Menu Close

Con lai tìm về nguồn cội

Thật khó nói hết tâm trạng, cảm xúc của những người con mang hai dòng máu, một hệ lụy chiến tranh có sự tham chiến của những người lính từ các nước xa xôi. Họ đến theo lệnh và họ về nước cũng theo lệnh. Có điều, không phải tất cả đều “nợ tang bồng trong trắng vỗ tay reo”. Những mối tình nẩy nở sâu đậm; những phút giây ngắn ngủi mua vui;… lắm khi để lại những hậu quả mà người ở lại phải gánh chịu, đương đầu.

con-lai-tim-ve-nguon-coi5
Ông Matthew Cresta, cha của Nô, đón anh tại sân bay.

Những người mẹ sau khi lỡ mang thai với người nước ngoài nhưng không thể có một đám cưới và theo chồng về xứ lạ. Họ ở lại chịu đắng cay, khinh miệt và dè bỉu của gia đình, họ hàng và xã hội. Nhiều người trong số đó đã chọn cách giải quyết tệ hại nhất là sinh con rồi gửi vào trại mồ côi. Có người sinh con, gửi cho cha mẹ, rồi bỏ xứ đi biền biệt…

Những đứa con hai dòng máu ấy lớn lên trong nghèo khó. Số phận họ chỉ thực sự thay đổi khi chính phủ Hoa Kỳ chính thức tiếp nhận con lai do binh sĩ của họ tạo ra. Chương trình này như một phép màu, để những đứa con lai hẩm hiu ngày hôm qua có được một tương lai hứa hẹn…

Và, cũng từ đó, nhiều người bắt đầu nghĩ đến việc tìm cha cùng họ hàng bên nội của mình… 

con-lai-tim-ve-nguon-coi4
Hai cha con trên bãi biển Florida.

Tuổi thơ với những gam màu ảm đạm

No Lu, tên tiếng Việt đầy đủ là Lữ Văn Nô, so ra, còn thua thiệt hơn nhiều bạn con lai khác. Không biết mặt cha, đã đành, anh chỉ biết mặt mẹ khi đã 4-5 tuổi. Mẹ anh gặp ba anh ở Pleiku. Khi có thai Nô, mẹ anh về lại quê nhà ở ấp Trà Khứa, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu. Sinh nở xong, hai tháng sau, giao con cho mẹ, bà tiếp tục đi làm ăn. Hơn 4 năm sau, bà trở về quê thăm mẹ và dẫn con đi làm khai sinh rồi lại ra đi. Nhà nghèo, ngoại phải làm mọi việc để hai bà cháu có thể sống. Nô lớn lên trong vòng tay ngoại. Năm 1974. Nô gặp mẹ lần thứ 2 khi bà về quê từ giã mẹ và Nô để theo người chồng sau về Mỹ. Lúc đó, Nô mới được 6-7 tuổi. Tuy cảnh nhà nghèo khó nhưng bà ngoại cũng cố gắng cho Nô đến trường. Sau năm 1975, cảnh nhà càng sa sút, ngoại mỗi ngày một yếu cộng thêm sự kỳ thị, phân biệt của bạn bè, xã hội, Nô bỏ học giữa chừng.

Mặc dù còn nhỏ, nhưng Nô chịu khó làm lụng để phụ với ngoại. Bất kỳ ai kêu làm gì, Nô cũng nhận. Tiền kiếm được, Nô đưa hết cho ngoại. Hai bà cháu mắm muối sống qua ngày. Lớn thêm một chút nữa, Nô được bà dì thứ 5, em của bà ngoại đưa về nhà để làm bún. Công việc tương đối ổn định nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức vừa đủ ăn cho hai bà cháu. 

con-lai-tim-ve-nguon-coi3
Ông M. Cresta đang chỉ cho Nô xem album gia đình.

