Menu Close

Vilnius (kỳ 2)

Trường đại học Vilnius bao gồm những tòa nhà đẹp nên thành phố chọn làm nơi cho du khách thăm viếng để bán vé vào cửa. 

vilnius-ky-2h
KFC trên đường phố chính

phần 2

Lithuania có một cổ tục rất đáng yêu ngày tựu trường là học trò lớn nhỏ mang hoa tươi đến tặng thầy cô. Trên đường phố Dế Mèn thấy người người cầm hoa đi xuôi ngược, hỏi ra mới vỡ lẽ.

Vòng ra phố chính, tòa nhà nơi sứ quán Ireland thuê chỗ cũng là cửa tiệm KFC ở tầng dưới. Tòa đại sứ Ðức thì bề thế hơn, chiếm nguyên một dãy phố.

Vilnius Cathedral và tháp chuông chiếm một chỗ khá lớn trong công trường thành phố, town square. Xây cất trên nền một đền thờ đạo thiên nhiên từ thế kỷ XIII, sau nhiều thay đổi, ngay bề mặt của nhà thờ có kiểu French Classic pha trộn với Baroque địa phương, cũng những cột nhà rất lớn nên trông từa tựa như các đền thờ Hy Lạp. Trong thập niên 50 của thế kỷ trước, nhà thờ bị chính quyền Sô Viết đóng cửa, dùng làm nhà để xe, sửa chữa xe vận tải và đến thập niên 90 mới trao trả Hội Thánh La Mã. Từ đó thành phố và cư dân góp tay tu bổ sửa chữa, phục hồi các bức tượng, tranh vẽ xưa cũ.

vilnius-ky-2g

vilnius-ky-2f
Nhà thờ St Casimir, bên ngoài và bên trong

Dế Mèn có cái máy hình cà quỷnh, nhà thờ không cho xài “flash” nên hình ảnh mờ ảo không được ưng ý. Sau chuyến đi này, phe ta ắt sẽ cần một dụng cụ chụp hình, thu hình “hiện đại” hơn.

Nhà thờ Thánh Casimir được xây để vinh danh một hoàng tử bỏ hoàng thành đi tu, chịu sống khổ hạnh với kẻ nghèo khó. Hoàng tử Casimir mất năm 25 tuổi vì bệnh lao, hình ảnh để lại cho thấy ông Thánh có đến…ba bàn tay (để cứu giúp người nguy khốn). Ông hoàng tử sống đời nghèo khó nhưng nhà thờ xướng danh lại rực rỡ với các cột đá cẩm thạch, hình tượng thếp vàng…

Nhà thờ Sts. Peter and Paul nằm bên ngoài Phố Cổ, được xem là ngôi nhà thờ nhiều lịch sử nhất của thành phố. Cũng kiến trúc Baroque bên ngoài, bên trong trang trí theo kiểu Neo-Classic pha lẫn với Gothic, có cả một chiếc đèn pha lê có hình chiếc tàu Viking, thả từ trần nhà.

vilnius-ky-2d

vilnius-ky-2e
Nhà thờ Sts Peter and Paul, bên trong và bên ngoài

Nhìn chung, dưới thời liên bang Sô Viết, nhà thờ nào cũng cùng số phận, bị cướp bóc, hủy hoại, chịu bỏ phế suốt nửa thế kỷ nên cổ ngoạn mất mát gần hết, những món cổ trưng bày ngày nay thường do tư nhân cất giấu được và tặng lại cho nhà thờ hoặc là bản copy của cổ vật ngày trước. Giọng người dẫn đường đều đều chịu đựng, chỉ trỏ giải thích các tấm ảnh xưa, chụp lại hình ảnh thời Sô Viết, rồi cư dân chung tay sửa chữa, gầy dựng lại tích cũ.
Thành phố cũng có một vài nhà thờ của giáo hội Chính Thống Nga, Russian Orthodox church, nhưng không ghé thăm vì người dẫn đường biểu rằng hãy đến Nga mà xem, đẹp mắt hơn?! Nghe mà chùng lòng quá thể!

