Menu Close

Vụ hot girl Thanh Hóa: “Nâng đỡ không trong sáng” hay “hối lộ tình dục”?

Vụ án 'không trong sáng" (Từ Dân Luận)
Vụ án ‘không trong sáng” (Từ Dân Luận)

Tiếng Việt vốn phong phú, đa dạng, từ ngữ đa nghĩa, biến hoá và ảo diệu vô cùng. Thế
nên mới nói: “phong ba bão táp, không bằng ngữ pháp Việt Nam”, “nói xuôi cũng được,
nói ngược cũng xong”, “nói vậy mà không phải vậy”… Trong lịch sử phát triển, tiếng
Việt luôn được bổ sung những từ, cụm từ mới. Mới đây, cụ thể là vào ngày 16/12, kho
từ điển tiếng Việt lại được bổ sung cụm từ “nâng đỡ không trong sáng”, và đương
nhiên trái nghĩa với nó là “nâng đỡ trong sáng”.

Nguồn gốc của từ “nâng đỡ không trong sáng” xuất hiện trong kết luận của Uỷ ban
Kiểm tra trung ương về các vi phạm, khuyết điểm của ông Ngô Văn Tuấn – Phó chủ
tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Nguyên văn như sau:

Với trách nhiệm là giám đốc Sở Xây dựng, bí thư Đảng ủy cơ quan, ông đã ưu ái, nâng
đỡ không trong sáng đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh trong việc ra các quyết định về
công tác cán bộ vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước.

Đó là tiếp nhận, điều động Trần Vũ Quỳnh Anh từ nhân viên hợp đồng ở đơn vị sự
nghiệp về làm công chức chuyên môn; trong một thời gian rất ngắn bổ nhiệm làm phó
trưởng phòng, trưởng phòng, đề nghị quy hoạch chức danh phó giám đốc sở; việc kết
nạp Đảng, tham gia Đảng ủy Sở Xây dựng.

12 năm học phổ thông, 4 năm học đại học, gần 20 năm đi làm đây là lần đầu tiên tôi
nghe từ “nâng đỡ không trong sáng” và tôi chắc sẽ có rất nhiều người như tôi. Phải cắt
nghĩa như thế nào để hiểu đúng cụm từ “nâng đỡ không không sáng” đây. Theo tôi thì
đơn giản thế này: Khi bạn nâng đỡ một người nam hoặc nữ (có thể bị ngã, đi không
vững, đứng không chắc) tay hoặc bộ phận nào đó của bạn đụng vào phần nhạy cảm
của người đó thì gọi là “nâng đỡ không trong sáng” hoặc là bạn nâng đỡ người khác
với mục đích xấu hay âm mưu gì đó.

Trong trường hợp ông Ngô Văn Tuấn nâng đỡ cô Trần Vũ Quỳnh Anh có cũng được
hiểu như thế không?

Hiểu rộng ra, cách gọi này không phản ánh đúng về bản chất sự việc, chỉ là sự đánh
tráo khái niệm để giảm nhẹ tội (nếu có). Gọi đúng phải là tội “hối lộ tình dục”- chuyện
trao đổi “tình – quyền” thời nào chẳng có, nhất ở cái cơ chế “xin cho” thì đó là chuyện
thường ở phố huyện. Hiện nay, hành vi lãnh đạo nam (cũng có thể là nữ) ép buộc nhân
viên cấp dưới “hối lộ tình dục” để được đề bạt, ưu ái, ban phát quyền lợi cũng không
phải là chuyện hiếm, báo chí đã phản ánh nhiều. Đây là sự suy thoái đạo đức, hủ hóa
quan hệ bất chính chứ không thể gọi là "nâng đỡ" – một khái niệm dành cho sự giúp đỡ, dìu dắt, kèm cặp với ý nghĩa tích cực đầy tính nhân văn. Cho nên yêu cầu UB Kiểm tra phải gọi đúng tội trong trường hợp này để tránh gây hiểu nhầm.

