Menu Close

Vilnius

Phần 1

Vilnius là thành phố lớn nhất với dân số khoảng nửa triệu người. Phố Cổ (Old Town) được ghi nhận là di sản văn hóa thế giới (UNESCO World Heritage Site) vào năm 1994. Trước Thế Chiến II, Vilnius là một trong những thành phố nơi người Do Thái cư ngụ đông đảo nhất tại Âu Châu. Ngày nay, phố Do Thái, Jewish ghetto, mất gần hết dấu vết, và số cư dân gốc Do Thái chỉ còn vài trăm người sau khi bị quân đội Nazi bắt bớ, tận diệt trong những năm 40 của thế kỷ trước.

Vua chúa theo đạo Thiên Chúa nên đi một quãng ngắn là thấy nhà thờ. Nhà thờ St. Anne xây theo lệnh Công Tước Vytautas, cho bà vợ yêu quý tên Anne, nhà thờ Gothic này nằm trước mặt nhà thờ St. Bernardine khuất đằng sau, dựa lưng sông Vilnius.

vilnius6
Nhà thờ St. Anne

Quán trọ nằm cạnh khu Phố Cổ, xây cất vào thế kỷ XVI; trước đây dãy nhà là tu viện Dòng Tên, bên cạnh là nhà thờ và đi bộ vài bước là một ngôi nhà thờ khác, St. Anne. Nhà thờ St. Anne xây theo kiểu Gothic trong khi các nhà thờ khác lại theo kiểu Baroque, một kiểu kiến trúc khá phổ thông tại đây. Ðặc thù Baroque nhất là nhà thờ St. John nằm trong khuôn viên của trường đại học.
Vào thời Xô Viết (khối cộng sản do Nga Sô lãnh đạo), theo chủ thuyết vô thần của chính quyền, mọi nhà thờ, tu viện đều bị đóng cửa, trưng dụng làm nhà kho, trại quân… Quán trọ Mabre nguyên thủy là tu viện Dòng Tên, lớn nhất trong các tu viện của thành phố, cũng trải qua một thời khốn khó (dùng làm trại lính, chỗ trú ngụ cho các sĩ quan Hồng Quân) cho đến khi đất nước độc lập, tu viện gồm nhiều tòa nhà được tu bổ và biến thành khách sạn.

vilnius5
Khách sạn Mabre Residence

Nhà trọ có phòng ăn rất đặc biệt, trần nhà những vòm lát gạch đỏ và bàn ăn ngoài sân cỏ. Thức ăn không có chi đặc biệt cũng theo kiểu Ðông Âu khoai và thịt, nhưng rau cỏ và trái cây rất tươi, đầy đủ hương vị. Bữa ăn thịnh soạn thường gồm súp rau rồi đến thịt hoặc cá và món ngọt tráng miệng.
Cảm nhận đầu tiên: thức ăn nặng về kem, cream sauce, món chi cũng có kem [sữa và bơ]. Súp là những loại rau nghiền nát nấu với kem, thịt hay cá và cả khoai tây, nghiền nát hay còn nguyên miếng cũng ăn chung với kem!

Từ khách sạn thả bộ ra Phố Cổ khoảng năm phút, những con đường lát gạch ngoằn ngoèo dẫn ra phố chính nằm hai bên đường Pilies.

vilnius4
Pilies Street

Từa tựa như mọi con phố chính ở những thành phố lớn nằm bên dòng sông, Vilnius cũng có các nghệ sĩ địa phương đàn hát, trưng bày tác phẩm. Phe ta dừng bước  ở một bức họa thời thượng có màu chính trị, vẽ hai ông nguyên thủ nước lớn mặt xanh nanh vàng.

Khi Dế Mèn hỏi thăm đến cảm tưởng của cư dân Vilnius về chính trị, người dẫn đường là một phụ nữ trong tuổi ba mươi, công dân Latvia, thông thạo  bốn năm sinh ngữ kể cả Anh và Nga. Laura cười mỉm trả lời khéo léo rằng dân Baltic như cô ấy không ưa cả hai lãnh tụ nhưng sẽ có dịp hỏi thăm chi tiết hơn khi nhóm du khách gặp gỡ, thảo luận với người địa phương.

Giữa những con đường nhỏ là các tòa nhà cổ, tuổi tác khoảng 200 năm. Ðường Literature (Literatu gatve) trưng bày hình ảnh các văn nhân thi sĩ của đất nước, và trên đường có cả một tiệm xăm mình.

