Menu Close

Giáo hoàng Francis và vùng đất Á châu

Chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng Francis đến Miến Điện và Bangladesh kéo dài trong suốt tuần lễ qua và kết thúc vào hôm Thứ Bảy 2/12 được xem như là một sự kiện lịch sử đối với hai quốc gia này và đặc biệt là đối với hai cộng đồng Công giáo rất nhỏ bé của họ mà mục đích Ngài đến là để bày tỏ sự ủng hộ và khuyến khích về những việc làm của họ đối với xứ sở nơi họ đang sống. Trong trường hợp của Miến Điện, đây là cuộc viếng thăm đầu tiên từ trước tới nay bởi một vị Giáo hoàng đến với đất nước này.

giao-hoang-francis
Giáo hoàng Francis trong buổi lễ ngoài trời tại Yangon, Miến Điện – nguồn www.catholicherald.co.uk

Tuy nhiên, lịch trình sinh hoạt của Giáo hoàng trong chuyến viếng thăm Á châu lần này đã bị lu mờ bởi một câu hỏi rằng Ngài có sẵn sàng lên tiếng bênh vực cho nhóm người thiểu số Rohingya gốc Hồi giáo ở Miến Ðiện, hiện đang là mục tiêu của một chiến dịch đàn áp hết sức tàn nhẫn của nhóm quân đội xứ này. Giáo hoàng đã làm thất vọng nhiều người, trong đó có nhiều nhóm tranh đấu nhân quyền trên thế giới, vì đã không công khai nhắc đến hoàn cảnh khó khăn của họ hoặc đích danh gọi họ là “người Rohingya” trong khi Ngài còn đang ở Miến Ðiện, nơi mà danh xưng này là một điều cấm kỵ.

Các giới chức chính quyền Miến Ðiện từ trước tới nay vẫn cố tình không gọi họ là người Rohingya mà chỉ gọi họ là người Bengal, với thâm ý cho rằng người Rohingya đã từ Bangladesh di cư sang Miến Ðiện một cách bất hợp pháp mặc dù nhiều tài liệu đã chứng minh rằng nhóm người thiểu số này đã sống trên vùng đất thuộc tiểu bang Rakhine của Miến Ðiện từ nhiều thế kỷ nay.

Kể từ Tháng 8 năm nay, một chiến dịch được phát động bởi quân đội Miến Ðiện đã xua đuổi hơn 600,000 người Rohingya sang bên kia biên giới của Bangladesh. Quân đội Miến Ðiện nói rằng họ đang đuổi bắt những phần tử nổi loạn Hồi giáo đã tấn công một đồn an ninh của cảnh sát. Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ đã gọi đây là chiến dịch thanh tẩy sắc tộc, và chính cá nhân Giáo hoàng gọi đây là cuộc đàn áp tôn giáo.

Nhiều nhà lãnh đạo Công giáo tại Miến Ðiện đã cảnh báo Giáo hoàng là không nên bàn đến vấn đề người Rohingya trong chuyến viếng thăm vào lúc này là vì điều này có thể gây ra những phản ứng bất lợi từ những phần tử Phật giáo quốc gia cực đoan đối với cộng đồng Ki tô giáo tại đây, và có thể làm phương hại đến phong trào dân chủ hoá của đất nước Miến Ðiện sau nửa thế kỷ cai trị bởi những tập đoàn quân phiệt.

Cho dù hoàn cảnh có tế nhị thế nào thì vấn đề người tị nạn Rohingya cũng không thể không nhắc tới. Và vì vậy, hôm Thứ Sáu 1/12, ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm hai quốc gia châu Á trước khi Giáo hoàng bay về lại Roma, trong khi gặp gỡ một nhóm nhỏ gồm 16 người tị nạn Rohingya trong một buổi cầu nguyện mang tính cách liên tôn tại Dhaka, thủ đô của Bangladesh, Ngài đã làm điều mà chỉ mấy ngày trước đã không làm được: Gọi đích danh người Rohingya bằng danh xưng của họ, và xin được họ rủ lòng tha thứ. Ngài đã nói nguyên văn như sau: “Ðừng khép kín lòng mình, đừng ngó mắt đi nơi khác. Sự hiện hữu của Thượng đế hôm nay được gọi bằng danh xưng Rohingya.”