Cơ hội đổi đời và tìm cha

Trong thời gian này, tại Sài Gòn và một số tỉnh thành lớn, sau khi có chính sách cho trẻ em lai được định cư tại Mỹ của chính phủ Hoa Kỳ, nhiều gia đình giàu có bắt đầu truy tìm con lai để “mua”. Họ đã đến vùng quê xa xôi của Nô, đặt vấn đề sẽ đưa cho bà ngoại Nô 3 cây vàng với điều kiện Nô làm con nuôi của họ. Số vàng ấy là tài sản lớn mà cả đời hai bà cháu không thể có được. Tuy nhiên, hai bà cháu từ chối vì không muốn xa nhau.

Vài năm sau, ngoại và bà dì cưới vợ cho Nô. Có gia đình rồi nhưng cuộc sống của Nô vẫn chẳng thay đổi được mấy. Lam lũ vẫn hoàn lam lũ. Cuối cùng, Nô quyết định ra đi để mong có cơ hội đổi đời và nhất là có thể tìm được người cha của mình. Bà ngoại Nô cũng đồng tình. Thế là vợ chồng Nô nhờ cậy gia đình vợ làm giúp giấy tờ xin xuất cảnh. Gần một năm sau, tháng 11 năm 1993, vợ chồng Nô đến Mỹ. Trình độ văn hóa thấp, tiếng Anh học lõm bõm trong thời gian ở Philippines là những khó khăn trong thời gian đầu ở vùng đất mới. Cả hai vợ chồng ra sức làm việc để có thể tồn tại và lo cho bà ngoại ở quê nhà. Cuộc sống dần dần ổn định. Trong thời gian này, Nô gặp lại mẹ và anh hỏi về ba ruột của mình. Mẹ anh lắc đầu: “Không biết và cũng không nhớ một chút gì, kể cả cái tên”. Nô không oán trách mẹ nhưng trong lòng anh, rất buồn. Mẹ anh còn nói, có thể cha anh đã chết hay mất tích vì sau đó, bà cũng không có dịp gặp lại. Tuy nhiên, trong thâm tâm anh có một niềm tin mãnh liệt dù không thể giải thích được là cha anh vẫn còn sống và ở đâu đó trên đất Mỹ này, ông cũng đang ngóng chờ tin anh. Vì thế, anh luôn nuôi ý định đi tìm cha mình. Anh tìm hiểu khắp nơi nhưng do vốn tiếng Anh quá ít, anh không thể tìm đúng địa chỉ cần thiết. 

con-lai-tim-ve-nguon-coi2
Từ trái qua: Ông Fenn (bác ruột Nô), ba Nô, Nô và ông Tom (chú ruột Nô)

Tiếng gọi từ trái tim

Cuộc sống ở Mỹ luôn cuốn người theo, Nô chuyển về Oklahoma sinh sống vì nơi đây dễ kiếm việc làm, giá cả không đắt đỏ. Rồi bà ngoại anh qua đời để lại cho anh nỗi đau xót không nguôi. Với anh, ngoại vừa là bà, vừa là mẹ và vừa là cha đã chăm bẵm nuôi nấng anh từ lúc anh còn đỏ hỏn. Ngoại mất đi cũng đồng nghĩa với chiếc cầu nối Nô với quê ngoại đã gãy nhịp. Ðồng thời lại thôi thúc anh phải đi tìm cha càng sớm càng tốt. Anh không muốn lặp lại trường hợp như vài người bạn ở trong cộng đồng con lai của anh: tìm được cha thì cha cũng đã không còn nữa. Quả thật, tính từ lúc người Mỹ bắt đầu rút khỏi Việt Nam đến nay đã gần nửa thế kỷ, những người lính Mỹ năm xưa cũng đang ở tuổi “thất thập”, và việc sinh tử không thể nói trước được.