Mấy ngày liền nhóm du khách được ăn món địa phương, bữa nào cũng súp, món chính với thịt hoặc cá và món ngọt tráng miệng. Bữa tối thường có thêm bánh mì lúa mạch đen thui, và cả khoai tây. Dế Mèn không thấy bánh [lúa] mì trắng, chỉ thấy rye (đại mạch?) và wheat (kiều mạch?) chế biến thành bánh mì có màu sậm và cả món tráng miệng, bánh mì nghiền nát ăn chung với kem tươi ngọt ngọt và vài trái dâu nhỏ xíu, không biết là dâu gì, cái tên lạ hoắc nên phe ta không tài nào nhớ nổi. (Ðịnh ghi chép nhưng thấy kỳ kỳ nên Dế Mèn đành thôi). Người địa phương dùng ngò tây (parsley) và thìa là (dill) tươi làm gia vị, món salade thường có dưa leo và cà chua trộn chung với giấm và thìa là; bắp cải cũng xuất hiện thường xuyên dưới dạng bóp giấm hoặc nấu súp. Người dẫn đường quảng cáo món đặc biệt, cổ truyền ‘Cepelinai’, hay “zeppelins” theo phiên âm Anh ngữ, mới nghe qua Dế Mèn lại tưởng là một loại bánh tiêu chiên phồng rải đường bột của dân Ý tên “zepolin” nhưng bé cái lầm. Hai món này khác xa, từ hình dạng đến hương vị. Cepelinai hay ‘didžkukuliai’ là món ăn quốc hồn quốc túy của người Lithuania, chế biến từ khoai tây. Bột khoai tây trộn lẫn với khoai tây bằm làm vỏ, nhân là thịt băm trộn chung với nấm và phó mát rồi đem luộc, một loại “dumpling”, ăn chung với sốt kem. Ăn một cái cỡ nắm tay là no từ sáng đến chiều!

Thành phố rất sạch sẽ, không thấy bá tánh bỏ rác bậy bạ, đất không giàu nhưng người có tinh thần công dân, civil responsibility, cao? Vilnius dựa lưng dòng sông, dưới cầu sông nước lặng lờ, chân cầu cũng có tranh vẽ (graffiti). Và không chỉ vẽ vời dưới chân cầu, các tay nghệ sĩ dân gian còn bày tỏ quan điểm chính trị qua những bức tranh tường, nổi tiếng nhất là bức vẽ cảnh hai ông lãnh tụ ôm nhau (bắt chước mấy tấm hí họa Hitler và Stalin ôm nhau thắm thiết năm xưa) với nhan đề “Make everything great again”. Tạm hiểu là cư dân không mấy hoan hỷ với ý muốn bành trướng lãnh thổ của Nga Sô và đánh đồng ông Trump với ông Putin cùng tư tưởng “nationalism” (“dân tộc”?)!?

vilnius-ky-2c
Hí họa trên tường vẽ hai ông Trump & Putin

Phố Cổ của Vilnius không lớn lắm, đi bộ chừng hai tiếng là có thể nhìn ngắm gần hết những điểm chính. Giữa những con đường hẹp ngoằn ngoèo uốn khúc theo dòng sông là các con hẻm nhỏ, nhà cửa bên trong chưa được sửa chữa, trông vẫn tang thương, tiều tụy như thủa còn xếp hàng lãnh tem phiếu.

Từ công trường Nhà Thờ Chính Tòa, Vilnius Cathedral Square, nhìn quanh sẽ thấy đầy đủ các dinh thự lớn. Royal Palace, một thời dùng làm kho lúa sau khi thành phố bị quân đội Nazi xâm chiếm, khuân vác hết bảo vật quý giá rồi đốt phá. Hồng Quân Nga chiếm lại rồi tiếp tục cai trị, vo tròn bóp méo theo chính sách cộng sản.

vilnius-ky-2b

Viện Bảo Tàng Quốc Gia, National Museum cũng gần một bên, khoảng 5 phút đi bộ. Bên ngoài có bức tượng Vua Mindagas, người dựng nước, bên trong chẳng có chi nhiều. Thật là ái ngại, mất nước là mất tất cả? Di sản tổ tiên, tài vật, văn hóa…

