Bambi của tôi dần lớn và đã biết gâu gâu dị ứng với những âm thanh karaoke của nhà hàng xóm. Cái thói ưa thích xả stress của gã hàng xóm chết tiệt, cứ như lịch độc diễn karaoke thường nhật mỗi 6 giờ chiều. Cực kỳ hiếp dâm cái màng nhĩ! Bên ngoài là tiếng đục của thợ xây, tóe sáng của những thợ hàn. Khu tái định cư chếch chéo lại tấp nập cánh thợ hồ. Cuối năm vào “mùa giải ngân”, trước Tết là các công trình lại được bơm máu đổ tiền vào để “hoàn thành tiến độ”. Từ cửa sổ căn phòng cao tầng, tôi vẫn có thể ngửi thấy mùi khói của những người nông dân ngoại thành Hà Nội đốt rơm.

Một tối đang lơ mơ, nghe tiếng gõ cửa. Là hai gã “tây lông” ở cùng apartment, một dong dỏng như cái điếu cày đến từ Brooklyn, New York, tay kia xồm xoàm lông lá đến từ Canada. Mấy gã đi gõ cửa từng nhà để giới thiệu về lớp học tiếng Anh tại gia của mình ở trên tầng 20 vào mỗi tối trong tuần. Hai gã tây trẻ nói với tôi rằng họ đang làm việc tại trường dạy tiếng Anh Washington ở quận Hai Bà Trưng. Tay điếu cày tên Roman, tay xồm xoàm kia tên Ariston gốc Hy Lạp. Cứ đến Hè thì hai cậu thanh niên lại làm thiện nguyện “Summer camp” ở Slovenia để dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ khuyết tật. Cũng như những người của cộng đồng expat ngoại kiều phương Tây, điều họ e ngại nhất ở Việt Nam hay còn gọi là sự ám ảnh kinh khiếp là “giao thông và ý thức người tham gia giao thông”. Cứ như cách ví von của một tay bạn “quạ sĩ” của tôi rằng ở Việt Nam, mỗi chiếc xe máy có thể đại diện cho một con người. Sự HỖN LOẠN hệt như chủ đề “Cánh đồng quạ” của danh họa Van Gogh. Khu tôi ở cũng dần trở thành điểm đến của người ngoại quốc với đủ các sắc dân từ Ấn tới Âu.

Sống ở Hà Nội một mình, tôi hay mày mò đến các quán xá cùng với gã bạn có tâm hồn ăn uống sâu sắc. Cơm niêu Singapore, nhà hàng Khun Thái, nhà hàng làm món Gimbap, nhà hàng Ngon ở Trần Hưng Ðạo… Món cơm niêu Singapore ở Hà thành này thì lại có cả rau kimchi và bày ra trò chiên rán một mặt hay hai mặt cho cơm. Ðựng trong cái niêu nhỏ xíu nhưng chắc hẳn là chỉ chiên xong rồi bỏ vào cái niêu cho đẹp. Quán cơm niêu trên đường Nguyễn Phong Sắc, nằm ở gần Café sách Ðông Tây, mới đó mà đã có hai quán nằm ngay đường này. Tôi thường hay chọn menu với cơm niêu gà nướng sốt Teriyaki và cháy hai mặt. Nước súp thì lạt vị nhưng suất cơm thì rất vừa vặn.
À, lại nói về tinh thần khởi nghiệp ở đây. Dù trước đây đã có những đề cập đến các quán café hay các chuỗi nhà hàng như của Khải Silk – phở ông Hùng chẳng hạn. Tinh thần khởi nghiệp giờ đây đã khiến ngay cả một tay bạn mới của tôi là CEO một hãng bảo hiểm nước ngoài hào hứng. Hắn vốn là “dân nhà nước” nhưng một thời gian sau nhảy ra làm “công ty ngoài”. Và như cách gã diễn đạt về cái thói quen nghề nghiệp thì càng lên cao thì càng phải cúi đầu. Hẳn nhiên, dù ở vị trí cao trong công ty nhưng tay Thăng này thì vẫn tự ví mình đi làm chỉ để mua sữa cho con. Tốt nghiệp hạng ưu, từng ra chụp hình Văn Miếu với các cụ lãnh đạo Bộ giáo dục khi là sinh viên xuất sắc. Giờ đây, Thăng vừa muốn khởi nghiệp điều gì đó vừa lại muốn xuất cảnh đi nước ngoài. Ngồi café chém gió, tôi lại chẳng thể ngờ là một tay CEO mà khả năng giao tiếp lại hệt mùi như mấy tay chuyên bán bảo hiểm.

