Đó là một buổi trưa đẹp trời, tôi quyết tâm làm người tử tế một bữa. Hí hửng cắp sách đến trường đúng giờ với chiếc xe cổ màu hồng thân yêu với vận tốc… 15km/giờ.
Có thể nhiều người thân thiết với tôi, ngay cả bạn học và thầy sẽ rất ngạc nhiên khi biết tôi dám chạy xe đi học, lại còn chạy… nhanh như vậy. Ðường Sài Gòn ngày một đông đúc, tôi ngày càng chết nhát với những bóng xe lao vùn vụt qua lại bất chấp cụ già lẫn trẻ nít, đèn đỏ hay đèn xanh. Nên tôi thường chọn đi xe ôm hoặc taxi cho chắc ăn, đỡ gây thiệt hại cho phần còn lại của thế giới. Người ta cũng yên tâm hơn để lái ẩu mà không lo bị tôi cản trở. Nếu có chạy thì tôi chạy cũng rất chậm, một phần vì lo xa. Thấy xe người ta đi từ đằng xa tôi đã thắng lại, nhìn họ đi qua rồi mới yên tâm đi tiếp. Khi qua đường, người bình thường phần còn lại của thế giới sẽ qua chừng 5 phút. Còn tôi thì có thể từ nửa tiếng đến ba mươi… giây. Có nghĩa là suy nghĩ rất lâu rồi quyết định không… qua đường hay nhắm mắt chạy vèo qua không suy nghĩ gì hết. Thường thì tôi chọn cách đi vòng một dãy phố để qua bên “bờ” bên kia cho “chắc cú”. Tuy nghe có vẻ hơi “đờ đẫn” nhưng cách chạy xe này cũng mang đến cho tôi nhiều món quà bất ngờ mà khó ai có thể có.
Thứ nhất là khi đi với một ai đó, bất kể là em út, anh chị, khách hàng, chú bác, cô dì… dẫu đẹp hay xấu, dầu già hay trẻ hơn tôi thì ai cũng phải nắm tay tôi đi qua đường. Không phải họ lịch sự đâu, vì họ sợ lát quay qua không thấy tôi đâu. Lúc đó, có thể tôi còn ở “bờ” bên kia hoặc đang “lắt lẻo” trên cái… cột điện nào đó. Nếu họ không nắm tay tôi mà để tôi… nắm tay thì tôi sẽ lôi luôn họ đi theo mình hoặc đẩy họ đi ra phía trước làm bia đỡ xe rồi lót tót đi sau. Cho nên vài người bạn thân thường bảo: “Mốt mày có kẻ thù hay tình địch, cứ rủ họ… qua đường.”

Thứ hai, mỗi lần ai rủ tôi đi đâu xa hơn phạm vi xóm, họ đều “tự nguyện” đến chở hoặc năn nỉ tôi đi taxi, xe ôm cho nhanh. Ðôi khi họ còn book xe cho tôi để bảo đảm tôi không cao hứng lên mà dắt chiếc xe cưng đi dạo phố, “say hi” những cái ngã tư đông đúc.
Thứ ba, mỗi khi tôi trễ hẹn, thậm chí thất hẹn giờ chót, tôi chỉ cần nói một lý do quen thuộc: “Em bị kẹt xe” hoặc “Em không book được xe”. Không bao giờ bị trách cứ. Vì lúc đó họ bận nhìn tôi với ánh mắt “Không sao đâu, hiểu mà”. Rồi hỏi: “Chạy xe tới hả, thôi tới được là may rồi”. Một phần cũng có thể vì họ không nỡ đập tan ánh sáng lấp lánh đầy tự hào trong mắt tôi, lúc ấy.
Ðiều tôi “tâm đắc” nhất là, nhờ sự cẩn thận và ngoan ngoãn cố hữu mà tôi may mắn nằm ngoài danh hiệu cao quý “ninja lead” mà cư dân mạng đặt cho những người phụ nữ chạy xe máy ở đường phố Việt từ Nam chí Bắc.

“Ninja lead” là gì ?
Chuyện chạy xe “tồ” của tôi chắc không xa lạ gì với toàn thế giới. Nhưng “ninja lead” là ai chắc nhiều người không ở Việt Nam chỉ nghe thôi chứ chưa biết rõ. Từ “ninja” thì ai cũng hiểu. Nó là danh xưng của các cá nhân hay tổ chức đánh thuê chuyên về hoạt động bí mật từng tồn tại trong lịch sử Nhật Bản. Họ có tài ngụy trang nổi tiếng thế giới, mỗi cá nhân đều là biểu tượng của sự nguy hiểm và chết chóc. Từ nghĩa đó mà cư dân mạng VN đã suy ra cái tên “ninja lead” cho “một bộ phận không nhỏ” những người điều khiển xe máy tại Việt Nam cũng có tài ngụy trang rất tài ba, đồng bộ và quan trọng là, mỗi người trong số họ đều được xem là nguy hiểm… như nhau. Giải thích thì rất dài dòng, để tóm gọn cho dễ hiểu, thì tôi chọn định nghĩa ngắn gọn như sau. Ðược trích từ lời người bạn tôi, anh Google: “Ðó là những người trùm áo chống nắng kín người, khẩu trang kín mặt như ninja. Họ đa phần đi xe Lead, loại xe ga to kềnh với cốp xe rộng như cả tủ quần áo. Và theo các hình ảnh ghi lại trên mọi ngả đường, những người này có xu thế lái xe rất ẩu.”

