Nếu chiếc vương miện là biểu tượng uy quyền của vua chúa ngày xưa, thì ngày nay vật đó là trái Football nguyên tử của Tổng thống Mỹ. Đây là vật bất ly thân của vị nguyên thủ quốc gia kể từ đời Kennedy.
Tuy nguồn gốc của quả Football này là một bí mật quốc gia, nhưng ta biết nó được bắt đầu từ vụ khủng hoảng nguyên tử ở Cuba năm 1962. Nikita Kruschev và Liên Bang Sô Viết đã đưa thế giới đến bờ vực thẳm của một cuộc chiến tranh hạt nhân với hậu quả khôn lường. Sau khi Kennedy và bộ sậu của ông đã khéo léo giải quyết cuộc đụng độ đó, Kennedy quyết định vũ khí nguyên tử quá nguy hiểm và cần phải được bảo phòng cẩn mật.

Ông ra lệnh cho tất cả các kho vũ khí hạt nhân phải được khoá lại kỹ lưỡng và không phải ai cũng có thể ra lệnh dùng chúng. Mệnh lệnh ấy phải đến từ vị Tổng tư lệnh tối cao của quân đội, tức Tổng thống. Bộ Quốc Phòng có nhiệm vụ thiết kế một hệ thống ngăn ngừa việc vũ khí hạt nhân bị sử dụng không đúng lúc hoặc rơi vào tay người không có thẩm quyền. Ông đưa ra một số câu hỏi:
“Nếu cần ra lệnh tấn công, tôi có phải bàn trước với Bộ Quốc Phòng hay không?”
“Nếu tôi dùng chiếc điện thoại đỏ để gọi Phòng Chiến Tranh, tôi sẽ nói chuyện với ai?”
“Tôi phải nói gì với Bộ Tư Lệnh để họ khởi động một cuộc tấn công?”
“Bằng cách nào người nhận mệnh lệnh kiểm chứng được là nó đến từ tôi?”

Bộ trưởng Quốc Phòng, Robert McNamara, cho biết bí danh “Football” đến từ một kế hoạch chiến tranh nguyên tử đã có từ trước tên là “Dropkick”. Trái với sự tưởng tượng của nhiều người, chiếc cặp da này không chứa một chiếc nút màu đỏ khổng lồ. Thật ra, nó là một đống hồ sơ dày cui, nặng 45 lb, nội dung tuyệt mật. Theo những gì ta được biết, nó chứa đựng ít nhất:
- Một quyển sách bìa đen dày 75 trang, ghi chép những lựa chọn khả thi trong trường hợp Hoa Kỳ cần phản công hoặc tấn công bằng vũ khí nguyên tử.
- Một quyển sách mỏng, cũng bìa đen, ghi chép những địa điểm trú ẩn an toàn cho Tổng thống.
- Một tập giấy mỏng chừng 10 trang chỉ dẫn cách sử dụng Hệ thống Truyền thông Khẩn cấp (Emergency Broadcast System).
- Một miếng giấy cứng ghi các mật mã.
Ngoài ra, rất có thể còn có thiết bị truyền tin vì đôi khi người ta thấy có chiếc ăng-ten lòi ra. Người được giao nhiệm vụ xách chiếc cặp này thường là một viên phụ tá trong quân đội, và không bao giờ đi cách Tổng thống quá vài thước—trong xe Cadillac One, trực thăng Marine One, máy bay Air Force One, thậm chí khi Tổng thống lên thang máy.