Gã bạn Nghiêm Chỉnh lại “đèo” tôi đến cái quán “Cơm Chay Nàng Tấm”. Cái quán nằm khuất sau con ngõ 79 trên đường Trần Hưng Ðạo và cạnh café Eden ở 77, vốn là căn nhà của bà Khánh người gốc Hoa mà giờ đã định cư sang Úc. Góc Trần Hưng Ðạo và con phố Bông Nhuộm này trước kia người Hoa cũng khá nhiều. Gã bạn kể sơ qua về bà Khánh vốn là người Hoa gốc ở Hải Phòng. Bà có hai người con tên là Sinh và Dũng và luôn dạy con là phải nói giọng âm chuẩn tiếng Hà Nội chứ không được phép ngọng L, N- lờ với nờ. Tuy là ở Việt Nam đã lâu nhưng vẫn bị coi là Ba Tàu mà sang đến Trung quốc thì vẫn bị coi là An-nam-mít. Là chệt, nhưng Dũng con thứ của bà Khánh thì lại ghiền thuốc lào Tiên Lãng như mấy tay chơi người Việt, nên sang đến Úc mà vẫn kè kè cái ống điếu rít từ Việt Nam đem sang.
Mặc kệ, gã bạn thân mắc chứng tào lao chuyện thiên hạ, tôi thì chỉ cần vài chất đời thực để gõ phím.
Cửa vào là gian sau của biệt thự số 79 Trần Hưng Ðạo vì Nhà hàng Cơm chay Nàng Tấm này nằm khuất nẻo. Dù khuất nẻo nhưng quán cơm Nàng Tấm đã có tiếng trong giới ngoại quốc ở Hà thành từ thập niên 90 đến nay, và cũng nằm trong danh sách nhà hàng ngon của Trip Advisor.

Quán Cơm chay Nàng Tấm khá rất yên tĩnh và đa số là khách nước ngoài. Cái giá mang rượu vào chỉ là 100.000 VND và giá cả vang ở đây cũng vừa phải. Bữa ăn thực sự cũng khá thú vị và ngon, không kém nhà hàng chay Khánh Ly mà tôi đã thử qua ở Phú Quốc, hẳn nhiên là quán chay ở Phú Quốc thì bình dân hơn nhiều. Tôi và tay bạn kêu khai vị súp hải sản, gỏi cuốn, nộm cổ hũ dừa và bò xào dứa. Quán bài trí đơn điệu, nhìn quanh chỉ mỗi cái lò sưởi mang chút hơi hướm hoài cổ của căn biệt thự thời Pháp. Khách Tây lịch thiệp, âm lượng luôn điều chỉnh vừa đủ nghe.
Trong khi khách phương Tây đến đây tìm về những món ăn truyền thống Việt Nam thì người Việt từ rau trái, gia vị và thực phẩm dần nhìn về phía phương Tây. Giống như cách mà tay Tính phải hủy tới 30%-40% rau nhiệt đới hàng tuần ở cái kho thực phẩm Organica của cậu. Tính cũng là một nhà cung cấp rau cho Organica. Khách hàng đã dùng đồ organic chỉ thích thử rau mới lạ, và vườn nhà gã bạn thì chỉ trồng rau nhiệt đới phổ thông trong bếp ăn Việt Nam nên chưa có đủ mức độ hấp dẫn khách hàng. Tôi có hỏi về một số rau và gia vị của Ðịa Trung Hải nhưng cậu ta thực chẳng rành rõi như Thyme, thìa là Ai Cập, oregano, roquette, arugula… Rất nhiều rau và gia vị này mà tôi được biết những tay đầu bếp phá cách của Việt Nam thường phải tìm mỏi mắt nên đôi khi cần thiết để thỏa hiệp với các gia vị, rau sấy khô nhập về. Cậu bạn tôi thì rất tâm tư, tâm huyết với các chủ đề như “Thế nào là organic, thế nào là tự nhiên, trồng thủy canh hay nhà kính thì ăn nhạt?” Hay cả chuyện lòng tin thì người Việt mình ưa đồ ăn Âu Mỹ.

