Việt Nam hiện nằm trong danh sách 10 nước đứng đầu trên thế giới cho thấy người dân vẫn mong muốn được sống, được đi học và định cư ở Hoa Kỳ.
– Gần 31,000 sinh viên, học sinh đang du học ở Hoa Kỳ, đứng thứ 5 trong số những quốc gia có số sinh viên, học sinh nhiều nhất đang theo đuổi giáo dục ở Hoa Kỳ.
– Các nhà đầu tư Việt Nam, đứng thứ hai sau Trung cộng, đang mau chóng xin Thẻ Xanh qua chương trình chiếu khán đầu tư EB-5, đòi hỏi vốn đầu tư ít nhất 500,000 Mỹ kim. Mặc dù, thống kê năm 2016 cho thấy lợi tức trung bình của người dân ở Việt Nam chỉ có 2,200 Mỹ kim một năm.
– Người dân ở Việt Nam nằm trong danh sách 10 quốc gia đứng đầu trong dịch vụ mua bất động sản ở Hoa Kỳ. Thống kê không cho biết rõ lý lịch của những người Việt có thể mua nhà cửa, đất đai, có phải là thân nhân của những đảng viên cộng sản cao cấp hay không.
Tại các thành phố Hà Nội, Sài Gòn và các thành phố lớn khác ở Việt Nam, “ảnh hưởng Mỹ” rất dễ dàng nhận thấy. Người dân thích tụ tập ở quán cà phê nổi tiếng Starbucks, hoặc đãi con cái bữa ăn nhẹ cuối tuần ở quán McDonald, hoặc nối đuôi nhau chờ qua đêm chỉ mong có thể mua một cái điện thọai cầm tay hiệu iPhone đời mới nhất. Một vài biểu hiện này cho thấy kiểu sống Mỹ hóa và nhu cầu hiểu biết kỹ thuật tân tiến ở Việt Nam.
Một số người thử tìm hiểu lý do tại sao người dân ở Việt Nam chẳng tỏ ra cay đắng chính phủ Hoa Kỳ sau khi cuộc chiến tranh tàn khốc chấm dứt sau năm 1975 và Hoa Kỳ cấm vận kinh tế làm cho chế độ cộng sản kiệt quệ cho đến năm 1995.
Gần một nửa dân số Việt Nam hiện nay dưới 30 tuổi. Thế hệ này sinh ra sau năm 1980, không nhìn thấy chiến tranh và cũng chẳng cảm thấy bao nhiêu về chính sách cấm vận kinh tế. Thực tế cho thấy giới trẻ chỉ nhìn thấy sự trở lại của Hoa Kỳ, như các chương trình cấp học bổng giáo dục, như hàng tỉ Mỹ kim đổ về Việt Nam mỗi năm từ thân nhân và các nhà đầu tư từ Hoa Kỳ. Họ cũng chỉ mong mối liên hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ vì Trung cộng vẫn là mối đe dọa về nhiều mặt đối với Việt Nam.
Vấn đề trục xuất người Việt và người Cam Bốt ở vùng Vịnh bắc California
Hơn 200 di dân Việt Nam và Cam Bốt ở vùng Vịnh và các nơi khác ở Hoa Kỳ đã bị nhân viên Thi Hành Luật Di Trú và Thuế Quan Hoa Kỳ (tức U.S. Immigration and Custom Enforcement – ICE) bắt giữ trong tháng 10, 2017 vừa qua. Việc này gây chấn động và lo sợ trong các cộng đồng di dân.
Nhiều người bị cầm giữ đã được chuyển qua các trung tâm tạm giam ở các tiểu bang phía Nam và chờ bị trục xuất. Một số người khác đã bị trả về quốc gia quê hương của họ.
Việc gia tăng bắt giam người di dân của văn phòng ICE bắt nguồn từ nỗ lực mạnh mẽ của hành pháp nhằm trục xuất di dân có lý lịch vi phạm hình sự. Trước ông Trump, những nước như Cam Bốt và Việt Nam có thái độ rất hững hờ trong việc nhận lại người bị trục xuất, vì thế những người này vẫn được phép ở lại Hoa Kỳ. Nhưng giờ đây, ông Trump dọa Việt Nam và Cam Bốt phải cộng tác, nếu không sẽ không cấp chiếu khán (visa) nên hàng trăm người đã bị nhân viên ICE bắt giữ.
Tuy nhiên, mối liên hệ gần đây giữa Cam Bốt và Hoa Kỳ không mặn nồng cho lắm. Vì thế, những người Cam Bốt bị nhân viên ICE bắt giữ sẽ phải chờ đợi ở những trung tâm tạm giam trong nhiều tháng.
Những người đang chờ đợi bị trục xuất từ nhiều năm qua đều đã ổn định đời sống tại Hoa Kỳ. Trong năm 2008, các viên chức Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết hiệp định hồi hương, nói rằng những di dân Việt Nam đã đến Hoa Kỳ trước năm 1995 không là đối tượng bị trục xuất. Một số người bị bắt trong tháng 10, 2017, đã đến Hoa Kỳ trước năm 1995, việc trục xuất họ được xem là không hợp pháp.
Có hơn 1,900 di dân Cam Bốt sống ở Hoa Kỳ đang là đối tượng bị trục xuất. Bộ Nội An Hoa Kỳ cho biết số này có 1,400 người bị buộc tội hình sự.
