Menu Close

Đàn ông Nhật Bản bây giờ

Biết khôn, biết dại thì hãy cư xử đàng hoàng với “chị nhà”; nếu không, hậu quả thật khó lường! Đó là “khẩu quyết” nhập tâm của nhiều ông chồng Nhật hiện nay. Từng học cách nói “yêu em”, đấng mày râu Phù Tang bây giờ còn phải học cách “ăn ở cho có đức”, học cách xin lỗi và cả cách cám ơn. Trong một đất nước mà ngày các cô càng không muốn lấy chồng và các bà “hở chút” là đòi ly dị thì sự biết điều với vợ ngày càng trở thành yếu tố “sống còn”!

dan-ong-nhat-ban-bay-gio2
Thời đại này là thời của các bà – nguồn: flick

Ðứng trên cái thùng bia dựng tạm làm bục diễn đàn đặt ở khu phố Shimbashi thuộc trung tâm Tokyo, một quý ông áo quần tề chỉnh với complé thắt cravat thẳng thớm bắt đầu “xưng tội” và thề: “Anh xin lỗi việc luôn quên đậy nắp bồn cầu”. Tiếp đó, một anh tu mi nữa đăng đàn với tuyên thệ hùng hồn: “Anh đây xin hứa từ nay sẽ vĩnh biệt quán bar có tiếp viên nữ. Anh thành thật xin lỗi”… Có tổng cộng 20 ông chồng tham gia buổi tự thú trước bàn dân thiên hạ nói trên, với chứng kiến của các bà vợ và sự làm chứng của khách đi đường.

Phong trào này, được cổ súy bởi Hiệp hội các ông chồng gia trưởng (Zenkoku Teishu Kanpaku Kyokai), ngày càng được ủng hộ mạnh. Ba nguyên tắc vàng của Hiệp hội quốc gia này là: Nói “xin lỗi” không chút sợ hãi; nói “cám ơn” không chút ngại ngùng và nói “yêu em” không chút xấu hổ! Có thể xem hành động khác thường trên là thể hiện sự ân hận hối cải, khi bao năm qua các ông chồng Nhật không biết tôn trọng vợ và đối xử họ như kẻ hầu người ở, nhưng cũng có thể đó là thể hiện nỗi sợ trước thực tế một điều luật mới ban hành cho phép phụ nữ được chia của nhiều hơn sau khi ly dị. Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, ly dị và chia của thật sự là một bi kịch khủng khiếp đối với các ông chồng Nhật. Một điều luật có hiệu lực cách đây không lâu đã cho phép phụ nữ có quyền đòi gần như tất cả tài sản của chồng. Với những người cả đời dành dụm và sắp sửa nghỉ hưu, ly dị là một tổn thất không thể miêu tả nổi! Thế cho nên, không biết tử tế với các bà và không biết cách làm chồng “cho nên thân”, cái chết trên chấm phạt đền ly dị là điều khó tránh khỏi…

Việc người vợ có thể được chia 50% tài sản đã khiến nhiều quý ông bắt đầu nghĩ về cuộc hôn nhân mỏng manh của họ, trong khi gần như 100% ông chồng Nhật ngoài chuyện đi làm công sở/nhà máy thì chẳng biết gì việc nhà. Khi “chị nhà” dọa ly dị, Shuichi Amano chỉ biết một cách vụng về kỹ năng chiên trứng và luộc mì gói. Trong khi đó, như đã biết, văn hóa truyền thống Nhật từng tạo ra mảnh đất màu mỡ cho lối sống gia trưởng, khiến trong thời gian dài, việc phụ nữ bị khinh rẻ chẳng là điều gì quan trọng đối với xã hội Nhật.

dan-ong-nhat-ban-bay-gio1
Phụ nữ Nhật hiện đại ngày càng kết hôn muộn – nguồn: flick

Yoshimichi Itahashi, 66 tuổi, chủ tịch một công ty bê tông ở Fukuoka, đã kết hôn 38 năm và có ba mặt con. Trong gần như suốt thời gian chung sống, Itahashi luôn hành xử ích kỷ, lạnh lùng và độc đoán đối với vợ lẫn con. “Tôi nghĩ thế hệ tôi trưởng thành trong giai đoạn mà vết tích phong kiến còn in đậm. Tôi chẳng bao giờ nói “xin lỗi” (với vợ). Khi đi làm về, tôi đơn giản ra lệnh “Dọn cơm đi” hoặc “Làm nước cho tôi tắm” hay “Dọn giường cho tôi ngủ”. Tôi không có thời giờ nói chuyện với vợ”. Hisano, vợ Itahashi, tâm sự: “Ổng không tồn tại trong gia đình. Cứ như thể gia đình tôi chỉ có mẹ và các con. Không chỉ ổng không có mặt trong đời sống gia đình mà thậm chí tôi có khi chẳng biết làm thế nào để liên lạc với ổng. Cho đến sinh nhật lần thứ 60 của tôi, ổng chưa từng tặng tôi bất kỳ gì”.