Các “ninja lead” được giới tài xế run sợ, cho rằng các hung thần đường phố, ngoài Cảnh Sát Giao Thông, xe bus, xe công, xe biển số xanh thì đây là “thành phần” bất chấp những quy luật tự nhiên, bỏ qua luôn cả luật lệ xã hội, và không ai có thể ngăn cản được sự tấn công như vũ bão của họ. Tuy nhìn bên ngoài có vẻ giống nhau nhưng thực chất họ cũng được phân chia thành các nhóm khác nhau tùy theo tính chất và “công lực” của mình. Nhóm thì bất thình lình quẹo không báo trước hoặc bật đèn xi-nhan trái rẽ phải (hoặc ngược lại). Nhóm thì “đánh bom cảm tử” tạt ngang mọi đầu xe thậm chí là bốn bánh, xe tải. Tôi cam đoan rằng, nếu họ mà có bằng lái máy bay thì sẽ vô cùng nguy hiểm cho bất kỳ chuyến bay nào. Nhóm thì sẽ tìm mọi cách chen lấn theo phương thức “điền vào chỗ trống” trên đường hay thản nhiên đi ngược chiều… Có những nhóm thì luôn luôn hùng hổ chửi bất kỳ ai mà họ đụng vào. (Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa, đó là khi họ đụng vào người ta). Họ, đa phần là nữ hoặc có xu hướng thích làm nữ giới. Rất chăm chỉ bảo vệ nhan sắc (bằng cách cứ hễ ra đường là che kín từ đầu đến chân, bao gồm cả hai mắt) nhưng hơi không yêu thích và bảo vệ… luật giao thông. Ngay cả các bác tài trong group “Bạn Hữu Ðường Xa”-group của các bác tài nổi tiếng vì vụ phản đối BOT Cai Lậy đặt sai chỗ vừa qua cũng khuyên nhau ra đường gặp “ninja lead” cũng phải “tránh voi chả xấu mặt nào”. Túm lại, để hiểu hơn về “ninja lead” bạn chỉ cần gõ từ khóa trên thanh tìm kiếm của Youtube, sẽ có đầy đủ các clip về “tội ác’ của nhóm này.
Tiếng “lành” đồn xa
Câu trên luôn luôn đúng ở Việt Nam khi chữ lành được bỏ vào dấu ngoặc kép. Ða số người Việt đương đại ngày càng có xu hướng thích, quan tâm, “hóng” và chia sẻ các chuyện “lành” hơn là chuyện lành mỗi ngày, khi đọc tin tức. Khi con người ta phải bơi giữa quá nhiều chuyện “lành” và rất ít chuyện lành đâm ra sẽ trở nên cáu kỉnh hơn. Ðiều đó tôi thường dùng để lý giải cho việc mỗi khi đọc tin tiêu cực, cư dân mạng Việt Nam luôn không tiếc công mà cùng nhau “bứt tóc móc mắt” nhân vật chính “không cần biết em là ai, không cần biết em từ đâu”, cũng không cần biết đó là tin thật hay không. Miễn nhân vật chính kia là người họ CÓ THỂ an toàn “bứt tóc móc mắt”… Tiếc là, kỳ này nhận định trên lại không chính xác, vì đây là một tiếng “lành” được đồn xa nhưng không có ai đòi “bứt tóc móc mắt” người đồn cả. Ngay cả đội quân hùng hậu, hung hãn nhất đang là nhân vật chính, lên luôn trang bìa. Có thể vì người đồn có “mang yếu tố nước ngoài” chăng?

