
Sau nhiều lần lỡ hẹn với Nha Trang, mùa Đông này chúng tôi tìm về với thành phố thùy dương cát trắng đáng yêu, hiền hòa trong tâm khảm của những người con xa xứ được hội Nha Trang -Khánh Hòa tái dựng lại trên sân khấu đêm văn nghệ và dạ vũ tại Enchanted Night Hall, một nơi khá quen thuộc với đồng hương Việt Nam trong những năm gần đây.
Đông về nhớ biển mênh mang
Làm sao quên được Nha Trang Khánh Hòa
Hai câu thơ được in trên poster của Hội, có lẽ làm cho nhiều người xao xuyến khi nhớ về thành phố xinh đẹp này. Đó là nói về Nha Trang ngày xưa, tuy đang chịu sự tàn phá của cuộc chiến tranh xâm lược nhưng sự thơ mộng nơi đây vẫn làm cho ai đặt chân đến cũng cảm nhận được sự hiền hòa, bình an mà biển và thành phố này mang lại. Đó là khi mà biển Nha Trang và các bờ biển khác tại Việt Nam chưa bị đô thị hóa một cách cẩu thả và khai thác vô tội vạ; là khi mà khách du lịch Nga, Tàu chưa được nhà cầm quyền ưu ái tràn vào để tàn phá một Nha Trang ngây thơ và vô tội.

Sau lời chào mừng đến những người tham dự “Thưa tất cả quý vị, trong hội trường này, tối hôm nay với những ánh mắt nhìn nhau, những nụ cười cùng cái bắt tay chào hỏi thân tình, tôi nghĩ quý vị không cảm thấy lạnh nữa mà là không khí ấm áp mùa đông để chuẩn bị chào đón mùa Xuân mới. Trong tinh thần đó chúng tôi xin hân hoan chào đón quý vị…”


“Quý vị nào ở đây từng ở Khành Hòa – Nha Trang chúng ta sẽ không bao giờ quên Nha Trang là thành phố tiêu biểu cho tỉnh Khánh Hòa, nơi có những sự kiện lịch sử quan trọng mà tôi xin phép được nhắc lại tối hôm nay. Nha Trang đón nhận rất đông những người di cư năm 1954 thời cố tổng thống Ngô Đình Diệm. Và những người Bắc di cư này đã làm thay đổi cục diện kinh tế, đời sống… của Nha Trang, đó là đặc điểm thứ nhất. Thứ hai là năm 1965 khi đồng minh Hoa Kỳ đặt chân đến khiến cho thành phố chúng ta vốn êm đềm và hiền hòa trở nên sôi nổi với những chương trình giải trí dọc theo bờ biển và trên các đường phố chính. Sau đó là sự kiện đau thương của dân tộc khi Nha Trang mất vào tay Cộng Sản những ngày đầu tháng Tư năm 1975. Sự kiện này dẫn đến việc làn sóng người từ miền Bắc tràn vào, việc đầu tiên là vơ vét tất cả những gì họ có thể, khiến cho con đường huyết mạch Nha Trang, nơi mà trước đây dập dìu tài tử giai nhân, nam thanh nữ tú, những sinh viên của các quân trường không quân, hải quân, của Đồng Đế… đã trở thành quá khứ khi người cộng sản có mặt, họ luôn chứng minh với lịch sử rằng câu nói không bao giờ sai là nơi nào việt cộng đến thì thành phố sống sẽ biến thành thành phố chết; trả lời phỏng vấn về cảm nhận của mình khi đi lại trên con đường Độc Lập – Nha Trang sau tháng Tư đen, có người đã nói rằng “tôi đi không thấy phố, không thấy phường. Tôi chỉ thấy mưa sa trên bầu trời đỏ” thật thấm thía vô cùng, thưa quý vị. Lá cờ máu cộng sản đã nhuộm đỏ cả bầu trời xanh thanh bình của quê hương. Không dừng lại ở đó, ngày hôm nay người Tàu đã có mặt tại Đà Nẵng, Nha Trang và rồi đây Cần Thơ và nhiều thành phố khác nữa. Cộng sản sau khi đã chiếm Nha Trang, bây giờ họ nhường chỗ, bắt cầu cho người Tàu đến và hiện diện trên khắp các miền đất nước. Con đường thái hóa, nô lệ Trung Cộng đã phủ một màu đen u ám lên toàn thể dân tộc chúng ta.


