“Những người viết báo hẳn hiểu rằng cái tựa quan trọng đến thế nào. Nó riêng biệt, định hình một phong cách và cái nghề của người viết. Độc giả đôi khi quyết định có đọc bài báo và mẩu tin hay không là từ cái tựa đề. Hoặc có khi họ chỉ nhớ đến một cái tựa đề và nó còn nằm lại với họ lâu dài hơn cả nội dung bài viết. Bởi thế những sinh viên báo chí thường được dạy rằng, mỗi bài viết có khi cần phải đặt ra cả hàng chục cái tựa theo chuẩn mực báo chí, trước khi chọn lại cái tựa cuối cùng cho bài báo của mình. Như mọi nghề nghiệp, báo chí đôi khi đòi hỏi sự công phu và thời gian của những người trong nghề là như vậy.”

Ðoạn văn sâu sắc trên không phải tôi viết, tất nhiên. Nó là một phần trong bài viết “Bài báo không đặt tựa” gần đây của tác giả kỳ cựu của Trẻ – Ðinh Yên Thảo – Người mà suốt những năm đầu bắt đầu đọc tôi đinh ninh là một bà… cô già cẩn trọng và nghiêm túc. Nghĩ cũng lạ, mãi sau này tôi mới biết mình hoàn toàn đặt sai giới tánh hầu như 95% các tác giả của Trẻ. (Vì vậy, sau này bắt đầu viết, tôi thường bỏ hình vào các bài viết để độc giả không… lộn giới tánh của mình.) – Tôi được đọc đoạn trên từ lúc bài chưa được “ra lò”, chưa được in ra giấy. Nhân dịp tôi và ông chú “pha cà phê” của Trẻ đang tranh cãi về cái tựa bài của một bài viết của tôi, ông đã chụp đoạn đó đưa cho tôi xem. Muốn tôi “nghiêm túc rút kinh nghiệm”. Lúc đó, tôi đã đọc qua và hỏi:
– Ðó là một bài báo hả?
Bao nhiêu bức xúc của ông chú kính mến tuôn trào qua tin nhắn trả lời, tôi chú ý nhất là dòng:
– Du Uyên hỏi vậy chú chịu thua!

Thiệt tình tôi nghĩ sao hỏi vậy chứ tôi cũng không có suy nghĩ gì thêm, nhưng đoạn trả lời không mấy ‘thân thiện” kia khiến tôi cảm thấy ấm ức. Hình như đó là lần đầu tiên chúng tôi có điểm chung, đó là cùng ‘chịu thua’ nhau. Sau nhiều ngày nghiêm túc suy nghĩ, quy ‘trách nhiệm’, tôi dần khẳng định tất cả mọi chuyện người gây ra là vị tác giả Ðinh Yên Thảo kia. Nên tôi chờ ngày “Bài báo không đặt tựa” lên Trẻ online để được đọc cho hết rồi định bụng sẽ viết một bài “vạch lá tìm sâu”. Phải đợi lâu như vậy vì tôi đang ở Việt Nam không thể đọc Trẻ trên giấy. (Dẫu gì thì đọc mớ chữ in trên giấy thơm mùi mực hoặc mùi… xôi, bánh mì cũng thích hơn trên màn hình cứng nhắc nhỉ?).
Như đã nói, trước đó tôi chỉ đọc một đoạn trên nên tôi không hề biết bài viết có nội dung gì. Ban đầu tôi nghĩ đó là một bài viết nói về cách đặt tựa đề cho một bài báo hoặc có thể là một “góc chia sẻ” kinh nghiệm viết báo. Nhưng không, nó nói về sự ra đi của những người bạn của tác giả và lý do của cái tựa “Bài báo không đặt tựa”. Bài viết ngắn nhưng nhiều cảm xúc và hình ảnh về sự sống của những cái chết đi qua cuộc đời tác giả. Nhưng, quả tình đọc xong tôi càng… ấm ức! Vốn là người có cảm xúc phong phú, thù thì cũng hơi dai, nên sau vài ngày ngồi cẩn thận “gạn đục khơi trong”, tôi xin cất vào hàng triệu nỗi lòng mà CHỈ liệt kê ra đây 3 cái ấm ức tôi cho là chân chính và lương thiện nhất (theo suy nghĩ của tôi, tất nhiên):