Ðằng sau viện bảo tàng là lâu đài Gediminas nằm trên đồi. Từ trên đồi ta có thể nhìn ngắm thành phố dưới chân. Buổi chiều, nhóm du khách rủ nhau đi xem viện bảo tàng KGB, trụ sở của cơ quan mật vụ của chính phủ Xô Viết ngày trước, tên chính thức là “Museum of Genocide Victims”. Bên ngoài có những bức vách trưng bày tranh vẽ của nhi đồng thành phố, diễn tả ý tưởng về các biến cố dưới thời Xô Viết và về ngày độc lập, những bức tranh vẽ xe tăng, súng máy và mơ ước tự do [“Laisva”] độc lập cho đất nước [“Lietuva” hay “Lithuania”].

Thành phố đặt đài tưởng niệm các nạn nhân của liên bang Xô Viết. Mỗi thôn làng có người bị giết góp một viên đá và đài tưởng niệm thành hình.

vilnius-ky-2a
National Museum

Suốt thế kỷ XX, gần một trăm năm chịu sự cai trị của bạo quyền, Xô Viết và quân đội Nazi, dân Lithuania từng nhóm nhỏ trỗi dậy, chống đối đòi độc lập, và đã bị tàn sát thẳng tay. Thoạt tiên là những trận càn quét, các nhân sĩ, người có tên tuổi và gia đình bị bắt trong đêm tối và chuyển đi Tây Bá Lợi Á rừng thiêng nước độc, đày đọa cho đến chết. Sách lược của Xô Viết là tru diệt tận gốc rễ và tàn sát thẳng tay những người bất đồng chính kiến, khởi đầu từ thời Stalin. Khi quân Nazi kéo vào thành phố, cư dân mừng quá tưởng thoát ách cộng sản nên mang hoa chào đón. Ngờ đâu Nazi cũng áp dụng cùng sách lược, vơ vét tài sản và tru diệt nhân sĩ, các nhà tư tưởng nhất là cư dân gốc Do Thái. Từ một thành phố đông cư dân Do Thái nhất nhì Âu Châu, sau trận càn quét, Vilnius ngày nay chỉ còn lơ thơ vài trăm người sống rải rác và “phố Do Thái” hoàn toàn mất dấu! Dù khác ý thức hệ (ideology) nhưng quân đội Hitler học và áp dụng sách lược tru diệt [kẻ khác dòng giống] từ cộng sản Nga; rồi cộng sản Tàu, cộng sản Cam Bốt và cộng sản Việt cũng bắt chước tàn bạo in hệt. Sự khác biệt là Nazi tru diệt dân Do Thái, cộng sản Sô Viết tru diệt dân [các nước] chư hầu trong khi cộng sản Tàu và cộng sản Việt tru diệt chính đồng chủng, người cùng tổ tiên! Không hiểu tại sao, sự tử tế không nảy mầm lan truyền rộng rãi như cái tàn độc hung bạo?

vilnius-ky-2
KGB museum, bên trong

Trụ sở KGB đầy đủ các phòng giam, nơi tra tấn, nơi đặt máy móc nghe lén… Phòng ốc thâm u, trên tường đầy những tấm ảnh của nạn nhân từ lúc bị bắt đến lúc bị giết… Người dẫn đường nói rằng suốt mấy chục năm lúc nào đất đai chung quanh trụ sở ấy cũng ướt và tanh mùi máu… Hồng Quân Nga chiếm xứ sở Luthuania bạo tàn như thế nào thì lúc ra đi đất nước ấy cũng tắm máu như thế. Không lạ là người Lithuania căm ghét cộng sản Sô Viết và nghi ngại dân Nga.

Những tấm hình trên tường, các nạn nhân, từ thường dân, tu sĩ đến kẻ chống đối bị bắt, đôi mắt nào cũng u uẩn thất thần như nhau, thật kinh hoàng.

Cảm tưởng? Là một vùng đất hiện diện từ thời Phục Hưng (Renaissance) nhưng Lithuania nói chung và thủ đô Vilnius nói riêng mất mát khá nhiều di tích và cổ ngoạn, thành phố đang vươn mình tu bổ, thu góp lại gia sản tinh thần.

TLL