Thiên di tìm nơi cư trú là hòa điệu của thiên nhiên, là nhịp thở của quả địa cầu… Chúng ta đã nhắc tới điều này trong bài trước khi tả lại cuộc thiên di của bầy chim trong phim Winged Migration. Gần đây đọc Tưởng Năng Tiến cũng thấy nói tới cuộc thiên di của những con vịt trời và cả đàn bướm Monarch Butterflies nữa. Xin trích sau đây gởi các bạn và cả Nguyễn cũng như Tưởng Năng Tiến mang thân phận ly hương mơ về cố quận.
Tưởng Năng Tiến viết như sau:
“… Ba mươi năm sau, có hôm, tôi đọc được một đoạn văn khác nữa về loài di điểu: Ngỗng Gia Nã Ðại sinh nở tại những đầm những hồ ven các đồng lúa bát ngát miền Alberta và Saskatchewan, mùa thu rủ nhau cả ngàn bay về miền Nam trốn cái lạnh khắc nghiệt… Nhưng không quên gốc nguồn, xuân tới chúng lại tập hợp thành đàn và quy cố hương. Cái ấm áp của miền Nam không thể cướp được luôn đàn ngỗng có tình. Ðiều kiện sinh sống chỉ cần bớt khắc nghiệt đôi chút là ngỗng lại bay về cố hương. (Mai Kim Ngọc, Câu Chuyện Bảo Tồn Văn Hóa, Văn Học, tháng 10, 97).”
Và xin hãy nghe Tưởng Năng Tiến tâm tình:
Bây giờ thì tôi cũng đã xa Việt Nam không phải hàng ngàn mà là hàng vạn dặm. Nơi tôi tạm trú, khi thời tiết bắt đầu trở lạnh, mỗi ngày vẫn có cả ngàn con ngỗng xuôi Nam – làm vang vọng cả bầu trời mùa Ðông xám đục bằng những tiếng kêu buồn buồn thê thiết.
Cũng qua bài báo đã dẫn, nhà văn Mai Kim Ngọc còn đề cập đến một hiện tượng kỳ bí và ngoạn mục hơn nữa của thiên nhiên: Ðó là chuyện bướm, một loại bướm nổi danh, cũng của Gia Nã Ðại. Tên bướm là Monarch Butterfly, tạm dịch là Vương Ðiệp. Mỗi mùa thu, bướm tụ họp hàng triệu con tại những nội cỏ miền Tây Gia Nã Ðại, nhởn nhơ vài ngày với những bông hoa dại cuối mùa, rồi theo một hiệu lệnh bí mật chỉ loài bướm biết, chúng đồng loạt cất cánh xuôi Nam. Mảnh dẻ thế mà chúng bay xấp xỉ ba ngàn cây số, dọc hết Hoa Kỳ, băng qua Trung Mỹ để xuống tận Nam Mỹ. Xuân tới, chúng lại tập họp cùng nhau bay trở lại Gia Nã Ðại. Trên đường hồi hương, chúng dừng lại nhiều trạm, mỗi trạm khá lâu, đủ để cặp đôi và đẻ trứng. Ðời bướm ngắn hạn, những con bướm khởi hành mùa thu năm trước từ Gia Nã Ðại sẽ chết trên đường về, và không bao giờ được thấy lại cố hương.”
“Nhưng từ mớ trứng đẻ tại những đồng cỏ dọc đường, hoặc dưới Mễ Tây Cơ hoặc tại Mỹ, những con sâu róm nở ra, tham ăn chóng lớn như tầm ăn rỗi. Trưởng thành chúng dệt kén chui vào để biến thành nhộng. Ðủ ngày, nhộng thành bướm, cắn kén chui ra. Ðàn bướm hậu sinh mới nở tại những vùng đất gọi là tạm dung, vừa kịp cứng cáp đã họp nhau lại để bay tiếp chuyến bay quy cố hương mà cha mẹ đã bỏ dở. Chúng bay về một gốc nguồn không phải sinh quán. Chúng bay về một nguyên quán chúng chưa từng thấy. Thường thường phải ba bốn thế hệ nối tiếp, bướm mới hoàn tất lộ trình hồi hương. Theo tác giả, đó là “một vòng kín của sự sống”. Vòng kín này bản chất liên tục, vô thủy vô chung.”
Tưởng Năng Tiến cũng nói tới kinh nghiệm cá nhân của mình về chuyện thiên di
Ðã lâu, tôi tình cờ đọc được một mẩu tin ngắn trên báo Nhân Dân – số ra ngày 3 tháng 10 năm 99, phát hành tại Hà Nội – như sau: 130 Chim Sếu Ðầu Ðỏ Về Khu Bảo Tồn Tràm Chim (Ðồng Tháp). Năm nay, thời gian chim sếu về khu bảo tồn Tràm Chim cũng giống như năm trước, nhưng số lượng chim sếu đã giảm đi một nửa. Nguyên nhân sự giảm sút trên chưa được xác định. Ðược biết, năm 1998 vào thời cao điểm có tới 510 chim sếu đầu đỏ đã về Tràm Chim.”
Cũng báo Nhân Dân, đúng mười ba tháng sau, số ra ngày 10 tháng 04 năm 2000, tiếp tục và thản nhiên loan tin: “Theo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tràm Chim, đến đầu tháng 4 năm 2000, đã có khoảng 300 con sếu đầu đỏ về kiếm ăn…, so với năm 1999 giảm 100 con.”…”
Thiên di trở về nơi cội nguồn là bản năng của loài có cánh nhưng tại sao những con sếu Tràm Chim không về. Và cả những con người như chúng ta cũng bứt lìa cố xứ. Tại sao? TNT tâm tình: Tôi mường tượng đến hình ảnh của những đàn sếu đỏ đầu lượn vòng ngập ngừng đôi ba lần trên một vùng đất hoang vu rồi vỗ cánh …bay luôn mà không dưng (chợt) thấy não lòng. Chúng đã quyết định không trở lại nơi chốn cũ. Những con sếu mỏng mảnh bất hạnh rồi sẽ tiếp tục xoải cánh đến tận đâu? Sang năm nữa, còn được bao nhiêu con chim sếu sẽ về Ðồng Tháp? Bao nhiêu con khác nữa sẽ rã cánh ở những chân trời vô định? Và bao lâu nữa thì quê hương tôi sẽ trở thành một nơi hoàn toàn hoang vắng vì không sinh vật nào có thể sống được ở Việt Nam?
Cảm động quá bạn nhỉ. Ôi, xót xa cho những thân phận lưu vong không có ngày về và nơi để về. Nguyễn tôi đã diễn tả điều này trong một khúc thơ:
TN
này anh em. bạn bè
chúng ta đã đi hết biển
qua các đại dương. và châu lục
không về lại mái đình xưa
bá ngọ
thời của quỷ
ngói lở. cột xiêu. sen tàn. mùa hạ chết
để gặp nhau đây. điểm hẹn boston
con tàu may flower. bắc qua thế kỷ. ký ức của tiếng sóng bờ xa
về phố biển. trời plymouth
vâng. tôi từ xứ bò. miền đồng cỏ
hái bông vô ưu. ngày nắng phai
chào boston. thế giới dường như rất nhỏ
xướng ca. ồn. quên lệ rơi
TN