Giải chung kết túc cầu thế giới, thường được gọi là FIFA World Cup, sẽ được tổ chức tại Nga từ ngày 14/6 đến 15/7 năm 2018. Bài báo này sẽ đào sâu vào công thức Hiệp Hội Bóng Đá Quốc Tế (FIFA) dùng để sàng lọc 210 đội tuyển quốc gia và tuyển chọn 32 đội vào chung kết.
FIFA chia thế giới túc cầu ra 6 khu vực. Mỗi khu vực có một liên đoàn bóng đá riêng và được gởi một số đội nhất định đến Nga để tranh tài:
- ACF
Asian Confederation of Football, đại diện cho 46 nước Á-Châu, Trung-Ðông và Úc; 4.5 đội.
- CAF
Confederation Of African Football, đại diện cho 54 nước Phi-Châu; 5 đội.
- CONCACAF
Confederation of North, Central American and Caribbean Association of Football, đại diện cho 35 nước Bắc-Trung-Mỹ và các đảo vùng Caribe. 3.5 đội.
- CONMEBOL
South American Football Confederation, đại diện 10 nước vùng Nam-Mỹ. 4.5 đội.
- OFC
Oceania Football Confederation, đại diện 11 đảo quốc Thái-Bình-Dương và New Zealand. 0.5 đội.
- UEFA
Union of European Football Association, đại diện cho 54 nước Âu-Châu. 13 đội + 1 (chủ nhà).
Lý do một số liên đoàn có ½ đội là vì mấy đội về nhì trong liên đoàn đó còn phải chơi playoff với đội về nhì ở một liên đoàn khác để kiếm chiếc vé vào chung kết.
Có vài sự kiện chấn động trong kỳ chung kết năm 2018. Thứ nhất là đội Peru đã vào được WC lần đầu từ năm 1982 sau khi hạ gục New Zealand trong trận vòng loại cuối cùng tại thủ đô Lima. Peru về nhì trong khu vực CONMEBOL, New Zealand về nhì trong OFC, thành ra cả hai phải đấu với nhau hai trận để kiếm chiếc vé thứ 5 được chia sẻ giữa hai liên đoàn. Trận đầu chơi ở New Zealand bất phân thắng bại 0-0. Trận thứ nhì chơi ở sân nhà, đội Peru được gà nhà ủng hộ, khí thế hừng hực. Khi cầu thủ #10, Jefferson Fargan, tung lưới New Zealand ở phút thứ 23, cầu trường vỡ tung như động đất. Thậm chí trung tâm giám sát địa chấn quốc gia của nước láng giềng Chile đã gởi ra một cái tweet cho hay đã đo được một cơn địa chấn nhỏ vào ngay lúc đó!

Cú sốc thứ hai là Hoa Kỳ đã bị loại ở vòng nhì và trượt vé World Cup lần đầu tiên kể từ năm 1986. CONCACAF được xem như một trong những liên đoàn dễ thở nhất của FIFA, vậy mà đội tuyển Mỹ dưới sự dìu dắt của HLV Bruce Arena đã bị đội tép riu Trinidad/Tobago hạ nhục 2-1 trong trận cuối cùng của Vòng 5, thay vì chỉ cần huề là đủ 13 điểm để vào chung kết nếu Panama (10 điểm, hạng 5) huề hay thua trận cuối cùng với Honduras (13 điểm, hạng 4).
Nhưng không ngờ Panama đã thắng Honduras 1-0 để lấy 3 điểm, bằng một trái banh không vượt lằn ranh của khung thành nhưng lại được cho là lọt lưới. Rất tiếc là luật FIFA cho tới nay vẫn chưa cho dùng video quay chậm để kiểm chứng, cho nên Panama đang từ hạng 5 nhảy cái rẹt lên hạng 3, lãnh được chiếc vé đi Nga cùng với Mexico (21 điểm, hạng nhất) và Costa Rica (16 điểm, hạng nhì). Mỹ (12 điểm) đang từ hạng 4 rơi xuống hạng 5 và bị loại.