Cách đây vài năm, Juli Zeh là khách mời của Viện Goethe với tư cách là người nhận học bổng chương trình lưu trú văn sĩ. Cô đã tận dụng khóa lưu trú để “du hành” (không phải là du lịch, theo cô lý giải) khắp “Xứ Sở Những Cô Gái Ði Xe Máy Mặc Áo Khoác Hoa”, từ Hà Nội đến Hội An rồi Sài Gòn trong ba tuần. Và cô đã viết một cuốn du ký nói về chuyến “du hành” trên với góc nhìn thẳng thắn nhưng nhiều màu sắc của một người Ðức về những thú vui, sở thích, giáo dục, văn hóa, tập quán đến quan điểm chính trị của người Việt Nam, với cái chữ, hình ảnh so sánh khá hóm hỉnh và đầy bản sắc “dân tộc”. Không như những góc nhìn đầy “nịnh bợ” một cách “truyền thống” của các tác giả nước ngoài dành tặng Việt Nam được truyền thông reo hò xưa nay. Cuốn sách này không được dùng cho công cuộc vuốt ve niềm tự hào luôn được răn dạy, nó không nói về một đất nước Việt Nam “xinh đẹp, hiếu khách, độc đáo…” Trong đó, Việt Nam như một thế giới khác so với đất nước của tác giả, là một nơi mà khi tác giả bước ra đường phố đập vào mắt cô là “những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa, chân quấn khăn, khẩu trang” làm cô mường tượng tựa như “đội quân cướp nhà băng” sặc sỡ.

Dẫu đã trải qua lớp “tường thành” kiểm duyệt của các bộ, qua tay biên tập, người dịch và nhiều cánh tay khác, nhưng (thật may) cuốn sách vẫn còn nhiều góc nhìn độc đáo, hồn nhiên về Việt Nam. Ðủ khiến những người trẻ (lẫn già) có tự trọng và hiểu biết ở Việt Nam đọc vừa cảm thấy mắc cười vừa cảm thấy mắc… cỡ. Nhất là các đoạn đặc tả về giao thông như: “Ở những nơi ấy, tất cả đều có phần quay cuồng. Nhưng mà ở đây – có Chúa làm chứng cho tôi – mọi thứ còn quay cuồng gấp đôi, không, phải là gấp mười lần như thế! Ðây không phải là giao thông nữa, mà là một màn xiếc tập thể. Tôi không hề biết rằng có thể xếp lọt nhiều xe máy đến thế trên đường, giống như nước chảy trên sông vậy. Tôi không hề biết rằng cả một gia đình gồm vợ, chồng với hai đứa con có thể thoải mái ngồi lọt trên một chiếc Vespa. Tôi không biết rằng người ta có thể chở cả một cái tủ đá bằng xe máy. Tôi không hề biết rằng người ta vừa có thể hút thuốc, vừa gọi điện thoại, vừa giữ một đứa bé trong lòng, trong khi vẫn đang lái xe máy. Mà mỗi chiếc xe chạy trên đường chỉ có chỗ vừa đủ bằng độ lớn của chính nó thôi, bởi vì bao quanh chiếc xe đó là những chiếc xe khác. Thỉnh thoảng cũng có ôtô, vài người đi xe đạp và khách đi bộ (chúng tôi hay vài khách Tây ba lô khác).” Viết về xe máy, Juli Zeh cho rằng: “…Như một dòng sông, như là một tác phẩm nghệ thuật tổng thể không chỉ chuyển động về một hướng mà nó tràn về đủ mọi hướng. Nó hòa vào, nó tách ra, nó cuốn lấy nhau, nó đan vào nhau. Nó tự trôi chảy không ngừng nghỉ. Một hoạt cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, hình thành từ quá trình cơ giới hóa nhanh chóng, kết hợp với sự vắng bóng triệt để của tất cả các loại hình giao thông công cụ đô thị…” Và tôi nghĩ, nếu may mắn cuốn sách này được một vài vị lãnh đạo nào đó ở đất nước này liếc qua, chắc họ cũng sẽ phải cảm thấy mắc cỡ vì một người ngoại quốc ở Việt Nam chỉ ba tuần mà có thể viết về Sài Gòn: “Tuy nhiên những kiến trúc Pháp thì đã biến mất (Việc phá nốt những phần còn lại đang được Vincom và đối tác phăm phăm tiến hành), còn những cao ốc thì vẫn chưa thực sự xuất hiện!”.

Tôi đọc xong cuốn sách, hơn 200 trang, đoạn kết vẫn theo “truyền thống”. Tác giả nói sau vài tuần, cô bắt đầu thấy quen thuộc và gần như hòa nhập với cuộc sống ở Việt Nam. Yêu đất nước này. Tôi bỗng ước mình có thể biết tiếng Ðức để có thể đọc hết ý nguyên bản của cuốn sách này, để nhìn rõ hơn suy nghĩ của tác giả Juli Zeh. Nhưng muốn biết tiếng Ðức thì phải học. Tự thấy bản thân không đủ thông minh nên tôi đành tiếp tục ước một điều dễ hơn. Tôi ước mình là một tác giả người Ðức, sống ở Việt Nam. Và, chỉ ba tuần thôi!
DU