Thế rồi mọi việc thay đổi khi Itahashi gia nhập một hội dành cho các ông chồng tập cách làm quen với việc sống tử tế với vợ. Sự hình thành của những hội tương tự tại Nhật ngày một nhiều, trước hết là cách để các ông chồng học kinh nghiệm “đối phó” và “che chở” nhau lúc “bị dồn vào đường cùng” như thế này. Tỉ lệ ly dị tại Nhật, dù không cao bằng các nước công nghiệp hóa khác, bắt đầu tăng dần, đặc biệt đối với các cặp trung niên, ở thời điểm mà các ông chồng chuẩn bị… nghỉ hưu! Hơn nữa, một số ngân hàng cũng lần đầu tiên cho phép người muốn ly dị được vay tiền với lãi suất thấp để trang trải chi phí ly dị đồng thời tái lập cuộc sống sau ly hôn.

Trong một quán bar Tokyo, một nhóm phụ nữ Nhật đang tập điệu nhảy flamenco. Với nhiều người trong bọn họ, đây là hành động “trả đũa” sau bao năm tháng bị “kìm kẹp” mà không dám hở mồm. Họ tung tăng cho bỏ ghét, bù lại những năm tháng dằng dặc chỉ quanh quẩn trong xó bếp trong khi các “cậu ấy” đi sớm về muộn chẳng cần giải thích. Ngày xưa, ly dị là “cửa tử” đối với phụ nữ Nhật bởi gần như tất cả đều không một xu dính túi sau khi ly hôn. Thời thế đã khác. Yoko Itamoto, một chuyên gia cố vấn hôn nhân tại Tokyo, nói rằng các ông ngày nay không còn chọn lựa nào khác ít đớn đau hơn, trước thách thức xã hội mà nước Nhật đang hứng chịu: tuổi kết hôn của các cô bây giờ rất muộn; và tỷ lệ những cô không muốn lấy chồng ngày càng tăng; trong khi tỷ lệ ly dị không hề giảm. Các cô càng có trình độ cao càng lập gia đình chậm. Theo thống kê mới nhất, trong số các cô độ tuổi 25-29, có đến 40% hiện độc thân và tỷ lệ này đối với các cô tốt nghiệp đại học là 54%.

dan-ong-nhat-ban-bay-gio
Tử tế với bà xã, hay là “chết”! – nguồn: flick

Tình thế tỏ ra không thuận theo “nếp cũ ngày xưa”. Còn nhớ, vào thời “huy hoàng chói lọi”, các ông khi về nhà chỉ nói với vợ vài từ: “furo” (đi tắm); “meshi” (ăn tối) và “neru” (đi ngủ). Bây giờ, đừng có mà “thánh tướng” như thế. Các bà ngày nay sẵn sàng chờ ly dị (75% trường hợp ly dị tại Nhật hai năm qua đều được khởi xướng từ vợ). Họ chờ thoát được ông chồng “không biết làm chồng”; họ chờ được thảnh thơi giải trí; và họ chờ lãnh suất lương hưu của ông chồng cũ được tòa chia cho mình… Trong một quán bar khác, một nhóm ông chồng tụ năm túm bảy bàn về thói đời đổi thay. Với họ, những năm tháng hò hét oanh liệt đã qua. “Chúng ta không thắng. Chúng ta không thể thắng và chúng ta không hề muốn thắng (trong cuộc chiến ly dị)” – họ cùng lượng định tình hình.

Thay đổi hay là chết! Shochi Oba, một biên tập viên 46 tuổi, được xếp ở cấp độ 3 của “trình độ cải thiện”, kể rằng không khí gia đình mình từng lạnh lẽo, khô khan và tệ đến mức quan hệ tình cảm của ông với vợ lẫn với con gái dường như sắp đổ nát. Từ hồi nhập “hội tử tế”, Oba luôn thức dậy sớm, biết “Ohayogozaimasu” (chào buổi sáng) với vợ và thậm chí sẵn sàng rửa chén sau khi dùng điểm tâm. Vài người thậm chí đạt đến ngưỡng “thượng thừa” với cấp độ 10, khi không chỉ thường xuyên nói lời đường mật “cám ơn em” với bà vợ già, mà còn hiểu được cảm xúc của vợ: sự cô đơn, buồn bã và cả những câu càm ràm “đáng yêu”.

MK