Các nhân viên ICE đã tìm đến nhà của Mony Neth, di dân Cam Bốt 42 tuổi tại thành phố Modesto, California ngày 9 tháng 10 năm 2017 vừa qua, khi Mony đang ở nơi làm việc. Nhân viên ICE trở lại lúc 5 giờ 30 sáng hôm sau và bắt giữ Mony khi anh chuẩn bị rời nhà đi làm. Anh bị chuyển tới nơi tạm giam ở tiểu bang Louisiana và chờ bị trục xuất.
Anh Mony đến Hoa Kỳ lúc mới 10 tuổi với cha mẹ và ba chị em gái. Trốn thoát chế độ cộng sản Khmer Ðỏ, gia đình anh đã định cư ở thành phố Modesto, nơi anh gây rắc rối khi còn tuổi thanh niên.
Anh Mony bị buộc tội tàng trữ súng bị ăn cắp lúc anh khoảng 19, 20 tuổi. Năm 2002, anh nhận được lệnh phải rời nơi cư trú. Ðó cũng là năm chính phủ Cam Bốt ký hiệp ước hồi hương với chính phủ Hoa Kỳ. Vào lúc đó, anh Mony đã trưởng thành, có vợ và một con gái 16 tuổi. Họ đều tình nguyện làm việc tích cực giúp nhà thờ và cộng đồng của họ.
Tòa án cho biết việc Bộ Nội An đang tìm kiếm một số trang mạng thông tin xã hội không vi phạm đời sống riêng tư
Bộ Nội An Hoa Kỳ vừa phổ biến một luật mới cho phép thêm thông tin từ những trang mạng thông tin xã hội của người ngoại quốc vào hồ sơ loại “A” và lưu trữ chung với hồ sơ di dân chính thức của những người này. Bao gồm những trao đổi trên mạng xã hội, những bí danh sử dụng, những thông tin liên quan đến việc nhận dạng và những kết quả mà chủ nhân trang mạng này tìm kiếm, v.v…
Bộ Nội An và Sở di trú Hoa Kỳ có thể dùng những thông tin trên trang mạng thông tin xã hội từ người xin chiếu khán và từ người bảo lãnh. Thí dụ, nếu một công dân Hoa Kỳ nộp đơn bảo lãnh cho người phối ngẫu, và Bộ Nội An tìm thông tin trên trang mạng Facebook của người phối ngẫu ở nước ngoài thấy cuộc hôn nhân này là gian dối, Bộ Nội An sẽ tìm thêm thông tin trên trang Facebook của người bảo lãnh để có thể khẳng định cuộc nhân này có thực sự là cả hai người đều gian dối hay không.
Nhưng lý do quan trọng nhất trong việc tìm kiếm thông tin trên những trang mạng thông tin xã hội là truy tìm những sinh hoạt khủng bố. 26 thượng nghị sĩ yêu cầu Bộ Nội An truy tìm những trang mạng thông tin xã hội sau vụ tấn công khủng bố ở San Bernardino tại California. Những trang mạng thông tin xã hội có thể cung cấp hồ sơ liên hệ với các tổ chức khủng bố.
Thời gian duyệt xét đơn xin nhập tịch tăng gần gấp đôi
Thời gian trung bình duyệt xét đơn xin nhập quốc tịch Hoa Kỳ gần như tăng gấp đôi, từ khoảng 5 tháng trong năm 2016 nay tăng gần 9 tháng. Các chuyên viên về di trú cho biết việc tăng thời gian duyệt xét có thể do số lượng đơn xin nhập tịch tăng khá cao trong thời gian bầu cử tổng thống vừa qua nên đã kéo dài thời gian duyệt xét.
Trong năm qua, khoảng một triệu thường trú nhân hợp pháp đã nộp đơn xin nhập tịch, tăng gần 11% so với năm trước. Sự chậm trễ của Sở di trú đã tăng hơn 35% so với năm trước. Ngoài việc duyệt xét chậm trễ đơn xin nhập tịch, nhiều đơn di trú khác cũng phải chờ duyệt xét khá lâu so với năm 2016.
LMH
Hỏi Ðáp Di Trú
Hỏi: Nếu công dân ở Việt Nam đứng trong 10 nước có số người mua bất động sản nhiều nhất ở Hoa Kỳ, thì điều này có nghĩa là công dân Hoa Kỳ có thể mua bất động sản ở Việt Nam không?
Ðáp: Không, tình trạng này không tương ứng. Trong hầu hết các trường hợp, công dân Hoa Kỳ và những người ngoại quốc khác rất khó hoặc không thể mua bất động sản ở Việt Nam. Chủ nhân một vài khu nhà chung cư mới nói rằng có thể thực hiện được nhưng sẽ có rất nhiều giới hạn.
Hỏi: Có phải các lệnh trục xuất nằm trong hồ sơ di trú của một người rất lâu không?
Ðáp: Sẽ nằm trong hồ sơ lưu trữ vĩnh viễn. Vì thế, nếu nhận được lệnh trục xuất từ 10 năm trước, quý vị nên tìm cách kháng cáo hoặc xin hủy bỏ lệnh này.
Hỏi: Liệu Sở di trú hoặc Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ có sẽ tìm kiếm các trang mạng thông tin xã hội của những người liên hệ đến đơn xin chiếu khán hoặc đơn xin điều chỉnh tình trạng cư trú không?
Ðáp: Không. Sở di trú và Tòa Lãnh sự không có thời gian hoặc nhân lực để làm việc này. Việc tìm kiếm trên các trang mạng thông tin xã hội sẽ chỉ được thực hiện khi có những lý do để tin rằng đương đơn hoặc người bảo lãnh có thể là mối đe dọa an ninh quốc gia.