HLV Bruce Arena nhận lỗi về phần mình vì đã không chuẩn bị cho đội tuyển Mỹ đến nơi đến chốn. Và đã có dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ tìm một người HLV mới để thay thế Arena. Ðiều đáng buồn là một số cầu thủ trẻ đang lên sẽ không có cơ hội chơi vào năm tới, và thế hệ đàn anh lão thành sẽ không còn cơ hội nào nữa vì sẽ quá già năm 2022. Theo nhận xét của một số phân tích gia thì đội tuyển Mỹ đang trải qua một giai đoạn chuyển tiếp, cho nên sẽ phải mất một khoảng thời gian để gầy dựng lại đội hình. Chính vì vậy mà trong những trận đấu ở vòng ngoài đội tuyển Mỹ đá không đều—khi thì thắng đậm, khi thì thua lãng nhách, hoặc huề với những đội lẽ ra yếu hơn (như Costa Rica hay Trinidad).

Về phần Honduras, với 13 điểm ở vị trí hạng 4, phải đấu với Úc của ACF để tranh ½ chiếc vé còn lại. Nhưng cuối cùng Honduras cũng bị loại sau khi bị Úc đập te tua 3-1. Kết quả là từ phía Á Châu năm nay sẽ có mặt: Úc, Nhật, Nam Hàn, Iran và Saudi Arabia.
Nhưng nếu việc Mỹ bị loại khỏi World Cup 2018 là một cơn địa chấn, thì sự kiện Ý bị loại phải gọi là tận thế. Không một ai, kể cả những người theo dõi túc cầu cặn kẽ nhất, đoán trước được chuyện này. Từ khi Pelé còn thao túng sân cỏ năm 1958 tới nay, lần World Cup nào cũng có mặt Ý Ðại Lợi, và Ý cũng đã đoạt 4 chiếc cúp, gần đây nhất là năm 2010.
Mặc dù liên đoàn Âu Châu UEFA là lớn nhất và có nhiều đội mạnh như Anh, Pháp, Tây Ban Nha v.v. nên muốn lọt vào World Cup không phải dễ, nhưng ngược lại UEFA có đến 13 vé chung kết, tha hồ cho các đội banh đấu đá giành giựt.
54 đội của UEFA được chia ra 9 nhóm. Sau vòng đầu, 9 đội đứng đầu mỗi nhóm được vào chung kết. 8 đội đứng hạng nhì với tổng số điểm cao nhất phải đấu với nhau để giành 4 cái vé còn lại. Trong số 8 đội đó thì Thuỵ Sĩ đứng nhất với 21 điểm, Ý hạng nhì với 17 điểm, Ireland và Sweden nằm dưới cùng với 13 điểm. Trong vòng quyết tử, Ý phải đá với Sweden hai trận. Nếu Ý thắng trận đầu coi như xong. Nhưng không ngờ Sweden lại hạ Ý 1-0, thành thử hai bên phải chơi thêm trận thứ nhì để quyết định. Vì đã gác 1 điểm từ trận trước, Sweden bèn dùng chiến thuật phòng thủ bằng mọi giá và trận banh kết thúc với tỉ số 0-0. Thế là Sweden lọt vào chung kết.
Cả nước Ý như chịu quốc tang. HLV Ý phải từ chức. Thủ môn Gianluigi Buffon đã không cầm được nước mắt sau trận đấu. Không biết bao nhiêu nhà cái đã hốt bạc, và những ai dám bỏ tiền đặt cược cho Sweden trở nên giàu to. Kinh tế nước Ý đang u ám, với tỉ lệ thất nghiệp rất cao, giờ sẽ còn thê thảm hơn vì số lượng người coi World Cup sẽ ít đi, tiền quảng cáo sẽ giảm, và các đài TV radio sẽ mất thu nhập. Một bầu không khí ảm đạm bao trùm nước Ý, đa số người dân còn quá trẻ để biết cảm giác xem World Cup không có nước Ý tham dự ra làm sao cả.