Thế là, sau giờ làm việc, Nô dồn tâm sức cho việc tìm cha. Với anh, đã là người thì phải biết nguồn cội của mình. Gặp được cha là điều đáng quý. Nếu không chí ít, cũng biết được dòng họ bên nội. Rồi sau đó, diễn biến ra sao cũng thỏa lòng. May mắn, Nô gặp được một người bạn cùng cảnh ngộ với mình. Ðó là anh Trần Việt Mỹ. Anh Mỹ cũng có chung tâm trạng như Nô và anh đã tìm được cha mình sau một thời gian khá dài dò hỏi tốn công, tốn của. Chính anh Trần Việt Mỹ, bằng kinh nghiệm và đồng cảm với Nô, đã hướng dẫn, giúp đỡ Nô từng chút một. 

con-lai-tim-ve-nguon-coi1
Nụ cười rạng rỡ trên gương mặt các thành viên trong gia đình bên nội Nô.

Cuộc đoàn tụ rưng rưng nước mắt và đầy tiếng cười.

Cuối cùng, lòng hiếu thảo đã được đền đáp xứng đáng. Nô tìm được cha và cả gia đình họ nội. Nô cho biết, kể từ khi nhận được thông tin từ Ancestry DNA, anh đã trằn trọc bao đêm liền. Thông tin ban đầu là những tín hiệu tốt nhưng liệu sau đó, sẽ ra sao? Những câu hỏi cứ nhảy múa trong đầu: Cha mình là người như thế nào? Ông có bao giờ nhớ đến giọt máu của mình ở một nơi xa lạ không? Cuộc sống của ông bây giờ ra sao? Việc gặp lại mình có đe dọa hạnh phúc đang có của ông không?…

Những lá thư qua lại khiến Nô càng vững lòng hơn. Và, anh chọn đúng Lễ Tạ Ơn 2017, dịp đoàn tụ gia đình của người Mỹ để làm cuộc hành trình về họ nội. Ðón anh tại sân bay Orlando (Florida), hai cha con nhanh chóng nhận ra nhau. Một phần do có hình ảnh từ trước. Nhưng chính là gương mặt Nô giống hệt bên nội. Hai cha con rưng rưng nước mắt. Thế là sau 43 năm, họ đã tìm được nhau. Cuộc trùng phùng cứ tưởng trong mơ. Thế là từ nay, Nô không còn là đứa con hai dòng máu không quê nội, không ai thừa nhận nữa. Anh đã có một mái ấm – dù chưa về ở chung một nhà – như anh kể: “Ba tôi nói, ông không biết làm thế nào bù đắp được nỗi bất hạnh suốt mấy chục năm qua của tôi…”.

Nô còn gặp được anh và em trai của cha và 3 đứa em cùng cha khác mẹ của mình. Tất cả mừng đón Nô như một người con, người anh thân thiết. Ðiều đó, càng khiến Nô vừa xúc động vừa ngập tràn niềm vui. 

con-lai-tim-ve-nguon-coi
Niềm vui sum họp gia đình.

Thay lời kết

Cuối năm hay đầu năm mới thường là dịp đoàn tụ gia đình. Ở Mỹ hay Việt Nam cũng có chung phong tục này. Sau một năm rời xa gia đình, tất tả làm ăn ai cũng mong có dịp về thăm quê, thăm gia đình. Tập quán tốt đẹp ấy được duy trì chứng tỏ gia đình luôn là điểm dựa của bất kỳ ai. Cuộc đoàn tụ ấy càng quý giá hơn khi có một thành viên thất lạc từ lâu trở về tìm nguồn cội. Tôi tin rằng, không chỉ riêng Lữ Văn Nô vui mừng gặp được cha và họ hàng bên nội mà niềm vui ấy nhân đôi đối với cha và gia đình bên nội của Nô.

Tôi cũng rất tiếc và buồn cho những bạn con lai không tìm hoặc tìm chưa ra nguồn cội của mình. Tôi cũng rất tiếc và buồn cho những người chối bỏ máu mủ của mình, chối bỏ anh chị em cùng cha khác mẹ cho dù là bất kỳ lý do nào. “Chim có tổ, người có tông”, đạo lý ấy đâu chỉ của mỗi một dân tộc Việt mà là của tất cả loài người.

LVB OKLAHOMA CITY