
Lúc đó khoảng 9 giờ sáng ngày 4 tháng 10 năm 2017, tôi đang chạy xe trên đường cao tốc từ Duy Xuyên ra Đà Nẵng. Giữa lúc xe qua cầu Câu Lâu thì một luồng gió cực kỳ hung hiểm quật thẳng vào người và xe. Mưa tràn xuống ào ạt, gió giật từng cơn gầm rú như bom dội. Đứa bạn đi cùng xe đòi quay về. Chúng tôi ra Đà Nẵng chỉ để tìm mua vài viên pin nạp cho chiếc máy ảnh vừa hết pin và cũng dự tính ghé qua Khách Sạn Cánh Buồm, một trong những địa điểm ngày hôm sau sẽ tổ chức “Tuần lễ cấp cao APEC 2017”. Nhưng rồi chúng tôi vừa đến xã Điện Thắng đã phải quay về. Mưa lớn gió mạnh và cây đổ gây tắc nghẽn giao thông.
Buổi chiều lên internet cập nhật thông tin về cơn bão bất thường trong ngày. Sau cơn sấm sét và gió như gào rú, đứa cháu chạy vào nhắc tôi nên tắt máy vi tính bởi giông bão làm máy của cháu mất nguồn. Tôi đang xem một video quay cảnh bão lốc cuốn bay người ở Nha Trang, những chiếc xe máy nằm ngổn ngang trên đường, nhiều người đang chạy xe bị cuốn lăn lông lốc. Các chuyên gia dự báo: “Vòi rồng là hiện tượng thời tiết cực đoan không thể xem thường, được dự báo là có thể xuất hiện trong đợt bão số 12 – bão Damrey tấn công phía nam nước ta”.

Theo định nghĩa của từ điển khí tượng học thì vòi rồng hay lốc xoáy là “một cột khí xoáy dữ dội, hút từ bề mặt đất lên đám mây vũ tích, tạo thành hình như cái phễu di động lủng lẳng từ một đám mây, trông giống như cái vòi. Khi nó xuất hiện và hoạt động ngoài biển gọi là vòi rồng, vào đất liền nó là cơn lốc xoáy”. Năm ngoái vòi rồng khổng lồ xuất hiện ở Quảng Nam, cao hàng trăm mét, vần vũ gần nửa tiếng đồng hồ, kèm theo mưa đá.
Mấy ngày nay, diễn biến thời tiết phức tạp bởi áp thấp nhiệt đới hình thành trên biển Ðông mạnh lên thành bão với tên quốc tế là Damrey. 6giờ sáng ngày 4 tháng10, bão Damrey đã đổ bộ vào đất liền tỉnh Khánh Hòa với sức gió mạnh nhất đạt cấp 12 (115-135 km/h), giật cấp 14, cấp 15. Nhiều nhà dân sập đổ hoặc tốc mái, cây cối đổ gãy, bật gốc, biển hiệu, mái tôn bay lả tả, biển động dữ dội, tàu thuyền bị đắm, hàng chục ngàn lồng bè cá bị phá nát, hàng trăm người chết và mất tích. Khi bão Damrey quần thảo Ðà Nẵng, mưa xối xả, nước sông Hàn tràn bờ. Lượng mưa phổ biến ở Quảng Nam, Ðà Nẵng mấy ngày qua có nơi 600-700mm.