giao-hoang-francis2
Giáo hoàng Francis và lãnh tụ Aung San Suu Kyi tại thủ đô Naypyidaw ngày 28 tháng 11 – nguồn AFP/Getty Images

Ðứng trước nhóm người tị nạn, Giáo hoàng Francis còn nói thêm: “Nhân danh những kẻ bức hại các bạn, những kẻ đã làm điều sai trái đối với các bạn, và trên hết là sự thờ ơ của thế giới, tôi xin các bạn rủ lòng tha thứ. Nay tôi cầu mong từ tấm lòng độ lượng của các bạn, rằng các bạn có thể ban cho chúng tôi sự tha thứ mà chúng tôi đang tìm kiếm.”

Mặc dù những lời từ đáy lòng của Giáo hoàng Francis đã không được thốt ra khi Ngài còn đang ở Miến Ðiện và danh xưng người Rohingya chỉ được Ngài nhắc đến trong ngày cuối của chuyến viếng thăm, nhưng ít ra Ngài đã nhắc đến họ và an ủi phần nào nỗi thống khổ của những con người vô tổ quốc hiện đang sống vất vưởng mà có lẽ nay mai thế giới rồi cũng sẽ bỏ quên họ.

Cũng trong ngày cuối của chuyến viếng thăm, một bản tin cho biết chính quyền Miến Ðiện đã ra thông cáo cho phép người Rohingya được trở về nhà của họ. Ðây được xem là kết quả của một cuộc thương lượng giữa Toà thánh và chính quyền Miến Ðiện diễn ra đằng sau hậu trường, mặc dù có nhiều người am hiểu tình hình cho rằng tiến trình để những người Rohingya có thể chính thức trở về nhà của họ có lẽ sẽ phải mất nhiều năm, đó là chưa kể có nhiều người Rohingya không có lấy một mảnh giấy chứng minh do kết quả của một âm mưu chính trị của nhóm quân phiệt từ nhiều năm trước đây.

Tuy ý nghĩa của chuyến viếng thăm hai quốc gia Á châu lần này bị bao phủ bởi vấn đề khủng hoảng người tị nạn Rohingya, nhưng một lần nữa nó đánh dấu sự quan tâm đặc biệt của Giáo hoàng Francis đối với vùng đất Á châu.

Kể từ khi được bầu làm Giáo hoàng vào năm 2013 đến nay, Ngài đã có ít nhất ba chuyến viếng thăm Á châu: thăm Nam Hàn Tháng 8 năm 2014; thăm Sri Lanka (Tích Lan) và Philippines đầu năm 2015; và nay thăm Miến Ðiện và Bangladesh. Ngoài Philippines là quốc gia mà đa số dân chúng theo Công giáo, còn tất cả những quốc gia kia mà người dân theo đạo Công giáo, hay rộng hơn là Ki tô giáo, chỉ là thiểu số, thậm chí là những cộng đồng thiểu số rất nhỏ.

Vậy tại sao Giáo hoàng Francis lại phải cất công năng đến thăm vùng đất Á châu nơi cộng đồng Công giáo chỉ là thiểu số? Lý do là vì vùng đất Á châu có nhiều tiềm năng cho sự phát triển của giáo hội Công giáo. Hiện nay, tỷ lệ người Công giáo trên toàn khu vực Á châu chiếm không quá 6 phần trăm.

Trong chuyến viếng thăm Philippines năm 2015, Ðức Giáo hoàng Francis đã không úp mở nói rằng: “Á châu là tương lai của Công giáo.”