Nhưng ngược lại, 2018 cũng đánh dấu sự có mặt lần đầu tiên của đội Iceland, một quốc gia nhỏ xíu dân số chưa tới 400,000 người. Năm 2016 trong giải túc cầu Âu Châu (Eurocup) Iceland đã chứng tỏ bản lãnh khi hạ bệ mẫu quốc England 2-1 để tiến vào tứ kết (thua Pháp 5-2). Năm nay một lần nữa Iceland đã kiếm đủ điểm để vào World Cup trong khi một số đội mạnh khác lại bị loại như: Hoà Lan, Hy Lạp, Canada, Bosnia, Chile, Hungary, Ireland… Nhiều người đang thấp thỏm chờ đợi xem Iceland sẽ lọt vào Bảng nào sau cuộc bốc thăm vào đầu tháng 12 tại Moscow. Nếu may mắn, biết đâu Iceland sẽ vượt qua vòng loại để tiến sâu hơn nữa.

Sau đây là tổng kết 32 đội banh vào chung kết, được bỏ vào 4 cái Rổ (Pot) trước khi bốc thăm. Rổ thứ nhất gồm 8 đội mạnh nhất, Rổ thứ 4 là 8 đội yếu nhất (dựa theo FIFA). Sau khi bốc thăm, mỗi đội trong một Rổ sẽ được cho vào 1 trong 8 Bảng (Group) từ A tới H. Như vậy, trên lý thuyết mỗi Bảng sẽ có đồng đều các đội từ mạnh nhất đến yếu nhất.
Ðể khỏi lộn xộn, tên các quốc gia đều dùng phiên âm tiếng Anh; con số (trong ngoặc đơn) là thứ hạng trên thế giới của đội tuyển nước đó do FIFA chỉ định.
1: Russia (65, chủ nhà); Germany (1); Brazil (2); Portugal (3); Argentina (4); Belgium (5); Poland (6); France (7)
2: Spain (8); Peru (10); Switzerland (11); England (12); Colombia (13); Mexico (16); Uruguay (17); Croatia (18)
3: Denmark (19); Iceland (21); Costa Rica (22); Sweden (25); Tunisia (28); Egypt (30); Senegal (32); Iran (34)
4: Serbia (38); Nigeria (41); Australia (43); Japan (44); Morocco (48); Panama (49); South Korea (62); Saudi Arabia (63)
Tính đến tháng 10, 2017 Việt Nam được FIFA xếp hàng thứ 121 trên thế giới, sau Trung Quốc khá xa (57), nhưng trên Ðài Loan (154), Hồng Kông (140), Cam Bốt (170), luôn cả Thái Lan (138). Trong vòng nhì của ACF, Thái Lan và VN nằm cùng Bảng F với Iraq và Ðài Loan. Sau 6 trận, Thái Lan dẫn đầu bảng với 14 điểm (4-2-0) [Thắng 3 điểm – Huề 1 điểm – Thua 0 điểm]. Iraq đứng nhì với 12 điểm (3-3-0); Việt Nam thứ ba với 7 điểm (2-1-3) và Ðài Loan hạng chót với 0 điểm (0-0-6).
Vì đứng hạng 3 nên VN chỉ được vào vòng kế của giải túc cầu Á Châu (Asia Cup) mà thôi. Còn Thái Lan và Trung Quốc, tuy vào được vòng tuyển kế tiếp của AFC nhưng lại về chót trong Bảng của mình nên cũng không kiếm được vé đi Nga. Nói tóm lại, Nhật và Nam Hàn vẫn là hai đội mạnh nhất của Á Châu hiện nay. Còn Việt Nam? Chắc phải Tết Công Gô may ra mới lọt vô nổi.
BB