Nếu cô Trần Vũ Quỳnh Anh thuộc diện con ông cháu cha, họ hàng bà con nhà ông
Tuấn hoặc có tài năng xuất chúng thì vấn đề được hiểu theo khía cạnh khác. Đằng này
cô ta xuất thân bình thường, năng lực không có gì là nổi trội vậy mà chỉ trong một thời
gian ngắn (2008 đến 2015) từ một nhân viên hợp đồng (tạp vụ văn phòng) được bổ
nhiệm làm Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Sở xây dựng Thanh
Hoá) và được quy hoạch phó giám đốc Sở này. Đó là chưa kể trong thời gian đó cô ta
còn vừa đi học (thạc sĩ, cao cấp lý luận chính trị), vừa sinh con (2013-2015). Đúng là
chuyện xưa nay hiếm.

Những sai phạm đó là quá rõ ràng, ai cũng biết. Thậm chí còn biết nhiều cái khuất tất
hơn mà kết luận của UBKT trung ương chưa chỉ ra, đó là:

Khối tài sản khủng của cô Trần Vũ Quỳnh Anh do đâu mà có, tham nhũng hay ai cho,
tặng. Nếu tham nhũng thì từ nguồn nào, còn được cho tặng thì người cho tặng đó là ai
? Nên nhớ đây là khối tài sản rất lớn "khủng", không thể từ trên trời rơi xuống (có thể chỉ là phần nổi).

Một căn biệt thự lớn 3 mặt tiền tại khu đô thị bắc đại lộ Lê Lợi (khu đô thị Bình Minh),
P.Đông Hương, TP.Thanh Hóa (đã chuyển nhượng cho mẹ ruột); 2 căn nhà liền kề ở
Thanh Trì – Hà Nội (trị giá trên 8,7 tỷ đồng); 1 biệt thự cao cấp tại Khu du lịch FLC Sầm
Sơn với diện tích 250m2; 1 căn nhà 150m2 phố Triệu Quốc Đạt; Quần thể sân tennis
cho thuê tại khu vực hồ Đồng Chiệc, TP Thanh Hóa; 1 căn biệt thự tại quận Thanh
Xuân, Hà Nội; 3 xe ô tô dòng cao cấp trong đó có 2 siêu xe Cadilac và Mercedes trị giá
cả chục tỷ đồng. Trong khi khai thu nhập chỉ khoảng 60 triệu/tháng, gia đình không mấy
khá giả. Hiện nay cô ta đã ra nước ngoài sinh sống.

Ai chống lưng cho ông Tuấn (khi làm Giám đốc sở) để ông ta ngang nhiên lũng đoạn cả
bộ máy Sở xây dựng Thanh Hoá? Tôi không tin những việc làm của ông Tuấn có thể
qua được tai mắt của nhiều lãnh đạo ngang hoặc cao hơn ông ta ở Thanh hoá thậm chí
là lãnh đạo Trung ương. Và hơn nữa, một việc bầy nhầy như thế mà cả tập thể cán bộ
Sở xây dựng Thanh Hoá im re, cả chính quyền xứ thanh im lặng thì đúng là không còn
gì để nói. Không lẽ tất cả mù hết, điếc hết, câm hết.

Nói thẳng, nếu không có sự bao che, thông đồng, chỉ đạo từ cấp trên và sự im lặng của
cấp dưới thì một Giám đốc Sở như ông Tuấn không thể một tay che trời (xứ thanh)
được.

Chúng ta phải nói thẳng ra thế này, yêu cầu UB kiểm tra Trung ương làm rỏ việc ông
Tuấn nâng đỡ cô Trần Vũ Quỳnh Anh không trong sáng chỗ nào, tại sao lại có sự ưu ái
đó và có ai nâng đỡ cùng không, cũng như nguồn gốc tài sản của cô ta (lời đề nghị
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng). Và hơn nữa, vấn đề tin đồn cô Trần Vũ Quỳnh Anh là vợ bé
và có con với bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến cũng phải làm rõ thực hư. Mọi
vấn đề phải được làm rõ, xử đúng người đúng tội tránh việc “Lê Lai cứu chúa”. Còn
không nếu cứ úp mở, bao che, giảm nhẹ tội như trên thì chỉ làm dân chúng thêm nghi
ngờ, bất bình và mất niềm tin vào công cuộc chống tham nhũng.

Từ Dân Luận, tác gải Định An