Qua gần một đêm mất ngủ, tôi thiếp đi trong ầm ào mưa gió, cây cối thét gào và gió từng trận, từng trận quật vào những cánh cửa tạo ra những âm thanh kinh hoàng. Ngôi nhà của tôi bị bão hất tung những viên ngói, nước chảy lênh láng. Chừng 3 giờ sáng, gió lặng, cả nhà mệt lả vì sợ hãi và mất ngủ, đầu nhức như búa bổ, tôi nuốt viên thuốc giảm đau và thiếp đi. Trong cơn ác mộng tôi có cảm giác như có một tảng đá khổng lồ đè nghiến xuống đầu mình. Chết trong tê dại, những cảnh tượng về mưa lụt những năm trước lúc ẩn, lúc hiện, lúc xa lúc gần, nước và gió, đói và lạnh khiến môi tôi run bần bật.
Khi ánh sáng ban ngày soi tỏ mọi vật, tôi mở cửa: cảnh vật của một buổi sáng điêu tàn hiện ra, hầu như mọi ngôi nhà quanh xóm đều bay mái. Cả huyện Duy Xuyên như vừa trải qua cuộc đại chiến, cây cối ngổn ngang, dây điện, điện thoại giăng khắp đường. Gần trưa nước bắt đầu dâng cao và chỉ chừng một tiếng đồng hồ sau, mưa mù mịt cả đất trời, dòng sông cũng bắt đầu cuồn cuộn chuyển mình, Con nước hiền hòa biến thành dòng lũ hung hãn đục ngầu sủi bọt, gào réo. Nước sông lên nhanh, mạnh dữ dội trong chốc lát nhấn chìm bao xóm làng trong biển nước. Nhà tôi giáp khu đồng vắng, khi cơn lũ tràn qua sân, băng băng ra đồng, nó như một con quái vật khổng lồ lên cơn điên đang vẫy vùng, quằn quại, tạo từng thác nước xô đẩy, cuộn vào nhau thành những cuộn xoáy, những con sóng gầm thét, hàng ngàn xác súc vật và rác rưởi bập bềnh trôi. Buổi chiều chưa đến 4 giờ mà trời đã tối sầm, những cơn mưa như trút nước và gió lớn ào ạt…

Làng tôi nhà cửa phần nhiều mới được xây lại, nhà nào cũng có gác tránh lũ lụt. Có khi lụt ngâm cả tuần không thấy ai cứu trợ, vậy mà may mắn chưa có người chết vì bão lụt, vì đói. Lần nào được tin bão lũ tôi cũng vội vàng mua thức ăn dự trữ trong một tuần, nhiều khi chỉ là những thứ đơn giản như mì ăn liền, tương chao, dưa, muối.
Một điều tôi không biết nên cười hay khóc. Ðó là vào nửa đêm gần 12 giờ khuya, tôi đang lau dội chùi rửa bùn non đọng trên tường nhà, nước mới rút được vài phân. Một chiếc ghe của nhà hàng xóm cập vào hiên nhà trong mưa lũ. Anh chàng hàng xóm bảo chúng tôi sang lấy thịt heo về ăn. Thì ra từ chiều anh ta vớt được xác một con heo to tướng bị nước cuốn tấp vào bờ tường nhà anh ta. Cứ như anh ta nói vì nước chảy xiết quá anh ta không dám qua gọi chúng tôi. Anh ta chắc chắn đó là heo nhà tôi thấy nước lớn nhảy chuồng và chết. Tôi còn biết làm gì khi họ chỉ vớt được một con chết, còn những con khác nhập chung vào bãi tha ma di động trên mặt nước do xác súc vật chết tạo nên. Rồi chúng sẽ trương phình, bốc mùi, thối rữa như muốn cho con người biết rằng thảm họa chết chóc đang hiện hữu như thế đấy.

Bốn đêm bốn ngày tôi không chợp mắt, lụt lớn, nước ngập sâu vào nhà cả mét, ngập lút cả chiếc xe máy, lút giường ngủ, bàn ghế, bếp ăn, bầy heo của nhà tôi bị cuốn trôi chỉ còn sót lại 2 chú heo nhỏ mới tròn 2 tháng tuổi do vì thấy dễ thương quá mà tôi đã sớm nhặt lấy bỏ vào 1 chiếc giỏ rơm đặt trên giàn chuồng heo. Một số máy móc như máy bơm nước, máy gặt,…cũng bị ngập nước hư hỏng luôn. Hết thức suốt đêm dọn đồ chạy lụt lại thức suốt đêm tạt dội, lau rửa, dọn bùn non. Nước dâng nhanh lại rút chậm. Giờ này nước mới ra khỏi sân nhà, ngâm chết ở đầu ngõ như bị đóng băng.
Tranh thủ thời gian cắm máy viết và gửi bài đi, trời vẫn mưa dầm dề, mọi thứ trong nhà đều sũng nước. Nhà tôi như một hoang đảo bị cô lập giữa đại dương. Nhìn khắp xung quanh vẫn mênh mông nước. Ðúng là đi liền với bão Damrey là đại hồng thủy khắp miền Trung.
Bây giờ thì tìm khắp Duy Xuyên không ra một cọng rau. Vườn rau tôi vừa trồng mấy tuần qua đã ra bùn.

LTT