- Về cái tựa.
Tôi như một kẻ đang chạy theo con diều rồi té cái đùng vào nghiệp viết. Làm phận tay ngang, bốn chữ “chuẩn mực báo chí” với tôi khá là “hàn lâm” và xa vời. Ðôi khi tôi có loáng thoáng suy nghĩ, đó là một điều gì đó rất chi là “cổ hủ”. Bản thân tôi cũng không bao giờ dám cho mình là một nhà báo, các bài viết của tôi cũng không hề có chút không khí báo chí nào. Ða phần được (tôi lẫn nhiều độc giả) nhận định là nói-nhảm. Tôi đã từng lên mạng tìm hiểu, đọc các bài viết về cách làm báo, cách “xây dựng” cấu trúc một bài báo ra sao cho thật “khoa học”. Tôi cũng được “những người đi trước” trong làng báo, làng văn nghệ “chia sẻ kinh nghiệm” rất nhiều về cách viết và đặt vấn đề. Tôi cũng đã đọc nhiều tác giả mà bản thân không thích để coi họ viết sao mà nhiều người thích. Sau tất cả, cuối cùng tôi… bỏ cuộc. Ðành chọn viết theo cách nghĩ của bản thân mình, đôi khi biết các suy nghĩ của tôi khá lộn xộn và khó hiểu. Nhưng nếu làm theo đúng các bước thì tôi không làm nổi và cách viết, lời văn của tôi khi bỏ vô bất kỳ chuẩn mực nào cũng đều có thể gây ra ‘sự cố’.
Tuy nhiên, điều thú vị hôm nay tôi nhận ra được: Dẫu đang là người viết chuyên nghiệp hay không, viết báo hay truyện ngắn hoặc bất kỳ thể loại nào. Ai cũng đều đau đầu bởi cái tựa! Bản thân tôi cũng vậy. Tôi sanh sau đẻ muộn, khi mà hầu như mọi vấn đề đều được khai thác, mọi cái tựa đều được dùng. Lại còn phải loay hoay giữa việc nên hay không nên chọn cho mình một cái “tít” thật “hot” câu “view” câu “like” cho bằng bạn bằng bè chăng? Những cái tựa tôi chọn thường là rất ngẫu hứng, đôi khi được cho là chẳng liên quan tới bài viết. Không ít lần phải đổi tựa vì nhiều lý do. Nhiều khi tôi rảnh, cũng ngồi “copy and paste” những cái tựa đề bài viết của mình lên… Google coi tựa đó có ai xài chưa. Khi nghĩ ra một câu nào đó có vẻ… sâu sắc (nếu rảnh) tôi cũng trèo lên Google “copy and paste” coi có ai từng nghĩ vậy chưa. Có khi đọc sách, báo, truyện này kia tôi cũng bắt gặp nhiều suy nghĩ, ý tưởng rất giống với mình, trong khi trước giờ bản thân tôi luôn cho mình là người duy nhất nghĩ ra. Một phần, bởi là người có suy nghĩ phong phú nên đôi khi tôi cũng thất vọng với bản thân nhưng lắm lúc tôi thất vọng với cả thế giới chỉ vì một cái tựa không được duyệt hoặc một câu văn mà người ta cho là không quan trọng.
Nói dài dòng như vậy để nói về điều ấm ức đầu tiên của tôi khi đọc bài báo trên là… cái tựa, hình như chưa ai dùng!

- Về cái siết tay
Như đã tả sơ lược, bài viết “Bài báo không đặt tựa” có những hình ảnh về sự sống của những cái chết đi qua cuộc đời tác giả. (Trong đó những người tôi ngưỡng mộ.) Ðậm nét nhất đối với tôi là câu chuyện phu nhân của họa sĩ Bảo Huân vừa mới mất. Họa sĩ Bảo Huân là một người chú đáng kính mà tôi biết từ Trẻ. Chú là một người kiệm lời (với tôi) nhưng hài hước, vẽ đẹp và luôn cho những lời khen (không biết thiệt lòng hông) lẫn góp ý sau mỗi bài viết để tôi thêm động lực là lòng tin vào… bàn phím của mình. Nhưng, khi chú có chuyện buồn tôi chỉ biết để lại một dòng chia sẻ ngắn trên trang cá nhân của chú, không dám hỏi nhiều lại sợ chú buồn thêm. Tôi đã có suy nghĩ thoáng qua, phải chi mình là người bên cạnh chú và viết những dòng này: “Nghe chuyện mà cảm động, tôi biết anh hụt hẫng nhiều trong sự ly biệt này. Tôi biết an ủi cũng bằng thừa, chỉ biết siết tay anh thật chặt khi nghe chuyện.”
Bởi vậy, không ấm ức, thì tôi đâu phải là tôi!

