Menu Close

Bắt thăm cho World Cup 2018

Ngày 1 tháng 12 năm 2017, tại thủ đô Moscow của nước Nga đã diễn ra cuộc bắt thăm để sắp xếp 32 đội tuyển vào Giải Chung Kết Túc Cầu Quốc Tế, tức World Cup Final, vào năm 2018 do Russia đứng ra tổ chức. Đó là một sự kiện lớn của ngành túc cầu được nhiều người hồi hộp theo dõi.

bat-tham-cho-world-cup-2018b

Chương trình bắt thăm đã được tổ chức rất công phu với một bài diễn văn mở màn khá dài dòng của Tổng thống  Vladimir Putin, tiếp theo là một bài diễn văn lê thê không kém của chủ tịch FIFA, rồi đến video clip về nước Nga oai hùng, theo sau là vài màn ca múa dân tộc cổ truyền (tuy hay nhưng rất là lâu) cốt để… kéo dài sự chờ đợi của mọi người.

Không những được trực tiếp truyền hình để phát ra khắp toàn cầu, cuộc bắt thăm còn được livestream trên Youtube và được vô số người khác livestream ké theo để chêm thêm những lời bình luận bằng nhiều thứ tiếng. Cả thế giới chống mắt theo dõi. Các nước có chân trong giải đều nín thở chờ xem “số phần” của xứ mình sẽ ra sao. May mắn thì lọt vào một bảng nào đó tương đối dễ thở, lỡ mà rơi vào “bảng tử thần” thì mệt.

Những người được mời bắt thăm đều là các cựu cầu thủ nổi tiếng từng làm mưa làm gió trên sân cỏ như Gordon Banks, Diego Forlan, Cafu, Maradona…. Cách thức bắt thăm khá đơn giản, chia ra bốn vòng. Tên mỗi quốc gia được ghi trên một miếng vải màu xanh dương và nhét bên trong một trái banh túc cầu nhỏ bằng nhựa. Trong mỗi vòng, tên tám nước được bốc ra từng cái một từ một chậu thủy tinh hình thù giống như cái bồn cá tròn tròn.

Có bốn Chậu cả thảy, đánh số 1, 2, 3, 4. Chậu số 1 gồm 7 nước được FIFA xếp hạng cao nhất, cộng với nước chủ nhà là Nga. Chậu số 2 gồm 8 nước xếp hạng thấp hơn. Chậu số 3 thấp hơn nữa, v.v… Hai nước đại diện cho Á Châu là Nhật và Nam Hàn nằm trong chậu số 4.

Phía bên trái của sân khấu là 8 cái Chậu khác, đánh dấu A tới H, đại diện cho 8 bảng. Trong mỗi Chậu này có bốn quả banh, bên trong có một tấm vải xanh đề tên Bảng và số thứ tự—“A1”, “A2”, “A3”, “A4”, “B1”, “B2” v.v…

Trong mỗi vòng, tên nước nào được rút ra trước tiên thì được cho vào Bảng A, và một trái banh từ Chậu A sẽ được bốc thăm để xem đội đó sẽ là A mấy. Ðội được bốc kế tiếp sẽ vào Bảng B, và một trái banh từ Chậu B sẽ được bốc, cứ thế tuần tự cho hết 8 đội của vòng ấy. Bốn lần như thế thì 32 đội sẽ được sắp xếp vào 8 Bảng (A-H), mỗi Bảng có bốn đội từ hạng cao xuống hạng thấp. Trường hợp ngoại lệ là không Bảng nào được có hơn hai đội đến từ một Liên Ðoàn (như EUFA hay CONCACAF), nếu có chuyện đó thì đội thứ ba sẽ được bỏ vào Bảng sau, và đội được bốc kế tiếp sẽ thế chỗ trong Bảng này (điều này đã xảy ra ở vòng 3 khi Denmark được bốc vào Bảng B, đã có sẵn Spain và Portugal, thế là Denmark được vào Bảng C cùng với… France!)

bat-tham-cho-world-cup-2018a
Maradona “mát tay” cho England vào Bảng G, Cafu đứng cạnh theo dõi chờ tới phiên mình ở Vòng 3.

Vòng đầu, đội chủ nhà được tự động cho vào Bảng A1, kế đến là 7 đội mạnh nhất rải ra 7 Bảng còn lại, tất cả đều được đứng đầu Bảng, như sau: Russia (A1); Portugal (B1); France (C1); Argentina (D1); Brazil (E1); Germany (F1); Belgium (G1); Poland (H1).

Sang vòng thứ nhì mới bắt đầu hào hứng, và người được giao trọng trách này chẳng ai khác hơn Maradona, siêu sao của đội Argentina đoạt cúp năm 1986 với cú đội đầu mệnh danh “Bàn Tay Của Chúa” (Hand of God). Thậm chí ở vòng 2, người MC còn giễu rằng Maradona bốc thăm rất là… “mát tay”.

Ðiều làm nhiều khán giả thắc mắc không ít là ngoài cách ăn mặc cực kỳ bắt mắt (bộ đồ đen tuyền với chiếc nơ vàng chói lọi) Maradona còn đeo HAI chiếc đồng hồ. Mỗi lần anh cầm miếng vải giơ lên cho mọi người đọc tên quốc gia vừa được chọn là ta lại thấy hai cái đồng hồ. Sau có người mới giải thích rằng Maradona xưa nay đi đâu cũng đeo hai cái đồng hồ: một cái cho giờ nội địa (Argentina), một cái là giờ ở nơi anh đang ở (đúng là huỡn!)