Năm 1988, khi Tổng thống Ronald Reagan viếng Quảng Trường Ðỏ ở Moscow, trái Football này đã nằm gần một chiếc cặp tương tự của ông Gorbachev, cũng do một sĩ quan Nga xách trên tay. Có lẽ đây là lần đầu tiên hai chiếc cặp đã đến gần nhau đến như vậy.
Hệ thống phòng thủ của trái Football đòi hỏi hai yếu tố: người sĩ quan xách cặp phải ở gần Tổng thống; Tổng thống phải mang trong người mật mã để giải mã hệ thống. Mật mã này nằm trong một cái thẻ có bí danh là “Biscuit”. Hồi năm 2000, Tổng thống Bill Clinton đã thất lạc Biscuit cả mấy tháng trời—một sự việc cực kỳ nghiêm trọng. Còn khi Tổng thống Reagan bị bắn năm 1981 thì Biscuit của ông đã vô tình bị nhân viên bệnh viện quăng vào trong một cái bao nhựa cùng với những món đồ lỉnh kỉnh khi họ đưa ông vào phòng mổ. May sao nhân viên anh ninh đã tìm lại được nó.
Trước chuyến công du Châu Á mới đây nhất của Tổng thống Donald Trump, giới quan sát đã rất lo lắng vì mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn đang đi từ xấu đến cực kỳ căng thẳng. Trong một bài diễn văn trước Liên Hiệp Quốc, ông Trump gọi Kim Jong Un là “Rocket Man” (Người Hỏa Tiễn, lấy từ tựa một bản nhạc của Elton John) và dọa nếu Bắc Hàn không biết điều thì Mỹ sẽ sẵn sàng tấn công Bình Nhưỡng. Kim Jong Un cũng không vừa, liền cho phóng vài trái hỏa tiễn vào vùng biển gần Nhật để dằn mặt. Bắc Hàn, như ta biết, hiện đang tồn trữ một số lượng vũ khí nguyên tử khá lớn và Kim Jong Un có thể dùng nó bất cứ lúc nào.

Có thể nói từ khi Kennedy chạm trán Khrushchev trên biển Cuba tới nay, nhân loại chưa khi nào lại đến gần bờ vực chiến tranh nguyên tử như bây giờ. Thành ra một số nghị sĩ dân biểu đã lên tiếng khuyến cáo, yêu cầu xét lại việc giao trái Football nguyên tử cho một vị Tổng thống hay có những phát ngôn bất thường, bất ngờ này. Trong một cuộc điều trần gần đây trước Quốc Hội, một số nhân vật cao cấp trong Bộ Quốc Phòng đã phải trấn an các nhà lập pháp rằng việc ra lệnh sử dụng vũ khí nguyên tử thực sự không đơn giản. Nó phải trải qua một hệ thống kiểm soát gắt gao.
Bruce Blair, một chuyên gia từng làm việc tại các kho vũ khí nguyên tử với dàn bệ phóng cho biết, trước hết Tổng thống phải gọi một cuộc họp với một nhóm khoảng chục người, đứng đầu là một vị tướng 4-sao. Người này sẽ trình bày các biện pháp đối phó cũng như hậu quả của chúng. Tổng thống không nhất thiết phải hỏi ý kiến ai trước khi quyết định. Trong trường hợp nước Mỹ cần phản ứng gấp vì đang bị tấn công, buổi họp này có thể chỉ mất vài phút đồng hồ. Nhưng nếu phải quyết định xem Hoa Kỳ có nên tấn công trước, cuộc thảo luận có thể kéo dài nhiều tiếng đồng hồ hoặc nhiều ngày. Trong phòng “Chiến Tranh” (War Room) của Ngũ Giác Ðài, một vị tướng 1-sao có nhiệm vụ kiểm chứng mật hiệu của Tổng thống trước khi truyền lệnh khai hỏa. Người này cũng có quyền không tuân lệnh nếu thấy mệnh lệnh ấy bất hợp pháp hay vi hiến.