- Về cái… chết
Từ khi cộng tác với Trẻ tôi có nhiều người bạn hơn, là độc giả, tác giả, những người đứng sau những bài viết in trên Trẻ mỗi tuần. Có người đã gặp cũng có những người chỉ nói chuyện qua chữ nghĩa, email, tin nhắn… Chưa từng gặp nhưng cũng “làm như thân lắm”. Mỗi người đều có cá tính riêng, giọng văn riêng, cách hành xử và cuộc đời riêng (tất nhiên) nhưng thật sự tôi được học hỏi rất nhiều từ mỗi người mặc dầu đã gặp, nói chuyện hay chưa (Câu này hình như ai cũng nói). Cũng nhờ Trẻ tôi biết nhiều tác giả hơn. Ðược nghe nhận xét của họ về bài viết của mình thông qua chú “pha cà phê” của Trẻ. Quan trọng là tôi không còn nhìn sai về… giới tánh của nhiều tác giả nữa. Nhân mùa Lễ Tạ Ơn của nước Mỹ (chắc đã qua rồi), tôi cũng xin cám ơn các thành viên của Trẻ, các tác giả và các độc giả đã luôn giúp đỡ, bỏ qua và đọc những bài viết không đầu không đuôi của tôi. Nhiều khi tôi tự hỏi, cuộc đời con người buồn nhất là gì? Có phải là cái chết của những người thân hay không? Giống như bản thân tôi, tôi không hề sợ chết thậm chí có nhiều khi muốn chết quách cho xong. Nhưng tôi đã từng rất ghét, rất sợ nói và đọc về những cái chết. Thật tiếc là tôi lại sống trên một đất nước mà cái chết diễn ra như hơi thở. Từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây, từng lý do nhỏ nhặt. Bạn thử nghĩ xem, ở cái nơi mà cá có thể chết do… sặc nước thì còn cần lời biện hộ nào cho mọi sự chết khác? Dần dần tôi thấy mình “lỳ” hơn, bắt đầu bớt ghét, bớt sợ khi nói và đọc về những cái chết. Tôi viết về chúng ngày càng nhiều, nhìn về chúng ở nhiều góc cạnh hơn. Thậm chí, đôi khi coi quốc tang của vị vua bên Thái Lan tôi còn tự hỏi sao lãnh đạo người ta chết bắt ham mà lãnh đạo nước mình không chết? Chắc nhiều người mừng lắm, không có kiểu “triệu người vui triệu người buồn” đâu vì bình thường có ông đảng viên nào băng hà cư dân mạng đã reo vui, tung hứng rồi. Tiếc là họ chết lác đác còn dân đen thì chết hàng loạt. Có những cái chết đối với người này chỉ là một con số tượng trưng như “7000 người chết vì tai nạn giao thông 10 tháng đầu năm” “Hàng trăm người chết vì thủy điện xả lũ” “Mỗi ngày Việt Nam có 34 người chết vì mắc ung thư”… Nhưng tôi không biết, với biết bao nhiêu con người, gia đình đã buồn bã thổn thức, “hụt hẫng nhiều trong sự ly biệt” kia? Rồi họ sẽ nhìn vào những cái chết khác như thế nào? Có còn đủ kiên nhẫn để buồn bã u uất như những con người đồng cảm xúc như vị tác giả mẫn cảm “nọ” không?

Tôi ấm ức, vì tôi sắp mất hết sự mẫn cảm đó rồi! Giống như người vợ dưới câu chuyện này:
Tại đám tang, vị Cha xứ đọc bài diễn văn dài về người đã khuất:
– Hôm nay chúng ta đến đây để cầu nguyện cho người quá cố sớm về với Chúa. Ðó là một con người trung thực và nhân hậu, một người chồng chung thủy, hết lòng yêu thương vợ và là một người cha gương mẫu…
Nghe đến đây, bà quả phụ ghé vào tai người con đứng bên cạnh, giọng băn khoăn:
– Con đến gần quan tài và nhìn xem có phải là ba của con đang nằm trong đó hay không?
Và cuối cùng, hãy tin rằng tôi luôn muốn ở bên cạnh bạn khi bạn vui nhất. Vì khi buồn, chắc đã có… tác giả Ðinh Yên Thảo rồi!

DU