Kể từ năm 2013, Giáo hoàng Francis đã phong Hồng y lần đầu tiên cho một loạt quốc gia, trong đó có những quốc gia trước đây khó lòng có thể có được một Hồng y do tỷ lệ dân Công giáo quá ít như Lào (ít hơn một phần trăm dân số là Công giáo) và quần đảo Tonga ở Nam Thái Bình Dương (chỉ có 14,000 người là Công giáo), trong khi lại bỏ qua không phong Hồng y cho một số địa phận lớn ở phương tây.

Chuyến viếng thăm của Ngài đến Miến Ðiện và Bangladesh vừa qua cho thấy trong tương lai giáo hội sẽ còn quan tâm hơn nữa tới những cộng đồng Công giáo bị thua kém mà lại ở xa trung tâm. Cả hai quốc gia trên cũng vừa mới có Hồng y, với Miến Ðiện là tân Hồng y Charles Bo và Bangladesh là tân Hồng y Patrick D’Rozario. Cả hai cộng đồng Công giáo nhỏ bé này hiện đang phải đánh vật với đói nghèo cũng như những căng thẳng tôn giáo và sắc tộc, tuy nhiên họ lại gây được ảnh hưởng không nhỏ lên toàn xã hội vượt xa cái tỷ lệ dân số nhỏ bé của họ ở hai xứ sở này.

Cộng đồng Công giáo ở Miến Ðiện chỉ có 650,000 trong tổng số 52 triệu dân mà trong số đó có nhiều người thuộc các sắc tộc thiểu số. Dưới thời cai trị của quân phiệt, họ cũng bị đối xử tàn tệ nhưng nay trong thành phần chính phủ dân sự đã có một Phó tổng thống gốc Ki tô giáo là Henry Van Thio, là chức vụ cao cấp lần đầu tiên được trao cho một người không theo đạo Phật.

giao-hoang-francis1
Giáo hoàng Francis gặp gỡ người tị nạn Rohingya tại Dhaka, Bangladesh – nguồn DNA India

Giáo hội Công giáo tại Miến Ðiện từ nhiều năm nay điều hành hơn một chục bệnh viện, phòng khám bệnh và trung tâm người cùi. Do đó, ngay trong thời kỳ quân phiệt mà nhiều nhóm thiểu số khác bị gạt sang bên lề thì chỉ có giáo hội Công giáo là có đủ khả năng để cung cấp những dịch vụ căn bản về giáo dục, y tế và thậm chí phân phối thực phẩm.

Tại nước láng giềng Bangladesh, cộng đồng Công giáo lại còn nhỏ hơn nữa – chỉ có 375,000 trong tổng số 154 triệu dân. Gần 90 phần trăm dân số là Hồi giáo và đạo Hồi là quốc giáo. Tuy nhiên, cũng giống như tại Miến Ðiện và nhiều nơi khác, hệ thống trường học là một đóng góp quan trọng của Công giáo: trường Trung học Notre Dame thuộc loại ưu tú tại thủ đô Dhaka là nơi đào tạo nhiều chính trị gia nổi bật gốc Hồi giáo, trong đó có nhiều bộ trưởng và nghị sĩ trong chính phủ hiện thời.

Với những nỗ lực và đóng góp trên giúp cho giáo hội Công giáo tại đây được công nhận như là tiếng nói trung lập, bênh vực cho công bằng xã hội và quyền lợi của người lao động.

Bangladesh là nơi hầu hết người tị nạn Rohingya bỏ Miến Ðiện chạy sang; và tổ chức Caritas Bangladesh, cánh tay từ thiện của giáo hội, cho biết họ đã chi khoảng $2.7 triệu để trợ giúp 12,000 gia đình người Rohingya.

Nói chung, giáo hội Công giáo ở Á châu mặc dù hiện nay vẫn là một cộng đồng thiểu số khá nhỏ nhưng họ có tổ chức chặt chẽ và làm việc rất có hiệu quả. Giáo hoàng Francis và giáo hội Công giáo Roma đã nhận thức được điều này và dùng đó làm bước tiến vào vùng đất Á châu vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển cho giáo hội Công giáo trong tương lai.

VH