“Kính thưa quý vị, người ta nói “khi ra đi mang theo quê hương”, điều đó đúng, vì quê hương lúc nào cũng nặng trĩu trong lòng của mỗi chúng ta. Tối hôm nay với chủ đề Mùa Đông và Biển Nhớ có lẽ là một chủ đề thấm thía nhất trong cuộc đời của người tỵ nạn”.
Bằng những lời tâm tình làm xúc động lòng người nặng lòng với quê hương ở trên, ông Phạm Ngọc Cửu đã khai mạc chương trình đêm dạ vũ và ca nhạc do hội Khánh Hòa – Nha Trang tổ chức.



MC Kim Tân với bài hát Ngày Về Nha Trang trước khi giới thiệu đến khán giả nhạc phẩm Biển Gọi Ta Về, được anh giới thiệu như sau “42 năm trôi qua nhưng chúng ta vẫn mong một ngày về thăm lại quê hương nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Để sống lại những kỷ niệm êm đềm của một thời thơ ấu, của tuổi học sinh, của một thời để yêu, để nghe lại tiếng sóng vỗ, để nhìn lại những cánh chim hải âu bay trên những rặng phi lao bên bờ cát trắng. Với những cảm xúc trong ước mơ của ngày trở về, nhà thơ Thương Anh đã sáng tác bài thơ này và được nhạc sĩ Hoàng Cầm phổ nhạc, nhạc sĩ Cao Ngọc Dung hòa âm đặc biệt cho chương trình Khánh Hòa Nha Trang…” để bắt đầu cho những tiếc mục văn nghệ mang đầy màu sắc kế tiếp, đưa quý đồng hương tham dự đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Các hoạt cảnh về làng quê Việt Nam của một thời để nhớ được dàn dựng rất linh hoạt và dễ thương, mọi “diễn viên” đều hóa thân rất vui vẻ và tự nhiên như ở đời thường, ở đó mọi người đều thấy được sự thanh bình và mộc mạc của xóm làng xưa cũ qua phần trình diễn của toàn ban văn nghệ của Hội qua những hình ảnh và âm thanh của tiếng giã gạo ngoài sân, tiếng rao hàng của cô quẩy thúng, những cô gái mặc áo bà ba với nón lá và cái sàng gạo trên tay sao mà đáng yêu và đẹp đến nao lòng. Những bài hát ngợi ca quê hương đất nước, những tình khúc nổi tiếng về Nha Trang được các nam nữ ca sĩ khách mời và các tài năng trong Hội thay nhau đưa mọi người trở lại những khung trời đầy kỷ niệm. Màn múa Song Đao độc đáo của con cháu bà Trưng, bà Triệu với 4 nữ tướng của ban vũ Hồn Việt với phần biên soạn và đạo diễn của chị Châu Hà cũng dành được những tràng pháo tay cổ vũ. Và còn rất nhiều những tiếc mục thật hay mà đêm nay những người con đất Mẹ, dù ở chốn nào, cũng thấy hình ảnh của Nha Trang cũng là hình bóng quê nhà, nên đã hát và diễn hết lòng.


Đặc biệt nhất là trích đoạn cải lương Tâm Sự Loài Chim Biển của cố soạn giả Yên Lang và Nguyên Thảo, được dàn dựng công phu bởi một dàn diễn viên hùng hậu của ban cổ nhạc Orlando do anh Đình Trọng dày công gây dựng. Trong khi cải lương ngay tại cái nôi miền Nam đang ngày càng mai một, ít ai được nghe lại những giọng ca, tiếng hát một thời đã làm mưa làm gió tại các rạp thủ đô Sài Gòn và các vùng quê sông nước; vậy mà trên sân khấu đêm nay trích đoạn của vở cải lương vô cùng xúc động về tình yêu qua sự diễn xuất của các nghệ sĩ Ngọc Mai, Hồng Ngọc, Thanh Thúy, Minh Được, Văn Lộc, Đông Nhựt, Đình Trọng qua tiếng đàn mùi mẫn của hai nhạc sĩ Hoàng Quì và Lê Sĩ đã làm sống lại hình ảnh của Áo Vũ Cơ Hàn mà những ai yêu mến môn nghệ thuật này, một thời, từng thổn thức. Bởi vậy, không lấy làm lạ khi mọi người tranh nhau quay phim, chụp hình trong suốt vở diễn trích đoạn rất đắt giá này.




Một đêm ca nhạc và dạ vũ quả không phụ lòng người tham dự. Chúng tôi ra về mà bên tai vẫn còn văng vẳng lời của bài tình ca Nha Trang Ngày Về, như lời tiếc thương của những người con xa xứ đang đánh mất người tình của mình, có tên gọi NHA TRANG.






























Ngọc Lê – Cẩm Tú