vilnius3
Hai ông Trump và Putin dưới cái nhìn của nghệ sĩ địa phương

Buổi thảo luận với một nhà giáo/nhà báo địa phương khiến phe ta băn khoăn nghĩ ngợi. Ông giáo sư dạy môn Chính Trị / Báo Chí tại địa phương đã từng sinh sống tại thành phố New York, tốt nghiệp Thạc Sĩ báo chí từ đại học Columbia; khi đất nước độc lập ông ta về làm tùy viên báo chí cho mấy đời thủ tướng Lithuania, bây giờ thì dạy học và viết báo lai rai.
Bài diễn thuyết về lịch sử chính trị của Lithuania dài khoảng nửa tiếng, những vấn nạn kinh tế, tài chánh sau ngày liên bang Xô Viết sụp đổ, cư dân đất nước này lầm than và trải qua những ngày sóng gió, bất ổn vì tương lai mờ mịt. Ðộc lập rồi sao nữa? Ngân khố trống rỗng sau khi Nga Sô rút dù, lấy chi làm ăn buôn bán, trả lương công nhân viên? Ðất nước chẳng có chi để bán vì Xô Viết theo sách kinh tế định sẵn, mỗi vùng đất chư hầu chỉ sản xuất một loại thực phẩm hay vật dụng, chẳng hạn như Lithuania chỉ trồng khoai và chế tạo quân dụng, may quần áo cho quân đội; Latvia trồng cây cô tông… Mọi hoạt động kinh tế trong khối liên bang Xô Viết đều do chính phủ chỉ thị, bao giàn. Ðộc lập rồi thì Lithuania biết làm chi với quân phục Hồng Quân? Toàn dân là công nhân viên nhà nước [cũ] lãnh lương từ chính phủ nên chính phủ mới vô cùng bối rối, họ vay mượn từ khối tự do. Thế rồi thời kỳ đen tối ấy cũng nặng nề trôi qua nhưng thế hệ chịu thua thiệt túng thiếu không thể quên kinh nghiệm ấy. Họ than oán và biểu con cháu rằng dù thiếu tự do nhưng… no cái bụng. Thời cộng sản phải học tiếng Nga, ngày ngày đứng xếp hàng mua thực phẩm vì chính sách bóp nghẹt bao tử để kiểm soát và điều khiển nhưng ít nhiều, ai cũng có miếng ăn. Việc giáo dục huấn luyện cũng do chính phủ chỉ định, học nghề chi thì học nhưng khi ra làm việc thì tính sau, tùy theo nhu cầu hãng xưởng; kỹ sư hóa học làm công nhân xưởng dệt, suốt ngày đi dệt vải, kéo sợi… Nghĩa là chẳng phải nghĩ ngợi, tính toán hay bươn chải cho lắm, nghèo túng nhưng ai cũng sống sót… Sở thích hay chuyên môn chỉ là những món hữu danh vô thực! Ông giáo sư kèm thêm một câu: Tất nhiên con cái quan chức đều được du học Nga, chọn nghề và trở về tiếp tục lãnh đạo đất nước với chủ trương thân Nga. Tạm hiểu là chủ trương trồng người là một chính sách lâu dài, thế hệ này qua thế hệ khác. Ở nơi ấy, con vua mới được làm vua chứ dân đen như cha mẹ ông Obama, ông Clinton thì chẳng bao giờ con cái lên làm tông tông!? Ôi chao là đau xót…
Phần thảo luận cho thấy những “think tank” (chuyên nghề phân tích suy luận các tình trạng xã hội từ chính trị, kinh tế, thương mại đến giáo dục, môi sinh…) của đất nước ấy đang băn khoăn với các vấn đề nan giải như tiết giảm dân số, sản xuất và di dân… Những người trẻ có tài năng, có chuyên môn hè nhau xuất cảnh, chỉ trong mười năm, dân số sụt gần 1/3, từ 2.8 triệu còn cỡ 2 triệu người trong khi dân thất nghiệp thiếu chuyên môn từ đất nghèo Rumania, Bulgaria… lại rủ nhau đến đây kiếm sống. Tạm hiểu là thiếu người, lo âu về an ninh quốc gia nhưng Lithuania lại kén cá chọn canh, họ chỉ muốn những người có khả năng và thiện chí xây dựng, làm giàu cho đất nước; và nhất là chưa mở cửa với những kỹ sư huấn luyện từ Ấn Ðộ hay Hoa Lục!

vilnius2
Đường Literatu

Mấy ý tưởng lan man trong đầu chưa có lời giải thích thỏa đáng thì Dế Mèn gặp gỡ mấy người trẻ địa phương lúc ghé thăm trường đại học Vilnius vào đúng lúc tựu trường, ngày 1 tháng Chín. Cũng cái nhìn lạc quan và tự tin như người trẻ Huê Kỳ, nhóm sinh viên nam nữ độ chục người chụm đầu bàn luận chương trình học, có người học IT, có người theo môn sinh ngữ, thương mại… Người trẻ nói tiếng Anh khá khá, đủ để diễn đạt ý kiến. Họ không lo âu như ông giáo sư nọ về việc tiết giảm dân số, về việc duy trì tinh thần “quốc gia” (nationalism) mà tin rằng thế giới là một mặt phẳng liền lạc, bất kể biên giới nhân tạo, đất lành thì chim đậu, chủng tộc nào cũng thế, tha hồ pha trộn, cái dở sẽ bị đào thải và cái hay sẽ trường tồn và thế giới sẽ là một cái nồi hẩu lốn kiểu Huê Kỳ nới rộng!

Ðại học Vilnius là trường đại học lâu đời nhất tại Ðông Âu (người dẫn đường cười toe mà khoe rằng lâu đời hơn Harvard của Huê Kỳ nữa lận); thành lập từ năm 1568 do các giáo sĩ Dòng Tên tạo dựng, thủa ban đầu có tên Jesuit College, chính thức trở thành đại học và đổi tên năm 1579. Sân trường khá rộng, nhiều tòa nhà lớn mang các kiểu kiến trúc khác nhau và trên chục cái sân. Vuông sân lớn nhất, Great Courtyard, trưng bày hình tượng các vị giáo sư tiền bối nổi tiếng, the galleries, một mặt là nhà thờ St. John the Baptist với tòa tháp bên cạnh, ngày nay tòa tháp dùng làm Cơ Thể học viện cho sinh viên y khoa. Dế Mèn cũng tò mò muốn xem nhưng không được vào.

Nổi tiếng nhất có lẽ là Littera, bookstore, nơi bán sách vở, bên trong có trần nhà trang trí bằng hình vẽ [trên] tường (frescoe) rất đẹp. Không hiểu tại sao người địa phương tô vẽ trang điểm tiệm bán sách như một nơi triển lãm như thế nhỉ? Hẳn sách vở là những thứ quý giá nên được trưng bày một cách trang trọng?

vilnius1

vilnius
Nhà thờ St. John the Baptist, bên trong và bên ngoài có dàn organ bề thế

TLL