cola đã gắn sản phẩm của mình với thể thao nhằm tạo niềm tin rằng uống nước ngọt có gaz trong khi luyện tập là vô hại.”
Các nhà bảo vệ sức khỏe cộng đồng tin rằng 2 phương cách chống lại thuốc lá hữu hiệu có thể được áp dụng chống lại tiêu thụ đường quá mức, đó là thông tin và đánh thuế.
Aseem Malhotra là người dẫn đầu một chiến dịch chống lại đường ở Châu Âu. Theo Aseem, kỹ nghệ thực phẩm và thức uống đã mượn chiến thuật mà các công ty thuốc lá áp dụng trước đây để luồn lách những quy định của pháp luật.
Từ nhiều năm nay, Thụy Ðiển đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp bằng cách đánh thuế lên thức ăn và uống có đường và cung cấp thông tin cho người dân hiểu biết. Năm 2014, Mexico đã tăng 10% thuế đánh lên thức uống có đường và sức bán của loại sản phẩm này đã giảm đi 12% trong năm đầu. Năm 2012, cách đánh thuế của Pháp cũng làm giảm dần mức tiêu thụ thức uống có đường. Năm 2016, một báo cáo của quốc hội ca ngợi việc bãi bỏ một số thuế đã lỗi thời đánh lên các sản phẩm ẩm thực, nhưng tăng thuế đánh lên thức uống có đường. Thức uống lon 33cl tăng giá bán đến 0.45 euro / lon. Không chần chờ thêm, Bỉ áp dụng ngay sắc thuế thức uống có gaz” (taxe soda) vào tháng 1 năm 2016.
Dù các sắc thuế trên đã phát huy tác dụng, nhưng các nhóm có thế lực của ngành kỹ nghệ ẩm thực vẫn còn chống đối các chiến dịch nhạy cảm, tương tự như các công ty thuốc lá tìm cách chống lại ý định của chính quyền bắt buộc phải ghi dòng chữ “Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe” lên bao thuốc.
Một trong các phương pháp thông báo cho người tiêu dùng rõ số lượng đường đáng lo ngại trong sản phẩm như in những hình tròn màu đỏ, vàng và xanh lá cây trên nhãn sản phẩm như đèn tín hiệu giao thông. Phương pháp không bắt buộc (méthode non coercitive) này đã tỏ ra hiệu quả ở Anh quốc, nhưng lại bị các nghị sĩ Châu Âu bác bỏ vào tháng 7 năm 2010.
Ngay cả nước Pháp cũng bị la ó phản đối khi thành lập ban quy định về nhãn dinh dưỡng. Các thế lực gây ảnh hưởng và áp lực khiến cho Yves Lévy, Giám đốc Viện Sức khỏe và Nghiên cứu Y khoa Quốc gia (INSERM: Institut National de la santé et recherche médicale) và 3 chuyên gia khác phải rút lui khỏi ban quy định trên vào tháng 7 năm 2016.

Mella Frewen, nữ Tổng Giám đốc tập đoàn thức ăn, thức uống Châu Âu (FoodDrinkEurope) chuyên trách các chương trình quảng cáo của ngành kỹ nghệ ăn uống, tuyên bố các quy định hiện hành về ghi nhãn là quá đủ. Mella Frewen cho biết: “Các nhà sản xuất Châu Âu đã cung cấp thông tin rõ ràng khi kê ra lượng calo và các chất dinh dưỡng chính, bao gồm cả đường. Ðiều này giúp cho người tiêu dùng tự lựa chọn sản phẩm theo ý mình”.
Văn phòng Hội liên hiệp người tiêu dùng Châu Âu (BEUC: Bureau européen des unions de consommateurs), đại diện cho 41 Hiệp hội của 31 nước, phản đối nhận xét trên. Ilaria Passarani, Trưởng Phòng thực phẩm và sức khỏe của Hội liên hiệp người tiêu thụ Châu Âu tại Bruxelles, phản bác: “Khách hàng không biết gì về lượng đường ăn vào”.
Trong khi cuộc tranh luận còn đang tiếp diễn trong Liên Hiệp Châu Âu, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA: Food and Drug Administration) Hoa Kỳ đã cho ra đời những quy định về ghi nhãn. Ngày 20 tháng 5, Cục này bổ sung một điều khoản quy định, từ nay về sau, phải ghi rõ “đường thêm vào” (sucre ajouté) ở mục “Ðường” nhằm giúp người tiêu dùng có thể phân biệt giữa đường tự nhiên (sucre naturel) và đường khác.
Chúng ta có thể gia tăng áp lực lên kỹ nghệ ăn uống. Bác sĩ Lustig nói thêm: “Các tổ chức bảo vệ công dân đã thành công trong việc cấm hút thuốc bên trong các nhà hàng, trên phi cơ, nơi làm việc và trường học. Chúng ta có thể làm tương tự nhằm ngăn chặn hiểm họa ‘đường’ đầu độc các sản phẩm tiêu dùng. Nếu không, con em của chúng ta sẽ không thể tránh khỏi béo phì một cách bệnh hoạn. Hậu quả và chi phí để chạy chữa sẽ khó lường”.
ÐDH Theo Sélection