Tuy nhiên, ông Blair nói đã có nhiều trường hợp “suýt chết”. Như một lần nọ Ngoại trưởng Brzezinski xém tí nữa đã đánh thức Tổng thống Jimmy Carter dậy lúc 3 giờ sáng để cho hay Liên Sô đã phóng hàng loạt hỏa tiễn tấn công, và Mỹ phải phản công gấp. May sao chuyện đó đã không thật sự xảy ra mà chỉ do thông tin thiếu chính xác.
Thời chiến tranh Việt Nam, giải pháp nguyên tử cũng từng được đem ra cân nhắc. Lần đầu là ở trận Ðiện Biên Phủ. Một trong những kế hoạch được đề ra là sử dụng ba trái bom nguyên tử loại nhỏ để cứu đội quân của Navarre. Nhưng cuối cùng giải pháp này không được Tổng thống Eisenhower chấp thuận. Lần thứ nhì là vào năm 1966, khi cuộc chiến bắt đầu leo thang và chính quyền Johnson đang lâm vào thế bí. Nên nhớ trong cuộc tranh cử năm 1964, ứng cử viên Barry Goldwater đã gọi ông Johnson là hèn yếu và hứa rằng nếu đắc cử ông ta sẽ sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân để chấm dứt chiến tranh. Giờ đây tới phiên Johnson cảm thấy áp lực đó.
Ông Johnson bèn ra lệnh cho Ngũ Giác Ðài điều nghiên lợi hại việc Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân tại Việt Nam. Trong một tập tài liệu của CIA (bạch hoá năm 2005), các chuyên gia Bộ Quốc Phòng đã phân tích kỹ lưỡng mọi góc cạnh của vấn đề để tiên đoán hậu quả và phản ứng từ khối Tự Do cũng như khối Cộng Sản. Họ kết luận rằng dùng vũ khí nguyên tử sẽ có lợi cũng như có hại. Họ khuyến cáo rằng đa số các nước trong thế giới Tự Do sẽ tẩy chay nước Mỹ; Nhật sẽ cắt giảm liên hệ; những nước như Pakistan sẽ lấy cớ đó để phát triển vũ khí nguyên tử v.v. Liên Sô không giúp vũ khí nguyên tử cho Trung Quốc; Trung Quốc có thể sẽ phải chùn chân; Bắc Việt sẽ lùi bước, thậm chí có thể bỏ cuộc… Hoa Kỳ không dùng đến vũ khí nguyên tử, rất có thể Mỹ sẽ thua ở Việt Nam, đưa đến những hậu quả ngoài phạm vi bản nghiên cứu.

Và như ta biết, Tổng thống Johnson đã quyết định không đá trái Football vào năm 66. Hai năm sau, cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân xảy ra. Ông Johnson, quá mệt mỏi với cuộc chiến, quyết định không tái tranh cử. Richard Nixon lên kế vị. Ông Bruce Blair tiết lộ dưới thời Nixon, Ngoại trưởng Kissinger đã phải âm thầm siết chặt kế hoạch “đá banh” vì sợ ông Nixon “nổi hứng bất tử”, nhất là vào mùa tranh cử 1972 khi chiến cuộc leo thang và phong trào phản chiến đang lên cao điểm.
Nhưng ông Blair nói cho dù hệ thống kiểm soát trái Football có chặt chẽ cách mấy chăng nữa, ông e chẳng chóng thì chày cũng sẽ xảy ra biến cố. Bởi lẽ, những người được giao trọng trách bảo vệ trái Football cũng chỉ là con người. Ðó là chưa kể nhiều nước khác cũng có vũ khí hạt nhân – như Nga, Tàu, Do Thái, Ấn Ðộ, Pakistan, Iran v.v. So với Hoa Kỳ thì các chế độ kia còn đáng lo hơn nhiều (ngoại trừ Do Thái vì luật pháp bắt buộc họ chỉ được dùng vũ khí nguyên tử nếu Liên Hiệp Quốc cho phép).
Và như mọi người đều biết, quốc gia đáng ngại nhất hiện nay không ai khác hơn Bắc Hàn. Cho nên trong chuyến công du Á Châu vừa rồi của TT. Trump, người ta theo dõi rất sát không những lời ăn tiếng nói của Tổng thống Hoa Kỳ mà còn quan sát kỹ đường đi nước bước của vị sĩ quan xách trái Football.
IB