Dân Việt thì hướng ngoại, tinh hoa món ăn truyền thống dần chỉ được dồn trong nhà hàng cao cấp phục vụ khách nước ngoài, giống như những chiếc xe kéo truyền thống thời Ðông Dương thuộc địa chỉ tìm thấy trong Sofitel Metropole. Truyền thống dân dã thì bị tha hóa bởi cơn lốc phồn thực làm giàu sống gấp. Ðiều này hiển hiện rõ như sự phá nát bức tranh tưởng tượng của tôi về làng truyền thống Cốm Vòng. Giống như những người xa xứ vẫn hoài tưởng về bức tranh phi hiện thực của một ký ức đã bị xóa nhòa một cách bạo liệt!
Nói về cốm Làng Vòng. Cách đây vài năm đã có những vụ lộn xộn quanh chuyện cốm bị nhuộm màu thực phẩm chứ không phải theo cách truyền thống. Tôi cũng hơi tò mò muốn thử cái vị cốm ăn cùng với chuối. Gọi là “làng Vòng” nhưng làng giờ đây cũng nằm trong nội đô Hà Nội và thuộc quận Cầu Giấy. Mấy cái làng quanh Hà thành giống như những khu vực Ðình Thôn, Trung Kính, bên ngoài tuy có cái cổng làng vật vã nhưng bên trong thì xây những căn nhà 3, 4 tầng san sát nhau trông rất xiêu vẹo và “thiếu chuẩn mực”. Làng Vòng nên ngõ ngách trong làng cứ như vừa dài, vừa ngoằn ngoèo, vừa sâu tuốt luốt nên còn có thêm địa chỉ của “ngách”. Và nếu không nhớ đường thì còn lâu mới tìm được cái cổng vào làng ở mặt đường Trần Thái Tông. Ði sâu vào làng Vòng thì chỉ lèo tèo vài cái biển bán cốm tươi nhưng đầy rẫy những tiệm tạp hóa, sửa đồ điện lạnh… Cái không thể thiếu là sự chằng chịt của dây điện, dây cáp giăng trên đầu.

Trước cái cổng vàng chóe còn sót lại vài cụ già thuộc thế hệ nhuộm răng đen và nhai trầu bỏm bẻm chào hàng cốm tươi. Bánh cốm thì rẻ so với siêu thị chỉ bằng có hơn nửa giá thôi 4.000 VND/chiếc nhưng mỏng manh hơn và ngọt gắt. Cốm tươi thì 20,000 VND / lạng và tôi mua hai lạng. Mấy bà cụ vẫn cân đo kiểu cũ. Cái cân đĩa toòng teng chiếc quả cân trên móc xích là thứ dễ kém tin cậy nhất ở các phiên chợ xưa lắc. Bà cụ bảo tôi cân 2 lạng “tươi” đấy, nghĩa là cán cân hơi chĩa lên trên, cân cho dư, còn nếu cán cân chỉ xuống dưới thì gọi là “đuối”, là cân thiếu, non.
Mà thực, đời sống ở chốn Hà thành này quả là dễ “đuối” như chiều cái cán cân chỉ xuống vậy!

ÐMH