Kết quả bắt thăm sau Vòng 2 là: Uruguay (A4); Spain (B2); Peru (C3); Croatia (D3); Switzerland (E2); Mexico (F2); England (G4); Colombia (H3).

Tới đây thì một số quốc gia bắt đầu thở phào nhẹ nhõm, như Pháp (không phải đụng England, và ngược lại), hoặc Brazil (không phải đụng Spain). Nhưng trái lại mấy nước Hạng 2 bị lọt vào Bảng có Germany hay Portugal thì rất ư là… rầu! Nhưng chuyện đời vẫn thế, hay không bằng hên mà. Sau khi qua hết bốn vòng, hên nhất có lẽ là đội chủ nhà trong Bảng A, và England trong Bảng G. Cuối cùng các Bảng được bắt thăm như sau (theo thứ tự 1-4):

A: Russia; Saudi Arabia; Egypt; Uruguay. (Nghĩa là trận banh khai mạc này sẽ diễn ra giữa Nga và Saudi Arabia).

B: Portugal; Spain; Morocco; Iran.

C: France; Australia; Peru; Denmark.

D: Argentina; Iceland; Croatia; Nigeria.

E: Brazil; Switzerland; Costa Rica; Serbia.

F: Germany; Mexico; Sweden; South Korea.

G: Belgium; Panama; Tunisia; England.

H: Poland; Senegal; Colombia; Japan.

Ngay sau cuộc bắt thăm chấm dứt, các nhà bình luận túc cầu bắt đầu nhảy vô… bình loạn cả lên. Xem Bảng nào dễ nhất (G, H), Bảng tử thần là Bảng nào (D), đội nào sướng nhất (England), đội nào đau khổ nhất (Italy, Holland, USA—cả ba đều phải chầu rìa, ngồi nhà uống bia coi thiên hạ đá banh).

Trong hai đội của Á Châu thì Nhật (H) có nhiều hy vọng lọt vào vòng trong hơn là Nam Hàn (F) vì Bảng F vừa có đương kim vô địch Germany vừa có Mexico cũng không phải thứ vừa, lại thêm Sweden tuy không mạnh bằng hai đội kia nhưng rất to cao. Nhật thì có thể thắng ít nhất 1 trận (vs Senegal), và nếu kềm được Colombia hoặc Poland thì sẽ đủ điểm về nhì Bảng H, lọt qua cửa ải.

bat-tham-cho-world-cup-2018
Toàn cảnh sảnh đường ở Moscow, nơi hàng tỉ cặp mắt đang dồn vào.

Ðường vào vòng trong của đội chủ nhà xem ra cũng khá hanh thông. Ngoài Uruguay ra thì hai đội kia—Egypt và Saudi Arabia đều là đối thủ yếu hơn. Tệ lắm Russia cũng phải đứng nhì vì còn có khán giả sân nhà trợ lực. Nhưng tới vòng trong rồi thì chắc khó sống. Nga mà vào được tứ kết thì sẽ là một phép màu (nhưng ta cũng không nên xem thường bàn tay phù thủy của ngài Putin!)

Trong các nước lớn đến từ Chậu 1 thì Argentina (D) có lẽ sẽ vất vả nhất vì phải đụng Croatia và Iceland là hai đội khá mạnh. Tuy Iceland mới vào được World Cup lần đầu, nhưng đất nước tí hon này đã chứng tỏ họ có thể chơi ngang hàng với các đàn anh trong giải Eurocup vừa rồi, hạ bệ mẫu quốc Anh để vào tứ kết. Spain và Portugal tuy cùng Bảng (B) nhưng chắc chắn sẽ lọt qua vì khó tưởng tượng hai đội này bị Morocco hay Iran làm khó dễ. France (C) cũng sẽ vượt qua dễ dàng trừ phi ỷ y để cho Denmark hay Australia lấn lướt. Nhưng cũng không nên coi thường Peru vì đội này đã mấy chục năm rồi mới trở lại World Cup nên chắc chắn họ sẽ chơi hết mình. Các Bảng còn lại xem ra không đến nỗi xảy ra chuyện bất ngờ. Tuy nhiên, bóng đá luôn luôn có sự bất ngờ nên cũng khó nói. Nếu không nhà cái lấy gì làm tiền dân cá độ?

Còn về phía Mỹ, nếu đội tuyển Mỹ không bị loại thì rất có thể đã nằm trong Bảng G thay chỗ cho Panama, hoặc bảng E thế cho Costa Rica. Cả hai Bảng này đều không khó khăn lắm để cho Mỹ tiến sâu vào vòng trong. Sau khi cuộc bắt thăm chấm dứt một số phân-tích-viên túc-cầu của Mỹ đã than trời như bộng vì đã để vuột một cơ hội quá tốt. Nhưng họ cũng công nhận lý do Mỹ bị loại là do cách sắp xếp tổ chức —từ hiệp hội túc cầu ở trên dài xuống tới huấn luyện viên của đội tuyển ở dưới, tất cả đều đã không làm tròn nhiệm vụ của mình, cuối cùng các cầu thủ là người chịu thiệt, chưa kể vô số khán giả hâm mộ và nhứt là đài truyền hình Fox đã bỏ bạc tỉ để trực tiếp truyền hình giải World Cup. Giờ đây không có đội tuyển Mỹ tham dự, ai cũng lo số lượng người xem sẽ giảm đi.

Hy vọng khối lãnh đạo của bóng tròn Hoa Kỳ, dưới áp lực của các nhà tư bản tài trợ và giới truyền thông, sẽ nhân dịp này xoá bài làm lại, xây dựng một thế hệ bóng đá mới, một sân chơi mới cho túc cầu trong tương lai.

BB